So sánh một cách nào đấy, có thể cho rằng cơ chế “phát hành trái phiếu để trả nợ công” chẳng khác mấy thao tác “mời nước ngoài mua nợ xấu.”
Nếu từ
năm 2014, Ngân Hàng Nhà Nước và công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng
(VAMC) đã phát hành đến 500 bộ hồ sơ để chào mời các tổ chức tài chính quốc tế
mua lại nợ xấu của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn không có bất kỳ hồi âm nào, thì
triển vọng phát hành “trái phiếu đặc biệt” của chính phủ ra thị trường thế giới
cũng vô vọng không kém.
“Giấy
lộn” chính thức phá sản
Sau hơn
nửa năm kế hoạch phát hành $3 tỷ “trái phiếu đặc biệt” của chính phủ Việt Nam được
giới quan chức và báo chí nhà nước ồn ào tung hô, vào Tháng Bảy, Bộ Tài Chính
đã phải thừa nhận rằng “Việc phát hành $3 tỷ trái phiếu quốc tế của chính phủ
đang tạm thời phải hoãn lại do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới
không thuận lợi,” trong báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước sáu
tháng đầu năm 2016.
Nhưng
có đúng là “do diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới không thuận lợi,”
hay còn vì nguyên do sâu kín nào khác mà chính phủ không thể và không dám thú
nhận?
Cần nhắc
lại, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế với tổng mức
tối đa là $3 tỷ đã được Quốc Hội giao trong Nghị Quyết số 99 về dự toán ngân
sách năm 2016, ban hành Tháng Mười Một, 2015. Mục tiêu của kế hoạch này là “nhằm
cơ cấu lại nợ trong nước của chính phủ,” mà về thực chất là đảo nợ.
Tháng
Mười Một năm ngoái cũng là thời điểm mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng bước vào đấu
trường sinh tử đại hội 12 cho số phận chính trị của ông. Trong bối cảnh ngân
sách trung ương “chỉ còn 45,000 tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì,” hẳn
nhiên Thủ Tướng Dũng phải đôn đáo tìm cách tung ra những bánh vẽ nhằm gỡ gạc uy
tín cho mình. Khi đó, mặc dù Luật Quản Lý Nợ Công đã quy định không cho phép
phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để đảo nợ trong nước và đã có một số
ý kiến chuyên gia nhấn mạnh “cần thượng tôn pháp luật,” nhưng chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng vẫn bất chấp để trình kế hoạch phát hành trái phiếu, và cuối cùng Quốc
Hội Việt Nam lại một lần nữa “gật” theo một quán tật cực kỳ khó sửa.
Giới
quan chức hy vọng vào một phép màu sẽ xảy đến khi các tập đoàn quốc tế dang tay
ôm “trái phiếu đặc biệt” và góp thêm một khoản tiền vừa để trả lương vừa trả nợ
cho Việt Nam.
Tuy thế,
hy vọng ấy đã tan vỡ như bong bóng xà phòng. Nếu lần phát hành trái phiếu gần
nhất của chính phủ ra thị trường quốc tế diễn ra vào năm 2014 thất bại đến mức
chính phủ phải “ép” Ngân Hàng Vietcombank – một trong số ngân hàng mà nhà nước
có cổ phần chi phối, phải mua $1 tỷ trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thì nay có thể thấy
rõ là chẳng một doanh nghiệp quốc tế nào ngó ngàng đến “giấy lộn” của chính phủ
Việt Nam.
Nếu cho
đến nay, luận thuyết được giới quan chức nhà nước tung ra và được một số tờ báo
nhà nước ăn theo nhiệt liệt về “các tổ chức nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ xấu
của Việt Nam” đã chìm tuột xuống cái đáy cay đắng, thì loại tài sản vô hình như
“giấy lộn” của chính phủ Việt Nam lại càng không được chào đón ở bất kỳ quốc
gia nào chưa đến nỗi “điên.”
Cả
trong nước cũng quay lưng
Với thất
bại quá rõ ràng về phát hành $3 tỷ “trái phiếu đặc biệt,” có thể cho rằng cánh
cửa thoát hiểm quốc tế đã đóng sập trước mưu tính “đảo nợ” bằng thủ thuật đổi
giấy lấy tiền mặt. Giờ đây, tình trạng khốn quẫn về nợ công chỉ còn hy vọng vào
việc phát hành trái phiếu cho thị trường trong nước, mà mà chủ yếu vào hệ thống
ngân hàng thương mại.
Ngay lập
tức, những cái lưỡi không xương lại múa may theo một đường cong mà lương tâm và
đức hạnh không thể chịu nổi. “Thật ra thì chúng ta xác định thị trường phát
hành trái phiếu chủ yếu là ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài,” không ít
quan chức và “chuyên gia” đã quay ngoắt sang chiều ngược lại ấy.
Nhưng
thực trạng phát hành trái phiếu trong nước “vẫn tốt đẹp” ra sao?
Kinh
nghiệm xương máu trong hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng
làm thủ tướng là lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã
tăng gấp 2.5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng
thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả
trong ngắn hạn đã tăng cao và tăng đột ngột trong thời gian gần đây, gây sức ép
mạnh lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại
phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà
nước. Hậu quả là từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh
toán, trong lúc chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới
do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng
theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
Bất chấp
hiện trạng vẫn được ưu ái và o bế bởi chính phủ cùng Ngân Hàng Nhà Nước, đến
lúc này ngay cả những ngân hàng loại một như Vietcombank cũng chẳng còn mặn mà
gì với “giấy lộn.”
Bằng chứng
hiển hiện nhất vừa lộ ra vào giữa năm 2016: Cái cách hai ngân hàng BIDV và
VietinBank quay lưng thẳng thừng với yêu cầu của Bộ Tài Chính về nộp cổ tức năm
2015 bằng tiền mặt – giá trị lên đến gần 5,000 tỷ đồng, có thể cho thấy ngay cả
các ngân hàng lớn cũng đang khó khăn và phải lo thủ thân như thế nào trước cơn
suy trầm kinh tế đang gõ cửa từng nhà.
Đến
“mật phí” cũng bị cắt
Tương tự
tình trạng một trong những quyền dân bị chính thể và Quốc Hội nợ suốt một phần
tư thế kỷ qua – Luật Biểu Tình – nhưng vừa tiếp tục bị tân Chủ Tịch Quốc Hội
Nguyễn Thị Kim Ngân áp chế trì hoãn vô thời hạn với lý do “rối loạn đất nước,”
chủ trương “phát hành $3 tỷ trái phiếu đặc biệt của chính phủ ra thị trường quốc
tế” về thực chất đã bị phủ quyết ngay từ khi nó còn nằm trong bầu trứng nước.
Trong
tâm thế bị hầu hết các chủ nợ lớn như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế,
Ngân Hàng Phát Triển Á Châu… siết mạnh về tín dụng lãi sất ưu đãi và kể cả những
nguồn cho vay với lãi suất thị trường, ngân sách chi tiêu của chính phủ đang biến
thành một hiện tượng đặc biệt: Trong sáu tháng đầu năm 2016, tỉ lệ chi trả nợ
nước ngoài đã tăng vọt lên 40% tổng chi; nhưng ngược lại, tỉ lệ “chi thường
xuyên” cho khối công chức viên chức và lực lượng vũ trang từ 65-70% tổng chi
trong những năm trước đã phải “bóp” lại còn hơn 40%.
Tình cảnh
này đã và đang hủy hoại cả “mật phí” của ngành công an chuyên chống nhân quyền.
Nghe
nói mức “bồi dưỡng” cho công an để “canh chặn” những nhà hoạt động nhân quyền
là không nhỏ và phân chênh đáng kể: 100,000 đồng/người/ngày cho cấp phường xã,
300,000 đồng/người/ngày cho cấp quận huyện, và đến 500,000 đồng/người/ngày cho
cấp thành phố. Nhưng gần đây, một số nhà đấu tranh dân chủ cho biết nếu như trước
đây họ thường bị bốn hoặc năm nhân viên “canh” thì nay chỉ còn một người.
Mới
đây, nhân viên một quá cà phê cho biết rằng chỉ có hai trong sáu nhân viên công
an chìm kêu nước uống tại một bàn, trong khi bốn người kia “xin” không uống nước
mà chỉ ngồi để theo dõi cuộc sinh hoạt của một tổ chức xã hội dân sự độc lập diễn
ra trong quán cà phê này. Tương tự, chỉ có khoảng 30% “khách an ninh” thanh
toán cho quán cà phê, trong khi số còn lại chỉ “đi đi lại lại.”
Ngay cả
“mật phí” mà còn “hoàn cảnh” đến thế, thử hỏi ngân sách “đầu tư phát triển” của
trung ương đang khốn cùng và bế tắc đến cỡ nào?
------------------------
25.07.2016
No comments:
Post a Comment