Friday, July 1, 2016

PHÁN QUYẾT & KHỦNG HOẢNG LÒNG TIN (Nguyễn Quang Dy)





Nguyễn Quang Dy
30-6-2016

“Sự kiện, các bạn, sự kiện!” (Harold Macmillan)

Có những sự kiện làm thay đổi dòng chảy lịch sử và số phận các chính khách, dẫn đến hệ quả khôn lường. Có những ngày phán quyết (day of reckoning) làm khủng hoảng lòng tin hay khôi phục lòng tin. Hãy lấy vài ví dụ để minh họa.

Brexit & tương lai nước Anh 

Cuộc trưng cầu dân ý về “Brexit” tại nước Anh (23/6/2016) là một ví dụ điển hình. Xã luận báo Observer (26/6/2016) đã gọi sự kiện này là một “siêu bão” (mega storm / super typhoon) làm thay đổi đột ngột bức tranh chính trị, kinh tế, xã hội của nước Anh. Nó làm bộc lộ một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, do những khác biệt của dân chúng về thu nhập, giáo dục, dân tộc và địa lý… Phe ly khai của Ukip (UK Independence Party) đã tạo ra một cơn sốc chính trị lớn nhất Châu Âu, kể từ sau sự kiện Bức tường Berlin bị sụp đổ.

Sau siêu bão này là một đất nước được mô tả với đặc điểm nổi bật là “bấp bênh và bất ổn định”. Trước mắt nước Anh là một con đường đầy bất ổn cho người dân, với một sự dẫn dắt không đáng tin cậy. Bức tranh nước Anh đã bị thay đổi triệt để về gam màu chính trị, mang nhiều thương tích do hệ quả khôn lường của cơn bão Brexit.

Hoảng hốt vì sợ phe Ukip trỗi dậy và bị đảng Lao động (đối lập) chèn ép, nên năm 2013 thủ tướng Cameron đã hứa sẽ trưng cầu dân ý, mà không nghĩ đến hậu quả. Có thể Cameron sẽ đi vào lịch sử như là người đã gây ra sự đổ vỡ của nước Anh. Cameron kêu gọi trưng cầu dân ý để gạt bỏ sự chống đối của Ukip, nhưng khi dân Anh đổ xô đi bầu với tỷ lệ cao nhất trong 20 năm qua, thì chính Cameron lại bị Ukip gạt bỏ (buộc phải từ chức). 

Câu chuyện không phải đơn giản chỉ vì những sai lầm của Cameron. Cái gương phản chiếu bộ mặt nước Anh bị rạn vỡ đã bộc lộ một cộng đồng cử tri bị ám ảnh quá nhiều bởi những bất mãn và lo ngại riêng, hơi khác so với những xã hội Châu Âu khác cũng bị sa sút tương tự. Câu chuyện không phải chỉ là vấn đề của Châu Âu, mà còn về những nhóm cử tri Anh bị gạt ra lề, về những cộng đồng bị rạn nứt, về các dịch vụ công không đủ kinh phí, về những trường học và bệnh viện hoạt động kém…       

Đó còn là vấn đề định dạng quốc gia (national identity), về cái hố ngăn cách Bắc – Nam, về khoảng cách giàu – nghèo, về những chính sách phúc lợi và cắt giảm chi tiêu làm người dân mất hết hy vọng và làm nhiều gia đình tan vỡ, về câu chuyện dài của một xã hội bị rạn nứt và xuống cấp (decay). Cuộc trưng cầu dân ý lần này đã trở thành một cơ hội để người dân Anh bộc lộ sự bực tức của họ làm tổn thương đến giới cầm quyền mà theo họ là vô trách nhiệm và không để ý đến người dân.

Đối với người dân, dường như không có ai trong Điện Westminster (Quốc hội) hiểu hoặc để ý đến họ. Cũng chẳng có ai trong Downing Street (Chính phủ) hiểu hơn và đồng cảm với họ về những phân hóa đang làm rạn nứt đất nước này. Theo họ, chính quyền cũng phải chịu trách nhiệm về thái độ tự mãn và vô cảm đó.   

Nhưng lãnh đạo phái Brexit cũng không có chút khái niệm gì là họ phải làm thế nào tiếp theo, chưa nói gì đến phải làm thế nào để thực hiện những lời hứa vô trách nhiệm của họ. Họ đã mù tịt và không hiểu rõ các nền kinh tế và các công ty toàn cầu hoạt động thế nào. Quan điểm biệt lập (isolationism) có thể làm tổn hại hơn cho những người dân mà họ kêu gọi ủng hộ, với khẩu hiệu mị dân, “giành lại đất nước của mình” (take your country back). 

Câu hỏi cấp bách lúc này là hệ quả của nó sẽ dẫn đất nước đến đâu? Thật đáng lo ngại là dường như những người theo phái Brexit chẳng chuẩn bị gì cả. Liệu đây có phải là một thắng lợi của “những người dân Anh thầm lặng” đã đứng lên chống lại “giai cấp thống trị xa dân”? Có lẽ không phải như vây! Đó chính là bi kịch.

Một số lãnh đạo Châu Âu cũng đang lo ngại về sự lây lan và ủng hộ việc đàm phán một cách cứng rắn với nước Anh về quá trình rút khỏi cộng đồng, để răn đe những nước khác có ý định tương tự. Cộng đồng Châu Âu (EU) có lẽ là thành quả dân chủ vĩ đại nhất thời hậu chiến, nay đang gặp nguy hiểm. Tuy còn quá sớm để tiên liệu về hệ quả của sự kiện phức tạp này, trước khi người Anh bắt đầu thủ tục rút khỏi EU bằng cách vận dụng “điều 50” trong Hiến pháp EU, nhưng cơn bão Brexit đã cảnh báo sự đổ vỡ nguy hiểm và hỗn loạn tiếp theo, có sức hủy hoại khôn lường. 

Donald Trump & chính trị nước Mỹ

Thắng lợi của phái “Brexit” mà người đại diện là Boris Johnson (Thị trưởng London) và thắng lợi của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump (tại Mỹ) có cùng mẫu số chung. Cả hai đều cơ hội và thực dụng, đều theo phái dân túy hữu khuynh, biết khai thác khủng hoảng lòng tin của người dân và những bất ổn xã hội. Họ biết cưỡi trên làn sóng tức giận của người dân lao động bị toàn cầu hóa gạt ra lề. Đây không phải chỉ là vấn đề của nước Mỹ hay Anh. Theo một khảo sát gần đây, chỉ có 31% người Pháp trên 50 tuổi ủng hộ EU. 

Donald Trump và Nigel Farage (lãnh đạo Ukip) không phải tự nhiên xuất hiện. Họ đều là “đại gia” nhưng biết “gần dân” (dân túy), khéo lợi dụng bức xúc và bất mãn của người lao động và trung lưu. Mẫu số chung giúp họ thành công là biết lợi dụng phân biệt chủng tộc. Hay nói cách khác là họ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, với khẩu hiệu mỵ dân, “Mỹ trước hết” hay “giành lại đất nước của mình”.   

Phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc đã có từ lâu, không có gì mới. Nhưng Donald Trump (và Bernie Sanders) đã khéo lợi dụng tâm trạng lo lắng và bức xúc của dân chúng về bức tranh kinh tế, và đổ lỗi cho quá trình toàn cầu hóa và thương mại tự do. Tuy không thể ủng hộ thái độ phân biệt chủng tộc, phân biệt nam nữ, và bài ngoại của Donal Trump, nhưng cũng không thể phủ nhận được lý do nhiều cử tri ủng hộ Donal Trump vì bức xúc bởi họ trở thành nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, trong khi lại bị những người được hưởng lợi từ quá trình đó coi thường, thậm chí miệt thị với một thái độ đạo đức giả.  
  
Thắng lợi của phái Brexit đã chấm dứt câu chuyện toàn cầu hóa và thương mại tự do (ít nhất là như hiện nay). Kết quả dân chúng bỏ phiếu cho Donald Trump (và Brexit) chứng tỏ có một xu thế muốn phủ nhận tác dụng của toàn cầu hóa. Những người dân da trắng không có bằng đại học bị mất việc và bị thiệt thòi do quá trình toàn cầu hóa và nhập cư, cảm thấy bức xúc và bất lực, nên đã đổ xô bỏ phiếu cho Donald Trump (và Brexit).  

Với việc bỏ phiếu cho Brexit, phong trào dân túy đã thành công, đảo ngược xu thế hội nhập kinh tế mấy thập niên trước. Câu hỏi là “Toàn cầu hóa còn tác dụng hay không” (“Can Globalization still Deliver”, David Lipton at IMF). Phải chăng đến lúc phải “cải cách toàn cầu hóa” để nó có lợi cho mọi người? Phải chăng kinh tế toàn cầu đang đứng trước một nghịch lý kép rất khó hòa giải, gồm ba xu hướng (trilemma) là “dân chủ”, “chủ quyền quốc gia” và “hội nhập kinh tế toàn cầu”, trong đó chỉ có thể chọn hai chứ không thể chọn cả ba. (“Inescapable Trilemma of the World Economy”, Dani Rodrick at Harvard). Trong khi đó, một nhà kinh tế học khác là Larry Summers (nguyên cố vấn kinh tế cho Obama) lại đề xuất “Chủ nghĩa Dân tộc có Trách nhiệm” (Responsible Nationalism), chú trọng đến công nhân trong nước. 

Thắng lợi của Donald Trump còn cho thấy một thực tế là người dân Mỹ không muốn mất tiền cho những kế hoạch tốn kém ở những khu vực khác trên thế giới. Dù Hillary Clinton có thắng cử thì cũng khó lòng đảo ngược được xu thế này để tăng cường sự có mặt của Mỹ ở Châu Á. Mặc dù Tổng thống Obama ra sức vận động (trước khi hết nhiệm kỳ), chưa chắc TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua. Bản thân Hillary Clinton vừa rồi cũng phải điều chỉnh lập trường về TPP vì sức ép tranh cử do phải đấu với Bernie Sanders. Nhưng nếu “Mỹ giết chết TPP thì Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu”. Đó là cảnh báo của Kishore Mahbubani (Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Singapore) 

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực & bàn cờ Biển Đông

Có thể gọi phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực (PCA: Permanent Court of Arbitration) là “phiên tòa của thế kỷ” (Trial of the Century). Tại sao? Vì phán quyết của PCA (12/7/2016) liên quan đến thái độ hung hãn của Trung Quốc đối với tàu thuyền Philippines gần Scarborough Shoal, cũng như việc Trung Quốc xây đắp hải đảo tác động đến môi trường sinh thái gần Scarborough & Thomas shoals (thuộc Trường Sa). Ngoài ra, những vấn đề then chốt khác liên quan đến lập trường ngang ngược của Trung Quốc về “đường chín đoạn” và lập luận bất minh của họ về “bằng chứng lịch sử” (historical rights) sẽ được phán quyết.  

Những phán quyết này có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, không phải chỉ có Philippines mà các nước đòi chủ quyền khác ở Biển Đông cũng có thể kiện tương tự như một mặt trận pháp lý (lawfare) để ép Trung Quốc phải nhân nhượng. Thực tế, vụ kiện của Philippines đã mở ra một loạt vụ kiện khác (lawfare multiplier). Indonesia đang bỏ dần lập trường trung lập đối với tranh chấp tại Biển Đông, để có thể kiện Trung Quốc. Việt Nam đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, cũng dọa sẽ làm tương tự nếu Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm hải đảo. Thứ hai, (còn quan trọng hơn) là phán quyết của PCA sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để Mỹ và các nước khác như Nhật cùng triển khai tuần tra “Tự do Hàng hải” (FONOP) thường xuyên tại Biển Đông.

Trong khi một số nước ASEAN (Indonesia và Malaysia) nay tỏ ra cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, một số nước khác (Campuchia và Lào) lại bị phân hóa nhiều hơn do sức ép lớn của Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế hay vì sợ, nên các nước này đang tách ra để ủng hộ lập trường của Trung quốc, thậm chí công khai phủ nhận phán quyết của PCA. Xu hướng này làm rạn nứt ASEAN như một cộng đồng thống nhất, để đối phó và kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy như mối đe dọa tại Biển Đông. Quan hệ ngày càng xấu đi giữa Việt Nam và Campuchia đang làm tăng thêm mối lo ngại về khả năng xảy ra xung đột biên giới như trước đây.

Tổng thống mới Rodrigo Duterte tỏ ra quan tâm đến triển vọng Trung Quốc có thể đầu tư hạ tầng lớn cho Philippines, mặc dù điều đó có thể phương hại đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy vậy, phán quyết của PCA cũng có lợi cho Manila như một đòn bẩy để giúp Chính quyền Duterte đàm phán với Trung Quốc. Điều đáng nói là Duterte có dấu hiệu muốn xa rời lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm trong tranh chấp chủ quyền, để đánh đổi lấy lợi ích kinh tế do hợp tác với Trung Quốc, và xoay trục tách xa dần Mỹ và Nhật. Lập trường này của Duterte có thể sa vào cái bẫy của Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng mặt trận ngoại giao và pháp lý của ASEAN để đối phó với Trung quốc trong bàn cờ Biển Đông. 

Trong bối cảnh đó, Viêt Nam đang trở thành một đối tác then chốt của Mỹ trong cố gắng ngăn chặn xung đột leo thang tại Biển Đông. Với vị trí chiến lược tại Biển Đông, các căn cứ quân sự của Viêt Nam tại Cam Ranh và Đà Nẵng có ý nghĩa ngày càng lớn đối với hoạt động tăng cường của hải quân Mỹ tại Biển Đông. Chính quyền Mỹ hiện nay (cũng như trong tương lai) cần tăng cường hỗ trợ Việt Nam đứng vững trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Việt, để đảm bảo chủ trương “xoay trục sang Châu Á” của Mỹ không bị đảo ngược.  

Đến nay, các nước G7 và hầu hết các nước Châu Á đã công khai hoặc gián tiếp ủng hộ phán quyết của PCA, buộc Trung Quốc phải lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của PCA, và vội vàng đối phó bằng cách vận động các nước ủng hộ. Trong số hơn 60 nước mà Trung Quốc nói khống là ủng hộ mình, chỉ có 8 nước công khai lên tiếng. 

Vài ngày trước cuộc họp Cấp cao G7 tại Tokyo (26-27/5/2016) Tổng thống Obama đã đến thăm Việt Nam, và tuyên bố bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Ngay sau Cấp cao G7, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tiếp đón Thủ tướng Việt Nam để thảo luận kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế, với sáng kiến “Kết nối Mekong với Nhật Bản”.

Trung Quốc luôn lo ngại và thổi phồng nỗi ám ảnh bị bao vây. Dù điều này là thật hay tưởng tượng, có hiệu quả hay không, thì nỗi ám ảnh đó vẫn tồn tại trong tâm thức Bắc Kinh. Những động thái đối ngoại và quân sự gần đây của Mỹ ở Châu Á đang làm Trung quốc có thêm lý do để phản ứng quyết liệt như là “nạn nhân” bị bao vây.

Từ 10-18/6/2016, lần đầu tiên hải quân ba nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ (“Tam cường”) đã tập trận chung về phòng không và chống tàu ngầm tại Biển Philippine, tiếp giáp với khu vực Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Cuộc tập trận quy mô lớn này nhằm thiết lập trật tự an ninh hàng hải mới tại Đông Á, để đối phó với hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong khi Ấn Độ về cơ bản vẫn là một nước “không kiên kết”, còn dè dặt trong quan hệ quân sự với Mỹ, thì Úc và Nhật Bản đều có hiệp ước an ninh với Mỹ, tuy hai nước này chưa có quan hệ quân sự chặt chẽ với nhau. Nhưng một khi Úc tham gia tập trận chung thì khuôn khổ trật tự an ninh hàng hải này sẽ còn mạnh hơn (“Tứ cường”).     

Trong cuốn sách mới xuất bản của nguyên trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell “Xoay Trục: Tương lai Chính sách của Mỹ tại Châu Á” (The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia, Kurt Campbell, Hachette Book, June, 2016), Campbell khuyến nghị Mỹ cần xoay trục mạnh hơn về Châu Á, với tiến trình ngoại giao mạnh mẽ hơn và có ngân sách quân sự cao hơn, để có thể kéo dài chủ trương này vài thập kỷ. Khuyến nghị trong cuốn sách của Campbell được coi như “đơn xin làm ngoại trưởng” nếu Hillary Clinton thắng cử.

Để thúc đẩy chủ trương tăng cường sự có mặt quân sự của Mỹ tại khu vực Châu Á, Campbell bác bỏ ý tưởng của một số nhà ngoại giao Mỹ gọi là “G2”. Ý tưởng này khuyến nghị tập trung xây dựng quan hệ hợp tác Mỹ-Trung, với quan điểm thực dụng cực đoan là hai nước lớn này sẽ chia đôi Châu Á thành hai khu vực ảnh hưởng, làm suy yếu các thể chế đa phương và làm các nước láng giêng của Trung Quốc lo sợ. 

Campbell cho rằng thúc đẩy chủ trương “xoay trục” là chiến lược Châu Á hợp lý nhất đối với Mỹ, nhưng cũng khá phiêu lưu, vì không có lãnh đạo nào của Mỹ thực sự muốn kiềm chế Trung Quốc. Thứ nhất, chủ trương này không phù hợp với đặc thù phức tạp của Châu Á luôn phụ thuộc lẫn nhau. Thứ hai, hầu hết các nước Châu Á đều có quan hệ kinh tế với Trung quốc. Thứ ba, chủ trương đó sẽ làm Trung Quốc tức giận phản ứng.

Theo các nhà phân tích, lập luận của Campbell trong quốn sách có hai điểm yếu. Thứ nhất, Cambell tránh trả lời câu hỏi là Mỹ nên cứng rắn đến đâu nếu Trung Quốc tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế, như xây dựng thêm các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Thứ hai, Campbell không đi sâu phân tích Trung Quốc sẽ nhìn nhận thế nào các động thái ngoại giao và an ninh mà Campbell đề xuất, nếu nghi ngờ Mỹ âm mưu ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy.  

Theo Andrew Browne (“China’s Great Wall of confrontation”, Andrew Browne, Wall Street Journal, June 28, 2016) Tập Cận Bình muốn xây “Vạn lý Trường thành trên Cát” (Great Wall of sand, theo đô đốc Harry Harris) hay “Vạn lý Trường thành để Tự Cô lập” (Great Wall of self-isolation, theo bộ trưởng quốc phòng Ash Carter). Có người cho rằng Tập Cận Bình muốn xây “Điện Biên Phủ tại Biển Đông” theo tư duy cố thủ và hướng nội (inward-looking) vì sợ bị bao vây, trong khi mở rộng quyền lực ra ngoài bằng “Một Vành Đai, Một Con đường” và “Giấc Mộng Trung Hoa” với “Đặc thù Trung Quốc” (Chinese Exceptionalism).

Trong nội bộ Trung Quốc hiện nay có hai quan điểm chính đang tranh cãi về vấn đề này. Thứ nhất là quan điểm hiếu chiến của phái dân tộc cực đoan, được hậu thuẫn bởi các tập đoàn công nghệ quốc phòng và dầu khí, muốn bành trướng bá quyền bằng sức mạnh cứng. Thứ hai là quan điểm ôn hòa hơn của giới ngoại giao và học giả, chủ trương dùng giải pháp ngoại giao thay cho giải pháp quân sự (tránh đối đầu với Mỹ). Một bài học lịch sử là sức mạnh thường do thỏa hiệp mang lại, trong khi xây trường thành sẽ dẫn đến đối địch. 

Nói cách khác, phán quyết của PCA thách thức không những đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông, mà còn động đến những vấn đề cơ bản và cốt lõi trong lịch sử là “Trung Quốc dừng lại ở đâu?” (Where does China End?) và “Trung Quốc nên cư xử thế nào trong quan hệ với thế giới?” (How should China conduct íts relations with the world?).

Formosa & thảm họa môi trường  

Sự kiện cá chết hàng loạt, bắt đầu từ Vũng Áng (từ 4/4/2016) lan ra bốn tỉnh Miền Trung, với nghi phạm là Formosa, đã trở thành tâm điểm của thảm họa môi trường cũng như khủng hoảng truyền thông và bất ổn xã hội suốt mấy tháng qua. Cũng như phán quyết của PCA về tranh chấp Biển Đông, việc chính phủ công bố nguyên nhân cá chết cũng là một phán quyết quan trọng, tác động tích cực (hay tiêu cức) đến khủng hoảng lòng tin và bất ổn xã hội.

Việc lúng túng trong xử lý khủng hoảng, úp mở và trì hoãn công bố nguyên nhân cá chết mấy tháng qua đã làm dư luận bức xúc và bất bình, dẫn đến biểu tình tại nhiều nơi đòi bảo vệ môi trường và minh bạch thông tin. Đáng tiếc, các cuộc biểu tình ôn hòa đã bị chính quyền đàn áp thô bạo, làm khủng hoảng lòng tin. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Vũng Áng làm bộc lộ những sai phạm về môi trường tại các dự án khác (như Titan ở Bình Thuận, Lee & Man ở Sông Hậu, nhiệt điện Duyên Hải ở Trà Vinh). Sức ép của dư luận không chỉ đến từ trong nước mà còn từ quốc tế (như Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Đài Loan, v.v.)

Ngày 6/5/2016, phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliason phát biểu tại một cuộc họp báo, “Nếu Chính phủ Việt Nam đề nghị giúp đỡ, chúng tôi sẽ rất sẵn lòng giúp Việt Nam trong vụ cá chết ở Miền Trung, vì đây là vấn đề nghiêm trọng…” (Nhưng đề nghị này đã bị từ chối).

Ngày 8/6/2016, Đại sứ Mỹ Ted Osius phát biểu tại CSIS, “Mỹ sẵn sàng trợ giúp kỹ thuật nếu phía Việt Nam cần để điều tra xem chuyện gì đã xẩy ra và nguyên nhân khiến nhiều cá chết ở bờ biển Miền Trung, nhưng đề nghị giúp đỡ đó đã không được chấp nhận”. Từ chối quốc tế giúp đỡ là một điều bất bình thường, chắc phải có lý do chính trị hay an ninh quốc gia “khó nói”. 

Ngày 16/6/2016, ba dân biểu Quốc hội Đài Loan và đại diện một số tổ chức phi chính phủ (NGO) trong đó có liên minh Theo dõi và Thực thi Công ước về Nhân quyền, Hiệp hội Luật sư Môi trường, Văn phòng Trợ giúp Công nhân và Cô dâu Việt Nam ở Đài Loan, đã tổ chức một cuộc họp báo, đề nghị Chính quyền Đài Loan phải điều tra xem Formosa có liên quan đến thảm họa cá chết tại Việt Nam hay không. Tại cuộc họp báo, một đại diện của Ủy Ban Ðầu Tư thuộc Bộ Kinh Tế Ðài Loan nói, Ðài Loan có quy định nếu dự án đầu tư ở ngoại quốc gây ô nhiễm cho môi trường thì ủy ban này sẽ không cấp giấy phép…Ngày 20 và 25/6/2016, kênh truyền hình PTS (Đài Loan) đã phát chương trình phóng sự điều tra dài 60 phút “Viêt Nam: Cái chết của cá”  về nguyên nhân cá chết tại miền Trung Việt Nam, mà Formosa là nghi phạm chính đã xả thải chất độc ra biển. Chương trình này đã gây chấn động dư luận.

Theo BBC, đại diện Formosa Hà Tĩnh cho biết ngày khai trương lò số một bị hoãn để “chờ giấy phép liên quan đến môi trường”. Báo chí Đài Loan đưa tin Formosa Hà Tĩnh hoãn ngày khai trương vì bị truy thu thuế. Theo báo chí Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh bị Bộ Tài Chính Việt Nam truy thu 2,000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó hơn 2/3 khoản tiền này phải nộp lại vì “sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định”. Trong khi đó, báo Taipei Times cho rằng quyết định truy thu thuế là do “những lý do chính trị không tiện nói ra”. 

Việc Chính phủ Việt Nam trì hoãn công bố nguyên nhân cá chết và từ chối đề nghị giúp đỡ của quốc tế càng làm cho dư luận thêm nghi ngờ và đồn đại khuất tất. Thảm họa môi trường đã trở thành thảm họa truyền thông và khủng hoảng lòng tin. Người ta nói “mất lòng tin là mất tất cả”. Trước sức ép của dư luận, ngày 2/6/2016, tại một cuộc họp báo của chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, “đã tìm ra nguyên nhân gây ra cá chết, nhưng chưa thể công bố…”

Cũng theo Bộ Truyền thông, ngày 30/6/2016 là hạn cuối cùng để Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết, như là “Ngày Phán quyết”, sau gần ba tháng “hoãn binh”,  chắc phải có lý do rất nhạy cảm, liên quan đến nội bộ lãnh đạo hay “nước lạ”. Theo kế hoạch, các bộ/ngành liên quan sẽ công bố rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, thủ phạm là ai, tại sao lại chậm trễ công bố thông tin, các bước cần thiết để xử lý và khắc phục hậu quả đối với môi trường biển bị ô nhiễm, và an sinh xã hội cho người dân vùng bị nạn.    

Đã đến lúc Chính phủ không thể úp mở, phải công bố thủ phạm Formosa và các giải pháp để khắc phục. Formosa như quả bom nổ chậm và một tử huyệt của chế độ. Đã đến lúc phải công bố rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt do nước biển bị nhiễm độc bởi các hóa chất cực độc xả thải ra biển. Đối với thủ phạm gây ra thảm họa môi trường này, Formosa không chỉ cúi đầu xin lỗi là đủ, mà phải nhận một hình phạt kinh tế đủ nặng (1/2 tỷ USD còn quá nhẹ) và cam kết đầu tư để khắc phục hệ thống xử lý thải (nếu không muốn bị đóng cửa). Nếu phán quyết đúng và xử lý được Formosa, cũng như các dự án lớn khác có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, Chính phủ Việt Nam có thể khôi phục dần lòng tin của nhân dân.

Thay lời kết

Ý nghĩa của việc tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường, không chỉ liên quan đến Formosa (nhà đầu tư) mà còn liên quan đến các cấp (chính quyền) chịu trách nhiệm về dự án này (ông Võ Kim Cự và những người khác). Cá nhân họ phải chịu hình phạt thích đáng cho những sai phạm nghiêm trọng về chủ trương đầu tư và cấp phép sai nguyên tắc, về giám sát lỏng lẻo quy trình xử lý chất thải ra môi trường, về bưng bít thông tin, lúng túng và chậm chễ trong việc giải thích rõ nguyên nhân làm dư luận hoang mang.

Câu chuyện Formosa không chỉ liên quan (trực tiếp) đến thảm họa môi trường Miền Trung, và chủ trương chống tham nhũng, kiềm chế các nhóm lợi ích để cải cách thể chế, mà còn liên quan (gián tiếp) đến quan hệ Viêt-Trung, và diễn biến của bàn cờ Biển Đông (với chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì). Nói cách khác, phán quyết về Formosa còn liên quan đến lập trường của Việt Nam đối với chủ quyền Biển Đông và phán quyết của PCA.   

NQD. 30/6/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-6-16



No comments:

Post a Comment