...Đỗ Cường Minh chưa chắc đã là thủ phạm bắn chết
Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn bởi không ai có thể tự bắn vào đầu mình từ sau
gáy ra phía trước. Phải có một nhân vật thứ tư thực hiện hành động sát thủ này.
Người đó là ai? Chỉ có Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn và (may ra) Đỗ Cường Minh
mới có thể trả lời...
*
Một vụ án mạng xảy ra ở tỉnh Yên Bái, ngay trụ sở ủy
ban hành chánh tỉnh với 3 người chết gồm 2 nạn nhân và một hung thủ vào ngày
18.08.2016 đã khiến cho cộng đồng mạng nóng hẳn lên. Đây có lẽ là lần đầu tiên
trong lịch sử đảng CSVN, một vụ sát nhân xảy ra ngay tại công đường, trụ sở Ủy
ban nhân dân tỉnh giữa các người đồng chí, đồng thời cũng là lãnh đạo cao cấp
nhất của tỉnh Yên Bái.
Theo các nguồn tin trên báo chí trong nước, chi cục
trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Đỗ Cường Minh là thủ phạm - đồng thời
cũng là nạn nhân vì sau khi bắn Phạm Duy Cường, bí thư tỉnh ủy Yên Bái, Ngô Ngọc
Tuấn, chủ tịch HĐND kiêm trưởng ban tổ chức tỉnh ủy - Minh tự sát bằng một phát
đạn bắn vào đầu.
Hầu hết dư luận trên cộng đồng mạng lề trái tỏ ra
thích thú, hào hứng với những bình luận (có vẻ) hả hê khi theo dõi tin tức nóng
hổi, vừa thổi vừa xem này. Sự hả hê, vui thú khi thấy người khác gặp tai nạn,
tiếng Đức có một chữ là Schadenfroh (đầy đủ nghĩa hơn chữ gleeful hay gloating
của tiếng Anh - Schaden: thiệt hại, froh: vui mừng). Lý do tại sao cộng đồng mạng
tỏ ra vui mừng, hớn hở khi có đảng viên cao cấp của đảng CS bị đồng chí thanh
toán bằng vũ khí cũng như việc trên VTC News online có một bài viết của Khánh
Nguyên lớn tiếng “dạy dỗ” cộng đồng mạng về lương tri, đạo đức... không phải là
mục đích bài viết, nhưng trong khi ba điều bốn chuyện, có lạm bàn (chút đỉnh)
thì xin độc giả niệm tình tha thứ cho.
Ông Vàng À Sàng, giám đốc bệnh viện đa khoa (thiếu
khoa Khắc Phục nên chưa trở thành bệnh viện toàn khoa) Yên Bái cho biết, viên đạn
trên đầu Minh đi từ phía sau gáy trổ ra phía trước. Đây là một điểm khác thường,
khó hiểu, không thể giải thích khoa học vì nếu tự tử, không ai có thể vòng tay
đưa khẩu súng K-59 ra phía sau gáy, bóp cò. Một người tự tử bằng súng ngắn như
K 59, Colt 45, P 38, CZ 85...chỉ có thể kê súng vào thái dương, dưới cằm, vào
miệng, đỉnh đầu để bóp cò. Một viên đạn trổ từ sau gáy ra phía trước chắc chắn
phải do một người khác thực hiện. (1)
Diễn tiến vụ án mạng, nếu đúng như mô tả của Đặng Trần
Chiêu, giám đốc công an Yên Bái thì Đỗ Cường Minh phải là kẻ có máu lạnh, vui
buồn, giận dữ không lộ ra trên nét mặt, một sát thủ từng giết người, đã lên kế
hoạch giết Duy Cường và Ngọc Tuấn một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, có tính toán từng
bước, chứ không thể là một hành động bộc phát trong lúc nóng giận của một người
tính tình hiền lành, hòa đồng, vui vẻ với mọi người như lời bà Phạm Thị Thanh
Trà, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nhận định về cá tính của Đỗ Minh Cường.
Theo lời thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công
an tỉnh Yên Bái: Minh đương nhiên được sử dụng vũ khí, giấy phép của Minh vẫn
còn giá trị nhưng mục đích phải tùy quy định. Minh đã quá quen rồi nên anh em
không kiểm tra cụ thể có mang vũ khí không. Mỗi một phòng Minh bắn 4 viên đạn.
Lúc 15h20 phút, Minh qua đời.
Phóng viên đặt câu hỏi, Minh bắn ông Cường xong rồi
qua phòng bắn ông Tuấn thì có ai thấy tiếng súng không? Tại sao lại phát hiện
ông Minh và ông Tuấn bị bắn trước khi phát hiện ông Cường?
Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái Đặng Trần Chiêu nói,
quãng đường từ phòng nọ đến phòng kia dài 150m, cửa phòng lại đóng kín, loại
súng K59 tiếng nổ nhỏ.
"Chúng tôi xác định Minh bắn ông Cường trước
sau mới bắn ông Tuấn, có nhân chứng thấy Minh đi vào phòng ông Tuấn còn chào
hỏi. Sau thấy tiếng nổ mới vào thì phát hiện cả 2 thiệt mạng" - ông
Đặng Trần Chiêu nói. (2)
Tại sao thiếu tướng công an lại nói rằng, mỗi phòng
Minh bắn 4 viên đạn thay vì nói nạn nhân bị bắn mấy viên vào người? Đúng là ngớ
ngẩn (có chủ đích).
Xét về mặt tâm lý, một người “hiền lành” như Đỗ Cường
Minh khó có thể là thủ phạm giết Ngô Ngọc Tuấn và Phạm Duy Cường, Một người
bình thường hiền lành, khó lòng kềm chế được cảm xúc, giữ được bình tĩnh, không
thay đổi nét mặt, cử chỉ sau khi bắn chết một người khác bằng 4 viên đạn, rồi
đi bộ 150m một cách thản nhiên, chào hỏi những người tình cờ gặp mặt, tiếp tục
thanh toán nạn nhân thứ hai và đưa súng ra sau gáy tự sát.
Lời khai của ông Vàng À Sàng, giám đốc bệnh viện đa
khoa Yên Bái cũng khác biệt với lời tuyên bố của Đặng Trần Chiêu, giám đốc công
an tỉnh Yên Bái. Theo ông Sàng, hai ông Tuấn và Cường mỗi người bị bắn 3 viên
vào bụng, cộng một viên vào đầu ông Minh là 7, nhưng hiện trường lại có 8 vỏ đạn.
Khẩu K 59 Đỗ Cường Minh sử dụng để hạ sát Phạm Duy Cường và Ngô Ngọc Tuấn thuộc
loại súng nhỏ, nhẹ (730gr), đạn 9mm, băng đạn 8 viên hoặc 12 viên (Modell PMM).
Tiếng nổ của K- 59 cũng lớn như P 38 hoặc Colt 45 của Mỹ. (3)
Sự việc xảy ra lúc 8 giờ sáng, khi được chở vào bệnh
viện đa khoa Yên Bái, ông Sàng nói, hai ông Tuấn, Cường đã chết hẳn, riêng Đỗ
Cường Minh tim cũng đã ngừng đập, khi bác sĩ tìm cách hồi sinh, tim Minh đập lại
một ít phút nhưng rồi ngừng hẳn. Đặng Trần Chiêu nói Minh chết 15g:20´ là chỉ để
bào chữa cho việc Nguyễn Xuân Phúc trình diễn sự quan tâm của mình tới nạn
nhân. Cho là nạn nhân được đưa đến bệnh viện lúc 10 giờ thì khoảng cách giữa 2
lời nói là 5 tiếng 20 phút.
Một điểm khác cần lưu ý nữa, khoảng cách giữa 2 hiện
trường là 150m, đi bộ nhanh phải mất ít nhất 1-2 phút, tại sao những tiếng súng
đầu tiên không ai nghe, chỉ nghe những tiếng nổ sau? Không lẽ chỉ có phòng làm
việc của bí thư mới được xây dựng cách âm (đề phòng phản động nghe lén) còn các
phòng khác thì không? Hơn thế nữa, tất cả các nguồn tin trên báo chí đều không
hề nói tới một điều: - Ai đã nghe tiếng súng nổ và ai là người đầu tiên phát hiện
ra Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn, Đỗ Cường Minh bị bắn?
Án mạng xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng ngày
18.08.2016, ngày 19.08.2016 hai nạn nhân Phạm Duy Cường, Ngô Nhật Tuấn đã được
nhập quan. Hết Nguyễn Xuân Phúc đến Tô Lâm, bộ trưởng công an chỉ đạo quyết liệt
điều tra nhưng hiện trường đã bị xóa sạch hết dấu vết, nạn nhân đã được liệm
thì còn điều tra gì nữa?
Nguyên tắc đầu tiên khi có án mạng là phải gọi xe cứu
thương, làm cấp cứu, hồi sinh nhưng không được tự ý di chuyển nạn nhân. Nếu nạn
nhân chưa chết, bác sĩ, y tá phải làm cấp cứu ngay tại chỗ, sau đó mới đưa vào
bệnh viện. Còn nạn nhân chết rồi thì phải giữ nguyên hiện trường cho đến khi
pháp y, chuyên viên thu thập xong chứng cớ (forensic) đạn đạo (ballistic) mới
đưa nạn nhân đi.
Báo chí, truyền thông trong nước được lệnh loan báo
môt cách sơ sài, chỉ đưa tin phỏng vấn Đặng Trần Chiêu giám đốc công an, Phạm
Thị Thanh Trà chủ tịch UBND Yên Bái. Hết. Không thấy nói đến các nhân chứng (những
người gặp ông Minh sáng ngày 18.08.2016), nạn nhân cũng như thủ phạm không hề
được giảo nghiệm y khoa (Autopsie). Công an Việt Nam làm việc thật tài tình,
toàn bộ vụ án mạng được kết thúc một cách “cực kỳ” nhanh chóng.
Vụ án mạng ở Yên Bái là một vụ trọng án, nạn nhân là
những lãnh đạo cao cấp, lẽ ra phải được điều tra đến nới đến chốn, nhưng chắc rồi
cũng giống như các vụ Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, thủ phạm liên hệ đến trung
ương và bộ chính trị nên cần phải được ém nhẹm, bịt kín. Chỉ khác một điều là 2
vụ trước diễn tiến xẩy ra âm thầm, đảng và chế độ CSVN dễ lèo lái, bưng bít,
che dâu, định hướng dư luận. Lần này có thể vì tình thế gấp rút, Yên Bái lại ở
xa nên đảng phải thay đổi chiến lược, hành động nhanh chóng nhưng vì không thể
che mắt người dân nên đành phải công khai hóa sự việc.
Đỗ Cường Minh chưa chắc đã là thủ phạm bắn chết Phạm
Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn bởi không ai có thể tự bắn vào đầu mình từ sau gáy ra
phía trước. Phải có một nhân vật thứ tư thực hiện hành động sát thủ này. Người
đó là ai? Chỉ có Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn và (may ra) Đỗ Cường Minh mới có
thể trả lời.
21.08.2016
___________________________________
No comments:
Post a Comment