Thursday, August 4, 2016

FORMOSA & MCC - KỲ I (Mai Thái Lĩnh - Bauxite VN)





Mai Thái Lĩnh
04/08/2016

I. Tập đoàn MCC – nhà thầu xây dựng Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh

“Formosa Hà Tĩnh (FHS) là một công ty của Đài Loan hay của Trung Quốc?”. Cho đến nay, câu hỏi này vẫn còn ám ảnh rất nhiều người. Một số tác giả đã tìm cách chứng minh đó là một công ty của Trung Quốc bằng cách phân tích vốn đầu tư.

Sở dĩ có sự nghi hoặc là do hồi tháng 9 năm 2013, có tin 4 công ty con của Tập đoàn Formosa là Formosa Plastics Corp, Nan Ya Plastics Corp, Formosa Chemicals & Fibre Corp, và Formosa Petrochemical Corp đã quyết định cắt giảm số cổ phần trong Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh từ 21.25% xuống 14.75% mỗi công ty(1). Vì vậy, ai sẽ là chủ sở hữu số cổ phần còn lại khi Tập đoàn Formosa chỉ còn nắm tổng cộng 59% tổng số vốn? Nhiều người ngờ rằng số cổ phần này sẽ lọt vào tay các công ty của Trung Quốc.

Nhưng nếu chúng ta chịu khó truy tìm các thông tin kinh tế đã được công bố, thì việc giải đáp câu hỏi này không quá khó khăn. Ngày 18/2/2015, trang Asian Nikkeicủa Nhật Bản thông báo: “Công ty China Steel (CSC) của Đài Loan đã nâng vốn đầu tư tại nhà máy thép Hà Tĩnh từ 5% lên 25%”(2). Cuối tháng 7/2015, Công ty JFE Steel của Nhật Bản thông báo họ sẽ mua 5% số cổ phần của Công ty Formosa Hà Tĩnh(3). Như vậy, số cổ phần còn lại chỉ là 11%. Vì vậy nếu có một công ty Trung Quốc nào đó nắm số cổ phần này thì về nguyên tắc kinh doanh, công ty đó cũng không thể khống chế được mọi hoạt động của Formosa Hà Tĩnh.

Thật ra, từ giữa năm 2014 đã có dư luận cho rằng “Tập đoàn Formosa bán dự án cho người Trung Quốc”. Trả lời báo chí Việt Nam, ông Vương Văn Tường – Phó tổ trưởng Tổ quản lý dự án Formosa Hà Tĩnh đã khẳng định: “Formosa Hà Tĩnh không có một 'xu' nào của Trung Quốc”(4).

Có thể nói cho đến thời điểm xảy ra thảm họa “cá chết”, Formosa Hà Tĩnh vẫn là một doanh nghiệp phần lớn vốn là của Formosa, các công ty mà họ mời tham gia thêm (vd: CSC hay JFE Steel) thật ra chỉ là người góp thêm vốn vào giờ cuối chứ không có quyền quyết định, vì vậy cố tìm cách chứng minh Formosa Hà Tĩnh là một “công ty của Trung Quốc” có thể là một việc làm vô ích, hoặc vô tình rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc đã giăng sẵn.

Vấn đề đặt ra là: một tập đoàn kinh tế của Đài Loan có thể hợp tác với một tập đoàn kinh tế của Trung Hoa (đại lục) để phục vụ cho mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung quốc hay không? Nói cách khác, Trung Quốc – một siêu cường về kinh tế và quân sự, có thể sử dụng một công ty hay một tập đoàn của Đài Loan để làm vỏ bọc hay không? Để tìm hiểu điều này, chúng ta cần đi vào thực tế, chứ không thể chỉ suy luận bằng lý thuyết thuần túy.

Lời nói dối của Formosa

Trong những điều ông Vương Văn Tường nói với báo chí Việt Nam, có một câu đáng lưu ý:
“Khi đầu tư, Formosa đều mở thầu quốc tế, có doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia. Cuối cùng chúng tôi đã chọn nhà thầu Trung Quốc có kinh nghiệm, hai khâu sản xuất quan trọng nhất trong nhà máy là luyện gang, luyện thép đều do Trung Quốc thiết kế, lắp ráp, thi công. Nhưng bên cạnh đó, gói thầu hút cát san nền doanh nghiệp Bỉ trúng thầu. Phần bảo dưỡng thiết bị Hàn Quốc trúng thầu, nhà máy luyện than cốc công ty Đài Loan trúng thầu...”(5).

Sự thật là như thế nào?

Ngày 2/12/2012 thường được coi là ngày chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh – hạt nhân trung tâm của Khu công nghiệp Formosa tại Vũng Áng. Người thay mặt Chính phủ Việt Nam đến dự lễ khởi công này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Về phía Tập đoàn Formosa, có mặt Vương Văn Uyên – Chủ tịch Tập đoàn(6).

Ông Vương Văn Uyên (王文淵, còn được gọi là William Wong) là con trai cả của ông Vương Vĩnh Tại (王永在 Wang Yung-tsai). Vương Vĩnh Tại (1921-2014) là em trai của Vương Vĩnh Khánh (王永慶 Wang Yung-ching (1917-2008) người sáng lập Tập đoàn Formosa), thường được coi là “đồng sáng lập Tập đoàn Formosa”. Vương Vĩnh Khánh về hưu từ năm 2002 cho nên Vương Vĩnh Tại trở thành nhà “đại kiến trúc sư” của Khu công nghiệp hóa dầu tại Mạch Liêu – Vân Lâm, trong đó có Nhà máy Naphtha Cracker số 6 – tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất tại Đài Loan. Vương Vĩnh Tại về hưu năm 2006 và chuyển giao tập đoàn cho một tập thể 7 người – trong đó hai người có thế lực nhất là Vương Văn Uyên – con trai Vương Vĩnh Tại, và Vương Thụy Hoa (王瑞華, còn được gọi là Susan Wang) – con gái của Vương Vĩnh Khánh(7).

Điều ít được công luận chú ý là: trước đó hai tháng, Công ty Formosa Hà Tĩnh (Formosa Ha Tinh Steel Corporation, FHS) đã chính thức ký kết với Tập đoàn MCC (Trung Quốc) – nhà thầu (contractor) chính của Dự án xây dựng Nhà máy Thép Tổng hợp Formosa Hà Tĩnh. Có hai nguồn tin liên quan đến việc ký kết này:

(1) Theo tin của Tập đoàn MCC, một buổi lễ ký kết Ý định thư (Letter of Intent) đã được tổ chức vào ngày 12/10/2012 tại trụ sở của MCC ở Bắc Kinh. Dựa theo nội dung của Ý định thư, ba công ty con của MCC là CISDI GroupCIE (Changtian International Engineering Corporation, Công ty Quốc tế Kỹ thuật Công trình Trường Thiên) và ACRE (ACRE Coking & Refractory Engineering Consulting Corp, Công ty Tư vấn Kỹ thuật về Luyện than coke và Vật liệu chịu lửa ACRE) sẽ lần lượt đảm nhiệm các dự án khác nhau của Công ty Formosa Hà Tĩnh, bao gồm: các lò cao (blast furnaces), lò nung lại (reheating furnaces), hệ thống nung kết (sintering system), các lò luyện than cốc (coke ovens), cung cấp trang thiết bị chủ yếu và mở các lớp huấn luyện liên quan đến ngành luyện sắt thép. Thành phần tham dự buổi lễ gồm có các nhân vật giữ các chức vụ quan trọng của cả hai phía: về phía Formosa Hà Tĩnh có Chủ tịch Lâm Tín Nghĩa (林信義 Lin Xinyi / Lin Hsin-i), Tổng giám đốc Dương Hồng Chí (楊鴻志 Yang Hongzhi / Yang Hung-chi); về phía MCC có Thẩm Hạc Đình (沈鶴庭 Shen Heting) – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MCC; Chủ tịch Tiêu Học Văn (肖学文 Xiao Xuewen) của CISDI Group, Chủ tịch Yi Shuguang của CIE và Chủ tịch Yu Zhendong của ACRE(8).

Hình 1: Lâm Tín Nghĩa – FHS (trái) gặp Thẩm Hạc Đình – MCC (phải) 12/10/2012

Điều đáng chú ý là theo định nghĩa, Ý định thư (Letter of Intent, LOI) là một văn bản tóm tắt các thành phần chính của một đề nghị kinh doanh, hoặc là một văn bản phác họa những kỳ vọng giữa khách hàng và nhà cung cấp, nhưng nhược điểm của loại văn bản này là không có sự ràng buộc về mặt pháp lý.  Như vậy, phải chăng đó chỉ là một loại văn bản “bày tỏ ý định” không có tính ràng buộc mà Formosa Hà Tĩnh có thể chấm dứt bất cứ lúc nào?

(2) Thực ra, giữa hai bên đã có sự thỏa thuận ở mức độ cao hơn. Theo một bản tin của CISDI đề ngày 12/10/2012, thì vào ngày 10/10/2012 (tức là hai ngày trước đó) – cũng tại Bắc Kinh, đã có một buổi lễ ký kết hợp đồng giữa Formosa Hà Tĩnh và CISDI Group. Theo hợp đồng này, việc cung cấp các lò cao (BF, blast furnaces) và lò nung lại (Reheating Furnaces, RHF) của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh sẽ được giao cho Công ty Kỹ thuật Công trình CISDI và Công ty Lò cao Công nghiệp CISDI trên cơ sở phương thức EPC (Engineering, Procurement and Construction). Hợp đồng này được ký bởi Xiao Xuewen (肖学文 Tiêu Học Văn) – Chủ tịch của CISDI Group và ông Yang Hongzhi (楊鴻志 Dương Hồng Chí / Yang Hung-chi) – Tổng giám đốc Formosa Hà Tĩnh. Tham dự buổi lễ có ông Lâm Tín Nghĩa 林信義 Lin Xinyi / Lin Hsin-i – Chủ tịch FHS và ông Thẩm Hạc Đình 沈鶴庭 Shen Heting – Phó chủ tịch của MCC(9).

Như chúng ta đã biết, EPC là một loại hợp đồng theo đó nhà thầu nhận tất cả các khâu: từ thiết kế kỹ thuật (engineering), mua sắm trang bị (procurement) cho đến xây dựng (construction). Bản tin này cũng nói rõ: CISDI sẽ bảo đảm cung cấp các lò cao và lò nung lại theo phương thức chìa khóa trao tay (turnkey).

Hình 2: Lễ ký kết hợp đồng EPC giữa FHS và CISDI (10/10/2012)

Hình 3: Thiết kế 3D của lò cao tại nhà máy thép FHS

Hơn thế nữa, bản tin còn cho biết một điều quan trọng: ngay từ năm 2008 CISDI đã cộng tác với Formosa từ khâu thiết kế kỹ thuật cho đến lập dự án khả thi.

Nói tóm lại, ngay từ khi được Chính phủ Việt Nam cho phép đầu tư vào Vũng Áng, Formosa đã tìm đến MCC và sau nhiều cuộc giao dịch, đặt trọn niềm tin vào MCC kể từ khâu thiết kế kỹ thuật, lập dự án khả thi, mua sắm thiết bị lẫn xây dựng nhà máy thép tổng hợp, v.v...
Quá trình giao dịch giữa Formosa và MCC trước năm 2012

Như trên đã nói, Formosa đã giao dịch MCC thông qua các công ty con (vd: CISDI Group) ngay từ năm 2008. Nhưng những thông tin cụ thể về quá trình giao dịch này không được công bố rõ ràng, vì vậy chúng ta chỉ có thể tìm thấy một số thông tin về giao dịch giữa hai bên trước tháng 12 năm 2012 :

- Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 10 năm 2011, ông Xiao Xuewen (肖学文 Tiêu Học Văn) – Chủ tịch của CISDI, đã đến thăm Đài Bắc và gặp các ông Lâm Tín Nghĩa (林信義 Lin Xinyi / Lin Hsin-i) và Ngô Quốc Hùng (吳國雄 Wu Guoxiong / Wu Kuo-hsiung) – Chủ tịch và Tổng giám đốc của Formosa Ha Tinh Steel (FHS) để tiến hành các cuộc trao đổi tỉ mỉ về hợp tác trong các dự án đa dạng của FHS(10).

- Ngày 16/2/2012, Tổng giám đốc của Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh là Dương Hồng Chí (楊鴻志 Yang Hongzhi / Yang Hung-chi) đã dẫn một phái đoàn của Formosa đến thăm CISDI. Chủ tịch của CISDI là Tiêu Học Văn (肖学文 Xiao Xuewen) và Tổng giám đốc là Yu Zhaohui tiếp các vị khách tại Biệt thự CISDI và đã giới thiệu với đoàn về sự phát triển của CISDI cũng như cơ cấu kinh doanh của công ty ở trong nước và ở hải ngoại, đồng thời bày tỏ lòng mong muốn phục vụ các dự án của FHS trong toàn bộ chu trình hoạt động của dự án và thăm dò những cơ hội hợp tác nhiều hơn với FHS(11).

Hình 4: Lâm Tín Nghĩa – FHS (trái) và Tiêu Học Văn – CISDI (phải) - tháng 10/2011

Hình 5: Phái đoàn của Formosa Hà Tĩnh đến thăm CISDI - tháng 2/2012

Những dẫn chứng trên đây cho thấy hai bên đã tìm hiểu nhau rất kỹ trước khi ký kết hợp đồng chính thức. Chính vì vậy mà chỉ hơn một tháng sau ngày ký kết chính thức, CISDI đã có chuyến hàng đầu tiên bằng đường tàu biển - liên quan đến các thiết bị và nguyên vật liệu để xây dựng hai lò cao số 1 và số 2 của Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Chuyến hàng này khởi hành từ Thượng Hải vào ngày 18/11/2012(12).

Tất cả những sự kiện nói trên đều diễn ra trước ngày chính thức khởi công xây dựng Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh. Như vậy, những chuyện như “tổ chức đấu thầu quốc tế”, “chọn nhà thầu”, … thực ra chỉ là những màn kịch để che đậy, lừa bịp dư luận mà thôi. Trong thực tế, ngay từ năm 2008, khi được chính thức cho phép đầu tư vào Vũng Áng, Tập đoàn Formosa đã “chọn” Tập đoàn MCC của Trung Quốc làm nhà thầu chính trong việc xây dựng Nhà máy thép tổng hợp (integrated steel mill) tại Vũng Áng. Mà Nhà máy thép tổng hợp này mới là “hạt nhân trung tâm” của Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tương tự như Nhà máy Naphtha Cracker số 6 là “hạt nhân trung tâm” của Khu công nghiệp hóa-dầu tại Mạch Liêu (huyện Vân Lâm, Đài Loan).

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là ngay từ năm 2008, Formosa đã bắt đầu thực hiện dự án xây dựng một nhà máy thép không gỉ (stainless steel, thường gọi là inox) tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Nhà máy thép Fujian Fuxin (福建福欣, Phúc Kiến Phúc Hân) có số vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ đô-la với công suất 1,4 triệu tấn/năm, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành vào giữa năm 2013, sản xuất hết công suất vào giữa năm 2014 và hiện đang chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2. Về mặt kỹ thuật, Formosa đã dựa vào Công ty JFE Steel Corporation – một công ty con của JFE Holdings (Nhật Bản), nhà sản xuất thép lớn hàng thứ 5 trên thế giới. JFE Steel chính là công ty mà Formosa đã cố mời đóng góp 10% cổ phần vào giữa năm 2015, nhưng có lẽ vì thận trọng, JFE chỉ đồng ý góp 5% cổ phần vào Nhà máy thép Hà Tĩnh.

Tại sao khi đầu tư vào một nhà máy thép quy mô nhỏ tại Trung Quốc, Formosa dựa vào kỹ thuật của một công ty Nhật Bản mà khi đầu tư vào Việt Nam, với một công trình lớn hơn hàng chục lần, họ lại dựa vào một tập đoàn của Trung Quốc? Đây là một dấu hiệu cho thấy việc Formosa lựa chọn MCC làm nhà thầu chính có thể là một điều kiện để Formosa nhận được giấy phép thành lập Khu công nghiệp sắt-thép tại Vũng Áng với những ưu đãi đặc biệt. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, đó là những ưu đãi chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đã từng được hưởng tại Việt Nam kể từ khi quốc gia cộng sản nổi tiếng khép kín này mở cửa đi vào con đường “lợi dụng chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội” – theo gương của nước láng giềng “Trung Hoa cộng sản”.

M.T.L.

Kỳ sau: Nhận diện Tập đoàn MCC

*
Chú thích:
1. “FPG to lower stakes in Vietnam”, Taipei Times Sep 28, 2013:
2. “China Steel to boost investment in Vietnamese mill”, Asia Nikkei February 18, 2015: http://asia.nikkei.com/Business/Deals/China-Steel-to-boost-investment-in-Vietnamese-mill
3. JFE Steel to Acquire 5% Stake in Vietnam’s First Integrated Steelworks Project :
4. Formosa Hà Tĩnh không có một 'xu' nào của Trung Quốc, Thanh Niên 31/07/2014:http://thanhnien.vn/thoi-su/formosa-ha-tinh-khong-co-mot-xu-nao-cua-trung-quoc-439002.html
5. "Không có vốn Trung Quốc ở dự án Formosa", Tuổi Trẻ 01/08/2014:
6. Khởi công xây dựng Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh, Dân Trí 03/12/2012:
7. Trái với suy luận của một số người, con trai cả của Vương Vĩnh Khánh là Winston Wong (Vương Vĩnh Dương 王文洋) - người có quan hệ bạn bè với con trai của Giang Trạch Dân, không có vai trò quan trọng trong Tập đoàn Formosa kể từ khi bị cha ông “đày” đi Hoa Kỳ năm 1995 sau vụ hôn nhân ngoài giá thú nhiều tai tiếng. Sau khi Vương Vĩnh Khánh qua đời, nhất là sau vụ kiện đòi thừa kế tài sản, thế đứng của Winston Wong trong tập đoàn lại càng thêm suy giảm.
8. “Cooperative LOI Inked between MCC Group and Formosa Ha Tinh Steel Corp”,MCC October 15, 2012:http://www.mccchina.com/mccen/focus/_325415/342463/index.html
9. “EPC Contract for Blast Furnaces of Formosa Ha Tinh Steel Inked”, CISDI Group2012-12-10:
10. "CISDI Visits Formosa Ha Tinh Steel (FHS)”, CISDI Group 2011-03-10:
11. “CISDI Leader Meet Visiting FHS President “, CISDI Group 2012-02-25:
12. “First Shipment of Exported BF Equipment for Formosa Ha Tinh Steel Mill Starts off “, CISDI Group 2012-12-20: http://www.cisdigroup.com.pt/news3-1200.html

Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 13:51







No comments:

Post a Comment