Tác giả: Sarah Le, Epoch Times
Dịch giả: Trà Văn Kính
23 Tháng Tám , 2016
.
Diệp Hải Yến cầm
trong tay một áp phích cho phim “Hooligan Sparrow,” vốn cũng là biệt danh cô
dùng trong vai trò nhà hoạt động cho nữ quyền. (Ảnh cung cấp bởi Hooligan
Sparrow)
Los Angelles – Nhà làm phim Nanfu Wang, có trụ sở tại
thành phố New York, vừa mới hoàn thành xong bộ phim tài liệu đầu tay của cô tại
Trung Quốc nói về một chuyến đi thăm nhà hoạt động nữ quyền đầy cá tính có
biệt danh là “Côn đồ Sparrow” (Hooligan Sparrow). Cô Wang cho biết rằng,
trong chuyến đi vào mùa hè đó, bản thân cô đã bị sốc nặng khi phải chứng kiến
những sự kiện xảy ra trên chính quê hương của mình.
“Ngay tại thời điểm đó, tất cả những gì tôi muốn làm
là phải quay một bộ phim tài liệu về chuyện đó”, cô nói. “Tôi muốn phơi bày cho
cả thế giới biết. Tôi muốn mọi người thấy rõ về nó”.
Bộ phim được đặt theo tên biệt danh “Côn đồ
Sparrow” của một người có tên thật là Diệp Hải Yến (Ye Haiyan). Trong phim, cô
Diệp dẫn đầu một nhóm các nhà hoạt động và các luật sư thực hiện một cuộc biểu
tình về vụ án 6 bé gái trong độ tuổi từ 11 đến 14 đã bị hiếp dâm tại tỉnh Hải
Nam. Tỉnh này là nơi mà 6 bé gái này đã bị một ông hiệu trưởng và một quan chức
chính phủ đưa đến một khách sạn. Những bé gái này bị mất tích gần 24 giờ và được
trả số tiền tương đương 2.000 USD sau khi xảy ra vụ việc.
Trong bộ phim, Wang đã phỏng vấn cha mẹ của những bé
gái. Những bậc phụ huynh này đã giải thích với cô rất chính xác những gì đã xảy
ra. Nhưng khi các luật sư tìm cách để đại diện cho những bậc phụ huynh này, thì
họ đã từ chối. Với lý do rằng họ đã bị các quan chức cảnh cáo là không được kiện
ra tòa.
Ở Trung Quốc, những quan chức có quyền lực khi phạm
tội tình dục thường tìm cách thoát những bản án nghiêm khắc bằng cách lập luận
rằng, họ đã trả tiền nạn nhân và vì thế họ sẽ được áp dụng khung hình phạt khá
nhẹ chỉ với tội danh là mua dâm người vị thành niên, Wang giải thích. Đoàn làm
phim “Sparrow” và các nhà hoạt động khác muốn nhấn mạnh đến trường hợp này để
giúp mọi người hiểu rằng những hành động như vậy rõ ràng là đã phạm vào tội lạm
dụng tình dục và hiếp dâm.
Trong cuộc biểu tình, luật sư nhân quyền Vương Vũ
(Wang Yu) đã phát các bản sao của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em
(CRC), mà Trung Quốc bị ràng buộc phải tuân theo, đến cho những phụ huynh đang
đứng trước Trường tiểu học Vạn Ninh số 2. CRC là Công ước nhận được mức đồng
thuận cao nhất về phê chuẩn trong tất cả các hiệp ước của Liên Hợp Quốc và
được coi là hướng dẫn đầy đủ nhất để bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi.
Luật sư nhân quyền
Vương Vũ đang phát các tờ giới thiệu về CRC đến các phụ huynh ở trước cổng trường
tiểu học Vạn Ninh số 2 (ảnh bởi Hooligan Sparrow).
CRC phán rằng: “Các quốc gia thành viên phải thực hiện
tất cả các biện pháp lập pháp, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo
vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị
thương tổn hay lạm dụng, bị bỏ mặc hoặc chăm sóc sao nhãng, bị ngược đãi hoặc bị
bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục”.
Chẳng bao lâu sau, cô Diệp và toàn bộ những người có
mặt tại cuộc biểu tình, kể cả luật sư Vương đã bị sách nhiễu và đưa đi thẩm
vấn. Diệp bị bắt và bị đuổi ra khỏi nhà, mặc dù cô là một người mẹ độc thân
đang nuôi một cô con gái. Cuối cùng, luật sư Vương Vũ cũng bị bắt giữ và bị buộc
tội âm mưu lật đổ chính phủ.
Trong khi đó, những thiết bị ghi hình của
Vương bị phá hủy, nhưng cô vẫn có thể quay phim với những thiết bị ghi
hình bí mật, và vẫn bảo quản được đoạn phim để tuồn nó ra khỏi Trung Quốc.
Trong toàn bộ quá trình, Vương đã phát hiện ra
một số lượng đáng sợ các nhân viên an ninh mặc thường phục xuất
hiện trên các đường phố của Trung Quốc, thực tế không thể nào phân biệt được họ
với những công dân bình thường. Nỗi sợ hãi của cô càng lúc càng dâng cao, vì những
chuyện như vậy chính là một góc khuất của một quốc gia mà trước đây cô chưa hề
hình dung ra được, mặc dù cô đã sống ở đây hơn 20 năm.
“Tôi thực sự rất sợ hãi và hầu như mỗi đêm đều gặp
ác mộng”, Vương nói. “Những gì chúng ta chứng kiến chính là một điều mà
nhà cầm quyền không hề muốn mọi người nhìn thấy”.
Kết quả này là một hình ảnh minh chứng rằng, cho đến
tận bây giờ, chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn luôn sẵn sàng bịt miệng bất kỳ thông
tin gì, bất cứ sự thật nào có thể làm thức tỉnh quần chúng trên diện rộng
cũng như đe dọa đến sự cai trị tuyệt đối của hệ thống độc đảng.
Nó cũng làm nổi bật vấn đề tham nhũng mà dường như đã ăn sâu vào tận xương tủy
của toàn bộ hệ thống này.
Nhưng quan trọng nhất, bộ phim này đã thể hiện được
nỗi tuyệt vọng của người dân Trung Quốc khi mỏi mòn mong đợi nhà cầm
quyền giải quyết những nhu cầu rất cơ bản và thiết yếu của họ.
“Vấn đề lớn nhất là tại Trung Quốc [người dân] đang
bị hạn chế về mặt thông tin”, cô Vương nói. “Những câu chuyện mà mọi người
thường nhận được thì chỉ có từ truyền hình và báo chí của nhà nước, và rất hiếm
khi thấy xuất hiện những ý kiến trái chiều”.
Wang cho biết rằng cô đã cho luật sư nhân quyền
Vương Vũ xem bản tiền hoàn thiện của bộ phim. Vị luật sư này đã nói với cô
rằng: “Tôi thực sự rất vui khi bạn đã ghi lại tất cả mọi thứ. Nhưng đây chỉ là
một trường hợp điển hình thôi. Và nếu bạn theo sát những công việc của tôi, giống
như các trường hợp khác mà tôi đã từng là luật sư biện hộ, thì bạn sẽ thấy rằng
mỗi một trường hợp đều rất kịch tính, mức độ nghiêm trọng của nó thì tương tự
như trường hợp này. Và tại Trung Quốc, những thứ như thế này xảy ra tại bất cứ
nơi đâu và tại bất kỳ thời điểm nào.”
Wang hy vọng rằng bộ phim của mình, cũng như những bộ
phim độc lập khác được làm theo kiểu như vậy, sẽ có thể giúp người dân Trung Quốc
nhận thức rõ ràng về những gì mà các nhà lãnh đạo của đất nước này đang tìm
cách che giấu chúng.
Bộ phim “Côn đồ Sparrow” nhận được sự ủng hộ từ các
tổ chức như Viện Sundance và Dự án Nhà làm phim độc lập, và nó đã được lựa chọn
để chính thức có mặt tại Liên hoan phim Sundance 2016, Liên hoan phim Nhân quyền
Quốc tế, cũng như rất nhiều diễn đàn phim quốc tế khác.
Tại Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương hàng năm lần
thứ 32 vào tháng 4 năm 2016 tại Los Angeles, bộ phim đã nhận cùng lúc 2 giải
thưởng Grand Jury (Giải thưởng của Ban giám khảo) và best
director prize (giải đạo diễn xuất sắc nhất) cho thể loại phim tài liệu. Bộ
phim tài liệu này đã được chiều ra mắt khán giả Los Angeles vào ngày 29 tháng
7, và sẽ được công chiếu trên đài PBS của Mỹ vào ngày 17 tháng 10.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập
website: hooligansparrow.com
No comments:
Post a Comment