Thursday, September 29, 2016

GIẤY PHÉP & BIỆT PHỦ VỚI CÁI CHUỒNG GÀ (Văn Quang - Viết từ Sài Gòn)




Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
(VienDongDaily.Com - 24/09/2016)

Chưa có một nơi nào giấy phép lại nhiều như ở VN hiện nay. Có vô số thứ phải xin cấp giấy phép. Giấy phép mẹ giấy phép con, chỉ còn thiếu giấy phép cháu chắc cũng sắp ra đời; giấy phép như lá mùa thu vẫn là chưa đủ, giấy phép rất nghiêm nhưng chưa minh; giấy phép vừa ra đã lạc hậu bất khả thi phải thu hồi; giấy phép có phong bì đi nhanh như sóc, không phong bì chậm như rùa hoặc không cho; giấy phép con đi chậm hơn giấy phép to; giấy phép cho đại gia nhanh hơn giấy phép cho dân… Ôi sao mà đau đầu quá. Dân cứ việc la, cứ việc kiện như kiện củ khoai.

Thời gian này lại rộ lên chuyện người dân bị chính quyền cưỡng chế, bắt ngưng xây dựng dù chỉ là làm cái chuồng gà, trong khi đó đại gia xây biệt phủ to đùng chềnh ềnh giữa phố thì cứ xây chẳng cơ quan nào đụng tới. Chuyện ngược đời này chẳng phải chỉ có ở một nơi heo hút nào đó mà ở hầu hết mọi nơi. Người dân gọi là “thời đại đồ đểu này chuyện gì cũng có thể xảy ra dù là chuyện vô lý nhất thế giới.”

Sỡ dĩ dư luận đang sôi sục bởi một ông được gọi là nhà văn xây cái chuồng gà bị chính quyền ngăn cấm, ông la làng trên báo khiến mọi người bàn tán lung tung, người dân còn đồng tình tố cáo những chuyện lâu nay được “giữ bí mật” nay bị “bật mí.” Đó là những cái biệt phủ to tướng thì không phải xin phép. Xin nói về chuyện làm chuồng gà trước.

 Căn biệt thự tráng lệ của chủ tịch Phạm Hồng Hà tại thành phố Hạ Long.

Làm chuồng gà cũng phải... xin phép
Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (tên thật Hoàng Dương Quý, sống ở Cao Bằng) đang rất phẫn nộ về việc các cơ quan chức năng không trả lời dứt khoát chuồng gà và hàng gạch giữ đất mà ông muốn xây có thuộc diện phải cấp phép hay không?

Trong khi đó, chính quyền nơi đó yêu cầu xây một viên gạch có vữa đã phải xin phép, dẫn đến việc “công trình” bị ngưng trệ đến nay đã gần hai tháng.

Trong thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hoàng Anh, bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Uyên cho biết ngày 13-4, ông xây một hàng gạch cao 25cm, dài 45m để giữ đất khỏi đổ ở thửa đất mà ông có giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Theo ý định ban đầu của ông Uyên, sau khi xây xong tường gạch sẽ làm một cái chuồng gà. Ông Uyên kể: Trong lúc thi công, ông Lê Hồng Hà - chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Phường Sông Bằng, TP Cao Bằng - dẫn cán bộ đến yêu cầu ngừng vì không có giấy phép.

“Tôi có thắc mắc xây một hàng gạch cao 25cm vẫn phải xin phép ư, ông chủ tịch phường cho biết dù là xây chuồng gà, chuồng lợn hay một viên gạch có vữa đều phải xin phép. Tôi mới phải đi xin giấy phép xây một hàng gạch và cái chuồng gà.”

    Một góc biệt phủ của ông Giám Đốc Sở

Trong hồ sơ mà ông Uyên gửi tới các báo có nhiều văn bản của Phòng Quản Lý Đô Thị (QLĐT) TP Cao Bằng và UBND phường Sông Bằng trao đổi về việc có cấp phép cho ông Uyên xây chuồng gà và hàng gạch hay không!

Đến ngày 25-5, Phòng QLĐT có văn bản cho biết: “Quy định hiện hành không nêu rõ, không hướng dẫn cụ thể với loại công trình này. Phòng QLĐT đã trao đổi và đề nghị Sở Giao Thông Vận Tải, Sở Xây Dựng Cao Bằng kiểm tra thực tế hiện trạng và hướng dẫn Phòng QLĐT có cơ sở giải quyết. Trong thời gian chờ đợi đề nghị ông Hoàng Quảng Uyên không tự ý thi công công trình nêu trên.”

Xin xây hàng gạch, chuồng gà: 4 cơ quan giải quyết
Theo ông Uyên, khi gửi đơn đến UBND phường đề nghị cấp phép xây dựng hàng gạch và chuồng gà, ông đã nghĩ không thể nào có chuyện lạ kỳ này.

“Nhưng ông chủ tịch phường lại bút phê vào đơn xin cấp phép của tôi là chuyển Phòng QLĐT xem xét, tạo điều kiện. Phường cũng có văn bản cho rằng căn cứ Luật xây dựng năm 2014 thì công trình của tôi không thuộc diện được miễn cấp phép.
Văn bản cũng nói rằng một cá nhân/tổ chức đặt một viên gạch để xây dựng gắn liền trên đất cũng phải thông báo và xin phép chính quyền địa phương.
Tính từ khi tôi khởi công xây hàng gạch đến nay là gần hai tháng đã có bốn cơ quan nhà nước tham gia giải quyết vụ xây dựng chuồng gà và hàng gạch này.”

Ngày 7-6, Phòng QLĐT TP Cao Bằng có công văn trả lời ông Uyên rằng công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do “không thể hiện rõ vị trí xây dựng trên mặt bằng lô đất, nền đất yếu không bảo đảm cho công trình....”

Ông Uyên kết luận, “Ông chủ tịch P. Sông Bằng bắt tôi phải xin giấy phép khi xây chuồng gà nhưng Phòng QLĐT lại không cấp phép vì không tìm thấy trong các điều luật có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép xây dựng chuồng gà tức là không đủ điều kiện!?.”

Theo tôi, ông Uyên là anh dân đen lại quên cái phong bì thì “không đủ điều kiện xây chuồng gà” là đúng rồi. Ông là nhà văn còn lên tiếng được còn anh dân đen thì tịt ngòi. Nếu ông là con quan hay đại gia thì chẳng ai hoạnh họe, chẳng ai đụng tới dù ông xây cái biệt thự cho bồ nhí. Tôi nêu vài bạn đọc đã bình luận trên báo:

- Bạn Ngọc Hân viết: Nhân dân đóng thuế để nuôi những cán bộ này ư? Xây một hàng rào cao 25 cm, dài 40 m và một cái chuồng gà mà 4 cơ quan giải quyết 2 tháng không xong? Trời ơi là Trời !!! Chuyện có thật vậy không hả Trời ???

- Bạn Đồ... viết: Quái! Tui không biết là mình đang sống ở thời kỳ nào đây? Phong kiến hay đồ đá, đồ đồng, đồ đất, ... (hay đồ đểu)?

- Bạn ký tên Thường Dân viết: “Không còn gì để nói nữa. Các cơ quan công quyền ở VN có lẽ không còn gì để làm, năng lực cũng chỉ giải quyết cái chuồng gà, trại vịt thôi!”

Bạn đọc đã thấy người dân nói gì, tôi không phải bình luận gì thêm.

Trở sang chuyện xây biệt phủ không phép. Vố số chuyện xây biệt phủ, biệt thự không cần phép đã từng xảy ra. Toàn quan to súng ngắn về hưu, hạ cánh an toàn lúc đó mới xây biệt phủ phè phỡn suốt cuộc đời đến đời con đời cháu đã bị phanh phui hoặc chưa bao giờ bị lôi ra ánh sáng. Các quan vẫn không sợ, vẫn tỉnh bơ như không có chuyên gì xảy ra. Bởi các quan đương quyền là “con cháu các cụ cả” nên mới có câu “nhất quan hệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ, bốn đàn em, còn tri thức thì mặc kệ.”
Một thí dụ cụ thể như chuyện lạ ở tỉnh Cao Bằng.

Giám đốc sở xây biệt phủ không phép
Gần đây, dư luận địa phương xôn xao về độ “chịu chơi” của vị giám đốc sở. Biệt phủ này có diện tích hàng ngàn m2 được cho là của một vị giám đốc sở có nhiều hạng mục xây dựng trái phép tại phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).
Nhiều người dân cho rằng, vì “sở thích trồng cây cảnh và chăn nuôi”, ông S. đã thu mua hàng ngàn m2 đất tại số nhà 126 đường Dạ Lê (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) để xây biệt phủ. Hai bên cổng vào được chủ nhân xây dựng, tạo tác thành hai đồi nhỏ, trên phần đất bồi đắp là hai cây gỗ sưa lớn, quý hiếm. Bên phải cổng vào được chủ nhà dựng một căn nhà gỗ ba gian và một cái chòi lớn, nhìn ra hồ.
Cùng với hệ thống kiến trúc bằng gỗ với các đường nét chạm, khắc tinh xảo thì nhiều người đến đây cũng không khỏi ngỡ ngàng trước hệ thống cây xanh, cây cảnh được trưng khắp đường đi, lối lại...
Toàn bộ khuôn viên trang trại với diện tích hàng ngàn m2 là của một vị giám đốc đương nhiệm. Khoảng 3-4 ngày ông S. về thăm trang trại của mình một lần. Những ngày bình thường, trang trại này được giao cho bảo vệ quản lí.

Trang trại do mẹ vợ đứng tên
Truy tìm nguồn gốc thì căn nhà 126 đường Dạ Lê (phường Thủy Phương) do bà Trương Thị Kim (mẹ vợ của vị giám đốc) đứng tên “đăng kí” số nhà (bà này là chủ). Quan địa chính cũng như nhiều quan khác dại gì đứng tên, rồi lại phải “kê khai tài sản” lôi thôi lắm, lòi cái đuôi ăn hối lộ ra. Cứ để mấy ông bà anh chị em khác đứng tên là huề cả làng, trên giấy tờ hẳn hoi, đúng pháp luật, đố anh nào làm gì được.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, cán bộ Địa chính - xây dựng phường Thủy Phương xác nhận, đến nay công trình chưa được cấp phép xây dựng.
Theo ông Hữu, trước đây, bà Trương Thị Kim nhận quyền chuyển nhượng đất của nhiều nhà dân xung quanh để tạo không gian làm trang trại. Thông tin xác nhận từ UBND phường thì tổng diện tích đất của bà Kim là 6,782 m2. Ông Hữu nhấn mạnh:
“Xét về luật, công trình xây dựng dù lớn, nhỏ cũng đều phải có giấy phép. Không có giấy phép là vi phạm pháp luật.”

Ông Ngô Văn Tài, Phó chủ tịch phường Thủy Phương cho biết, bà Kim quê ở Quảng Nam, ra sinh sống tại phường từ năm 2007. Ông Phó chủ tịch phân trần:
"Sau khi có phản ánh việc bà Kim xây dựng công trình trái phép, lãnh đạo địa phương đã cử cán bộ về ghi nhận hiện trạng, tiến hành lập biên bản sự việc. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, chúng tôi không tìm thấy chủ nhà nên vẫn chưa thể lập biên bản" !

Còn ông Nguyễn Quốc Hữu, cán bộ địa chính phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) nói, khi kiểm tra, xác định một số công trình vi phạm của bà Kim được xây dựng từ đầu năm nay.Ông cán bộ này đổ thừa:
"Chúng tôi đã lập biên bản, đình chỉ thi công công trình và trình lãnh đạo ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong việc này, có sự thiếu sót của cán bộ phường trong việc kiểm tra hoạt động xây dựng.”

Thế là cả hai ông cán then chốt của địa phương vô tội. Một ông “không tìm thấy chủ nhà” nên không thể lập biên bản. Vậy chủ nhà trốn đi đâu? Một ông cho đó là “thiếu sót của mấy anh đàn em cán bộ Phường.” Cái kiểu chạy tội, đổ thừa cho cấp dưới đã trở thành cái “mốt thời thượng” của các quan ở VN. Quan nào cũng thanh liêm cả, hết lòng phụng sự… cái túi tiền giấu quanh đâu đó.

    Cổng vào khu biệt phủ được xây dựng trái phép của vị giám đốc sở

Ngay cả mấy đại gia không chức tước cũng xây dựng không phép.
Cụ thể như biệt thự của nữ Việt kiều Võ Thị Thu Hương (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) xây dựng không phép và sai phép. Thửa đất mà bà Hương xây nhà ở và nhà trọ thuộc đất quy hoạch làm đường giao thông và sân bóng nên địa phương chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm đối với đất ở. Riêng đất nông nghiệp nghiêm cấm xây dựng. Tại khu vực này, bà Hương có gần 1,200 m2, trong đó đất thổ cư chỉ gần 230 m2. Bà Hương được cấp phép xây tạm nhà ở nhưng xây sai giấy phép. Ngoài ra, bà Hương còn xây trên 100 phòng trọ trên đất nông nghiệp, lấn mương rạch công cộng.

Sự việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không chỉ ở chỗ sai phạm chình ình như “con khủng long” ngay giữa TP Cần Thơ, việc cưỡng chế phá bỏ vô cùng lãng phí của cải của xã hội mà câu hỏi nhức nhối nhất là tại sao biệt thự “khủng” của nữ Việt kiều lại “mọc” được giữa Cần Thơ? Không ai trả lời câu hỏi này.

Vấn đề ở đây là xây cái chuồng gà và cái chòi vịt giữa đồng thì bị cưỡng chế và truy tố. Còn xây biệt thư to đùng không phép thì chính quyền ở đâu? Cấp phép tạm sao lại xây biệt thự? Có lẽ cán bộ bị cận thị chăng?

Môt người dân cho biết: “Tôi là dân đen xây cái nhà cấp bốn để ở gần khu vực biệt thự của bà Hương, tôi bị lập biên bản 4 lần từ khi đổ vật liệu.”

Gốc cây sứ trắng cổ có mặt trong biệt phủ. Loại cây này ở Huế chỉ có tại Đại nội và lăng Tự Đức

Đấy là chuyện của thời đại này như một bạn đọc đã viết: “Quái! Tui không biết là mình đang sống ở thời kỳ nào đây? Phong kiến hay đồ đá, đồ đồng, đồ đất, ... (hay đồ đểu)?.

Có bao nhiêu người Việt Nam sống trên đất VN tự hỏi mình như thế? Chắc không nhiều lắm, chỉ chừng… 90 chục triệu người thôi, trong số đó có tôi.

Văn Quang (21 tháng 9, 2016)

--------------------------

Các tin khác
• Cả nước thối hoăng (10-09-2016)




No comments:

Post a Comment