Trung Bảo
Nhà báo tự do từ TP.HCM
2 tháng
8 2016
Dường
như những ban bệ chuyên làm việc kiểm soát báo chí ở Việt Nam cứ tưởng cán cân
trò chơi thông tin vẫn trong tay họ, như vài thập niên trước đây.
Mạng xã
hội đã chứng minh điều ngược lại.
Tưởng
rút bài trên báo thì có thể khiến dư luận không đọc được, tưởng vẫn có thể độc
quyền nói năng? Trường hợp bài viết mới đây của tôi cho thấy họ nên phát triển
chi bộ của Ban Tuyên giáo ở Facebook thì mới mong kiểm soát được sự lưu chuyển
thông tin trong xã hội ngày nay.
Một
ngày sau khi bài viết “Đừng
ru ngủ đám đông bằng tự hào dân tộc viển vông” của tôi bị rút xuống khỏi
báo Một Thế Giới, trên đường đi từ Đà Nẵng ra Huế, tôi và người anh còn cười cợt
khi nhìn thấy một chiếc xe với dòng chữ “Xe
chiếu phim lưu động” chạy trên đường.
Cứ tưởng
cái thời của điện thoại thông minh đem lại mọi thứ trong lòng bàn tay, chỉ đi
cách đô thị lớn như Đà Nẵng vài mươi km đã thấy một thứ phương tiện thông tin của
những thế kỷ trước. Chiếc xe cũ kỹ và phương tiện truyền tải thông tin lạc hậu
này chứng tỏ nó vẫn còn giá trị sử dụng đâu đó tại Việt Nam, hoặc nó tồn tại
như minh chứng cho sự tụt hậu của những cơ quan tuyên truyền.
Cho đến
khi bài viết của tôi bị rút xuống khỏi tờ báo Một Thế Giới, tôi không ngờ mình
lại có thể bước vào “tổ vạn like” trên facebook sau khi quyết định đưa lại bài
viết này lên facebook cá nhân.
Hơn 11
ngàn lượt người vào ấn nút like và 4.400 lượt chia sẻ chỉ sau 1 ngày cho thấy
giờ đây báo chí không phải là kênh đọc thông tin duy nhất của đám đông và đám
đông cũng chứng tỏ họ thật sự muốn đọc điều gì.
Đó là
chưa kể hơn 300 ngàn lượt người đọc bài viết này trên báo Một Thế Giới trong
vài tiếng đồng hồ tồn tại ngắn ngủi của nó, như lời một thành viên trong ban
Biên tập báo này cho hay.
Trong một
diễn biến khá lạ lùng sau đó là dù bài viết đã bị rút xuống nhưng nó vẫn được
“ưu ái” lên sóng VTV khi đem ra so sánh với bài
viết của tác giả Hoàng Minh Trí trên Góc nhìn của báo mạng VnExpress.
VTV có
quyền đưa ra nhận định của họ về mọi vấn đề nhưng điều tiên quyết vẫn phải là
chính xác. Có vẻ như chương trình Tài
chính Kinh doanh sáng 1/8 của VTV được dựng trước khi bài viết nói
trên bị rút vào khuya 29/7. Họ vẫn cho đó là bài viết của báo Một Thế Giới dù
báo này đã rút bài. Đồng thời, anh dẫn chương trình đẹp trai của VTV đã cố tình
diễn giải sai chi tiết “tự hào dân tộc” trong tiêu đề của bài viết này.
VTV
cũng không nhắc đến nghi vấn của những người sử dụng facebook về việc tác giả
bài viết trên có thật sự có mặt tại các sân bay như anh đã nói trong bài không.
Nhiều
người sử dụng facebook cho rằng lối hành xử này là “thiếu công bằng” đối với
bài viết của tôi, khi đó cũng là một chiều ý kiến song song với bài viết trên
VnExpress.
Điều
này không có gì quá lạ, vụ tấn công và cướp quyền thông tin tại các sân bay hiện
đại nhất Việt Nam là Nội Bài và Tân Sơn Nhất chắc chắn không làm cho chính quyền
dễ chịu. Đừng quên điều này đã từng xảy ra khi những thông tin bôi nhọ các lãnh
đạo cao cấp Việt Nam đã từng được đưa lên bảng thông tin ở sân bay Tân Sơn Nhất
vào trước kỳ đại hội của Đảng Cộng sản vừa qua.
Cũng nhắc
lại đài không lưu ở Tân Sơn Nhất đã bị cướp sóng gần 20 phút vào khoảng thời
gian này một năm trước. Vì vậy, những yêu cầu đòi hỏi trách nhiệm chứ không phải
“ru người vào quên lãng” chắc chắn nằm ngoài sự yêu thích của các ban bệ làm
nhiệm vụ kiểm soát thông tin.
Có vẻ
như người phụ trách chuyên mục Góc nhìn của báo VnExpress, nơi đã đăng bài viết
nói về sự đoàn kết sau sự cố thông tin, có quan điểm thích những bài xoa dịu dư
luận khi tiếp tục đăng tải bài
viết của cựu tổng Giám đốc FPT – ông Nguyễn Thành Nam.
Điều
khó tin đó là ông Nam, một doanh nhân đi lên từ tin học, lại xem rất nhẹ việc
thông tin hành khách của Vietnam Airlines bị đánh cắp khi ông gọi đó là “một cuốn
album”. Cách xử lý khi bị tin tặc đột nhập hệ thống thông tin của ông Nam cũng
rất lạ, ông đề nghị phải “rút điện” thật nhanh các bảng thông tin (!)
Báo chí
và nhà báo Việt Nam đồng ý rằng còn phải mang trên mình gánh nặng “tuyên truyền,
phổ biến và bảo vệ đường lối chủ trương của đảng” như Luật Báo chí quy định
nhưng cũng đừng quên bộ luật này yêu cầu các nhà báo phải “thông tin trung thực
về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân
dân”.
Do đó,
chắc chắn không có chủ trương nào có thể đi ngược lại những lợi ích của người
dân và đất nước. Nếu người viết có cố tình bẻ cong ngòi bút của mình chăng nữa
thì cũng phải biết rằng người đọc giờ đây có đủ phương tiện để tiếp cận với nhiều
chiều của sự thật.
Không
có ban bệ hay tiền của doanh nghiệp nào đủ sức vùi dập, mua chuộc được sự thật.
----------------------------
Bài
viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả Trung Bảo, một
nhà báo tự do từ thành phố Hồ Chí Minh.
No comments:
Post a Comment