Friday, August 19, 2016

LỜ MỜ NGUYÊN NHÂN VỤ BẮN CHẾT 2 QUAN ĐẦU TỈNH YÊN BÁI (Người Việt Online)





August 18, 2016

YÊN BÁI (NV) – Một ít chi tiết được lộ ra trên mặt một số báo trong nước cho người ta suy diễn phần nào về nguyên nhân chi cục trưởng Kiểm Lâm bắn chết hai quan đầu tỉnh Yên Bái.
    
Buổi chiều ngày Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016, bà Phạm Thị Thanh Trà, chủ tịch UBND; ông Ðặng Trần Chiêu, giám đốc Công an tỉnh; ông Hà Ðức Hoan, trưởng Ban Tuyên Giáo tỉnh Lào Cai; mở cuộc họp báo nói về vụ ông Ðỗ Cường Minh, chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm, đã bắn chết ông Phạm Duy Cường, bí thư Tỉnh Ủy và ông Ngô Ngọc Tuấn, chủ tịch HÐND kiêm trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Yên Bái, vào buổi sáng cùng ngày.

Hầu như các báo lớn ở trong nước đều túa về đây săn tin và đã có đủ mọi thứ câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo về chi tiết của án mạng từ những gì đã diễn ra cũng như nguyên nhân dẫn đến thảm sát gây rúng động dư luận trong nước. Ðây là một án mạng không có tiền lệ tại Việt Nam khi một thuộc cấp bắn chết hai quan đầu tỉnh đều thuộc “Trung Ương Ðảng.” Chính ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải vội vã về đây “chỉ đạo” mọi chuyện.

Ở cuộc họp báo, tướng Ðặng Trần Chiêu, giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho hay, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, “tội danh giết người được quy định, nếu đối tượng gây án còn sống thì khởi tố tội này nhưng khi đối tượng chết thì sẽ không tiến hành việc khởi tố bị can nữa.”
Nhưng đến tối, một số báo lại đưa tin ngược lại cũng viện dẫn lời của ông tướng công an này nói rằng, “Cơ quan điều tra công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án ‘giết người’ tại trụ sở Tỉnh Ủy sáng cùng ngày.”

Vẫn theo ông Ðặng Trần Chiêu, “Tuy nghi phạm đã chết sau khi gây án nhưng do vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên công an tỉnh Yên Bái quyết định khởi tố vụ án để điều tra làm rõ vụ việc.”


Trong cuộc họp báo lúc chiều, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, phủ nhận nguyên nhân đã khiến ông Ðỗ Cường Minh bắn chết hai ông Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn là vì “có xáo trộn trong công tác cán bộ” hay việc điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái.

Theo lời bà Trà thấy kể lại trên tờ Tuổi Trẻ, “Trước khi vụ việc xảy ra, tỉnh có chủ trương sáp nhập Chi Cục Kiểm Lâm với một đơn vị khác, tuy nhiên chưa có quyết định gì cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Minh để làm tư tưởng. Ðến nay không có cơ sở để khẳng định nguyên nhân vụ việc do công tác tổ chức cán bộ.”

Khi tờ Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi: “Ðược biết những vụ việc phá rừng tại Yên Bái đã quy trách nhiệm cho ông Minh, đây có phải là một trong những lý do gây án?”

Bà Trà cho biết, theo tờ Tuổi Trẻ kể, “Tại kỳ họp trước không nhắc đến trách nhiệm cụ thể ông Minh. Việc phá rừng thì trách nhiệm thuộc các đơn vị có trách nhiệm, tỉnh cũng đang yêu cầu xử lý. Tuy nhiên tỉnh chưa có quyết định cụ thể gì liên quan đến trách nhiệm của ông Minh.”

Sáng 18 tháng 8, trao đổi với trang mạng Zing.vn, lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết, “Một trong nguyên nhân dẫn đến rừng tự nhiên ở Yên Bái vẫn chảy máu là do công tác quản lý rừng vẫn còn buôn lỏng. Một bộ phận cán bộ kiểm lâm vẫn chưa thực sự quyết liệt để cho ‘lâm tặc’ phá rừng.”

Trên tờ Công An Nhân Dân, sơ lược tiểu sử của ông Ðỗ Cường Minh được vẽ ra như một người rất có thể nhờ ảnh hưởng của ông bố mà leo lên được cái ghế chi cục trưởng Kiểm Lâm, một người không đi lên từ trường huấn luyện chuyên môn nào. Nói khác, không phải là “kiểm lâm nòi.”

“Qua tài liệu ban đầu của cơ quan điều tra, Ðỗ Cường Minh sinh ngày 28 tháng 11, 1963, là con rể một cán bộ chủ chốt tỉnh Hoàng Liên Sơn trước đây. Vợ Minh hiện là cán bộ thuộc đoàn thể tỉnh Yên Bái. Vợ chồng Minh có một con gái độc nhất sinh năm 1992, du học ở Thụy Sĩ mới về nước được ít ngày.” Tờ Công An Nhân Dân viết như thế và tiếp rằng, “Ðỗ Cường Minh không phải là dân kiểm lâm ‘nòi’. Năm 1983, anh ta công tác tại xí nghiệp đầu máy Hà-Lào, năm 1986 chuyển về công tác tại đài phát thanh-truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn. 10 năm sau, Minh mới chuyển sang công tác tại Chi Cục Kiểm Lâm Yên Bái, biên chế tại trạm kiểm lâm 16. Tháng 6, 2008 được bổ nhiệm làm phó chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm Yên Bái, và năm 2013, được bổ nhiệm làm chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm Yên Bái.”

Không ai tin rằng một người được mô tả là “hiền lành” mà lại bỗng dưng cầm súng bắn chết một lúc hai thượng cấp đầu tỉnh. (TN)

--------------------------------------

Đăng ngày 19-08-2016

Ngày 18/08/2016, tại trụ sở chính quyền tỉnh Yên Bái, tây bắc Việt Nam, đã xảy ra một vụ giết người gây chấn động. Nạn nhân là hai lãnh đạo tỉnh, nghi phạm tự sát tại chỗ. Ngay buổi đêm, công an địa phương tuyên bố khởi tố vụ án, cho dù nghi phạm đã chết. Theo các nhà quan sát, đây là vụ án mạng hết sức hiếm hoi nhắm vào lãnh đạo chính trị cấp cao trong chế độ cộng sản Việt Nam.

Nạn nhân của vụ giết người ngày 18/08 là bí thư Tỉnh Ủy Yên Bái Phạm Duy Cường và chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân, kiêm trưởng Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy, Ngô Ngọc Tuấn. Nghi phạm được biết là ông Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng Cục Kiểm Lâm của tỉnh.

Trong cuộc họp báo chiều 18/08, lãnh đạo công an Yên Bái thông báo không khởi tố vụ án vì đối tượng gây án đã chết. Tuy nhiên, đến 22 giờ đêm, công an địa phương đã ra quyết định ngược lại, khởi tố vụ án với lý do đây là một vụ « đặc biệt nghiêm trọng ».

Vụ án mạng nhắm vào hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng được các phương tiện truyền thông chính thức trong nước loan tải. Theo báo chí trong nước, hiện tại bí ẩn vẫn bao trùm vụ án mạng. Phát biểu trong cuộc họp báo buổi chiều cùng ngày, chủ tịch tỉnh Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà, cho biết : « Ông Minh là người rất hiền lành » và theo suy nghĩ của bà có thể « trong một phút không làm chủ bản được bản thân nên có hành vi hồ đồ gây ra hậu quả đau lòng ».

Trong khi đó, theo tường thuật của nhiều báo, hành động gây án dường như đã diễn ra một cách hết sức có tính toán, nghi phạm sau khi bắn bí thư Tỉnh Ủy còn bình tĩnh chào hỏi mọi người trước khi vào phòng người thứ hai. Chủ tịch tỉnh Yên Bái thừa nhận : vụ án mạng gây một « cơn địa chấn » trong tâm lý người dân địa phương.

Theo báo Channel News Asia« đây là lần đầu tiên dưới chế độ cộng sản Việt Nam có một vụ thanh toán chính trị nhằm vào lãnh đạo cao cấp như vậy, cho dù cạnh tranh chính trị trong nội bộ đảng Cộng Sản xưa nay không phải là hiếm ».

Còn theo một số nhà quan sát, vụ án mạng nói trên là một dấu hiệu cho thấy xung đột nội bộ trong đảng Cộng Sản đang ở mức hết sức căng thẳng. Sau khi vụ án Yên Bái nói trên xảy ra, bên cạnh những lời chia buồn, trên các mạng xã hội cũng lan truyền rất nhiều ý kiến, nhân vụ án mạng, lên án tình trạng tham nhũng và lộng quyền trầm trọng trong bộ máy chính quyền, và những nỗi thống khổ của người dân trong xã hội Việt Nam.

Cách nay ba năm, có vụ án hai quan chức cấp trung của tỉnh Thái Bình bị một người dân bắn chết, do đất đai bị cưỡng chế, nhưng đây là lần đầu tiên có lãnh đạo ở cấp cao bị hạ sát.






No comments:

Post a Comment