Nguyễn An Dân
Gửi
tới BBC từ TPHCM
29 tháng 7 2016
.
Lãnh đạo Formosa Hà
Tĩnh đã nhận lỗi về vụ cá chết, và cam kết bồi thường cho Việt Nam 500 triệu
đô la
Trong
tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung có một
công cụ được dùng để khống chế sức mạnh của các nhân vật võ hiệp. Đó là “sinh tử
phù”, được cấy vào cơ thể người luyện võ nhằm suy yếu, triệt tiêu sức đối kháng
và chi phối tư duy, hành động của họ.
Có vẻ như đến nay, sau diễn biến tại Quốc hội và những
thông tin có được xung quanh, dường như Formosa cũng có vẻ là một “sinh tử phù”
trên cơ thể Việt Nam và đang phát huy giá trị như thế.
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá toàn diện
về “thảm họa cá chết” tuy có nhiều thông tin nhưng chưa đủ, và theo tôi chưa vạch
ra vấn đề trách nhiệm của từng cá nhân, ban bệ trong chính quyền.
Những nét quan trọng mà tôi viết dưới đây chưa thấy
trong báo cáo đánh giá của Chính phủ nên xin phép bổ sung.
Mượn
đầu heo nấu cháo?
Theo thông tin chính thức, vì Formosa Hà Tĩnh là dự
án đầu tư lớn nhất hiện nay, quy mô vốn đăng ký 10 tỷ USD, có thể là mũi đột
phá của ngành sản xuất thép, là yếu tố quan trọng giúp phát triển công nghiệp
Việt Nam…, đủ thứ lời có cánh ca tụng khi cấp phép dự án.
Thế nhưng dường như mọi việc không có vẻ như thế.
Theo thuyết minh dự án được Formosa Hà Tĩnh công bố
với Chính phủ Việt Nam, vốn đầu tư từ các cổ đông rót vào Công ty Trách nhiệm Hữu
hạn Formosa Hà Tĩnh là khoảng 3,5 tỷ USD. Còn lại 7 tỷ USD thì Formosa Hà Tĩnh
sẽ vay ngân hàng trong và ngoài nước Việt Nam.
Tức là 70% tổng vốn đầu tư vào dự án Formosa cũng là
không phải của họ.
Hóa ra họ không mang tiền vào Việt Nam nhiều như ta
nghe họ nói.
Nếu vậy thì thực vốn đầu tư của Formosa Hà Tĩnh cũng
chỉ ngang tầm với một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, vì sao phải ưu đãi đủ
thứ biệt lệ cho họ hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam?
Nếu vay ngoài Việt Nam, với thuyết minh kinh tế sơ
sài về yếu tố gìn giữ môi trường và tỉ suất sinh lời thấp (có khi còn lỗ) như
Formosa Hà Tĩnh, khả năng họ tự vay được là rất khó nếu không có Chính phủ Việt
Nam đứng ra bảo lãnh.
Đừng đánh giá thấp kinh nghiệm của các ngân hàng tư
bản nước ngoài có trong tay tỷ tỷ USD. Mong là Chính phủ Việt Nam lưu ý vấn đề
này nếu có.
Nếu vay vốn trong nước, thì cũng là tiền chung của
nhân dân, nghĩa là nhân dân phải bỏ tiền của mình ra cho người vay để họ… góp
phần gây thảm họa môi trường của Việt Nam.
Dư luận rất lấy làm khó hiểu khi tại Thông báo số
219/TB-VPCP ngày 2/6/2014 của Văn phòng Chính phủ có nội dung đồng ý nâng hạn mức
cho Formosa Hà Tĩnh được vay tiền tại các ngân hàng thương mại Việt Nam gấp bốn
lần vốn đăng ký của họ.
Nghĩa là Formosa Hà Tĩnh chỉ thực sự đầu tư vào Việt
Nam 3,5 tỷ USD, nhưng được vay… 40 tỷ USD tiền của nhân dân Việt Nam.
Nói theo kiểu dân gian là có vẻ như “tay không bắt
cướp”.
Ngân hàng cho vay thì cái đầu tiên của họ quan tâm
là thu hồi vốn trên tài sản đảm bảo để phòng ngừa rủi ro.
Về pháp lý, do là công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ
chịu trách nhiệm trên vốn đăng ký, hóa ra họ được vay 40 tỷ USD trong nước
nhưng trách nhiệm tài chính chỉ phải chịu 10 tỷ US như vốn đăng ký.
Các ngân hàng Việt Nam, nếu họ cũng vì “tâm huyết” với
ý tưởng “giúp sức” cho Formosa Hà Tĩnh trở thành “mũi nhọn công nghiệp” của Việt
Nam, thì e rằng một khi dự án không hiệu quả thì khả năng thu hồi vốn cũng trở
nên rủi ro rất lớn.
Formosa Hà Tĩnh không có gì để thế chấp ngoài nhà
máy hình thành từ... vốn vay, còn đất đai dự án là thuê của Việt Nam.
Viễn cảnh các ngân hàng chia nhau đống sắt vụn để vớt
vát vốn cho vay là cái rất có thể xảy ra, và thế là nhân dân Việt Nam mất tiền.
Tiền lệ này đã có từ dự án nhà máy thép Vạn Lợi với khoản… 1.700 tỷ đồng.
Ai chịu trách nhiệm cho Formosa Hà Tĩnh, ngay từ đầu,
với kế hoạch mượn đầu heo nấu cháo vào Việt Nam hoạt động rồi được bơm thổi
thành… nhà đầu tư chiến lược có thể… giúp đỡ Việt Nam phát triển?
Đến nay ngoài gần 4 tỷ USD vốn bỏ ra ban đầu với một
dự án đang hình thành, có vẻ như Formosa hết tiền nếu vay vốn trong và ngoài nước
không được.
Chưa nói các khoản khác, khoản đền bù 500 triệu USD
cho “vụ cá chết” mà họ hứa đền bù cho Việt Nam chưa biết bao giờ mới lấy được.
Nếu Formosa mang đủ 10 tỷ USD vào Việt Nam như các
nhà đầu tư nước ngoài khác khi đăng ký vốn, không có ưu đãi quá mức và qua thẩm
định - quản lý đầu tư kỹ lưỡng, liệu rằng họ dám coi thường pháp luật Việt Nam
như thế không?
Kinh nghiệm nắm kẻ có tóc không nắm kẻ trọc đầu của
ông bà ta đã bị các cấp quản lý nhà nước bỏ quên.
Một cán bộ quản lý chủ chốt khi xưa ”có công” rất lớn
để hình thành nên dự án Formosa Hà Tĩnh hôm nay đã được bầu vào Ủy ban Kinh tế
Quốc hội.
Đây cũng là nơi ghi nhận và đề xuất phân bổ vốn cho
các dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam, liệu rằng vị này vì có quá ưu ái
Formosa Hà Tĩnh năm xưa mà tiếp tục “giúp đỡ” cho Formosa Hà Tĩnh được vay tiền
thêm vài tỷ USD để hoàn tất dự án hay không là điều mà dư luận hoài nghi.
Đến
khiêu khích chính trị?
Thông thường một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt
Nam luôn cố gắng xây dựng hình ảnh thân thiện với quốc gia sở tại.
Với tầm vóc của Formosa Đài Loan, tôi tin là họ
không thể không biết điều này.
Nhưng biết và làm là hai chuyện khác nhau, có vẻ như
Formosa Hà Tĩnh muốn “thử thách lòng kiên nhẫn” của chính quyền và nhân dân Việt
Nam qua các va chạm chính trị.
Việc Formosa Hà Tĩnh tái phạm nhiều lần về vấn đề sử
dụng lao động nước ngoài không phép, nhiều lúc lên đến vài ngàn người, là điều
khó hiểu.
Ai cũng biết nếu sử dụng lao động bản xứ Việt Nam-Hà
Tĩnh cho dự án là tiện lợi hành chính, tiết kiệm về chi phí, hạn chế rủi ro
khác, thế nhưng họ không làm mà lại cho đem từ ngoài vào để gây phản cảm cho
chính quyền, nhân dân Việt Nam.
Vì sao như thế?
Vấn đề “thấy nhỏ mà không nhỏ” khác là miếu thờ tại
dự án cũng thế.
Dù đã bị kiểm tra, đình chỉ, buộc tháo dỡ nhiều lần
như Formosa Hà Tĩnh cũng không chấp hành, và đến nay miếu thờ vẫn tồn tại.
Đến vấn đề xin quy chế “đặc khu Vũng Áng” cũng thế,
có vẻ như trước sự ưu ái quá mức của chính quyền Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh được
một tấc lại lấn thêm một thước, trong khi đến giờ số tiền mà Việt Nam phải chi
ra để tạo cơ chế, hạ tầng cơ sở phục vụ việc đầu tư của họ chắc cũng gần bằng
3,5 tỷ USD của họ mang vào Việt Nam.
Tại sao những doanh nghiệp nước ngoài khác như
Honda, Samsung... khi vào Việt Nam đều rất yên tĩnh làm ăn, cố gắng thân thiện
với nhân dân, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và để kiếm tiền cho họ
thì Formosa Hà Tĩnh rất hay “kiếm chuyện” để khiêu khích chúng ta như thế, hay
động cơ của họ không chỉ là kiếm tiền khi quyết định đặt chân đến Hà Tĩnh?
Ai sẽ
hóa giải?
Qua những nét tổng quan như thế cùng các thông tin
khác mà chúng ta đã biết, cho thấy đến nay vấn đề Formosa Hà Tĩnh tồn tại và
gây rối Việt Nam không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn có ý định “lợi dụng
kinh tế” và khiêu khích chính trị.
Nó có khả năng trở thành một "sinh tử phù"
cấy trên cơ thể đất nước chúng ta.
Nó tác động không chỉ môi trường, mà còn có nguy cơ
gây ra vỡ nợ kinh tế nếu vay được hơn vài tỷ USD nữa theo chủ trương thông báo
của chính phủ, ảnh hưởng xấu đến nội bộ đảng cầm quyền, làm nhân dân hoang mang
rối loạn.
Lấy nó ra thì đau đớn, vì đã để nó thấm vào sâu, mà
để nó lại thì ăn ngủ không yên, sợ “thế lực thù địch” từ đủ các phương trời “lợi
dụng”.
Trong tiểu thuyết, có hòa thượng Hư Trúc đứng ra hóa
giải sinh tử phù cho quần hùng, còn sinh tử phù Formosa Hà Tĩnh hôm nay, ai sẽ
hóa giải cho nhân dân Việt Nam?
Và những ai phải chịu trách nhiệm vì để "sinh tử
phù" này cấy lên trên lãnh thổ Việt Nam?
Dư luận rất lấy làm lo ngại trước “quyết tâm” tiếp tục
dự án và quan điểm “không đánh kẻ chạy lại” của một bộ phận trong chính quyền
hiện nay.
-----------------
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của
người viết, một độc giả từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment