Lâu nay công ty Nike khoe rằng nhờ Nike mà hàng triệu
nữ công nhân có việc làm, do đó họ độc lập về tài chánh, và con cái của họ
thoát khỏi cảnh nghèo khó. Bộ máy tiếp thị của Nike đặt tên “Girl Effect” cho
chuỗi lập luận này, và dùng nó để đánh bóng thanh danh cho Nike. Ngày 26/8/2016
trên báo Slate ở Mỹ, một số nữ công nhân Nike ở Việt Nam đã nói lên sự thật
khác hẳn: lương thiếu đói, chủ bóc lột, đốc công chửi mắng, đình công thì bị đuổi
việc...
Năm 2008, người của Phong Trào Lao Động Việt (*) tiếp
xúc với các nữ công nhân bị đuổi việc sau khi đình công, sau đó yêu cầu Nike
đòi công ty Ching Luh nhận họ lại hoặc trả tiền bồi thường. Nike trả lời rằng
đuổi các nữ công nhân này là phải, vì “luật lao động của Việt Nam cho phép đuổi
người đình công”.
Bài của ký giả Maria trên báo Slate thuật lại việc
này, và đối chiếu Girl Effect với lời nói của 18 nữ công nhân Nike mà cô đến Việt
Nam tháng 1/2016 để cùng Lao Động Việt phỏng vấn họ. Chẳng hạn, Girl Effect nói
rằng mọi nữ công nhân phải được tôn trọng, còn một nữ công nhân ở công ty Tae
Kwang VN thì kể lại rằng: “Đốc công ném giày vào mặt tôi trước mặt mọi người”.
Bài báo cũng thuật lại việc năm 2015 Lao Động Việt
cùng khoảng 1.800 công nhân Yupoong bị đuổi việc tranh đấu để đòi sự công bằng
(cuối cùng, công ty tăng tiền bồi thường lên như đòi hỏi, còn công an thì bắt
giam và đánh ngất xỉu người của Lao Động Việt). Sau khi LĐV yêu cầu ngưng đuổi
việc các nữ công nhân có thai thì Adidas, Puma, và Columbia đồng ý và lên tiếng
yêu cầu Yupoong. Riêng Nike thì yên lặng.
Lương
đủ sống khác với lương tối thiểu
Nội dung chính của bài của ký giả Maria là tiếng gào
thét không có lối thoát của người lao động Việt Nam: Lương của chúng tôi không
đủ sống! Nhà nước Việt Nam quy định “lương tối thiểu”, một mức lương nghèo đói,
thiếu trước hụt sau, hiện nay khoảng 3 triệu rưởi / tháng nếu làm 48 h/tuần.
Nike chỉ đòi các xưởng máy của họ trả mức lương này. Chính vì lương không đủ sống
nên nhiều nữ công nhân phải gởi con về quê nhờ cha mẹ nuôi, do đó vài tháng mới
gặp con 1 lần - trái ngược hẳn với hình ảnh của Girl Effect.
Còn “lương đủ sống”, như được định nghĩa bởi các tổ
chức thế giới, là lương đủ cho các nhu cầu căn bản và dư đôi chút để phòng khi
mình hoặc con cái đau ốm. Theo Workers Rights Consortium thì muốn đủ sống,
lương phải được tăng đến 11 triệu rưởi / tháng. Ký giả Maria trích thư Nike gởi
Lao Động Việt năm 2010 nói rằng nếu công nhân muốn được tăng lương thì hãy nhờ
công đoàn thương lượng(!) Nike và mọi người đều biết, công đoàn là do nhà nước
lập ra để kềm chế người lao động chứ không phải để phục vụ họ. Tổ chức WRC nói
trong bài này, rằng chủ tịch công đoàn thường là viên chức của công ty, vậy
thương lượng là công ty thương lượng với chính mình.
Trong 8 năm qua, do Lao Động Việt nhiều lần giới thiệu
với phóng viên tây phương, nên tiếng nói của người lao động VN đã lên truyền
hình ở Úc, đài phát thanh toàn quốc ở Đan Mạch, báo chí ở hơn 10 quốc gia, và một
số chính khách tây phương. Việc giới thiệu 18 nữ công nhân với ký giả Maria
Hengeveld là 1 trong các nỗ lực gần đây của Lao Động Việt để người lao động được
có tiếng nói, vì lâu nay nhà nước Việt Nam bóp miệng họ bằng cách cấm họ không
được có nghiệp đoàn.
Ghi
chú:
(*) Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động
Việt, Facebook.com/laodongViet, WWW.laodongViet.org,
Email: chao@laodongViet.org ) là liên
minh của một số tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động
Việt, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
No comments:
Post a Comment