Sunday, August 7, 2016

MỘT NGHỊ ĐỊNH VÔ NGHĨA & TAI HẠI (Bát Thạch Kiều)





Bát Thạch Kiều 
Cập nhật lần cuối 05/08/2016

Về cái quy định bị phạt khi vượt đèn vàng, nếu vậy thì ta nên bỏ luôn đèn vàng, chỉ còn lại đèn đỏ và đèn xanh. Lúc đèn xanh sáng thì đèn đỏ tắt, vậy ta có thể bỏ luôn đèn xanh, chỉ còn lại đèn đỏ. Lúc nào đèn đỏ sáng thì dừng lại, lúc nào đèn đỏ tắt thì đi, rất thuận lợi và tiết kiệm :
Và lúc này những con phố mà ta từng đi qua, ta có thể gọi chúng với một cái tên thật trìu mến: Phố Đèn Đỏ !

Truyện vui vui nói trên, mạn phép chép lại từ một facebook, không cần lý luận mà cho thấy cái vô tri đáng nực cười nếu không là muốn khóc, của các quan chức bộ giao thông Việt Nam. Vô tri, vì chỉ cần mở mắt ra nhìn là thấy hệ thống đèn giao thông của cả thế giới đều dùng ba màu đèn và đều có quy định gần như nhau về ba loại đèn đó (thí dụ ở Mỹ thì đèn đỏ cho phép rẽ phải với điều kiện dành ưu tiên cho xe bên trái, ở Pháp thì không).

Ở AnNam ta thì sao ? Thông tin trên Internet cho biết : "Từ 1/8, theo Nghị định 46 của Chính phủ (thay thế cho các Nghị định 171 và 107), người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau. Mức phạt tiền cho hành vi vượt đèn vàng cao gần gấp đôi so với hiện hành..." Thông tin này cho thấy hai chuyện ; chuyện thứ nhất là, từ trước rồi, "vượt đèn vàng" là vi phạm luật giao thông, còn chuyện thứ hai là kể từ 01/08 vượt đèn vàng cũng bị đánh giá nghiêm trọng như vượt đèn đỏ.

Để giải thích nghị định này, theo bài "đèn vàng sinh ra để làm gì ?" của  trang mạng SOHA (của VCC, một công ty có liên hệ chặt chẽ với chính quyền), ông Hoàng Thế Tùng, phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo nghị định 46/2016/NĐ-CP, nói : "Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp...". Thực đáng buồn cho một quan chức cấp cao của bộ giao thông ! và do đó cũng đáng buồn cho mọi công dân Việt Nam đang sử dụng xe cộ để đi lại.

Và nếu đúng như thế thì quả thật là nghị định 46 là cũng vô nghĩa như các nghị định mà nó thay thế, vì nó không giúp gì cho việc điều khiển giao thông cả. Đèn vàng: phải dừng, rồi sau đó thấy đã cố dừng không được mới đi tiếp. Như vậy chỉ làm cho một chiếc xe đi vào ngã tư, dừng lại, rồi lại đi tiếp, làm nhiễu loạn giao thông. Nghị định không phân biệt vàng và đỏ cho quyết định dừng, và cũng không nói nếu thấy đèn đỏ mà "đã đi quá vạch dừng" thì phải làm sao. Có lẽ phải đứng trơ giữa ngã tư !!!

*

Có thể tóm tắt quy định về tín hiệu giao thông của các nước văn minh trên thế giới như sau : 
a) nếu thấy đèn xanh : thoải mái tiếp tục đi; 
b) nếu thấy đèn đỏ : thoải mái nhấn chân thắng, không có gì phải gấp gáp nếu xe không vượt quá vận tốc quy định. Thoải mái, bởi vì đã có...
c)... đèn vàng : nếu anh thấy có thể dừng trước khi xe thâm nhập ngã tư thì phải dừng, nếu không thì nên đi tiếp. Rõ ràng việc thực hiện điều luật này tuỳ thuộc người lái xe ! và không ai có thể kiểm soát cả.

Tại sao cần đèn vàng ? vì ba lý do dưới đây, và ba lý do đó cũng giải thích bản chất (để triết lý cho vui) của cái đèn vàng:

thứ nhất, khi thấy đèn đỏ người lái xe không nên cố thắng mạnh, có thể gây sự cố cho người trong xe hay cho xe sau; 
thứ hai, mà dù cố thắng mạnh cũng không thể không đi vào vùng nguy hiểm của ngã tư đường nếu đèn đỏ bật lên khi xe đã sát ngã tư. Đèn vàng là một tồn tại giải quyết điểm b) nói trên.

thứ ba, bản chất của đèn vàng là hệ quả của bản chất con người. Thật đấy : Ai có thể biết lúc đó xe quá gần hay không quá gần ngã tư : người lái xe, và chỉ có người lái xe. 

Cho nên luật giao thông yêu cầu sự cộng tác của người lái xe, chủ động cộng tác chứ không phải thụ động chỉ biết tuân theo mọi điều khoản; và để vừa trợ giúp vừa giới hạn rõ sự cộng tác đó, không phải để kiểm soát và phạt, phải có một biểu tượng vật chất rõ ràng cho nó: ánh sáng của cái đèn vàng. Điều quan trọng hơn nữa là sự cộng tác đó phải còn hữu hiệu khi xe còn nằm trong ngã tư, tức là cần tính toán quãng thời gian sáng của đèn vàng.

Dĩ nhiên, tất cả những quy định và tính toán đều chỉ có nghĩa cho đại đa số trường hợp cụ thể mà thôi. Thành phố nào cũng có kẹt xe ít hay nhiều, và cả tai nạn xe cộ, ở các ngã tư đường.

Sự "tuỳ thuộc" này không phải sự tuỳ tiện, đó là một nhiệm vụ giao cho người công dân lái xe, trong ứng xử đối vói những công dân lái xe khác. Nếu người lái xe không hiểu nhiệm vụ này mà cứ làm càn đi tới, coi vàng như xanh, thì có thể sẽ cản trở giao thông, thậm chí gây tai nạn; thí dụ nếu cố băng qua ngã tư ở cuối giai đoạn vàng (tức là bất chấp việc mình đã thừa thời gian để dừng xe) thì nó sẽ chấm dứt trước khi xe qua khỏi ngã tư và một xe nào đó bên phải có thể vọt vào ngã tư vì thấy đèn xanh bên đó.

Mà chỉ cần một vài người lái xe không có ý thức về nghĩa vụ công dân của mình là có thể gây ra kẹt xe, đó là một nguyên nhân quan trọng.

Ở trên đã phân biệt ý nghĩa khác biệt của ba màu đèn, chỉ như vậy thôi ! nếu ngay cả một ông quan giao thông cũng không hiểu điều này thì còn hy vọng ai hiểu đây ? Cái khó là không chắc ông, cũng như nhiều quan chức Việt Nam từ nhỏ tới lớn, hiểu thế nào là công dân, mà không hiểu thế nào là công dân thì không thể hiểu cái đèn vàng !!! Làm luật sai vì thế.

*
Làm sao ước tính thời gian cho đèn vàng? Đó là điều duy nhất tương đối phức tạp để điều khiển hệ thống đèn tín hiệu, vì ngoài ra là hiển nhiên: Trong khi đèn bên dọc xanh rồi vàng thì đèn bên ngang dĩ nhiên phải liên tục đỏ. Cũng thế, đèn bên dọc phải chuyển thành đỏ trước khi đèn bên ngang thành xanh. Tuy nhiên, xe bên ngang mặc dù có thể tiến vào ngã tư vẫn phải dành ưu tiên cho một số nhỏ xe bên dọc có thể còn chưa qua hết.

Quãng thời gian đèn vàng sáng phải là thời gian cho phép xe đi qua ngã tư, theo vận tốc trung bình thống kê của xe, cộng với thời gian phản ứng thần kinh của người lái xe lúc nhận ra đèn chuyển từ xanh sang vàng, cộng với thời gian thắng xe tương thích với vận tốc cho phép chỗ ấy, để người lái xe nếu nhận ra thắng không kịp thì (không thắng mà lấy quyết định chủ quan) đi tiếp; sau đó tổng số được cộng thêm một thời gian nữa cho an toàn.

Cả vấn đề là cái "vận tốc trung bình" thực tế, tại một thời điểm nhất định, nếu nó chậm hơn vận tốc trung bình thống kê ‒ dùng để tính quãng thời gian đèn vàng trong hệ điều khiển bộ đèn ‒ quá nhiều, thì sẽ kẹt xe. Đó cũng là một nguyên nhân nữa.

*
Có tờ báo cho biết rằng, Trung Quốc năm 2013 cũng đã từng cấm vượt đèn vàng và lệnh cấm bị rút lại sau đó một tuần. À, thì ra học quan thầy, nhưng chỉ biết học được cái ngu xuẩn.



-------------------------------

XEM THÊM :








No comments:

Post a Comment