Saturday, July 2, 2016

SỰ THẤT BẠI CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ Ở ANH (Kenneth Rogo - Project Syndicate)





Kenneth Rogo  -  Project Syndicate
28-6-2016

Tình trạng điên rồ thực sự của cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu không phải là các nhà lãnh đạo Anh dám yêu cầu người dân cân nhắc những lợi ích của việc tiếp tục là thành viên trước những những áp lực do người nhập cư gây ra trong lúc này. Mà là giới hạn để đi ra thấp đến mức vô lý: chỉ cần đa số đơn giản là được. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 70%, có nghĩa là chiến dịch đòi ra khỏi EU giành chiến thắng khi chỉ có 36% cử tri đủ điều kiện ủng hộ.

Đây không phải là chế độ dân chủ, đây là trò chơi may rủi với hậu quả chết người theo kiểu Nga đối với nhà nước cộng hòa. Một quyết định với hậu quả khủng khiếp - lớn hơn hẳn việc tu chính hiến pháp của một quốc gia (tất nhiên, Vương quốc Anh không có hiến pháp thành văn) - được đưa ra mà không có bất kỳ sự kiểm soát và đối trọng thích hợp nào.

Liệu cuộc bỏ phiếu có được làm lại sau một năm cho chắc ăn? Không. Liệu đa số trong Quốc hội có phải ủng hộ Brexit? Rõ ràng là không. Liêu người dân Anh có thực sự biết họ bỏ phiếu cho cái gì hay không? Tuyệt đối không. Thật vậy, không ai biết gì về những hậu quả đối với Vương quốc Anh trong hệ thống thương mại toàn cầu, hay ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị ở trong nước. Tôi sợ là sẽ không có một bức tranh đẹp.

Xin hiểu, người phương Tây được sống trong thời bình: có thể thay đổi hoàn cảnh và những ưu tiên bằng tiến trình dân chủ chứ không phải bằng chiến tranh với nước ngoài và nội chiến. Nhưng tiến trình dân chủ nào đủ công bằng để có thể tạo ra những quyết định định hình được quốc gia và không thể đảo ngược được? 52% phiếu bầu trong một ngày trời mưa có đủ để người ta làm cuộc chia tay hay chưa?

Từ quan điểm về bền vững và thuyết phục của những ưu tiên, phần lớn các xã hội đều đặt ra những rào cản lớn nhằm ngăn chặn cặp vợ chồng ly dị chứ không như chính phủ của Thủ tướng David Cameron làm đối với quyết định rời khỏi EU. Những người ủng hộ Brexit không phát minh ra trò chơi này; đã có nhiều tiền lệ, trong đó có Scotland năm 2014 và Quebec năm 1995. Tuy nhiên, cho đến lúc này, chưa ai bóp cò hết. Bây giờ thì bóp cò rồi, và đây là lúc để suy nghĩ lại các quy tắc của cuộc chơi.

Ý tưởng cho rằng bất kỳ quyết định nào, vào bất kỳ lúc nào, cứ được đa số thông qua đều là quyết định “dân chủ” là xuyên tạc chính thuật ngữ này. Các chế độ dân chủ hiện đại đã phát triển được hệ thống đối trọng và cân bằng nhằm bảo vệ lợi ích của thiểu số và để tránh thông qua những quyết định chưa được suy nghĩ thấu đáo, nhưng lại có thể gây ra những hậu quả thảm khốc. Quyết định càng có giá trị lớn và càng có giá trị trong thời gian dài thì rào cản phải càng cao.

Đấy là lý do vì sao việc thông qua, ví dụ, tu chính hiến pháp, nói chung, đều đòi hỏi phải vượt qua những rào cản cao hơn so với việc thông qua dự luật ngân sách. Nhưng, các tiêu chuẩn quốc tế cho việc ra đi của một quốc gia lại thấp hơn là đòi hỏi của cuộc trưng cầu về việc hạ thấp độ tuổi được uống rượu bia.

Châu Âu hiện nay phải đối mặt với nguy cơ là sẽ có một loạt các cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi, câu hỏi cấp bách được đặt ra: Có cách nào tốt hơn để thực hiện các quyết định hay không. Tôi đã hỏi ý kiến nhiều nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu về việc trong giới khoa bảng có sự đồng thuận hay không; đáng tiếc, câu trả lời ngắn gọn: Không.

Một mặt, có thể coi quyết định Brexit đơn giản là cuộc bỏ phiếu, nhưng thật ra không ai biết điều gì sẽ đến sau một cuộc bỏ phiếu về việc ra đi. Những gì chúng ta biết là, trên thực tế, hầu hết các quốc gia đều đòi hỏi “đại đa số” trước những quyết định định hình quốc gia chứ không phải chỉ là 51%. Không có con số mang tính phổ quát, ví dụ 60%, nhưng nguyên tắc chung là, chí ít, phải là đa số ổn định một cách rõ ràng. Đất nước không thể đưa ra những thay đổi mang tính nền tảng và không thể đảo ngược được mà chỉ dựa vào sự chênh lệch cực kỳ nhỏ, có thể chỉ là cảm xúc tức thời. Ngay cả nếu kinh tế Anh không rơi vào suy thoái ngay sau cuộc bỏ phiếu này (sự suy giảm của đồng bảng Anh có thể làm dịu tác động ban đầu), có nhiều khả năng là những sự rối loạn về kinh tế và chính trị do nó gây ra sẽ làm cho một số người bỏ phiếu ủng hộ việc ra đi có cảm giác “hối hận của người mua” hớ.

Từ thời cổ đại, các triết gia đã tìm cách tạo ra những hệ thống nhằm đối trọng với sức mạnh của chính quyền của đa số để đảm bảo rằng các đảng có kiến thức có được tiếng nói lớn hơn trong các quyết định quan trọng, đấy là chưa nói, tiếng nói của các nhóm thiểu số cũng được người ta lắng nghe. Trong các hội đồng của người Sparta ở Hy Lạp cổ đại, phiếu bầu được đưa ra bằng cách hô to lên. Người ta có thể điều chỉnh ý kiến của mình để phản ánh mức độ ưu tiên của họ, chủ tịch cuộc họp chú ý lắng nghe và sau đó tuyên bố kết quả cuộc bỏ phiếu. Có thể là chưa hoàn hảo, nhưng có lẽ vẫn tốt hơn cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở Anh.

Theo một số báo cáo, lân bang của Sparta, Athens, đã áp dụng hình thức chế độ dân chủ thuần khiết nhất trong lịch sử. Phiếu bầu của tất cả các giai cấp đều có giá trị như nhau (mặc dù chỉ đàn ông mới được tham gia bầu cử). Mặc dù, cuối cùng, sau những cuộc chiến tranh thảm khốc, người dân Athens cảm thấy cần phải trao thêm quyền lực cho các cơ quan độc lập.

Đáng ra nước Anh cần phải làm gì nếu vấn đề thành viên EU được mang ra trưng cầu (nhưng họ đã không làm)? Chắc chắn là rảo cản phải cao hơn hẳn; ví dụ, Brexit phải được trưng cầu hai lần, cách nhau ít nhất là hai năm, sau đó phải được 60% hạ viện đồng ý. Nếu Brexit vẫn giữ thế thượng phong thì, ít nhất, chúng ta cũng biết rằng đấy không phải là tình cảm nhất thời của một bộ phận dân cư.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn. Rất nhiều chuyện sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của thế giới và những biện pháp mà chính phủ Anh sử dụng nhằm tổ chức lại chính nó. Điều quan trọng không phải đánh giá kết quả mà là đánh giá quá trình. Bất kỳ hành động nhằm xác định lại những thỏa thuận đã có từ lâu về đường biên giới của đất nước phải đòi hỏi nhiều hơn là đa số đơn giản trong một cuộc trưng cầu diễn ra chỉ có một lần. Các chuẩn mực quốc tế hiện nay về nguyên tắc đa số đơn giản, như chúng ta đã thấy, là công thức dẫn đến hỗn loạn.

------------------
Kenneth Rogoff, là Giáo sư kinh tế và chính sách công ở đại học Harvard (Harvard University), năm 2011 ông được Ngân hàng Đức trao giải thưởng về kinh tế học tài chính, từ năm 2001 đến năm 2003 ông là kinh tế trưởng của IMF. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với Carmen M. Reinhart: This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly

Bài đã đăng trên Dân Luận.

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/brexit-democratic-failure-for-uk-by-kenneth-rogoff-2016-06





No comments:

Post a Comment