Wednesday, July 6, 2016

“VÌ SAO VN KHÔNG KIỆN TQ RA MỘT TRỌNG TÀI QUỐC TẾ (FB Trương Nhân Tuấn)






Bài viết này tôi đăng trên facebook ngày 3 tháng 6 năm 2012 chỉ được vỏn vẹn 10 cái “like”. Bài viết có tựa đề “Vì sao VN không kiện TQ ra một trọng tài quốc tế ?”. Câu hỏi theo tôi là hết sức quan trọng để được sự quan tâm của nhiều người.

Đến nay tôi vẫn bảo lưu ý kiến này. Bởi vì phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế vào ngày 12-7 sắp tới, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của VN, (dĩ nhiên ngoài yêu sách đường chữ U chín đoạn), là hiệu lực của đảo Ba Bình.

Ngay sau khi nhà nước Đài Loan, sau đó là Luật sư đoàn Đài Loan, gởi hồ sơ lên Tòa CPA nhằm thuyết phục Tòa đảo Ba Bình (mà TQ gọi là đảo Thái Bình, tên quốc tế là Itu Aba) là một đảo thực sự, vì vậy có hiệu lực như trên đất liền. Tôi có đề nghị đoàn Luật sư VN lên tiếng để phản biện. Không biết việc này đã đi tới đâu? Nếu Tòa phán rằng đảo Ba Bình có hiệu lực là một “đảo” thực sự như định nghĩa của Luật Biển 1982, thì yêu sách “đường chữ U chín đoạn” của TQ, với một giới hạn nào đó, lại được pháp lý củng cố. Điều này có thể lợi, mà cũng có thể có hại cho VN.

Đăng lại bài viết này, hy vọng mọi người có một cái nhìn khác về Biển Đông, thay vì cái nhìn “chính thức” của đảng và nhà nước.

Theo tôi, mọi người có một sự lựa chọn cho lập trường của mình. Còn tôi, rất đơn giản, cái nào có lợi cho đất nước, có lợi cho dân tộc thì đó là lập trường của tôi.

3 juin 2012, 09:36

Trung Quốc bắt đầu lên tiếng tranh giành quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1909. Trong thời kỳ bảo hộ, nước Pháp, đại diện đế quốc An Nam, đề nghị hai lần với Trung Quốc một trọng tài phân giải, vào năm 1932 và năm 1947, nhưng cả hai lần Trung Quốc đều không đáp ứng. Thái độ của Trung Quốc có thể biết trước, vì không ai dại dột đặt cược lớn khi biết mình không có hy vọng nào để thắng. Ở các thời điểm đó Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý hay bằng chứng lịch sử nào để có thể chứng minh chủ quyền của họ tại quần đảo Hoàng Sa. Do đó họ chủ trương sử dụng mưu kế hay chờ đợi thời cơ, dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Kể từ đó, nhiều thế hệ lãnh đạo, hay chế độ chính trị, tiếp nối nhau, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không thay đổi. Năm 1956 Trung Quốc lợi dụng cơ hội sự lúng túng của Pháp tại Đông Dương đổ quân chiếm nhóm đảo An Vĩnh. Năm 1974, lợi dụng cơ hội Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam Việt Nam, TQ dùng vũ lực chiếm nốt nhóm đảo còn lại là nhóm Nguyệt Thiềm, qua một trận hải chiến bất cân xứng giữa hải quân nước này với hải quân của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng điều đáng ngại là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc bao gồm luôn quần đảo Trường Sa và một vùng biển chiếm khoảng 80% diện tích biển Đông. Tham vọng bành trướng của TQ sẽ không ngừng ở Hoàng Sa. Họ có thể sử dụng vũ lực bất kỳ khi nào có thời cơ thuận tiện để chiếm quần đảo Trường Sa và vùng biển tại đây.

Điều làm người ta bất mãn là thái độ hiện nay của nhà cầm quyền CSVN. Họ luôn tuyên bố rằng Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng họ luôn thụ động trước vố số hành vi dã man của hải quân Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam như bắn giết, bắt cóc đòi tiền chuộc, tịch thâu thuyền bè và dụng cụ… khi những người dân này buông lưới tại những vùng biển truyền thống của Việt Nam, chung quanh quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, thậm chí ngay trong vịnh Bắc Việt, trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN ; hoặc các thái độ ngang ngược của Trung Quốc khi cho đặt các dàn khoan dầu khí, nhiều nơi ngay trên thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ chưa tới 250km, trong khi cách đảo Hải Nam đến hàng ngàn km. Hành động phản đối gọi là « kịch liệt » lắm của Hà Nội vẫn chỉ giới hạn ở các tuyên bố suông. Trong khi đó, một mặt, các chiến hạm của TQ, ngụy trang dưới lớp vỏ các tàu Ngư Chính, vẫn thường xuyên đi tuần tiễu ở biển Đông, trong vùng thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, để khủng bố ngư dân VN và mặt khác, hàng năm, Bắc Kinh còn hạ lệnh cấm biển trên biển Đông, trong một vùng rộng lớn, trong nhiều tháng (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm), với lý do bảo vệ nguồn thủy sản. Đôi lúc họ còn ra lệnh cấm biển vì lý do quân sự : hải quân TQ diễn tập, cấm thuyền bè qua lại. Hậu quả các việc này làm cho đời sống của ngư dân VN đảo lộn, hầu hết lâm vào cảnh khó khăn nghèo đói, một số phải bỏ nghề. Nhưng tệ hại hơn cả là nếu việc này tiến diễn thêm vài năm nữa mà phía VN vẫn chỉ tuyên bố hay phản đối suông mà không có hành động cụ thể để ngặn chặn, chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển này sẽ được khẳng định.
Bởi vì, một cách để chứng minh chủ quyền của quốc gia ở một vùng lãnh thổ hay biển đảo nào đó là áp đặt được quyền tài phán của quốc gia ở các vùng đó. Nếu lệnh cấm biển của TQ được ngư dân VN « thi hành », như các việc đóng tiền phạt chuộc ngư cụ, hay không đánh cá tại các vùng biển do TQ cấm, cho dầu qua hình thức cưỡng bức, điều này cũng hàm ý VN chấp nhận quyền tài phán của Trung Quốc (ở các vùng biển bị cấm). Tức VN mặc nhiên chấp nhận các vùng biển đó chủ quyền thuộc về Trung Quốc.

Như thế thời gian cũng là một yếu tố rất bất lợi cho Việt Nam.

Trước nguy cơ lớn lao, đe dọa sự tồn vong và tương lai vinh nhục của cả dân tộc, nhà cầm quyền VN đến nay vẫn không có một biện pháp nào xem ra có thể thích nghi để giải quyết tranh chấp Hoàng Sa. Trong khi đó quyền lợi của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa lại bị TQ đe dọa trầm trọng.

Trong các năm vừa qua VN đã đảm nhận những vai trò quan trọng trên quốc tế, như là thành viên luân phiên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, hay làm chủ tịch ASEAN. Thời cơ do đó không phải là thiếu. Tại sao VN không đưa các vụ tranh chấp ra tòa án quốc tế hay trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc ? Các hành động này có thể ít có hiệu quả trên thực tế, vì thái độ ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc, nhưng ít nhứt nó sẽ xoa dịu những bất bình đến từ công chúng trong nước, và trong chừng mực, khẳng định tính chính đáng về lãnh đạo của đảng CSVN.

Dưới thời thuộc địa, nước Pháp ràng buộc với đế quốc An Nam qua hiệp ước bảo hộ, họ có nhiệm vụ « bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đế quốc An Nam trước kẻ thù gây hấn bên ngoài ». Người ta có thể phê bình nước Pháp về nhiều mặt, nhưng về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa thì các hành động của Pháp có thể gọi là tạm đủ.

Nhưng hành động của đảng CSVN, từ khi « cướp chính quyền từ tay Pháp, Nhật », lập được nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1949, cho đến năm 1975 « đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào », gồm thu đất nước về một mối « Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam », thì chưa bao giờ củng cố hay khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Câu hỏi chính đáng đặt ra : Tại sao Việt Nam không đề nghị một trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp biển Đông, ít ra tại Hoàng Sa, trong khi nước Pháp đã hai lần đề nghị trong quá khứ ?

Người ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời qua các hành vi của nhà nước này trong từ thập niên 90, qua vụ TQ xâm lấn bãi Tư Chính.

Tháng 5 năm 1992, phía TQ ký hợp đồng với công ty khai thác dầu khí Cresston của Hoa Kỳ nhằm khai thác khu vực Vạn An Bắc, tức khu vực Tư Chính của Việt Nam. Lý lẽ của phía TQ là vùng Vạn An Bắc thuộc « vùng nước và thềm lục địa kế cận các đảo Nam Sa (tức Trường Sa) của TQ ». Khu vực này cách bờ biển VN 160 hải lý và cách đảo Hải Nam trên 600 hải lý.
Lý lẽ của TQ như thế phải hiểu : 1/ TQ có chủ quyền tại TS. 2/ Các đảo TS có hiệu lực là « đảo » và 3/ vùng Tư Chính, tức Vạn An Bắc, là vùng chồng lấn giữa thềm lục địa bờ biển VN với các đảo TS.

Theo lý lẽ của tổ hợp luật sư Covington & Burling ở Washington phụ trách bênh vực quyền lợi của VN. Hồ sơ bãi Tư Chính được thành hình năm 1995, do Brice M. Claget thuộc tổ hợp thành lập, mang tên : “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông”. Lập luận của hồ sơ này là : 1/ bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa của VN, 2/ các đảo Trường Sa quá nhỏ để có hiệu lực của « đảo » theo luật Biển 1982 và 3/ vì vậy không hề có chồng lấn giữa các đảo TS với thềm lục địa VN.

Ta thấy các nhược điểm trong lập luận của Brice M. Claget là : 1/ không xác định chủ quyền của VN trên các đảo TS, không phản đối chủ quyền của TQ ở các đảo TS, điều này có thể hiểu ngầm VN đồng ý TQ có chủ quyền tại các đảo này. 2/ Các đảo TS quá nhỏ để có hiệu lực của « đảo ». Lý lẽ này không vững vì yếu tố lớn hay nhỏ của một đảo không hề được đề cập trong luật Biển 1982. Một đảo có hiệu lực hay không là do hai việc : a) có thích hợp cho người sinh sống và b) có một nền kinh tế tự túc.

Tại sao phía VN chấp nhận lý lẽ của tổ hợp luật sư trong hồ sơ « Tư Chính » mà không hề có bảo lưu về chủ quyền của VN tại TS ?

Lý ra, VN có thể nhân vụ này kiện TQ ra một trọng tài quốc tế ít nhất về 3 lẽ : 1/ khu vực Tư chính nằm trên thềm lục địa của VN (theo qui định 200 hải lý tính từ đường cơ bản theo luật Biển 1982. 2/ Chủ quyền các đảo mà TQ gọi là Nam Sa, thực ra là Trường Sa, từ lâu đã thuộc về VN. 3/ Không hề có việc « chồng lấn » hiệu lực giữa các đảo « Nam Sa » với thềm lục địa VN, đơn giản vì các đảo TS, mà TQ tiếm gọi là Nam Sa, thuộc về VN.

Mấy ông luật sư của HK trong tổ hợp Covington & Burling ở Washington đã « không ngu » như ta tưởng. Vì nếu đưa vấn đề chủ quyền của VN tại TS vào hồ sơ thì phải thay đổi hoàn toàn các dữ kiện, mà điều quan trọng là phải chứng minh VN có chủ quyền tại các đảo này. Làm việc này thì sẽ gặp một trở ngại lớn lao là phải vô hiệu hóa các tuyên bố đơn phương (déclaration unilatérale) cũng như các thái độ mặc nhiên đồng thuận (acquiescement) của nhà nước CSVN về chủ quyền của TQ tại HS và TS trong quá khứ.

Đó là :
1/ tuyên bố 1958 của Phạm Văn Đồng về tuyên bố hải phận của TQ.
2/ Sự im lặng của miền Bắc VN năm 1974 khi TQ xâm lăng các đảo HS. Sự im lặng này chính là sự đồng thuận ám thị hành động của TQ là chánh đáng, TQ có chủ quyền ở HS và TS. Ngoài ra còn có nhiều tuyên bố qua báo chí hay của các nhân vật lãnh đạo cũng như nhiều hành vi ám thị đồng thuận khác.

Trong khi việc « kế thừa » di sản HS và TS của VNCH thì nhà nước CHXHCNVN đến hôm nay vẫn chưa thực hiện.

Về vấn đề này, nhiều người cho rằng nhà nước CHXHCHVN là người thừa kế hợp pháp VNCH. Tuy nhiên không thấy ai đưa ra các lý lẽ chứng minh.

Phía CS miền Bắc gọi VNCH là « ngụy », tức là giả, không phải là một thực thể chính trị. Người ta không thể kế thừa ở một cái gì đó không thật (ngụy). Vả lại, nếu có tư cách « thừa kế », thì theo bộ luật về « kế thừa » của VN hiện nay, nhà nước CHXHCNVN có thể bị truất quyền « kế thừa » theo điều 643, khoản a và b.

Điều 643 của bộ luật Dân sự 2005 (hoặc theo Pháp lệnh về kế thừa trước đó) Người không được quyền hưởng di sản 1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản: a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

Ta thấy khi cộng sản miền Bắc chiếm được miền Nam, một chính sách trừng phạt dân miền Nam đã được áp dụng liên tục trong nhiều thập niên. Văn hóa miền Nam bị xem là « văn hóa đồi trụy », đã bị xóa bỏ. Hầu hết nhân sự có liên quan, xa hay gần, đến chính quyền VNCH đều bị trừng phạt như bắt đi tù, bị truất hữu tài sản, nhà cửa, cả gia đình bị đuổi đi kinh tế mới. Lính miền Nam bị khinh miệt gọi là « lính ngụy », chính quyền miền Nam là « ngụy quyền », thậm chí dân miền Nam bị khinh bỉ gọi là « ngụy dân ». Đến hôm nay, người dân miền Nam vẫn còn bị trừng phạt. Trên bình diện đầu tư, miền Nam đóng góp trên ¾ của cải cho cả nước, nhưng về hạ tầng cơ sở miền Nam không được đầu tư như miền Bắc. Thậm chí, trong vấn đề giáo dục, miền Nam chỉ được đầu tư một phần tỉ lệ rất nhỏ so với miền Bắc.

Nhà cầm quyền CSVN, liên tục từ nhiều thập niên, đã « ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm » của người miền Nam. Tư cách gì nhà cầm quyền CSVN lên tiếng đòi « kế thừa » di sản VNCH ngày hôm nay ?

Vì thế ta không ngạc nhiên về các lý lẽ của tổ hợp luật sư Covington & Burling ở Washington trong hồ sơ: “Những yêu sách đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong biển Đông”. Các lý lẽ của họ hôm nay, theo đúng như lập luận trong hồ sơ : 1/ các đảo TS và HS quá nhỏ để có hiệu lực của đảo. 2/ Khẳng định quyền chủ quyền của VN trong vùng 200 hải lý (theo đúng qui định ZEE và thềm lục địa của luật Biển 1982).

Đối với họ chỉ có hai chọn lựa: VN mất ít hay mất nhiều. Họ chọn giải pháp « mất ít ».

Đối với tổ hợp luật sư Covington & Burling ở Washington, là một tổ hợp lừng danh thế giới về Công pháp quốc tế, đã nhận ra VN đã mất tố quyền (forclusion – estoppel) tại HS và TS. Do đó không thể đứng trên căn bản « VN có chủ quyền tại HS và TS » để lập hồ sơ mà phải dựa trên lập luận « các đảo TS và các đảo nhỏ, không thể có ZEE ».

Như thế, đối với nhà cầm quyền VN hiện nay, HS và TS là đã mất.

Sự việc như vậy thì làm sao có thể kiện TQ ra một tòa án quốc tế ?

Nhưng nhượng bộ này của VN cũng không xong. Chủ trương của TQ là « muốn hết ». Chủ trương này, nếu HS và TS thuộc về họ, là khá phù hợp trên quan điểm pháp lý. Thỏa mãn TQ, VN không phải « mất ít » hay « mất nhiều » mà là « mất hết ».

Tôi đã viết một số bài, như bài « Chủ quyền của VN tại Tư Chính, Vũng Mây », trong đó đả kích đích danh một số cá nhân có chủ trương của nhà cầm quyền VN. Người ta chỉ có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của dân tộc chỉ khi nào lý lẽ của mình dựa trên nền tảng đúng. Lý lẽ « các đảo TS là các đảo nhỏ do đó không thể cho chúng vùng EEZ như lãnh thổ đất liền » là không thuyết phục trên phương diện pháp lý. Đảo lớn hay nhỏ, theo luật, chúng có tình trạng pháp lý như nhau, như lãnh thổ trên đất liền.

Tôi chống, tôi đả kích những người này và nhà nước CSVN, vì tôi thấy có giải pháp khác. VN « được ít, được nhiều hay được tất cả » thay vì « mất ít, mất nhiều hay mất tất cả ».

Làm thế nào thì tôi đã viết giới thiệu trong bài trước. Cốt lõi của việc này là làm thế nào để kế thừa di sản VNCH. Đây là một vấn đề thuộc về chính trị. Đảng CSVN có can đảm chính trị hay không ? Có can đảm nhìn nhận VNCH như là một chế độ đã bảo vệ chủ quyền của VN tại HS và TS hay không ? Có dám phục hồi danh dự và bồi thường xứng đáng cho tập thể « ngụy quân, ngụy quyền » mà họ dã truy bức và trả thù tàn độc trong quá khứ hay không ?
Anh làm sao có thể kế thừa được di sản của một người mà trước đó anh đã đối xử tàn tệ, dã man ? Không. Anh có thể ăn cướp di sản của người này nhưng anh không thể « kế thừa » di sản của người này được.

Ngoài ra còn thái độ của các học giả VN hiện nay. Tôi đã viết, các tài liệu chứng minh chủ quyền của VN tại HS và TS hầu hết đều do các học giả VNCH viết từ năm 1974. Tôi nhận thấy rằng, các bài viết chứng minh chủ quyền của VN tại HS và TS của các học giả VN hôm nay đều không ghi tên các tác giả VNCH. Việc này cho thấy, các học giả VN hiện nay cũng phủ nhận tính chính thống của các học giả VNCH. Các anh cứ nói ông Trần Văn Hữu tuyên bố thế này thế kia, chính quyền thực dân, chính phủ Bảo Đại bù nhìn, chính quyền ngụy hành sử chủ quyền ở HS và TS thế này thế nọ… Trong khi điều nổi bật của chế độ CSVN là công hàm Phạm Văn Đồng 1958 cùng các tuyên bố ngu xuẩn khác. Các anh viết như thế là đã xác nhận tính chính thống của các chế độ đó nhưng các anh không có can đảm nói ra.

HS và TS là thuộc chủ quyền của quốc gia VN, của dân tộc VN. Đó là điều hiển nhiên. Nhà cầm quyền CSVN chỉ là giai đoạn, trong khi đất nước và dân tộc là trường cửu. Nhà cầm quyền này không nhìn nhận di sản của VNCH thì sẽ có chính quyền khác trong tương lai nhìn nhận nó. Việc này có thể không còn xa lắm.






No comments:

Post a Comment