Trường Sơn
Posted
by adminbasam on
07/07/2016
Ba tháng
sau thảm hoạ môi trường ở Vũng Áng khiến cho hệ sinh thái ven bờ
biển của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam bị huỷ diệt. Hậu quả trước
mắt là cơ cấu kinh tế vùng được tạo lập qua nhiều thế hệ bị gián đoạn và
sụp đổ. Những ngành kinh tế như du lịch, đánh bắt, chế biến thuỷ hải
sản và diêm nghiệp là những ngành hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Tổn thất vô cùng to lớn. Nhưng hiểm hoạ môi sinh ảnh hưởng lâu
dài đến toàn bộ hệ sinh thái mới thực sự đáng sợ. Người dân
muốn biết, cần được biết và phải được biết những gì đã xảy ra với
môi trường sống của họ. Trách nhiệm đó thuộc về Nhà nước và thể
chế chính trị quốc gia.
Hãy
nhìn lại toàn bộ diễn biến về thảm hoạ môi trường này và trách nhiệm của thể chế
hiện nay là Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự tồn vong của người dân miền Trung
nói riêng và sự an nguy, sức khoẻ của người dân Việt Nam nói chung với những rủi
ro khôn lường mà thảm hoạ môi trường ở Vũng Áng gây ra.
1-
Diễn biến về thảm hoạ môi trường tại Vũng Áng và phản ứng của hệ thống chính trị
Nhà nước CSVN.
Ngày 6.4.2016, cá
bè nuôi ở vùng biển Vũng Áng đồng loạt chết một cách bất thường.
Khu vực ghi nhận hiện tượng này đầu tiên và nghiêm trọng nhất bắt
đầu từ vùng biển gần nơi có nhà máy thép FORMOSA thuộc khu công nghiệp
khổng lồ FORMOSA. Cá biển tự nhiên chết trắng bờ trong những ngày
tiếp theo. Lượng cá đánh bắt sụt giảm nhanh chóng.. Những chuyến đi biển
không mang về cá tôm, những mành lưới thả xuống biển khi kéo lên thì
trắng tinh như được tẩy rửa bằng bằng thuốc tẩy cực mạnh, thậm chí
không còn cả rong rêu bám vào lưới. Cả một vùng biển rộng lớn tanh
hôi nồng nặc mùi cá chết, dưới đáy biển các loài sinh vật nhuyễn
thể, giáp xác, san hô, rong rêu thối rữa. Hệ sinh thái rừng ngập mặn là
cái nôi sinh trưởng của các loài tôm cá, động thực vật thuỷ sinh ven bờ chết
khô. Cá dưới biển, chim trên trời, các loài sinh vật trong chuỗi thức ăn liên
quan đều chết. Liên tiếp ghi nhận được các vụ ngộ độc khi người dân ăn thuỷ hải
sản trong vùng. Nỗi hoang mang sợ hãi bao trùm, người dân lo lắng khi
nồi cơm bao nhiêu đời có nguy cơ không còn nữa, cái đói nghèo kéo đến
ngưỡng cửa rất nhanh.
Ngày
16.4.2016, phóng viên đài VTC-VTV1 Bá Thăng đến Vũng Áng, khảo
sát hiện trường và thực hiện một quan sát trực quan bằng việc thả
hai con cá còn sống vào nước biển được cho là lấy từ nguồn nước
biển Vũng Áng. Sau 2 phút, đôi cá chết. Đoạn video này đã gây ra một
hiệu ứng sốc bất kể mức độ xác thực của nó đến đâu nhưng một thực
tế là từng ngày từng giờ, những dòng nước vàng đục ở biển Vũng
Áng đang giết chết mọi loài sinh vật và những bè cá mỗi ngày chết
nhiều hơn cho đến những con cá cuối cùng. Đoạn clips phóng
sự được chiếu trên truyền hình VTV1 ngày 17.04.2016 và được lan truyền chóng mặt.
Cộng đồng mạng lên tiếng đòi phải minh bạch thông tin và yêu cầu trách nhiệm của
chính quyền về việc này. Cũng trong thời gian này, những thông tin về hệ thống ống
ngầm dưới biển xả thải của nhà máy thép Formosa được các thợ lặn Hà Tĩnh cùng với
các phóng viên ghi lại rất rõ ràng đang xả thải trực tiếp ra môi trường mà
không qua xử lý. Những thợ lặn đều cho biết họ bị triệu chứng tức ngực, khó thở,
sức khoẻ suy sụp rất nhanh khi lặn ở vùng biển gần ống xả thải. Một thợ lặn
công ty Nibelc làm việc trong khu công nghiệp đã tử vong do nhiễm độc chì vào
ngày 25.4.2016.
22.4.2016,
gần 20 ngày sau khi phát hiện sự cố môi trường và ghi nhận cá chết, hệ thống
chính trị và quản lý nhà nước địa phương ở Hà Tĩnh hoàn toàn không có bất cứ động
thái gì. Khi được hỏi đến thì cơ quan Tỉnh uỷ Hà Tĩnh trả lời đang bận kiện
toàn bộ máy và chuẩn bị đón tiếp Tổng bí thư. Ngày 24.4.2016, ngài tổng bí thư
Đảng CS đến thăm khu công nghiệp Formosa tuyên bố “Hà tĩnh đang đi đúng hướng”,
ông ta đi thăm khu nông nghiệp công nghệ cao trồng các loại rau sạch phục vụ
cho nhu cầu tại chỗ của các chuyên gia đang làm việc tại Formosa với khuôn mặt
hoan hỉ. Tuyệt nhiên, người ta không nghe thấy một câu nào nói về sự kiện cá chết
và chỉ đạo của ông ta về việc cần làm rõ nguyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường
đang đẩy hàng trăm ngàn người tới chỗ tuyệt đường mưu sinh. Ngay tại nơi ông ta
đến thăm, biển và tài nguyên môi trường biển bị huỷ diệt chưa từng thấy. Nhưng
người ta chỉ nhìn thấy sự mãn nguyện trên khuôn mặt của ông Tổng bí thư mà
thôi.
Hiện
tượng cá chết không dừng lại ở phạm vi biển Vũng Áng, theo chiều của dòng chảy
hải lưu ven bờ, hiện tượng này lan xuống lần lượt các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị,
Thừa Thiên Huế. Ngày 26.4.2016, Sở TNMT Thừa Thiên Huế tuyên bố phát hiện hợp
chất cực độc trong nước biển vượt nhiều lần theo tiêu chuẩn môi trường cho
phép. Nguyên nhân gây độc môi trường nước xuất hiện ở phía Bắc của Thừa Thiên
Huế. Thông báo này lập tức bị nhấn chìm trong các ồn ào truyền thông. Trước đó
5 ngày, 21.4.2016 một vụ ngộ độc tập thể lớn ở Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình
khiến hàng trăm người ăn hải sản ở địa phương đều phải nhập viện, 28 người
bị ngộ độc mức độ nặng. Chiều 27.04.2014, chủ tịch Quảng Bình ra lệnh cấm tạm
thời việc tiêu thụ hải sản và tắm biển để chờ cho đến lúc có kết luận cuối cùng
của cơ quan chức năng.
Trước
diễn biến đó, chính quyền trung ương Hà Nội, các quan chức bộ ngành hữu trách của
Việt Nam và bộ máy chính quyền địa phương hoàn toàn rối loạn về thông tin đưa
ra. Tất cả chỉ là sự dối trá và kéo dài thời gian. Đáng quan tâm nhất là kết quả
thanh tra liên ngành của 7 bộ liên quan là Bộ TNMT, Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT,
Bộ CA, Bộ Quốc Phòng, Bộ Thông tin truyền thông và Viện Khoa học hàn lâm không
đưa ra một kết luận cụ thể nào. Người được lựa chọn để đọc kết luận thanh tra
vào ngày 27.04.2016 là ông Võ Tuấn Nhân – thứ trưởng bộ TNMT đã phải diễn một
vai diễn vụng về, đưa ra nhận định chung chung về nguyên nhân gây ô nhiễm môi
trường như chép từ sách giáo khoa phổ thông ra. Buổi họp báo diễn ra không tới
10 phút. Tuyên bố ngô nghê, dối trá và khuôn mặt thiểu năng của vị quan chức Cộng
sản này như đổ dầu vào lửa khiến cho dư luận bất bình thêm. Ngay việc Formosa
tiến hành xây lắp hệ thống xả thải ngầm dưới biển từ 2 năm qua, khi bị phỏng vấn
thì thông tin giữa ông Bộ Trưởng bộ TNMT và ông Thứ trưởng cũng hoàn toàn đối lập
nhau và chẳng hiểu ai nói đúng, ai nói sai và dựa vào căn cứ pháp lý và khoa học
nào để đánh giá. Việc bắt đưa hệ thống ống xả thải nổi lên và xây dựng trạm
quan trắc thực sự là thao tác chữa cháy vụng về của cơ quan quản lý Nhà nước. Một
tổ hợp công nghiệp hàng chục tỷ dollar với qui mô lớn nhất thế giới không có trạm
quan trắc môi trường, không có qui trình giám sát chất thải độc lập do cơ quan
quản lý nhà nước thực hiện mà hoàn toàn do sự “tự giác” của doanh nghiệp thì thực
sự là sự khôi hài khó chấp nhận nổi.
Áp
lực từ công chúng với thông điệp “cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”
và những hoạt động đấu tranh ôn hoà gia tăng. Người dân đòi hỏi trách nhiệm của
thể chế chính trị. Ngày 26.4.2016, bản kiến nghị trên trang “We the people
of…” đề nghị chính phủ liên bang Hoa Kỳ quan tâm và giúp người dân Việt
Nam được cung cấp đánh giá tác động môi trường độc lập về dự án nhà máy thép
Formosa. Bản kiến nghị này nhanh chóng đạt được số lượng chữ ký để chính phủ
liên bang Hoa Kỳ phải ghi nhận và phúc đáp. Lời kêu gọi xuống đường của những
người hoạt động xã hội dân sự, các cá nhân và hội nhóm, tổ chức phi chính trị bắt
đầu tạo thành làn sóng ngày một mạnh thêm. Mốc thời gian mà họ hướng tới là
ngày 30.04 và 1.5.2016, hai ngày lễ quan trọng hàng năm của chính quyền Việt
Nam.
Ngày
1.5.2016 có lẽ là một ngày lễ đắng của chính quyền CSVN sau 41 năm kể từ 1975.
Một ngày lễ rất vất vả của cơ quan công quyền phải huy động một lực lượng chấn
áp bạo động, biểu tình khổng lồ hàng vạn người để ngăn chặn những cuộc biểu
tình lẻ tẻ khắp đất nước. Đáng chú ý nhất là cuộc tuần hành vì môi trường ôn
hoà tại Saigon, nơi có sự tham gia của khoảng 1000 người xuống đường vào ngày
1.5.2016. Chính quyền CSVN đã thể hiện một khuôn mặt hết sức vô nhân khi đã cho
lực lượng an ninh thường phục, lực lượng bán vũ trang như dân quân tự
vệ và lực lượng dịch vụ công ích như Thanh niên xung phong … ngăn cản,
đánh đập và bắt giữ người tham gia tuần hành bất kể là phụ nữ, trẻ con, người
già hết sức dã man và ngang ngược. Hình ảnh một thiếu phụ với đứa
con nhỏ hoảng sợ, kêu khóc khi bị xô đẩy, đánh đập bầm dập giữa đường phố
Saigon trong cuộc biểu tình là hình ảnh tồi tệ, vi phạm nhân quyền và tự do
ngôn luận của người dân mà chính quyền CSVN đã thể hiện. Việc đàn áp và sự dụng
bạo lực lan tràn của Chính quyền đối với người dân đã cho thấy bộ máy cầm quyền
đã tự mình đứng vào thế đối lập với quyền lợi và đòi hỏi chính đáng của người
dân. Không những thế, bộ mặt thể chế chính trị đã thể hiện một sự bất lực và
túng quẫn cùng cực trong sách lược giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội và đảm
bảo quyền lợi chung của cộng đồng và dân tộc.
Trước
đó, các nhà hoạt động xã hội trong phong trào dân sự bị cách ly, giam giữ. Ngày
28.4, hai facebooker độc lập là Trương Minh Tâm và Chu Mạnh Sơn bị bắt bởi công
an Hà Tĩnh và Quảng nam khi họ đang thu thập thông tin về vụ cá chết tại địa
phương này. VTV1 và hệ thống truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin bắt được
hai đối tượng kích động biểu tình bạo loạn tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên,
sau đó, Bộ CA không đủ chứng cứ buộc tội và đã buộc phải thả người.
Thậm chí, những người sử dụng facebook đăng tin, và chia xẻ trên mạng xã hội phổ
biến này cũng trở thành tâm điểm của những vụ đấu tố và khủng bố tinh thần.
Chương trình “60 phút mở” của VTV1 ngày 27.4 trở thành điểm nóng dư luận
khi biên tập viên Tạ Bích Loan cùng 5 người tham gia chương trình có một cuộc
nói chuyện đầy ác ý và thiếu tôn trọng với MC Phan Anh là người đã chia xẻ clip
cá chết của đài VTC trên trang facebook cá nhân của mình. Kết quả, mục đích bịt
miệng người dân và định hướng dư luận một cách thô thiển hoàn toàn thất bại sau
khi nhận phản ứng dữ dội từ công chúng.
Dù
“Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vẫn ráo riết chỉ đạo các bộ ngành liên quan điều
tra nguyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường” nhưng cá vẫn phải chết trong thời
gian chờ đợi và có lẽ khi tìm ra nguyên nhân cá vẫn sẽ tiếp tục chết. Cả một
vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung từ Vũng Áng đến Thừa Thiên Huế, cá chết trắng bờ
với mức độ ngày một nghiêm trọng hơn. Không có bất cứ một lời giải thích nào
thuyết phục và các quan chức Cộng sản ở các ngành bộ liên quan và địa phương vẫn
đăng đàn khuyên người dân cứ ăn cá và tắm biển như bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị
Kim Tiến và ông Nguyễn Xuân Anh bí thư Đà Nẵng. Những màn trình diễn của các
quan chức CSVN ăn cá và tắm biển diễn ra rất xôm tụ. Tuy nhiên, những bãi biển
vẫn vắng tanh không bóng người và ngư dân thì đã phải nghỉ đi biển từ hai tháng
nay vì biển không còn cá. Ngành du lịch, ngư nghiệp, chế biến kinh doanh thuỷ hải
sản, diêm nghiệp là những ngành nghề hứng chịu thiệt hại vô cùng to lớn. Hàng
triệu người phải chịu đựng nỗi hoảng sợ, nguy cơ bần cùng, đói khát vì không
còn kế sinh nhai, rủi ro sức khoẻ từ môi trường và sự đàn áp đe doạ của hệ thống
an ninh.
Ngày
8.5.2016, cuộc biểu tình vì môi trường diễn ra trên qui mô rộng hơn dù chịu sự
đàn áp thẳng tay của chính quyền CSVN. Nhiều nơi như ở Saigon, một người tham
gia biểu tình thì có 10 nhân viên công lực sẵn sàng trấn áp. Các cuộc tuần hành
nhanh chóng bị xé lẻ và người biểu tình bị đưa tới nơi giam giữ trá hình như
trung tâm hỗ trợ xã hội, hoặc đưa đi xa khỏi địa phương. Chính quyền Hà Nội
tuyên bố “biểu tình là phản động”. Không khí chính trị ngột ngạt,
căng thẳng chưa từng thấy.
Ngày
15.5.2016, Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp ở xã Đoài, Nghệ An đọc lời Thư
Chung đầy tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của người Chủ Chăn và một người
trí thức trước thảm hoạ môi trường. Những hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng của việc
phá huỷ môi trường, môi sinh được Đức giám mục đưa ra cảnh báo. Đức Cha kêu gọi
trách nhiệm toàn thể cộng đồng giáo dân ý thức trách nhiệm chung trong việc bảo
vệ môi trường, yêu cầu các cơ quan hữu trách phải lên tiếng, có hành động ngăn
chặn việc huỷ diệt môi trường biển, tìm rõ nguyên nhân và minh bạch thông tin
cho người dân được biết. Nội dung Thư Chung hoàn toàn mang tính xây dựng, lời lẽ
khiêm nhường, cơ sở lập luận chặt chẽ.
Đáp
lại, ban Tuyên Giáo Trung ương xách động một cuộc đấu tố ngược trên hệ thống
truyền thông Nhà nước và báo chí. Ngày 16.5.2016 VTV1 qui kết Đức giám mục Nguyễn
Thái Hợp gây kích động và chia rẽ giáo dân và chính quyền. Tuyên bố đầy xúc phạm
và ác ý này đối với vị Chủ chăn của giáo xứ Đông Yên lập tức bị cộng đồng Công
giáo phản ứng mạnh mẽ bằng việc tiến hành hàng loạt những cuộc tuần hành vì môi
trường, thắp nến, cầu nguyện được diễn tại các giáo xứ. Chính quyền địa phương
không dám đàn áp thẳng tay như ở Saigon và Hà Nội vì vấp phải yếu tố tôn giáo
vô cùng phức tạp.
Cần
nhắc đến một màn trình diễn vụng về khác của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là việc
bỏ ra một số tiền lớn (đương nhiên là từ ngân sách NN) thuê một loạt các
chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ nước ngoài với thù lao cao ngất đến tham quan, khảo
sát và tổ chức hội thảo khoa học, đưa ra những đánh giá lạc đề để định hướng dư
luận nhưng sau đó bị cộng đồng mạng phanh phui là những vị chuyên gia đó không
hề có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực môi trường và độc học. Vở kịch chấm dứt
không có tác dụng gì ngoài việc đốt một mớ tiền của dân.
Ngày
4.5.2016, bộ Trưởng TNMT Trần Hồng Hà ký quyết định thanh tra liên ngành đợt
hai với đội ngũ thanh kiểm tra hùng hậu. Tuy vậy, kết quả thanh kiểm tra
thì không được công bố. Dù có một số phát ngôn của quan chức CS là đã tìm
được nguyên nhân nhưng chưa được công bố.
Ngày
27.5.2016, Chủ tịch Hội Nghề cá Nguyễn Việt Thắng yêu cầu chính phủ đẩy nhanh
tiến độ việc điều tra nguyên nhân gây thảm hoạ môi trường. Suốt thời gian 2
tháng vừa qua, hoạt động nghề cá của các tỉnh bị đình trệ không thể khai thác
thuỷ hải sản bình thường.
Ngày
12.06.2016, cộng đồng ngư dân Nghệ An biểu tình, đổ cá ra đường, chặn quốc lộ,
hô khẩu hiệu và yêu sách nhà cầm quyền xin lỗi Đức Cha Nguyễn Thái Hợp. Cuộc biểu
tình nhanh chóng bị dập tắt bằng bạo lực.
Ngày
28.6.2016, Bộ trưởng Thông tin, Tuyên Truyền công bố chiều ngày 30.6 Văn phòng
Chính phủ sẽ công bố nguyên nhân cá chết tại Vũng Áng.
Ngày
29.06.2016 trên các mạng xã hội đưa văn bản của FORMOSA gửi văn phòng Chính phủ,
thừa nhận gây ra ô nhiễm môi trường do “sơ suất” trong lúc vận hành nhà máy
thép và để xảy ra sự cố “mất điện” khiến cho hệ thống xử lý chất thải không hoạt
động mà xả thẳng ra môi trường.
Ngày
30.06.2016, trong cuộc họp báo tại văn phòng Chính phủ, ban lãnh đạo FORMOSA thừa
nhận gây ra thảm hoạ môi trường vừa qua, xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam
và đồng ý bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.
2- 500 triệu
USD và bộ mặt chính trị điếm nhục của CSVN
Trước
khi xảy ra thảm hoạ môi trường Vũng Áng do tập đoàn Formosa gây
ra, những quan ngại của một số trí thức và các nhà hoạt động xã hội
độc lập về việc giao một khu vực trọng yếu quốc phòng cho một tập đoàn nước
ngoài mà phần lớn cổ phần của những tài phiệt có quan hệ thân cận với nhà nước
Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn không được Chính quyền quan tâm. Thời hạn giao đất
đến 70 năm cùng với quá nhiều ưu đãi về thuế và các điều khoản thuê đất bất chấp
những qui định luật pháp hiện thời của Việt Nam, FORMOSA thực chất hoạt động
như một khu vực kinh tế nhượng địa, một mình một sân chơi. Hàm lượng công nghệ
thấp và mức độ ô nhiễm lớn là đặc điểm của tổ hợp công nghiệp ở đây nhưng vẫn
được cấp phép đầu tư rất dễ dàng. Với hồ sơ đen về ô nhiễm môi trường của FORMOSA
trên khắp nơi trên thế giới, thật khó hiểu khi những biện pháp giám sát sơ đẳng
nhất không được thực hiện ở dự án khổng lồ này
Khi
sự việc xảy ra, toàn bộ hệ thống chính trị từ địa phương đến Trung ương đều vô
dụng, thông tin đưa ra hỗn loạn và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có thể thấy tất
cả những thông tin, công bố của các quan chức CS đưa ra trước thời gian
30.6.2016 đều hoàn toàn là dối trá, né tránh trách nhiệm chính trị và đánh lừa
dư luận. Khi sự việc diễn ra nghiêm trọng, sự xuất hiện của nhân vật cao nhất của
thể chế là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu công nghiệp Vũng Áng cũng
hoàn toàn không đề cập đến thảm hoạ môi trường tại nơi ông ta đến. Không có bất
cứ chỉ đạo nào, hay thể hiện sự quan tâm đến dù là mị dân nhất được đưa ra.
Toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp cao nhất đến địa phương hoàn toàn câm lặng và
từ chối trách nhiệm.
Việc
làm rõ nhất và tốt nhất mà nhà nước CSVN làm được là tập trung toàn bộ hệ thống
truyền thông, báo chí, an ninh, quân đội để dập tắt các tiếng nói phản kháng ,
yêu cầu minh bạch thông tin của người dân. Từ việc đàn áp người biểu tình, bắt
bớ, đánh đập, đe doạ tinh thần, cách ly và giam giữ những người có tiếng nói đấu
tranh đến các thủ đoạn truyền thông và chính trị vụng về.
Có
thể hiểu, việc ban lãnh đạo tập đoàn FORMOSA thừa nhận gây ra ô nhiễm môi trường
và đồng ý bồi thường 500 triệu USD vào ngày 30.6 là một phần kết quả cuộc mặc cả
giữa chính quyền Việt Nam và ban lãnh đạo công ty này. Nhưng con số 500 triệu
USD tiền bồi thường này được đưa ra theo cơ sở nào? Cho đến ngày hôm nay, báo
cáo đánh giá thiệt hại về môi trường, môi sinh, nguồn lợi trước mắt và lâu dài
đối với hệ sinh thái ven bờ của 4 tỉnh miền Trung chưa có. Việc huỷ diệt môi
sinh dẫn đến hậu quả phá vỡ cấu trúc kinh tế vùng và thiệt hại cho các ngành
kinh tế liên quan cũng chưa có đánh giá kết luận. Rủi ro về sức khoẻ lâu dài của
người dân sống trong vùng ảnh hưởng của thảm hoạ ô nhiễm này như thế nào và biện
pháp nào sẽ được thực hiện để bảo vệ họ? Đối với những người đã bị nhiễm độc, bị
chết và ảnh hưởng sức khoẻ cần được bồi thường như thế nào? Đối với giải pháp
mưu sinh thay thế cho cộng đồng cư dân ven biển bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ môi
trường được thực hiện như thế nào? ….Tất cả những câu hỏi đó đều chưa có câu trả
lời. Không hề thấy bóng dáng và tiếng nói của các chủ thể có quyền lợi liên
quan mật thiết và bị tổn thương trực tiếp do thảm hoạ môi trường gây ra ở đây.
Đó chính là Nhân Dân. Cộng đồng ngư dân địa phương, cộng đồng doanh nghiệp địa
phương, các hiệp hội nghề, các cá nhân và tổ chức dân sự có quyền lợi liên quan
tại sao không hề được lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng họ phải được đền
bù mà lại do một sự thoả hiệp đầy mờ ám giữa Chính quyền CSVN và FORMOSA.
Chính
quyền CSVN đứng trên cơ sở gì đề chấp thuận mức đền bù 500 triệu USD với những
tổn thất to lớn mà tập đoàn FORMOSA gây ra cho môi trường, môi sinh, tài
nguyên, kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng của 4 tỉnh miền Trung nói riêng
và cả quốc gia chung? Một chính quyền và thể chế chính trị dối trá, yếu kém về
năng lực quản trị quốc gia, tham nhũng khủng khiếp, nhưng sẵn sàng đàn áp ngôn
luận và nhân quyền bằng bạo lực giờ đây lại đứng trên những tổn thất và đau khổ
của người dân để mặc cả một số tiền đền bù rẻ mạt. Để rồi chính những kẻ đã
gián tiếp gây ra thảm hoạ này đóng vai ban phát “ơn trên”. Đó là loại chính trị
điếm mạt nhất. Đó là thể chế chính trị của một bầy kền kền sống bằng xác chết.
Cái xác này chính là giống nòi và sức khoẻ người dân Việt Nam bị huỷ hoại.
Không có một phán quyết nào được thực hiện đúng qui định luật pháp. Một thảm hoạ
khủng khiếp với hậu quả lâu dài cho cộng đồng và quốc gia được mặc cả với nhau
bởi kẻ gây ra tội ác trực tiếp và những kẻ bảo kê cho tội ác đó diễn ra. Cái
xác này chinh là cái xác chết chính trị tanh tưởi mang tên Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Khi
ban lãnh đạo FORMOSA cúi đầu trước công chúng, chấp thuận đền bù tổn thất bằng
số tiền 500 triệu USD, tôi tự hỏi vậy thì trách nhiệm chính trị của toàn bộ thể
chế này ở đâu khi để xảy ra thảm hoạ này? Không một kẻ nào đứng ra nhận trách
nhiệm về sự yếu kém và tắc trách của hệ thống quản lý Nhà nước. Không một khuôn
mặt nào thể hiện sự hối lỗi trước những cái chết của người dân vì ngộ độc, những
tổn thất to lớn về kinh tế xã hội, môi trường tự nhiên đã xảy ra mà hậu quả của
nó thật khó mà có thể hình dung nổi. Những bộ mặt quan chức bự thịt, trơ tráo,
cố che dấu sự hoan hỉ sung sướng có mặt trong cuộc họp báo ngày 30.06.2016 lại vênh
váo công bố thành tựu đạt được. Có lẽ, thứ duy nhất trong đầu chúng nghĩ đến việc
phải xâu xé khoản tiền đền bù trên như thế nào nhanh nhất mà thôi.
Xin
chia buồn cho bầy kền kền vì đây sẽ là bữa tiệc xác chết cuối cùng thay cho tiền
phúng viếng của một thể chế chính trị tàn mạt đến hồi cáo chung.
No comments:
Post a Comment