Tuesday, September 20, 2016

GỬI CÁC BẠN SINH VIÊN NGOẠI THƯƠNG, NGOẠI GIAO, KINH TẾ (Đoan Trang)




Tuesday, September 20, 2016

Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) nằm ở ngõ 157B phố Chùa Láng, chỉ cách Đại học Ngoại thương (trường cũ của mình) và Học viện Quan hệ Quốc tế tức Đại học Ngoại giao khoảng 100-150 mét.

Phiên tòa xử bà Cấn Thị Thêu – thủ lĩnh dân oan Dương Nội – hôm nay kết thúc vào khoảng 12h trưa, đúng lúc sinh viên các trường Ngoại thương, Ngoại giao và học sinh một số trường tiểu học tan lớp. Rất đông bạn trẻ đi ngang qua, xen giữa hàng chục dân oan đang đứng, ngồi và cả nằm trên vỉa hè ngoài cổng tòa.

Mình để ý, các bạn đều cắm cúi đi, hoặc liếc nhìn một cái trước khi hối hả bỏ đi. Chẳng một bạn trẻ nào “dám” bước chân vào giữa đám đông dân oan, hay hỏi các bác lấy một câu: “Có chuyện gì thế ạ?”.

Tất nhiên, mình cũng thấy các anh, các chú dân phòng đứng ngồi lố nhố ở đó và sẵn sàng đẩy tay vào lưng các em các cháu, nhất là học sinh, để nhắc: “Đi đi, đi đi. Đứng đây làm gì?”. Nhưng nói chung, hành động đi rất nhanh vẫn là chủ ý của sinh viên, chứ không phải do họ bị dân phòng hay công an xua đuổi.

* * *

Tuổi trẻ mà, các bạn có thể có những mối quan tâm, những sở thích, những niềm đam mê khác. Mình hiểu và hoàn toàn tôn trọng.

Tuy nhiên, cũng từng là một sinh viên của ĐH Ngoại thương Hà Nội (K35, chuyên ngành kinh tế đối ngoại), mình muốn chia sẻ với các bạn điều này: Mình tin chắc, bất kỳ sinh viên Ngoại thương, Ngoại giao nào trong số các bạn dừng lại, hỏi han về điều gì đang diễn ra, tìm hiểu về phiên tòa, về vấn nạn dân oan mất đất trong công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ… sẽ phải là một sinh viên có suy nghĩ sâu sắc và học giỏi (dù điểm số có thể cao hoặc không cao lắm).

Bạn không thể là một sinh viên kinh tế / quan hệ quốc tế giỏi nếu bạn không quan tâm đến chính trị.

Năm 1997, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trương Đình Anh (sinh năm 1970, cựu CEO của FPT Telecom, sinh viên K29 Đại học Kinh tế Quốc dân, người vừa đưa cả gia đình sang Mỹ định cư gần đây) đã nói: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.

Nhiều người chú ý tới phát ngôn đó của ông, riêng mình (khi ấy cũng là sinh viên như các bạn bây giờ) thì quan tâm đến ý này của ông Trương Đình Anh hơn, cũng trong bài phỏng vấn đó, đại khái là: Nếu bạn là một kỹ sư tin học, tất cả những gì bạn cần để thực hiện các ý tưởng chỉ là một chiếc máy tính; còn nếu là một nhà kinh tế, những ý tưởng có thể thay đổi cuộc sống sẽ chỉ thành hiện thực khi bạn có trong tay cả một quốc gia.

Mình để ý tới câu nói ấy, vì nó rất thực tế và vì mình cảm thấy nó có cái gì đó… không ổn. Tại sao một đất nước lại có thể nằm trong tay một thiểu số (cá nhân/ tổ chức), cho dù người đó có thể là nhà kinh tế? Mà trên thực tế thì những người ngồi ghế lãnh đạo ở Việt Nam, chèo lái cả cái nền kinh tế quốc dân này, còn chẳng phải là nhà kinh tế cơ. Họ cũng không có một hội đồng các chuyên gia tư vấn, tham mưu tầm cỡ như Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng (mà giả sử có, chắc gì họ đã nghe).

Nhưng câu nói của ông Trương Đình Anh có phần rất đúng, phải không các bạn? Những lý thuyết kinh tế mà các bạn học được ở trường, chúng có thể hay lắm, nhưng… bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội áp dụng chúng đâu, nếu bạn không được tham gia vào tiến trình chính sách, tiến trình ra quyết định, hay nói đúng hơn, nếu bạn không có quyền tham gia.

“Quyền tham gia” là gì, tham gia như thế nào và làm sao để tham gia, thì đến đây bạn cần tự tìm hiểu rồi. Càng tìm hiểu, bạn sẽ càng thấy nhiều điều đáng nói, đáng bàn, đáng thay đổi ở đất nước này, và tất nhiên, chúng rất thú vị.

Hãy tự hỏi xem sự kiện sáng nay ở Tòa án Nhân dân quận Đống Đa là gì.

Hãy tự hỏi xem tại sao lại có hàng chục nông dân bất mãn trước cổng tòa?

Hãy tự hỏi xem tại sao lại có hàng nghìn nông dân bất mãn trên toàn quốc? Tại sao họ nhất định kêu oan? Không lẽ chỉ là do họ tham lam, "chí phèo" ăn vạ - như bạn sẽ phải nghe một số người gọi là "dư luận viên" nói, trong quá trình bạn tìm hiểu sự thật?

Hãy tự hỏi xem những phiên tòa như thế liệu có tác động tiêu cực gì tới xã hội, tới nền kinh tế, tới cả đất nước, trong ngắn hạn và dài hạn không?

Hãy tự hỏi xem tại sao lại có những phiên tòa như thế? Có cách nào để chúng ít đi hoặc không còn nữa không?

Hãy quan tâm, và hãy hỏi, các bạn trẻ nhé.

Ảnh chỉ có tính minh họa. 
Mình có ảnh của một vài sinh viên "đi ngang qua" đám đông biểu tình, nhưng không đăng.

Posted by Đoan Trang at 10:55 PM 




No comments:

Post a Comment