Tuesday, September 20, 2016

MỘT VỞ DIỄN TỒI CÓ TÊN "PHIÊN TÒA CẤN THỊ THÊU" (Điền Phương Thảo - TMCNN)




Điền Phương Thảo  -   TMCNN
Đăng ngày 21.09.2016 - 6:14am

GNsP – Một vở diễn tồi đã được trình bày tại sân khấu Tòa án nhân dân quận Đống Đa với tựa đề “Phiên tòa xét xử bà Cấn Thị Thêu”. Kết thúc vở diễn, vai nữ chính là dân oan Cấn Thị Thêu đã bị tuyên án phạt 20 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Dân oan Cấn Thị Thêu

Cuộc đấu tranh chống cướp đất của 256 hộ nông dân Dương Nội diễn ra từ 9 năm qua mà “bà Cấn Thị Thêu là linh hồn trong cuộc đấu tranh”, chính là nguyên nhân khiến cho sân khấu Tòa án nhân dân quận Đống Đa sáng đèn vào ngày 20-09 vừa qua.

Nói là vở diễn vì “tội danh cùng mức hình phạt đã được định hướng từ trước” (1) , các nhân vật có trách nhiệm gìn giữ cán cân công lý chỉ cần diễn trung thành với kịch bản là đủ.

Và nói nó tồi là vì cho dù là những người cầm cân nảy mực theo kịch bản đi nữa thì đó cũng là một vở kịch “xem được” theo cái nghĩa không quá coi thường khán giả.

Khi ra trước vành móng ngựa, dù được quyền tự bào chữa nhưng trong vị trí là một bị cáo thì tiếng nói của người bị xét xử vẫn không được HĐXX hay dư luận đánh giá cao. Vì thế trong bất cứ một phiên tòa nào, để giữ tính công bằng khi xét xử, luật sư chính là người có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Thế nhưng theo quan điểm của ông Phạm Hồng Hải – Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội thì “vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự chưa được coi trọng đúng mức. Vì thế, trong nhiều phiên tòa, sự hiện diện của luật sư chỉ mang tính hình thức… Bản bào chữa cùng các đề nghị của luật sư ít khi được HĐXX xem xét. Việc tòa án xét xử dựa trên hồ sơ với kết luận của cơ quan điều tra và bản cáo trạng của VKS nên đã gây sự phiến diện” (1)

Khi cái mệnh đề “Đất đai là sở hữu toàn dân” là câu thần chú để những kẻ “cướp ngày” niệm chú biến đất của dân thành tiền của quan, thì ai cũng có thể đoán được kết quả của phiên tòa , bởi lẽ dự án khu đô thị mới Dương Nội mang lại quá nhiều lợi lộc, tiền của cho những kẻ có quyền được cướp đất .

Vì thế, cho dù sự hiện diện của luật sư chỉ là “một thứ “trang điểm thêm đẹp” trong quá trình xét xử” đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được việc “cả 4 luật sư : Luật sư Võ An Đôn, luật sư Nguyễn Khả Thành, Hà Huy Sơn và luật sư Lê Văn Luân tham gia bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu đều chung nhận định bị cáo không có hành vi gây rối trật tự công cộng, đề nghị Tòa tuyên bố bị cáo vô tội ”, đều bị Tòa xem là “không có căn cứ chấp nhận”.(2)

Theo quy định tại Điều 3 Luật luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), chức năng xã hội của luật sư là: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”(3) . Vì thế việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa trắng trợn phủ nhận kết luật của cả 4 vị luật sư cùng hiện diện chẳng khác nào tự làm ra luật rồi ngồi xổm trên luật mà ị, là bản chất rất đặc trưng luật pháp tại Việt Nam hiện nay .

Và như thế, các Tòa Án Nhân Dân tại Việt Nam tựa những sân khấu mà ở đó thân phận của những bị cáo được quyết định chẳng khác nào những nhân vật trong một kịch bản. Điều đáng nói là, các kịch bản đều được viết bởi những kịch tác gia mà đối với họ lương tâm chỉ là món hàng xa xỉ.

Điền Phương Thảo






No comments:

Post a Comment