Tuesday, September 27, 2016

CUỘC CHIẾN FORMOSA : PHÁT SÚNG MỞ ĐẦU ĐÃ NỔ (J.B Nguyễn Hữu Vinh)




Thứ Ba, 09/27/2016 - 01:33 — nguyenhuuvinh

Cuộc chiến trong lòng dân tộc

Cuộc chiến - phải gọi như vậy - của người dân Miền Trung nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đối với kẻ thủ ác trực tiếp là Formosa, kẻ đã đẩy hàng triệu ngư dân vào đường cùng đã bắt đầu nổ ra bằng cuộc hành quân đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nộp đơn kiện.

Cuộc hành quân dài 200 km của hơn 600 giáo dân giáo xứ Phú Yên, kết hợp với hàng ngàn giáo dân tại địa phương ngày 26/9/2016 là màn mở đầu, là phép thử đơn giản cho những hành động không thể tránh khỏi và không thể thiếu trong cuộc đối đầu giữa nạn nhân và thủ phạm.

Sở dĩ là màn mở đầu, bởi với thảm họa này, thì chắc chắn hậu quả không chỉ là một vùng, mà là cả một miền rộng lớn, thậm chí là cả đất nước và thời gian không chỉ là dăm bảy tháng, một năm mà là hàng chục năm sau đó.

Cũng không chỉ là vấn đề khu vực và thời gian khắc phục, mà cái chính là tập đoàn Formosa vẫn còn hiện diện ở đó, nghĩa là nguồn đầu độc vẫn tiếp tục tồn tại và đầu độc bằng mọi cách đối với môi trường Việt Nam.

 Các nạn nhân thì không thể bán đất nước mình để đi đâu được.

Nếu như để bào chữa cho thái độ hèn nhát của mình trước giặc bành trướng phương Bắc, Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CS - đã biện bạch rằng: " Không ai chọn được láng giềng", thì người dân Việt Nam lại có quyền đuổi kẻ thủ ác ra khỏi đất nước mình một cách đàng hoàng và chính nghĩa.

Và họ có quyền, cũng như khả năng để làm việc đó một cách đàng hoàng.

Bởi đất nước này, dân tộc này là của chúng ta, của 90 triệu dân Việt Nam chứ không riêng của vài ba triệu đảng viên Cộng sản.

Thử xem lại thái độ bạn, thù!

Cho đến nay, thảm họa biển Miền Trung đã nửa năm trôi qua. Thời gian đó, đủ để cho chất độc phát tán theo làn nước biển đi khắp nơi, đủ để mọi sinh vật biển nhiễm độc, đủ để hàng triệu người dân thưởng thức trực tiếp hoặc gián tiếp và tích lũy các kim loại nặng vào cơ thể.

Hậu quả của việc nhiễm độc kim loại nặng ra sao, mọi người đều có thể qua mạng internet để tìm hiểu.

Ngay sau thảm họa xảy ra, Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại của Formosa đã thẳng thắn nói rõ: "Phải chọn lựa nhà máy thép hay tôm cá" - Nghĩa là nhà nước chọn đưa Formosa vào đây thì dân phải chấp nhận hủy hoại môi trường.

Đơn giản thế thôi.

Vấn đề đặt ra, là thái độ của nhà nước "của dân, do dân, vì dân" vốn được ầm ào kêu gọi, leo lẻo tuyên truyền qua cuộc bầu cử "dân chủ đến thế là cùng" vừa qua, đã thực hiện chức năng họ tự nhận trước quốc dân đồng bào ra sao? Những lời "tuyên thệ" được làm đi rồi làm lại trong vòng mấy tháng qua của quan chức lãnh đạo đất nước thực chất là gì?

Ba tháng nóng bỏng với những tin cá chết, biển chết, người ngộ độc trôi qua... Nguyên nhân cá chết, điều mà người dân ai ai cũng biết rõ tỏng tòng tong ngay từ đầu, thủ phạm là Formosa. Thế nhưng, nhà nước hết hết đổ cho "thủy triều đỏ", "tảo nở hoa" rồi thì "tổn hại cho đất nước?"...

Người dân bày tỏ thái độ phản đối thảm họa môi trường thì bị rình rập, khủng bố và bắt như bắt giặc.

Thế rồi cán bộ, lãnh đạo đua nhau xúi dân ăn cá độc, tắm biển nhiễm độc mà không hề cho dân biết độc như thế nào, nguy hiểm ra sao. Họ đã làm rất tốt công việc hỗ trợ và quảng cáo cho thần chết mà nạn nhân là người dân Việt Nam.

Thế rồi báo chí bị bịt miệng, cấm đăng, gỡ bài viết về thảm họa miền Trung. Độc ác hơn, báo chí còn lu loa rằng "biển đã hết độc"... nhằm bịt tai, bịt mắt người dân, mặc người dân ngập ngụa trong biển độc, sống chết mặc bay, miễn bảo vệ được nguồn ô nhiễm là Formosa.

Thế nhưng, tận 3 tháng sau, vào tận những giờ cuối cùng của ngày cuối cùng tháng 6, nhà cầm quyền mới tuyên bố thủ phạm là Formosa.

Thế nhưng, cùng lúc với tuyên bố thủ phạm là Formosa, người dân té ngửa ra là nhà nước đã đàm phán trên lưng họ và nỗi đau khổ của họ đã trả giá bằng máu xương, tính mạng... để lấy 500 triệu đô la.

Hài hước hơn, chính phủ còn đưa ra lời kêu gọi: Hãy khoan hồng, độ lượngvới Formosa. Vậy sao chính phủ không độ lượng với chính người dân Việt Nam, những nạn nhân trực tiếp của Formosa? Lại còn dùng công an, cảnh sát và đủ loại đòn bẩn để trấn áp?

Có lẽ chưa có trường hợp nào như ở Việt Nam, nạn nhân thì bị chính phủ mình trấn áp, trong khi chính phủ kêu gọi độ lượng với kẻ thủ ác!

Ngay sau đó, người ta biết được rằng, số tiền gọi là hoàn thuế cho Formosacòn hơn cả số tiền 500 triệu dola mà nhà nước chấp nhận đền bù?

Và điều trớ trêu nhất, là ngay khi thảm họa được phát hiện, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhanh nhẩu tí tởn đến Formosa khen ngợi như ngầm đưa ra một thông điệp sắc lạnh: Đây là nơi cấm kỵ, không được đụng đến?

Quả nhiên là như vậy, những cuộc biểu tình bị đàn áp không thương tiếc, nhà cầm quyền đã huy động cả hệ thống chính trị, cảnh sát và lực lượng vũ trang để ngăn chặn người dân nói lên nỗi đau của mình.

Người ta tự hỏi: Không rõ 500 triệu đô la kia, (nếu thật sự nhận được) có đủ để nhà nước chi vào việc huy động hàng vạn lượt quân cảnh đến giữ gìn, bảo vệ Formosa và đàn áp, rình rập người dân từ Nam chí Bắc? Chưa nói là để đền bù cho thiệt hại của người dân.

Trong khi, chưa hề có bất cứ con số nào về thiệt hại của đất nước, của người dân do thảm họa này gây ra, thì con số 500 triệu đô la kia căn cứ vào đâu mà họ nhận để gọi là đền bù? Nếu không đủ để đền bù thiệt hại cho dân, nhà nước sẽ lấy ở đâu để đền cho dân thỏa đáng?

Phải chăng lại tiếp tục rút từ đồng tiền thuế của người dân qua mọi hoạt động, mọi mặt hàng từ xăng dầu cho đến quả trứng gà phải chịu đến 14 thứ thuế, phí và... vay nợ nước ngoài?

Thế rồi, những cuộc bắt bớ, đàn áp những người biểu tình như ở Cồn Sẻ, Quảng Bình, những vây ráp, rình rập và khủng bố những người có tinh thần dân tộc, lo lắng trước thảm họa của đất nước được thực hiện ngày càng nhiều.

Trên mặt trận truyền thông, báo chí, đài truyền hình tập trung xuyên tạc, đánh phá những người biết nghĩ đến người dân, biết lo cho cộng đồng và đất nước như Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp và các linh mục thuộc Giáo phận Vinh... Những đòn lăng mạ đánh hội đồng được tung ra, những đám dư luận viên được nhà nước ưu ái không ngớt lời chửi bới những người công chính.

Đến lúc đó, bộ mặt nhà nước lộ rõ: Họ đang đứng về phía kẻ thù của nhân dân.

Người dân phải được đền bù, đất nước phải được an toàn

Chúng tôi đã có bài viết: "Ai sẽ đền bù cho người dân Việt Nam trong thảm họa Miền Trung?". Ở đó, chúng tôi đã phân tích rõ ràng rằng phải có một kẻ nào đó chịu trách nhiệm đền bù cho người dân Việt Nam, và đất nước Việt Nam sau thảm họa, tội ác tầy trời này. Ở đó, chúng tôi cũng đã phân tích rõ khái niệm "hỗ trợ" và "đền bù" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Vậy ai sẽ đền bù?

Cho đến nay, chưa có bất cứ ai đứng ra nhận trách nhiệm đền bù cho người dân.

Tất cả những bao gạo mốc mà người dân được chia vừa qua, đó là sự "hỗ trợ" từ phía nhà nước trong cơn hoạn nạn. Hẳn nhiên là sự hỗ trợ đó, cũng chính từ tiền của mà nhân dân đóng góp từ trăm ngàn thứ thuế má khác nhau. Bởi nhà nước chẳng có một đồng nào ngoài tiền thuế của dân và đi vay mượn để người dân mang nợ.

Cho đến nay, chính phủ tuyên bố đã nhận 500 triệu đô la của Formosa, nhưng nửa năm trôi qua, người dân chưa được đền bù thiệt hại. Do vậy, cách đây mấy hôm, hơn 1.000 hộ dân Kỳ Anh đã gửi tới Quốc hội, chính phủ yêu cầu bồi thường thiệt hại với con số cụ thể và yêu cầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho người dân.

Xem ra, khi chính phủ tự nguyện đứng về phía kẻ thủ ác và nhận lấy trách nhiệm đền bù cho người dân là chuyện không dễ chịu chút nào. Vì thế, họ cứ lần khân và lẩn trốn.

Đó là cuộc chiến giữa cái sống và cái chết của người dân. Hoặc là công lý phải được thực thi, hay là cái chết từ từ hoặc ngay lập tức.

Hẳn nhiên là khi bị đẩy đến bước đường cùng, người dân không thể ngồi yên chịu chết. Họ đã hành động, bất chấp sự bao che, bảo vệ và sự lúng túng, thiếu minh bạch của nhà nước. Họ trực tiếp thủ phạm đã làm cho đời sống họ khốn đốn: Formosa.

Và hôm qua, vượt qua mọi sự ngăn cản, gây khó khăn, đoàn 600 người đại diện cho 600 hộ gia đình ở Quỳnh Lưu đã vượt hơn 200km về Tòa án Thị xã Kỳ Anh để nộp đơn kiện.
Và phát súng mở đầu cuộc chiến đã nổ.

Hà Nội, ngày 27/9/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh








No comments:

Post a Comment