Monday, August 22, 2016

VIỆT NAM SẼ BỊ THIỆT HẠI KHI PHILIPPINES ĐI ĐÊM VỚI TRUNG QUỐC (FB Trương Nhân Tuấn)






Mới hôm qua đọc trên Giáo Dục thấy TS Trần Công Trục khen ngợi “Philippines rút Biển Đông khỏi ASEAN là một hành động khôn ngoan“. Chưa kịp lên tiếng hỏi (ông Trục) Phi khôn ngoan chỗ nào thì hôm nay đọc báo thấy Tổng Thống Phi, ông Duterte lên tiếng chê bai tổ chức LHQ và hăm dọa sẽ rút khỏi tổ chức này. Ông Duterte còn cho biết sẽ cùng TQ và các nước Phi Châu thành lập ra tổ chức mới.

Việc Phi sẽ không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông (bao gồm nội dung phán quyết ngày 12-7 của Tòa CPA) ra hội nghị ASEAN sẽ tổ chức tại Lào vào đầu tháng 9 tới, bởi vì Phi chủ trương đàm phán song phương với TQ.

Theo tôi, việc này Phi “khôn” thì cũng rất khôn, nhưng mà khôn lõi. Phía bị thiệt hại sẽ là VN và các nước có liên quan.

Phi đàm phán song phương với TQ trên cơ sở nội dung phán quyết 12-7 sao cho Phi được lợi tối đa. Thí dụ TQ trả lại Scarborough, bãi Cỏ Mây và bãi Vành khăn cho Phi. Sau đó Phi sẽ tuyên bố “xù” bản án, tức vô hiệu lực bản án. Khi phán quyết 12-7 vô hiệu lực, thì TQ muốn làm gì thì làm. Dĩ nhiên VN là phía bị ảnh hưởng nhiều hơn hết, vì mất đi những ưu điểm do bản phán quyết 12-7 đem lại.

Tức là đường chữ U vẫn tồn tại, nhưng bỏ mất phần lấn bên vùng biển của Phi.

Việc tuyên bố rút khỏi LHQ là bước đi đầu tiên. Nếu không còn trong tổ chức này thì Phi sẽ không còn bị ràng buộc bởi UNCLOS cũng như các Tòa án thành lập theo các phụ lục của UNCLOS.

Tôi không biết những tuyên bố “giựt gân” của tổng thống Duterte là “tuyên bố” có “suy nghĩ” trước hay chưa ? Bởi vì, những gì cam kết thoát ra từ cửa miệng của một vị tổng thống đều được xem là có hiệu lực pháp lý ràng buộc.

Vấn đề ma túy hoành hành ở Phi, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, mỗi nước có biện pháp giải trừ “theo luật pháp của xứ họ”.

Khung luật pháp của các quốc gia phải phù hợp với những nguyên tắc về nhân quyền đã được xác định qua các công ước về quyền con người. Các quốc gia, như Phi, có thể rút ra khỏi các công ước này để khi áp dụng luật gắt gao (như tử hình người phạm tội) không bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền thuộc LHQ chỉ trích.

Vấn đề là ông Duterte xử theo “luật rừng”. Hệ thống cảnh sát và tòa án ở Phi bất lực trước những hoành hành của nạn ma túy. Lỗi là do hệ thống pháp lý của Phi bất lực. Lỗi là do Duterte xử luật rừng chớ không theo luật quốc gia. Các cơ quan bảo vệ nhân quyền LHQ chỉ trích là vì họ có thẩm quyền, đơn giản vì Phi đã ký vào các công ước bảo vệ nhân quyền.

Theo tôi, Duterte tuyên bố theo thói quen hay “nổ”, nói những lời dao to búa lớn, những chuyện “động trời”, lúc còn làm thị trưởng. Những lời tuyên bố của Duterte lúc đó chỉ có hiệu lực trong phạm vi quốc gia, người dân nghe sướng lỗ tai, nhưng vô hại. Bây giờ ở cương vị tổng thống, lời nói phát ra có thể ảnh hưởng ở tầm quốc tế.

Nhưng, Duterte chơi dao hai lưỡi. TQ cũng vì quyền lợi của họ. Họ sẽ mọi cách làm lợi cho quốc gia họ, ngay cả cách cởi trên đầu ông Duterte. Lúc đó không biết ông Duterte còn ở ngôi vị tổng thống nữa hay không để mà kêu trời.

----------------------------

Đăng ngày 21-08-2016
.
Ông Rodrigo Duterte tại trụ sở cảnh sát quốc gia Philippines, 17/08/2016

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay 21/08/2016 đả kích Liên Hiệp Quốc vì đã kêu gọi chấm dứt tình trạng sát hại bừa bãi những người buôn bán ma túy. Ông Duterte đe dọa sẽ rút ra khỏi định chế quốc tế này và đề nghị những nước khác như Trung Quốc lập ra một tổ chức cạnh tranh.

Hai chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tuần trước đã yêu cầu Manila ngăn chận tình trạng bạo lực liên quan đến cuộc chiến chống ma túy, mà ông Rodrigo Duterte khi tranh cử hứa hẹn sẽ diệt trừ. Hồi tháng Sáu, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng đã mạnh mẽ chỉ trích ông Duterte – nhân vật đã tuyên bố sẽ giết 100.000 người và quẳng xác xuống vịnh Manila cho cá ăn.

Từ khi ông Duterte đắc cử tổng thống hôm 9/5, tại Philippines khoảng 900 người, bị cho là buôn bán ma túy, đã bị những người vô danh giết hại, 665 người khác bị cảnh sát bắn chết một cách tùy tiện. Ông Duterte chối bỏ mọi trách nhiệm của cảnh sát hay chính phủ trong đợt bùng nổ bạo lực này. Trong một cuộc họp báo tại thành phố quê hương Davao, ông đả kích các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, gọi họ là những kẻ « ngu ngốc ».

Tiếp theo, tổng thống Philippines chỉ trích toàn bộ định chế, cho rằng Liên Hiệp Quốc nhanh chóng « lo ngại trước đống xương chồng chất của bọn tội phạm » hơn là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông nói : « Tôi không muốn lăng mạ các vị, nhưng có lẽ chúng tôi phải quyết định ra khỏi Liên Hiệp Quốc ».

Ông Rodrigo Duterte tố cáo Liên Hiệp Quốc không đạt được hiệu quả trong đấu tranh chống khủng bố và nạn đói trên thế giới, bất lực trong việc chấm dứt các cuộc xung đột tại Irak và Syria, cũng như không thể ngăn cản các đại cường oanh kích những làng mạc, giết hại thường dân vô tội.

Ông nhấn mạnh : « Nếu Liên Hiệp Quốc nói những điều tiêu cực về tôi, thì tôi có thể nói về các vị nhiều gấp 10 lần. Các vị là vô dụng, vì nếu thực sự trung thành với sứ mạng, thì đã phải kết thúc những cuộc chiến và các vụ thảm sát ».


Tổng thống Philippines nói thêm, ông có thể đề nghị Trung Quốc và các nước châu Phi, cũng vẫn thường chỉ trích Liên Hiệp Quốc, lập nên một tổ chức cạnh tranh. Được hỏi về hậu quả của những lời đả kích thô bạo này, ông Duterte trả lời là ông chẳng có gì phải lo lắng.

---------------------------

BBC Tiếng Việt
21 tháng 8 2016
.
Ông Duterte gọi các chuyên gia của LHQ phản đối chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông là 'ngu ngốc'

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa sẽ "tách" khỏi Liên Hiệp Quốc sau khi tổ chức này chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của ông là hành động tội phạm theo luật quốc tế.

Ông Duterte nói ông có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc và các nước Châu Phi thành lập ra một cơ quan khác. Ông cũng cáo buộc Liên Hiệp Quốc là đã thất bại trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, chống tình trạng đói khát và chấm dứt các cuộc xung đột.

Ông Duterte, người được bầu lên hồi tháng Năm, đã chuẩn thuận việc tử hình các đối tượng vận chuyển ma túy, nhằm xóa sổ tình trạng buôn bán bất hợp pháp loại chất bị cấm này.
Liên Hiệp Quốc đã lặp đi lặp lại việc lên án các vụ tử hình, và gọi đó là hành vi vi phạm nhân quyền.

Khoảng 900 nghi phạm vận chuyển ma túy đã bị giết chết kể từ khi ông Duterte được bầu lên làm tổng thống Philippines, 9/5.

Hồi tuần trước, hai chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói rằng việc ông Duterte ra chỉ thị cho cảnh sát và công chúng giết chết các nghi phạm vận chuyển ma túy là "xúi giục bạo lực và giết chóc, một hành vi tội ác theo luật quốc tế".

Trong lời công kích Liên Hiệp Quốc hôm Chủ Nhật, ông Duterte gọi các chuyên gia này là "ngu ngốc" và nói họ cần phải tính đến con số những người vô tội bị mất mạng do ma túy.

Người dân Manila đứng ở hiện trường nơi xảy ra một vụ bắn súng khiến hai nghi phạm buôn bán ma túy thiệt mạng

"Tôi không muốn sỉ nhục quý vị. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ phải quyết định tách ra khỏi Liên Hiệp Quốc," ông nói.
"Nếu quý vị thô lỗ tới mức đó, thì chúng tôi phải ra đi."
"Cho nên hãy bỏ chúng tôi ra khỏi tổ chức của quý vị. Quý vị chả làm gì hết. Lần cuối cùng quý vị có mặt tại đây là khi nào? Chả khi nào hết. Chỉ có lên tiếng chỉ trích thôi," ông nói.

Ông Duterte nói Liên Hiệp Quốc cần phải hoàn trả khoản đóng góp của Philippines "để chúng tôi có thể ra đi".
Ông Duterte nói Liên Hiệp Quốc đã không thể chống lại tình trạng đói khát, chủ nghĩa khủng bố, và đã thất bại trong việc chặn đứng các vụ giết hại dân thường tại Iraq và Syria.

"Nay, quý vị Liên Hiệp Quốc, nếu quý vị có thể nói một điều tồi tệ về tôi thì tôi có thể nói 10 điều [về quý vị]. Tôi nói cho mà biết, quý vị [vô tích sự]. Bởi nếu quý vị thực sự thành thật với sứ mệnh của mình, thì quý vị đã có thể chặn đứng được các cuộc chiến tranh, các cuộc giết chóc đó."

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đều lên tiếng chỉ trích lời nói của ông Duterte là "rõ ràng đang ủng hộ cho các vụ giết người bên ngoài khuôn khổ pháp lý, vốn là điều bất hợp pháp và vi phạm các quyền căn bản cũng như tự do của con người".

Ông Duterte tuyên thệ nhậm chức hồi tháng Sáu, sau khi giành chiến thắng long trời lở đất ở cuộc bầu cử tổng thống.
Trước đó, ông là thị trưởng thành phố lớn thứ ba của Philippines, Davao, trong thời gian 22 năm. Cách tiếp cận cứng rắn cùng những bình luận gây tranh cãi của ông trong thời gian đó khiến ông được mệnh danh là "Người Trừng phạt".

--------------------

Thùy DươngRFI
Đăng ngày 22-08-2016

Hôm nay 22/08/2016, một ngày sau khi tổng thống Philippnes đe dọa rút ra khỏi Liên Hợp Quốc, ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố Philippines sẽ không rời khỏi định chế quốc tế này.

Ông Perfecto Yasay, ngoại trưởng Philippines cho biết là tuyên bố của tổng thống Philippnes ngày hôm qua « thể hiện nỗi thất vọng sâu sắc và giận giữ ghê gớm ». Trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố : « Chúng tôi cam kết vẫn là thành viên Liên Hợp Quốc, cho dù định chế quốc tế này có rất nhiều điều khiến chúng tôi rất giận dữ ».

Theo hãng tin Reuters, hôm qua, 21/08/2016, đáp lại lời kêu gọi chấm dứt tình trạng sát hại bừa bãi những người buôn bán ma túy của Liên Lợp Quốc, tổng thống Philippines Duterte đã gọi bản báo cáo của Liên Hợp Quốc là « cái thứ chẳng ra gì chống lại một đất nước ». Ông đả kích Liên Hợp Quốc là « vô dụng », gọi các chuyên gia Liên Hiệp Quốc là những kẻ « ngu ngốc».

Ông Duterte còn tố cáo Liên Hiệp Quốc không hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố và nạn đói trên thế giới, bất lực trong việc chấm dứt các xung đột tại Irak và Syria, cũng như không thể ngăn cản các nước lớn oanh kích các làng mạc, sát hại dân thường vô tội.

Tổng thống Philippines cũng đã đe dọa là ông có thể đề nghị Trung Quốc và các nước châu Phi, vốn thường chỉ trích Liên Hiệp Quốc, lập nên một tổ chức cạnh tranh.



No comments:

Post a Comment