Thứ Tư, 09/28/2016 - 16:56 — nguyenthituhuy
Khi tiếp tục suy nghĩ về câu hỏi :
« Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ
hoá ? », tạm thời tôi đứng trước mấy câu trả lời sau đây : 1/ Nội
bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, nếu họ có chuyển biến về nhận thức. 2/ Các đảng
phái và các tổ chức chính trị chuyên nghiệp, nếu có thể hình thành được từ cơ sở
xã hội dân sự và phong trào dân chủ hiện nay. 3/Ấp lực và phản ứng đủ mạnh của
người dân. 4/Các cá nhân mà vị trí công việc hoặc uy tín cho phép có ảnh hưởng
tới số đông dân chúng. 5/ Các dịch giả, các nhà phân tích và truyền thông cả
phi chính thống lẫn chính thống. Ngoài ra chắc chắc còn những yếu tố khác nữa,
mà những người khác sẽ thảo luận hoặc bản thân tôi cũng có thể khai thác vào một
dịp khác.
Để tiện theo dõi, tôi sẽ trình bày mỗi vấn đề trong
một bài viết. Bài này đề cập đến việc lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản, trong
trường hợp họ muốn trở thành yếu tố của quá trình dân chủ hoá, thì đó là yếu tố
thúc đẩy một cách nhanh nhất sự thay đổi và phát triển của đất nước.
Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng nhiều lãnh đạo của
các nước độc tài trên thế giới đã quyết định, trong một thời điểm nhất định, hoặc
là tiến hành các cải cách căn bản hệ thống chính trị để dẫn đến dân chủ hoá đất
nước, như trường hợp của Gorbatchev ở Nga, hoặc là cho phép chuyển đổi từ cơ chế
chính trị độc tài sang cơ chế chính trị dân chủ, như trường hợp Thein Sein ở Miến
Điện hay tướng Jaruzelski ở Ba Lan.
Điều này có thể xảy ra ở Việt Nam không ? Có lẽ
sẽ dễ hơn nếu tìm cách trả lời câu hỏi này : ở Việt Nam có những
lãnh đạo cộng sản muốn dân chủ hoá cơ chế chính trị không ?
Trước khi tiếp tục, tôi xin trích dẫn một vài ý kiến
sau đây :
« Chế độ dân chủ thiết lập trên cơ sở một bản
Hiến pháp được xây dựng từ ý chí tự do của nhân dân lựa chọn hệ thống chính trị,
kinh tế, xã hội, văn hóa . Hiến pháp quy định thể thức bảo đảm tổng tuyển cử tự
do, không phân biệt khuynh hướng chính trị, quy định cách thức hoạt động của
nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm các quyền tự do của con
người và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.. »
« Chúng ta đã chọn mô hình giáo điều,
lai ghép chủ nghĩa xã hội Stalin với chủ nghĩa xã hội Mao Trạch Đông. Liên Xô
và các nước Đông Âu đang lâm vào khủng hoảng bởi mô hình Stalin, vi phạm dân chủ,
duy ý chí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi. Thế giới xã hội chủ nghĩa phải cải tổ,
đổi mới, giải quyết những mâu thuẫn, phá vỡ cái cũ, đạt tới các tiêu chí của thời
đại là: dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại. Xu thế chủ yếu là chuyển sang sở
hữu tư nhân, kinh tế hàng hóa, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. »
« Đảng không bao biện lấn sân làm thay nhà
nước, không duy trì chế độ “đảng trị”, “toàn trị”. Nhà nước là công cụ của dân,
chứ không phải là công cụ của Đảng, không phải cấp trên của dân. Nhà nước quản
lý theo luật và bằng chính sách chứ không làm thay doanh nghiệp. Kế hoạch nhà
nước nằm trong chứ không nằm ngoài và đứng trên thị trường. Ngược lại, nếu duy
trì tình trạng như hiện nay thì không phải làm cho Đảng, cho Nhà nước vững mạnh
mà là tạo môi trường xã hội dung dưỡng độc đoán, lạm quyền, tham nhũng làm
thoái hóa Đảng và mục ruỗng Nhà nước. »
Những phát biểu này nghe cứ như là phát biểu của những
người đang đấu tranh trong phong trào dân chủ hiện nay. Vậy ai là tác giả của
các ý kiến trên đây?
Câu trả lời có thể làm cho nhiều người ngạc nhiên,
nhất là những người không tin (hoặc không muốn tin) rằng trong hàng ngũ cao cấp
của đảng cộng sản Việt Nam cũng có thể có những người mang tư tưởng cải cách
theo hướng dân chủ hoá.
Câu trả lời là : tác giả của những ý kiến mà
tôi dẫn trên đây là một người từng giữ chức Bí thư Trung ương đảng cộng sản Việt
Nam, và ông đã nói ra những điều đó khi ông còn là Bí thư Trung ương đảng, chứ
không phải là sau khi đã thôi chức hay về hưu.
Người đó là ông Trần Xuân Bách. Xin xem bài của Tống
Văn Công trên trang Viet-studies : http://www.viet-studies.info/kinhte/TongVanCong_TranXuanBach.htm
Các phát biểu đó, vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước,
đã khiến ông Bách phải mất hết các chức vụ và bị ngược đãi.
Dĩ nhiên lịch sử không có chữ « nếu ».
Nhưng chúng ta cũng cứ thử trí tưởng tượng của mình xem sao : Nếu vào những
năm 89-90 của thế kỷ trước, ông Trần Xuân Bách giữ chức Tổng bí thư, chứ không
phải ông Nguyễn Văn Linh, thì Việt Nam rất có thể đã có một kịch bản giống Liên
Xô, bởi ông Trần Xuân Bách ủng hộ tư tưởng và hành động cải tổ của Gorbatchev.
Giả sử hồi đó ông Trần Xuân Bách có đủ các điều
kiện cần thiết, và ông thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ độc tài cộng
sản sang một thể chế dân chủ, như ông miêu tả trong đối thoại với ông Tống Văn
Công, thì ông Bách có xứng đáng được bầu làm Tổng thống của cái nước Việt Nam
dân chủ ấy không ? Câu trả lời của tôi không thay đổi : nếu ông Trần
Xuân Bách hồi đó có đủ quyền lực để làm được việc thay đổi thể chế thì ông ấy xứng
đáng được giữ chức Tổng thống của thể chế dân chủ do ông ấy góp phần quan trọng
để lập ra.
Thực ra trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản không chỉ
có một mình Trần Xuân Bách là có tư tưởng cải cách, còn có tướng quân đội Trần
Độ, đại tá công an Lê Hồng Hà, và thế hệ sau, gần đây thôi, còn có những người
từ bỏ chức vụ, như lãnh sự Đặng Xương Hùng.
Liệu lúc này ở Việt Nam có thể xuất hiện một lãnh đạo
như Trần Xuân Bách, và dám đi xa hơn Trần Xuân Bách ?
Vấn đề là ở chỗ, trong bộ máy lãnh đạo cao cấp Việt
Nam ở thời điểm này không có ai bộc lộ ra ngoài (bằng diễn ngôn và hành động)
các dấu hiệu cho thấy họ có tư tưởng cải cách chính trị. Vì thế mà người Việt
Nam không tin rằng hiện nay giải pháp dân chủ có thể đến từ tầng lớp lãnh đạo.
Tuy nhiên, người Miến Điện vào thời điểm 1988 (lúc
Aung San Suu Kyi bắt đầu từ bỏ vai trò người phụ nữ gia đình để đảm nhận vai
trò lãnh đạo chính trị) chắc cũng không tin rằng lãnh đạo độc tài quân sự sẽ chịu
tiến hành dân chủ hoá thể chế chính trị. Phải hơn hai mươi năm sau mới có quyết
định của tướng Thein Sein, người đứng đầu chính phủ Miến Điện vào thời điểm ông
ủng hộ dân chủ hoá thể chế chính trị, năm 2011.
Vấn đề của Việt Nam là lúc này tình thế đã quá cấp
bách, nếu hai mươi năm nữa mới dân chủ hoá chính trị thì lúc đó có lẽ đã quá muộn.
Áp lực của Trung Quốc, hiểm hoạ môi sinh, tham nhũng, băng hoại xã hội về đạo đức
và tinh thần, lưỡi hái tử thần của sự nhiễm độc, không chỉ là biển nhiễm độc mà
là hầu như tất cả các loại thực phẩm mà người dân tiêu thụ hàng ngày đều không
an toàn…, tình trạng đó đòi hỏi muốn giữ độc lập và tránh thảm hoạ diệt vong cần
có một chính phủ đủ mạnh và đủ năng lực giải quyết các vấn đề.
Tình trạng độc quyền chính trị đã làm cho bộ máy quyền
lực của Việt Nam trở nên bất lực, không thể giải quyết được các vấn đề của quốc
gia. Vụ Formosa, thực ra không mấy khó khăn để giải quyết nhưng chính phủ cũng
không giải quyết nổi. Chỉ riêng việc chính phủ phải mất đến ba tháng trời mới
công bố nguyên nhân của vụ ô nhiễm đã chứng tỏ sự yếu kém của chính phủ đến mức
nào. Và việc giải quyết với mức đền bù 500 triệu đô la cho thấy chính phủ bất lực
đến mức nào, như nhiều phân tích đã chỉ ra.
Guồng máy chính trị hiện nay không thể che dấu sự yếu
kém và bất lực trong việc điều hành quốc gia. Đồng thời lại phạm sai lầm ở chỗ
lấy việc đàn áp nhân dân để chứng tỏ quyền lực của mình. Tại sao sai lầm ?
Bởi vì người dân sẽ không mãi mãi chấp nhận bị đàn áp. Và người Việt, cũng như
mọi dân tộc khác, có khát vọng sống và khát vọng tự do. Một ngàn năm Bắc thuộc,
một trăm năm thuộc địa, không đè bẹp được ý chí sống và ý chí độc lập của người
Việt. Vậy dựa vào đâu để những người lãnh đạo cộng sản tin rằng có thể dùng các
phương tiện đàn áp để buộc người dân của mình phải chấp nhận chết vì bị đầu độc,
vì sự vô trách nhiệm của chính phủ, và chấp nhận mất tự do, mất độc lập mãi
mãi ? Ngày hôm nay, những ngư dân mất biển đang xuống đường, và ngày mai,
những người khác sẽ xuống đường cùng với họ.
Nếu trong hàng ngũ lãnh đạo còn có những người đủ tỉnh
táo và đủ tầm nhìn, họ sẽ thấy rằng trước tình hình cấp bách này, khi họ đáp ứng
được nguyện vọng của nhân dân, thay đổi thể chế chính trị để đảm bảo cuộc sống
cho nhân dân và để bảo tồn và phát triển đất nước, thì họ sẽ có một vai trò
quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Không ai có thể duy trì quyền lực vĩnh viễn, và cũng
chẳng ai mang theo được tiền bạc xuống mồ. Vậy có nghĩa lý gì khi mang vận mệnh
quốc gia, sự tồn vong của dân tộc, sinh mạng của nhân dân, uy tín và danh dự của
chính mình, để đánh đổi lấy một vài năm nắm giữ quyền lực và một đống tiền bạc
mà đằng nào cũng phải từ bỏ khi giã biệt cõi đời này ?
Paris, 28/9/2016
Nguyễn
Thị Từ Huy
---------------------------------------
Thứ Năm, 07/07/2016 - 17:53 — nguyenthituhuy
No comments:
Post a Comment