Saturday, August 27, 2016

TRỊNH XUÂN THANH & CUỘC "TÌM & DIỆT RUỒI PHE THẤT THẾ" (Người Việt Online)




August 27, 2016
.
Trịnh Xuân Thanh khi đang là bí thư đảng ủy, chủ tịch Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam. (Hình: Ảnh: PVC-MT)

HÀ NỘI (NV) – Công an Việt Nam khám xét tư gia của ông Trịnh Xuân Thanh tại Hà Nội vào chiều 26 tháng 8, làm gợi lại thành ngữ “đả hổ, diệt ruồi,” cách gọi chuyện chống tham nhũng ở Trung Quốc. Dựa trên cách gọi này, Việt Nam cũng đang diệt “ruồi,” nhưng đó là những con “ruồi” thuộc phe thất thế.

Điển hình của một giống… “ruồi”

Công an Việt Nam đã khám xét tư gia của ông Trịnh Xuân Thanh tại Hà Nội vào chiều 26 tháng 8 và bắt giữ ông này vào tối cùng ngày nhưng đến ngày 27 tháng 8, báo chí Việt Nam chỉ có tin từ bí thư tỉnh Hậu Giang, cho biết, ông Thanh – người mà trên danh nghĩa hiện là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đang… nghỉ phép!

Một số Facebooker đang là nhà báo có thẻ hành nghề do chính quyến cấp than rằng, bị câu lưu chưa phải là… bị bắt vì công an chưa xác nhận đã… bắt và như thế thì không thể đưa tin là… chưa bị bắt vì… kỳ cục quá! Đành phải chờ “tin chính thức đã bị bắt!”

Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau khi trưởng thành thì sang Đông Âu “làm ăn.” Năm 1995 quay về Việt Nam và năm 1996 được bổ nhiệm làm lãnh đạo một công ty của Ban Chấp Hành Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Đến năm 2000 chuyển qua làm phó giám đốc Chi Nhánh Hà Nội của Tổng Công Ty Sông Hồng, sau đó được đề bạt làm phó tổng giám đốc rồi làm tổng giám đốc của tổng công ty này cho đến năm 2007 thì chuyển qua Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC).

Trong hai năm 2010 và 2011, ngoài việc được vinh danh là một trong mười “Sao vàng Đất Việt,” PVC còn được tặng huân chương lao động và danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.” Giữa năm 2013, người ta phát giác PVC thua lỗ 3,200 tỷ đồng! Ông Thanh lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVC đột nhiên được rút khỏi PVC để về làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung. Vài tháng sau, vào đầu năm 2014, thủ tướng Việt Nam chỉ đạo điều tra – xử lý các sai phạm khiến PVC thua lỗ nghiêm trọng, nhiều thuộc cấp của ông Trịnh Xuân Thanh bị tống giam, còn ông Thanh thì từ miền Trung quay về Hà Nội làm… chánh văn phòng Ban Cán Sự Đảng của Bộ Công Thương.

Căn biệt thự được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh ở quận Tây Hồ, Hà Nội trước khi bị khám xét tối 26 tháng 8. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

Năm 2015, ông Trịnh Xuân Thanh được “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang. “Luân chuyển” là bước khởi đầu của tiến trình chuẩn bị cho việc bổ nhiệm các viên chức đã được lựa chọn trước để đảm nhận những chức vụ cao hơn và quan trọng theo “quy hoạch cán bộ” (cách gọi tiến trình lựa chọn trước về nhân sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương)…

Trung tuần tháng 6, áp lực của dư luận từ việc ông Thanh đi xe riêng nhưng lại mang biển số dành cho công xa đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN yêu cầu phải điều tra về những vấn đề có liên quan đến ông Thanh.

Hồi đầu tháng này, Ủy Ban Kiểm Tra của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, thừa nhận, ông Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính về việc PVC thua lỗ và việc ông Thanh được thuyên chuyển, được qui hoạch vào các chức vụ cao hơn là “vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”

Sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bị tước bỏ tư cách đại biểu Quốc Hội Việt Nam, bị miễn nhiệm vai trò phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, bị xác định là đối tượng cần phải xử lý nhằm chứng minh nỗ lực cải tổ bộ máy công quyền của chính quyền Việt Nam, báo chí Việt Nam tiếp tục công bố thêm nhiều tình tiết khác liên quan đến ông Thanh.

Chẳng hạn, trong thời gian ông Thanh làm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của PVC, thuộc cấp của ông Thanh đã chi 80 tỷ cho những khoản được chú thích rất ngắn gọn: “Phục vụ sếp,” “Sếp tiếp khách,” “Sinh nhật sếp,” “Sếp họp lớp”… Đáng chú ý là có những khoản chi như “Tổ chức sinh nhật cho bố sếp” khiến công chúng ngỡ ngàng vì ngốn tới 550 triệu đồng!
Báo chí Việt Nam không cho biết bố ông Thanh là ai nhưng các Facebooker tiết lộ, bố ông Thanh là ông Trịnh Xuân Giới – nhân vật từng đảm nhiệm vai trò phó Ban Dân Vận của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN và từng được ca ngợi như điển hình của “liêm khiết, thanh bạch.”

Chẳng phải con mà cháu nội nhân vật điển hình của “liêm khiết,” chỉ mới 24 tuổi cũng đang là… lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước!

Từ ông Thanh, báo chí Việt Nam đang tiếp tục moi ra tiến trình “luân chuyển” để thăng tiến bất thường của cả một nhóm, gồm đồng liêu và thuộc cấp của ông Thanh tại Bộ Công Thương Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, trách nhiệm bổ nhiệm để sắp đặt những cá nhân như ông Thanh vào những vị trí lãnh đạo quốc gia trong tương lai chỉ mới qui đến ông Vũ Huy Hoàng – bộ trưởng Công Thương, thượng cấp của ông Thanh – thì… dừng.

Đập “ruồi” để dọa “hổ” thất thế

Những thông tin dồn dập trên báo chí Việt Nam về sự tương phản giữa tư cách, năng lực ông Trịnh Xuân Thanh và các đồng liêu, thuộc cấp của ông với tiến trình thăng tiến không ngừng nghỉ của họ khiến dân chúng Việt Nam căm phẫn.

Hồi đầu tháng này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, chính thức khẳng định, Ban Tổ Chức của Trung Ương Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm ít nhất là về việc “luân chuyển” ông Trịnh Xuân Thanh.

Tuyên bố của bà Ngân được xem như sự ám chỉ vai trò và trách nhiệm của ông Tô Huy Rứa – trưởng Ban Tổ Chức Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN – người mới vừa nghỉ hưu.
Cũng thời điểm vừa kể, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, hào hứng tuyên bố với công chúng: “Trịnh Xuân Thanh chỉ là một thí dụ!” Theo ông Trọng, trường hợp ông Thanh tuy “chỉ là một ví dụ mà đã liên quan nhiều thứ.” Ông Trọng khẳng định, chính quyền Việt Nam “đang quyết tâm” vì “đã nói nhiều lần.” Chuyện “làm” được mô tả là sẽ “từng bước, chắc chắn, chặt chẽ. thận trọng, hiệu quả” vì “phải giữ được ổn định để phát triển đất nước, bởi sau vụ này còn liên quan người khác.”

Ông Trọng xác nhận hiện “đang có mong muốn là tổng bí thư phải đánh đấm liên hồi, không chỉ đánh nhát một, phải làm đến cùng.” Đồng thời khẳng định: “Cả hệ thống sẽ vào cuộc. Tất cả đều đang vận hành. Có việc nói được, có việc chưa nói được nhưng với khí thế mới, chúng ta tin rằng sẽ làm tốt hơn nữa.”

Dường như để minh họa cho những tuyên bố vừa dẫn, chính quyền Việt Nam tuyên bố thanh tra mỏ Núi Pháo và việc Tổng Công Ty Viễn Thông Di Động (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công Ty Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG).

Núi Pháo tọa lạc ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Người ta đã phát giác tại đó có một mỏ đa kim với trữ lượng vonfram, florit, đồng và bismut cực kỳ lớn. Trong vài năm qua đã có rất nhiều đơn thư tố cáo việc giao cho tập đoàn Masan khai thác mỏ Núi Pháo là một hình thức chuyển giao tài nguyên quốc gia cho gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng – thủ tướng Việt Nam đã mãn nhiệm – thủ đắc.

Tương tự cũng đã có rất nhiều đơn thư tố cáo việc Mobifone mua 75% cổ phần của AVG, là hình thức mà dư luận cho là rút ruột tài sản quốc gia của bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ông Nguyễn Tấn Dũng.

Chỉ là “hổ” đả “hổ” và “ruồi” diệt “ruồi”

Tham nhũng vốn đã là vấn nạn trầm kha tại Việt Nam và là nguyên nhân chính khiến kinh tế liên tục suy thoái không có điểm dừng, xã hội hỗn loạn, đói khổ tràn lan. Cũng vì vậy, “đả hổ, diệt ruồi” – kiểu như truy cứu trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh có thể khiến nhiều người hài lòng.

Tuy nhiên xét về bản chất thì chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đang manh nha tại Việt Nam không nhắm đến mục tiêu “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.” Nó chỉ là một cuộc thanh toán nội bộ.

Bằng tốt nghiệp đại học của ông Quang. Tất cả bằng cấp, giấy tờ tùy thân của ông Quang đều ghi ông sinh năm 1950. (Hình: Internet)

Đến 2004, ông Quang “sắm” được một giấy xác nhận rằng đến năm 1956, ông mới… ra đời. (Hình: Internet)

Rõ ràng là ông Tô Huy Rứa – cựu Trưởng Ban Tổ chức BCH Trung ương Đảng CSVN, phải chịu trách nhiệm ít nhất là về việc “luân chuyển” ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là lý do khiến nhiều người đồng tình với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, tân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tuy nhiên ít người thấy rằng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đương nhiệm không thể vô can. Chẳng lẽ ông Nguyễn Phú Trọng, người từng là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN khóa trước có thể phủi tay, vô sự trước những bê bối liên quan đến việc “luân chuyển” ông Trịnh Xuân Thanh?

Ngoài ông Trọng, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đang manh nha tại Việt Nam còn được đặt dưới sự chỉ đạo điều hành của ông Trần Đại Quang, ủy viên Bộ Chính Trị, tân chủ tịch Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính Trị, tân thủ tướng.

Có lẽ nên nhắc lại rằng, đơn thư tố cáo ông Quang và ông Phúc không ít hơn đơn thư tố cáo ông Nguyễn Tấn Dũng. Giống như lúc ông Dũng còn tại nhiệm, những đơn thư tố cáo ông Quang và ông Phúc chưa bao giờ được xác minh, trả lời công chúng, trong khi về nguyên tắc, dân chúng có quyền được biết sự thật.

Ngoài những bằng chứng rõ ràng cho thấy ông Dũng đã dùng nhiều chiêu, trò để củng cố quyền lực, lũng đoạn chính trường Việt Nam, còn có những bằng chứng khác rõ ràng không kém, cho thấy ông Quang chẳng khá hơn.

Ví dụ hàng loạt giấy tờ tùy thân của ông Quang ghi nhận ông ta vốn sinh năm 1950 song tới năm 2004, ông Quang lúc đó là tổng cục phó Tổng Cục An ninh của Bộ Công An Việt Nam “sắm” được một giấy xác nhận rằng đến năm 1956, ông ta mới… ra đời. Nhờ giấy xác nhận sắm được này, ông Quang không phải nghỉ hưu và giờ chễm chệ ngồi ở vị trí chủ tịch nước.
Hoặc trong khi ông Dũng nổi tiếng vì trâng tráo, thản nhiên sắp đặt con mình vào những vị trí nhất định trong hệ thống công quyền để lãnh đạo quốc gia trong tương lai thì “tiếng tăm” của ông Quang cũng chẳng kém hơn. Ông Quang trở thành bộ trưởng Công An Việt Nam năm 2011 và ngay sau đó, ông Trần Quốc Tỏ, em trai của ông Quang trở thành tổng cục phó Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm. Sau khi ông Quang trở thành ủy viên Bộ Chính Trị thì ông Tỏ được “luân chuyển” từ Bộ Công An về làm phó bí thư tỉnh Thái Nguyên. Đầu nằm 2016, ông Quang được Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đề cử vào vị trí chủ tịch nhà nước thì ông Tỏ trở thành bí thư tỉnh Thái Nguyên.


Trang 1 bản kê khai tài sản của ông Vũ Chí Hùng, con rể ông Nguyễn Xuân Phúc. (Hình: Internet)

Tương tự, cựu thủ tướng Việt Nam từng “lẫy lừng” vì có cô con gái giàu “nứt đố, đổ vách” thì tân thủ tướng Việt Nam nổi tiếng không kém bởi tài sản của cậu con rể. Theo bản kê khai tài sản năm 2013, lúc 34 tuổi của ông Vũ Chí Hùng, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công Ty Cảng Dịch Vụ Dầu Khí Tổng Hợp Phú Mỹ (PTSC Phú Mỹ) thì con rể và con gái ông Phúc sở hữu năm căn nhà, hai mảnh đất, tất cả đều thuộc loại “đắc địa” ở Hà Nội và Sài Gòn, chưa kể 33 tỷ tiền gửi trong ngân hàng, lượng cổ phiếu trị giá 9 tỷ.

Thu nhập chính thức của Thủ tướng Việt Nam chỉ khoảng $750/ tháng nhưng cả ông Dũng lẫn ông Phúc đều gửi con ra ngoại quốc du học. Cả ba người con ông Dũng học ở Mỹ, Thụy Sĩ và Anh, còn con ông Phúc cũng học ở Mỹ!

***

Một số người bảo rằng, dù có đả “hổ,” diệt “ruồi” thì cuối cùng, chính trường Việt Nam cũng vẫn chỉ có “hổ” và “ruồi.” Bản chất chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đang manh nha tại Việt Nam chỉ là một canh bạc theo kiểu “được ăn cả, ngã về không.” Tưởng chiến dịch này sẽ khởi đầu cho tiến trình “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là hoang tưởng.

Ông Trọng chẳng từng nhấn mạnh, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” sẽ được thực hiện “từng bước, chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả” để “giữ được ổn định.” “Giữ được ổn định” là tiếp tục duy trì “sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN” và chỉ có thế mà thôi. (G.Đ)





No comments:

Post a Comment