Monday, August 1, 2016

QUỶ BẢO VỆ BIỂN ĐỨC (Deutsche Stiftung Meereschutz) : Bờ biển Việt Nam bị ô nhiễm diện rộng – Không hề có giải pháp làm sạch môi sinh









Dịch giả: Xuân Thọ  
Posted by adminbasam on 27/07/2016

Lời dịch giả: Ngày 17-7-2016, Quỹ bảo vệ Biển Đức Deutsche Stiftung Meereschutz (DSM) đã có thông cáo báo chí về việc Formosa gây ra nạn cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam. Sau đó DSM và một số tổ chức môi trường khác đã trao đổi với Tiến sỹ Friedhelm Schroeder, nhà khoa học thuộc trung tâm khoa học Helmholtz Geestacht (Đức). Ông Schroeder đã từng được chính phủ Việt Nam mời làm tư vấn cho quá trình điều tra vụ cá chết Vũng Áng trong những tuần vừa qua.
Sau cuộc trao đổi với Tiến sỹ Schroeder, hôm nay DSM đã đưa ra bản tuyên bố báo chí thứ hai về nạn cá chết ở Việt Nam.
____

Nạn cá chết: Bờ biển Việt Nam bị ô nhiễm diện rộng. Không hề có giải pháp làm sạch môi sinh
Một vụ cá chết diện rộng ở Việt Nam từ tháng 4 năm nay đã gây bàng hoàng. Dọc theo bờ biển dài hơn 200 cây số, trải qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, tổng số 277 tấn cá chết từ ngoài khơi, từ đáy biển và từ các trại nuôi cá đã được xác định.

Cuối tháng sáu vừa qua, đã bị xác định thủ phạm là nhà máy thép Formosa
Do một sự cố mất điện kéo dài vài ngày nên hệ thống lọc nước thải đã không hoạt động nghiêm chỉnh, điều này được công bố trong một cuộc họp báo. Theo truyền thông Việt Nam, nuớc thải không tinh lọc đã làm nước biển nhiễm độc Phenol, Cyanid và Hydroxit sắt.

Điều tra không đầy đủ
Chính phủ Việt Nam đã nhờ một số chuyên gia quốc tế tư vấn cho quá trình điều tra thảm họa môi sinh này. Nhưng đáng tiếc nhiệm vụ của họ lại chỉ hạn chế trong việc đọc và góp ý kiến cho bản báo cáo của một số nhà khoa học trong nước, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (VAST) đưa ra, cũng như một chuyến tham quan cưỡi ngựa xem hoa (oberflächlich) tại chỗ, như chuyên gia Đức, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder cho biết. Nhà hóa học từng có 25 năm thâm niên tại trung tâm nghiên cứu Helmholtz Geesthacht, hiện là cố vấn khoa học của viện này lấy làm tiếc là ý nguyện được tự lấy mẫu (mang về Đức) đã không được chấp thuận.

Hủy hoại môi truờng ít nhất 50 năm nữa
Các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, cần phải mất ít nhất 50 năm nữa thì hệ sinh thái bị phá hủy dọc theo bờ biển mới có thể phục hồi được. Tiến sỹ Schroeder cũng không loại trừ một thời gian hồi phục dài như vậy, ít ra là cho các vỉa san hô ngầm. Có điều ông không coi đây là nguyên nhân duy nhất của thảm họa hiện nay, mà phải nói đến chính sách bảo vệ môi truờng trong thực tế là không hoạt động ở Việt Nam.

“Toàn bộ vùng bờ biển bị ảnh hưởng bao gồm vô số nhà máy mà hầu hết đều thải thẳng nước không lọc xuống biển”, ông giải thích, đồng thời phê phán rằng, trong quá trình điều tra, người ta đã bỏ qua tất cả các thủ phạm tiềm năng khác. Ngoài ra cũng có thể tưởng tượng được rằng, hệ miễn dịch của cá đã bị suy giảm nhiều bởi môi truờng độc hại kéo dài, nay chỉ gặp một “tác nhân nhỏ” là chúng chết hàng loạt.

Vấn đề cơ bản:
“Ở Việt Nam, nước thải công nghiệp và đô thị phần lớn được đổ thẳng vào môi trường không qua tinh lọc. Phần lớn sông hồ bị nhiễm độc nặng bởi chất độc và thực phẩm thải”. Đó là kết luận buồn rầu của nhà khoa học Đức.
Không có hệ thống lọc hoặc có nhưng không hiệu quả, đó chẳng phải là chuyện hãn hữu ở Việt Nam. Thực tế phổ biến là có hai đường nước thải, một đường để giới thiệu khi kiểm tra định kỳ và một đường cho hoạt động hàng ngày, khi không sợ bị kiểm tra, như Michael Zschiesche, cán bộ Viên nghiên cứu độc lập về môi trường đã viết trong chuyên khảo “Bảo vệ môi truờng ở Việt Nam 2012”(*). Tuy hiện nay đã có nhiều quy định về bảo vệ môi trường, nhưng việc thực thi thì rất lỏng lẻo.

Liệu Formosa có làm như vậy không?
Trong khi một số bạn Việt Nam sống ở Đức, những người đang liên hệ với chúng tôi cho biết là Formosa Steel hiện đang đổ nước thải không lọc qua một hệ thống đường ống dài 2 km cách bờ biển, ở độ sâu 17 m thì Tiến sỹ Schroeder cho biết, ông tận mắt được xem một hệ thống lọc nước thải rất hiện đại, có cả máy đo tự động.

Tuyên bố cứu trợ và bồi thường?
Theo truyền thông thì bên cạnh việc tuyên bố sẽ đầu tư thêm vào thiết bị môi trường và tăng sự minh bạch, Formosa cũng hứa sẽ bồi thường khoảng 500 triệu USD cho việc cứu trợ dân chúng và để làm sạch môi trường.
Chính phủ Việt Nam cũng hứa giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bằng biện pháp hướng nghiệp và tạo công ăn việc làm mới. Nhưng đáng tiếc vẫn còn mối lo rằng, những người cùng đường vẫn phải tiếp tục kiếm ăn bằng cá nhiễm độc, chừng nào các biện pháp cứu trợ cụ thể chưa đem lại kết quả.

Điều hành thảm họa một cách thảm họa (Katastrophales Katastrophenmanagement)
Đáng lẽ phải thông tin cho công luận về thảm họa môi sinh và cảnh báo dân chúng về các mối đe dọa sức khỏe, chính phủ Việt Nam lại đàn áp các cuộc phản kháng, có nơi rất tàn bạo, và bắt giữ những người biểu tình. Lẽ ra phải coi trọng việc bảo vệ môi sinh và con người, cũng như tìm cách áp dụng nghiêm túc các điều luật hiện hành thì hiện nay các biện pháp nửa vời đang được tìm kiếm.

Người dân biểu tình sau khi cá chết hàng loạt xảy ra ở miền Trung, VN. Ảnh: internet

Theo Tiến sỹ Schroeder thì vấn đề hiện tại không thể giải quyết nhanh được, vì muốn vậy thì trước tiên phải tìm ra nguyên nhân thực. “Không có các số liệu đo đạc tiếp theo thì việc đi tìm nguyên nhân chỉ là chuyện đoán mò”, ông than phiền. Bởi vì các giải pháp làm sạch chỉ có ý nghĩa, khi người ta tìm ra đúng nguyên nhân.

Dù sao trong tháng 6 vừa qua, người ta đã thống nhất lập ra một hệ thống theo dõi (Monitoring-System) dọc theo bờ biển để thường xuyên cập nhật số liệu môi trường.

Thay đổi tư duy triệt để là điều cần thiết
Để bảo vệ được môi trường, nhân dân, các cá nhân và cơ quan hữu trách cần phải thay đổi cách suy nghĩ một cách triệt để.

Do vậy, chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam
– Điều tra chi tiết sự vụ này với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế
– Tiến hành các biện pháp làm sạch biển trên cơ sở các kết quả điều tra
– Trừng phạt thủ phạm
– Bồi thường thích đáng cho người dân bị ảnh hưởng
– Áp đặt các hệ thống lọc nuớc thải hiện đại trong toàn quốc
– Kiểm tra nghiêm ngặt các quy định về môi truờng và xử phạt các vi phạm
Ulrike Kirsch Juli 2016


--------------------------------

Dịch giả: Xuân Thọ
Posted by adminbasam on 17/07/2016

Nguồn nước biển bị hủy hoai hàng chục năm – Cá chết hàng loạt – Hàng trăm ngàn người bị mất nguồn sống
Theo kế hoạch, cuối tháng 6 năm nay nhà máy thép Formossa Hà Tĩnh, mới đi vào hoạt động cuối năm 2015, sẽ cho ra lò mẻ thép đầu tiên. Nhưng ngay trong giai đoạn thử nghiệm đã xảy ra một thảm họa môi sinh làm ô nhiễm toàn bộ bờ biển, phá hoại nguồn sống của ngư dân và những người nuôi cá. Ngay cả ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Cá chết hàng loạt
Theo truyền thông Viêt Nam, dọc theo 200 km bờ biển, trải dài qua 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) từ đầu tháng 4 đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Tổng số có 277 tấn cá ven bờ và ngoài khơi chết trôi dạt vào đất liền cũng như của vô số các trại nuôi cá.

Công an đàn áp dã man các cuộc biểu tình
Nhưng chính phủ đã không hành động ngay để điều tra hoặc bảo vệ cuôc sống nhân dân. Thông tin chỉ được phát ra trên Facebook từ ngày 06.04. Trong khi đó, họ (Chính quyền) đã đàn áp, có lúc rất dã man các cuộc tuần hành và bắt bớ những người biểu tình.
Mặc dù Công ty thép Formosa đã bị nghi ngờ là thủ phạm ngay từ đầu, 3 tuần sau đó ông thứ trưởng bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam Võ Nhân Tuấn vẫn khẳng định nhà máy thép không liên quan đến thảm họa này. Theo một số người Việt sống ở Đức, đang liên hệ tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng tôi thì Forrmosa đã đổ nước thải nhiễm độc qua một đường ống dài 2 km ra ngoài khơi, ở độ sâu 17m.

Môi trường bị phá hủy nặng nề cho tới  ít nhất 50 năm sau
Nước biển bị nhiễm các chất Phenol, Cyanid và Hydroxit sắt là kết quả của các cuộc khảo sát được thực hiện trước sức ép của công luận trong và ngoài nước. Các chuyên gia quốc tế đã được mời tham gia khám nghiệm.
Nước thải không được xử lý của Formosa Steel đã phá hủy hê sinh thái biển. Các nhà khoa học cho rằng phải mất ít nhất 50 năm nữa, hệ sinh thái biển mới có thể phục hồi.

Xin lỗi và bồi thường
Cuối tháng sáu, Formosa Hà Tĩnh đã xin lỗi về sự cố này. Vì lý do mất điện nhiều ngày nên hệ thống lọc nước thải đã không thể hoạt động bình thường. Ngoài việc hứa sẽ nâng cấp hệ thống xử lý và nâng cao tính minh bạch, hãng thép đã đưa cam kết bồi thường 500 triệu USD cho các nạn nhân, cũng như cho việc tẩy rửa.

Những biện pháp bất lực
Chính phủ (Việt Nam) cũng muốn giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bằng các biện pháp tạo công ăn việc làm mới. Một phần trong số các ngư dân sẽ phải chuyển sang đi lao động hợp tác tại Nam Hàn, Nhật Bản và Đức.
“Trong những năm tới, nhiều gia đình bị ảnh hưởng sẽ phải kiếm sống bằng các nghề nghiệp khác, nơi khác. Sau này họ có thể quay trở lại sống ỏ quê hương và làm nghề biển trở lại”  Thứ trưởng bộ Lao Động và thương binh Xã hội Doãn Mẫu Diệp đã phát biểu như vậy trên báo Vietnamnet. Nhưng lời khuyên của ông ta là ngư dân nên chuyển từ đánh cá gần bờ sang đánh cá biển xa xem ra có vẻ thiếu thực tế.

Trước mắt không cho phép vận hành nhà máy
Tiến sỹ Trịnh Văn Tuyên, học giả tại Viện Khoa học Môi trường, đề nghị Formosa phải mau chóng hiện đại hóa hệ thống xử lý nước thải cũng như khuyên phải từ bỏ phương pháp làm nguội than cốc bằng nước, thay vào đó nên sử dụng công nghệ làm nguội khô than cốc. Ngoài ra các cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát, như ông ta phát biểu trong bài báo nói trên. Theo Vietnamnet, giấy phép vận hành dự định cấp cuối tháng sáu cần phải dừng lại cho đến khi nhà máy đáp ứng các chỉ tiêu và quy định môi trường.

Đáng tiếc không phải là thủ phạm duy nhất
Nhà máy không có hệ thống lọc hoặc có, nhưng không đủ chuẩn, lại không phải là trường hợp hãn hữu ở Việt Nam. Thông thường, người ta làm hai hệ thống: Một hệ thống „chính thức” nhằm cho các đoàn kiểm tra xem và một hệ thống khác để làm việc hàng ngày, khi cảm thấy an tâm không bị kiểm tra, đó là nhận xét của Michael Zschiesche thuộc Viện độc lập về các vấn đề môi trườngtrong chuyên khảo „Bảo vệ môi trường ở Việt nam 2012”. Mặc dù cho đến nay đã có vô số các quy định và nội quy bảo vệ môi sinh, nhưng việc thực thi chúng còn vướng mắc khá nhiều.

DSM đòi hỏi thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Cần phải chờ xem liệu các biện pháp bảo vệ môi trường được công bố có phải chỉ là những lời hứa suông. Chúng tôi còn để tâm đến vấn đề này và sẽ đề nghị phải thực hiện chúng một cách nghiêm túc trong một bức thư gửi cho ông bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên tới đây.

Ulrike Kirsch Juli 2016
Deutsche Stiftung Meeresschutz DSM

---------------------------------------------------









No comments:

Post a Comment