Vi Katerina Tran
7 tháng 2 2015
Cánh
cửa nhập tịch Mỹ có thể đóng lại với những ai có bất cứ mối quan hệ trực tiếp
hay gián tiếp nào với một đảng cộng sản trong vòng 10 năm. Nhưng vẫn có ngoại lệ.
Câu hỏi số 10 trên mẫu đơn N-400 xin gia nhập quốc tịch
(Form N-400 – Petition for naturalization) là câu hỏi nhạy cảm với nhiều người
đến từ Việt Nam hay Trung Quốc: “Quý vị có bao giờ từng là thành viên hay có bất
kỳ mối liên hệ (trực tiếp hay gián tiếp) với a) đảng cộng sản, b) Bất kỳ đảng độc
tài nào khác, và c) Một tổ chức khủng bố?”
Câu hỏi số 10 và toàn bộ mẫu đơn N-400 sẽ được dùng
để hỏi trực tiếp người nộp đơn trong buổi phỏng vấn thi nhập quốc tịch, dưới sự
tuyên thệ với tòa án và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu khai man. Sau đó,
nếu đơn xin nhập tịch được chấp thuận, trước ngày lễ tuyên thệ, người nộp đơn
còn phải trả lời 3 câu hỏi trên một lần nữa trong mẫu đơn N-445, tại câu hỏi số
5, tái khẳng định trong thời gian chờ đợi từ ngày phỏng vấn đến ngày tuyên thệ,
họ không tham gia đảng cộng sản, bất kỳ đảng độc tài nào khác, hay một tổ chức
khủng bố.
Theo số liệu của Viện Chích sách Nhập cư Hoa Kỳ
(MPI), cho đến cuối năm 2012, nước này có đến 1.3 triệu người Việt Nam nhập cư,
chiếm hơn 0,4% tổng dân số. Đây cũng là cộng đồng nhập cư lớn thứ 6 ở Mỹ, sau cộng
đồng Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Cộng hòa Dominican. Cộng đồng
người Việt Nam nhập tịch gia tăng nhanh chóng từ 231 nghìn người năm 1980. Họ
chủ yếu là những thuyền nhân Việt Nam vượt biên sau năm 1975, sau khi định cư tại
Mỹ, họ đón người thân sang theo diện đoàn tụ gia đình. Một bộ phận đáng kể và
ngày càng lớn hơn là các du học sinh ở lại sau khi học xong, người lao động có
tay nghề và nhà đầu tư. Cần lưu ý đây là số liệu người Việt Nam nhập tịch,
không tính người Mỹ gốc Việt được sinh ra ở Mỹ.
Mẫu đơn nhập tịch khiến cho cộng đồng người Việt Nam
ở Mỹ tin rằng có một luật bất thành văn trong thủ tục nhập quốc tịch Mỹ, đó là
đảng viên đảng cộng sản hay những ai có một mối liên hệ với đảng cộng sản sẽ
không được cho phép trở thành công dân Mỹ. Gần 40 năm qua, hầu như chưa có ai đặt
ra câu hỏi là nước Mỹ thật sự có cấm đảng viên đảng cộng sản trở thành công dân
nước họ thông qua thủ tục gia nhập quốc tịch hay không, và nếu có thì dựa vào
điều luật nào của Luật Di trú Mỹ? Tin đồn về việc một số đảng viên và con cái của
đảng viên đảng cộng sản sang Mỹ sinh sống và định cư càng khiến điều này trở
thành mối quan tâm của cả người Việt Nam trong nước lẫn nước ngoài.
Tiêu
chí nào để một thường trú nhân có thể gia nhập quốc tịch Mỹ?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề
về tiêu chí dành cho một người thường trú nhân ở Mỹ được nhập tịch trở thành
công dân.
Đòi hỏi trước tiên và có thể nói là duy nhất chính
là người đó phải cho cơ quan di trú và chính phủ Mỹ nhận thấy họ đã từng (trong
quá trình sinh sống như một người thường trú nhân ở Mỹ) và sẽ tiếp tục là một
người gắn kết với các nguyên tắc giá trị của Hiến pháp Mỹ và đã hoàn toàn hòa
nhập vào trật tự xã hội cũng như phúc lợi của Mỹ, theo Chương 316 (a) của Đạo
luật Di trú và Quốc tịch (Immigration and Nationality Act (INA) 316(a). See 8
CFR 316.11.).
Theo phán quyết của án lệnh In re Shanin, 278 F.739
(D.C. Mass. 1922), sự “gắn kết” ở đây có nghĩa là người nào muốn trở thành công
dân Mỹ, họ bắt buộc phải là một người tích cực ủng hộ Hiến pháp nước này.
Sự gắn kết đó bao gồm cả sự hiểu biết, tâm thức cũng
như sự tình nguyện gắn bó với những nguyên tắc giá trị của Hiến pháp. Bất kỳ
người nào có thái độ thù địch với cơ cấu tổ chức chính quyền Mỹ hoặc không tin
vào những nguyên tắc giá trị của Hiến pháp đều không đủ điều kiện để nhập quốc
tịch chiếu theo phán quyết của án lệ Allan v. United States, 115 F.2d 804 (9th
Cir. 1940).
Sở dĩ luật di trú đòi hỏi người thi nhập quốc tịch
phải chứng minh họ đã và sẽ gắn kết với các nguyên tắc giá trị của Hiến pháp là
bởi vì Hiến pháp (bao gồm các Tu chính án) được xem là đại diện cho “sự tối cao
của luật pháp Mỹ” (Supreme law of the land). Một người xin nhập quốc tịch Mỹ phải
chứng minh được họ hoàn toàn tin tưởng và tuyệt đối trung thành với nước Mỹ qua
việc đồng ý ủng hộ và sẵn sàng bảo vệ những nguyên tắc giá trị của Hiến pháp bằng
cách cho thấy họ chấp nhận những giá trị dân chủ và tinh thần tuân thủ pháp luật.
Điều này sẽ được thể hiện qua hành động đọc lời thề trung thành tuyệt đối với
nước Mỹ (Oath of Allegiance) trong ngày lễ tuyên thệ gia nhập quốc tịch.
Do đó, việc một người đã từng là đảng viên của đảng
cộng sản hay có một sự liên hệ (gián tiếp hoặc trực tiếp) với nó đều có thể bị
xem là không gắn kết được với các nguyên tắc giá trị của Hiến pháp Mỹ nếu họ
xin gia nhập quốc tịch. (INA Chương 313 và 316. 8 CFR 316).
Ngoài ra, việc một người là đảng viên đảng cộng sản
hay những đảng phái độc tài khác, hay tham gia những tổ chức khủng bố cũng có
thể là cơ sở để nghi ngờ tư cách đạo đức, động cơ họ xin lưu trú tại nước Mỹ,
và cũng là có thể đủ để chính phủ Mỹ tiến hành thủ tục trục xuất đối với họ.
Theo Bộ An ninh Nội địa và Cơ Quan Di trú và Nhập tịch
Mỹ (U.S. Citizenship and Immigration Services – Department of Homeland Security)
một người nếu là đảng viên đảng cộng sản hay có liên hệ với đảng cộng sản trong
vòng 10 năm trước ngày nộp đơn và cho đến ngày tuyên thệ gia nhập quốc tịch thì
sẽ không được nhập quốc tịch Mỹ.
Tuy nhiên điều luật này có thể được miễn trừ nếu người
xin nhập quốc tịch chứng minh được, bao gồm những điều sau đây nhưng không phải
nhất thiết là tất cả: (1) việc họ tham gia đảng cộng sản hay mối liên hệ với nó
là việc không tự nguyện, (2) khi tham gia họ không có sự nhận thức về mục đích
của tổ chức của đảng cộng sản và khi có nhận thức về điều đó họ đã chấm dứt
quan hệ với tổ chức, (3) họ đã chấm dứt quan hệ với đảng cộng sản trước năm 16
tuổi, (4) họ tham gia đảng cộng sản vì đó là sự bắt buộc phải chấp hành theo
quy trình pháp luật, (5) họ tham gia đảng cộng sản vì những nhu cầu thiết yếu
cho cuộc sống như để có được việc làm, được phân phối thực phẩm và những nhu yếu
phẩm khác, và (6) họ đã không còn là đảng viên đảng cộng sản trên 10 năm.
Từ đó có thể kết luận là Đạo luật về di trú Mỹ cho
phép những người đã từng là đảng viên đảng cộng sản gia nhập quốc tịch Mỹ nếu họ
chứng minh được họ thuộc trong 6 diện miễn trừ nêu trên.
Quốc
tịch Mỹ có thể bị tước bỏ
Ngoài ra, nếu một người sau khi nhập tịch và trở
thành công dân Mỹ, mà lại tham gia đảng cộng sản, các đảng phái độc tài khác,
các tổ chức khủng bố hay các tổ chức chống lại Mỹ, Hiến pháp Mỹ, và người dân Mỹ,
chính phủ có thể khởi kiện người đó ra hệ thống tòa di trú (Immigration court
system) và đề nghị tòa tước bỏ quyền công dân qua hệ thống tòa án di trú.
Những người khai man trong đơn xin gia nhập quốc tịch
Mỹ liên quan đến những vấn đề này cũng có thể bị kiện tước bỏ quyền công dân Mỹ.
Cần lưu ý là việc tham gia đảng cộng sản không mặc
nhiên khiến cho một công dân nhập cư mất quốc tịch Mỹ, bởi đảng cộng sản được tự
do thành lập và hoạt động tại đất nước này.
Đơn kiện tước bỏ quyền công dân và quốc tịch sẽ được
tống đạt đến người bị kiện và họ sẽ được quyền phản bác đơn kiện cũng như phía
chính phủ Mỹ phải chứng minh được lý do tước quốc tịch tại tòa với những bằng
chứng rõ ràng, chắc chắn và thuyết phục (clear, unequivocal and convincing).
Đây là một chuẩn mực về bằng chứng rất cao, chỉ đứng sau chuẩn mực “nghi ngờ hợp
lý” (beyond a reasonable doubt) của những vụ án hình sự ở Mỹ. Nghĩa vụ phải chứng
minh là trách nhiệm của phía chính phủ. Và, chính phủ phải chứng minh được các
bằng chứng đưa ra cho thấy bị cáo không có “sự gắn bó” với Hiến pháp Mỹ khi
tham gia các tổ chức nêu trên.
Án lệ nổi tiếng Schneiderman v. United States 320
U.S.118 (1943), một phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, chính là ví dụ đơn
cử cho chuẩn mực về những hồ sơ đề nghị tước quyền công dân sau khi nhập tịch
vì lý do đảng phái chính trị. Người kháng án Schneiderman là di dân gốc Nga, đã
đến Mỹ năm 3 tuổi vào khoảng thời gian 1907-1908. Năm 1922, Schneiderman tham
gia Liên đoàn Công nhân Trẻ của thành phố Los Angeles. Năm 1924, Schneiderman nộp
đơn gia nhập quốc tịch Mỹ và năm 1925 anh ta tham gia Đảng Công nhân, là tiền
thân của đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Schneiderman trở thành công dân Mỹ năm 1930.
Cũng từ năm1930, Schneiderman bắt đầu giữ những vị trí lãnh đạo của đảng Cộng sản
Hoa Kỳ và vào năm 1939, chính phủ Mỹ bắt đầu khởi kiện đòi tước bỏ quyền công
dân của Schneiderman. Tại phiên tòa xét xử, tư cách công dân Mỹ của
Schneiderman đã bị tước bỏ và thu hồi quốc tịch đối với anh.
Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ, sau đó, đã chấp nhận đơn
kháng án của Schneiderman vì phán quyết về quyền công dân và quốc tịch Mỹ của
anh sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của Schneiderman khi anh có thể bị trục
xuất khỏi đất nước mà anh đã sinh sống từ năm ba tuổi. Phán quyết của Tối cao
Pháp viện đã lật lại bản án của Schneiderman cũng như hủy bỏ quyết định tước quốc
tịch của phiên xử trước. Như lời của thẩm phán Murphy, người viết quyết định
chính thức của vụ án: phía chính phủ đã không thể chứng minh là những mối liên
hệ với đảng Cộng sản Hoa Kỳ của Schneiderman khiến cho anh trở thành người
không có sự “gắn kết” với những nguyên tắc giá trị của Hiến pháp Mỹ cũng như
Schneiderman đã không có bất kỳ hành động gì chống lại Hiến pháp và người dân Mỹ
trong thời gian giữ những chức vụ của đảng Cộng sản Hoa Kỳ.
Do đó, việc một người đang là hay đã từng là đảng
viên đảng cộng sản không nhất thiết là lý do từ chối việc gia nhập quốc tịch
hay là bằng chứng để tước quốc tịch của công dân Mỹ. Quốc tịch Mỹ là sự cam kết
giữa chính phủ Mỹ và những cá nhân tin tưởng vào những nguyên tắc giá trị mà Hiến
pháp đại diện, được thể hiện qua lời thề quyết tâm bảo vệ trước nhất và trên hết
sự tự do, dân chủ cũng như những quyền con người nằm trong văn bản pháp luật tối
cao đó trong ngày tuyên thệ gia nhập quốc tịch.
.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của
tác giả. Bài đã được công bố trên website Luật
khoa và được BBC đăng lại với sự đồng ý của tác giả.
No comments:
Post a Comment