Monday, July 4, 2016

NƯỚC NGA & NỀN KINH TẾ HẬU DẦU MỎ (Vitaly Kazakov - Project Syndicate)





Vitaly Kazakov  -  Project Syndicate
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tậpLê Hồng Hiệp
Posted on 04/07/2016

Nguồn: Vitaly Kazakov, “Russia and the Post-Oil Economy”, Project Syndicate, 10/06/2016.

Ngành công nghiệp dầu mỏ có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga. Trên phương diện toàn cầu, nước Nga chẳng hề kém cạnh trong các lĩnh vực quốc phòng, vũ trụ, năng lượng hạt nhân, khoáng sản và công nghệ thông tin. Tuy vậy, không có ngành nào trong số này có thể sánh được với ngành xuất khẩu dầu khí. Đối với một người Nga bình thường, nền kinh tế quốc gia có vẻ được cơ cấu quanh việc đổi các thùng dầu để lấy xe hơi và điện thoại thông minh. Dĩ nhiên vấn đề là giá dầu đã giảm và các thùng dầu ấy ngày càng mua được ít hàng nhập khẩu hơn.

Doanh thu từ dầu cũng như doanh thu từ hầu hết các mặt hàng khác, đều mang tính chu kỳ, và những đợt sụt giảm bất ngờ cũng chẳng có gì bất thường. Nhưng sẽ là sai lầm đối với những nước như Nga khi cho rằng giá dầu sẽ lại tăng. Đợt giảm giá gần đây là dấu hiệu của một thay đổi về cơ cấu chưa từng có tiền lệ trong lĩnh vực năng lượng – điều sẽ có những hệ quả chính trị đáng kể đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Trong suốt thế kỉ 20, dầu là nguồn tài nguyên có hạn và có vẻ như giá dầu chỉ có thể tăng. Khi nguồn dầu dễ tiếp cận cạn kiệt, việc khai thác những nguồn mới và ngày càng nhỏ khiến dầu ngày càng trở nên đắt đỏ. Khi giá tăng, chủ sở hữu may mắn của những nguồn dầu khí giá rẻ – nổi bật là Nga và các nước xuất khẩu dầu khí tại Trung Đông – đã thu được những khoản lợi nhuận ngày càng lớn.

Tuy nhiên, như thường lệ, sự kết hợp giữa giá cao và sức sáng tạo của loài người đã đưa đến nhiều giải pháp cho một nguồn hàng hóa có hạn. Ngành năng lượng đã chứng kiến những đột phá về công nghệ bắt nguồn từ cả bên trong (cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ) lẫn bên ngoài ngành (năng lượng rẻ và có thể tái tạo).

Ngày nay, ở hầu hết những địa điểm thuận lợi nhất, năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ tốn khoảng 0,03 đô la/kWh. Còn những mặt hàng tiêu dùng “xanh” thì ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Ví dụ, vào tháng Ba năm 2016, dòng xe hơi Model 3 chạy hoàn toàn bằng điện của hãng Tesla đã ra mắt với mức giá phải chăng vào khoảng 35.000 đô la. Trong vòng một tháng, đơn đặt hàng đã vượt mức 14 tỉ đô và khiến dòng xe này trở thành sản phẩm ra mắt thành công nhất trong lịch sử.

Khi các nguồn năng lượng mới ngày càng trở nên cạnh tranh, động lực giá của ngành dầu khí cũng được đặt trong tình trạng phải thay đổi. Sản xuất năng lượng sẽ không còn bị bó buộc vào một nguồn tài nguyên khan hiếm và ngày càng đắt đỏ mà ngược lại, cũng như với các ngành công nghệ khác, giá sẽ tiếp tục đi xuống.

Cuộc cách mạng công nghệ này sẽ có những hệ lụy chính trị nghiêm trọng. Trong phần lớn thời gian của thế kỉ 20, các nước đang phát triển có hai con đường để phát triển kinh tế. Một là tiếp nhận các nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản phương Tây, cho phép dòng vốn nước ngoài đổ vào và tận dụng lợi thế so sánh của nguồn lao động địa phương giá rẻ để tìm một phân khúc ngách trong nền kinh tế toàn cầu hóa mới nổi. Con đường kia là tìm kiếm và phát triển các nguồn dầu mỏ dồi dào, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế toàn cầu và thu lợi.

Các đặc điểm kinh tế của ngành công nghiệp dầu mỏ đã định hình nên quang cảnh chính trị ở những nước sản xuất dầu. Chính phủ ở những khu vực với nguồn dầu giá rẻ thỉnh thoảng xem nguồn lợi từ đó là một đặc ân thiêng liêng từ tạo hóa và tiêu tiền như thể nguồn lợi đó không bao giờ cạn kiệt.

Vài người như Ahmed Zaki Yamani – cựu bộ trưởng dầu mỏ của Ả Rập Saudi – từng cảnh báo rằng cách tiếp cận này là không bền vững. “30 năm sau sẽ có một lượng dầu khổng lồ mà không ai mua,” ông nói vào năm 2000. “Thời đại đồ đá kết thúc không phải là vì thiếu đá, và Thời đại dầu mỏ sẽ kết thúc rất lâu trước khi chúng ta cạn kiệt dầu.” Tuy nhiên, cho đến tận gần đây, những lời cảnh báo như thế hầu như lúc nào cũng bị làm ngơ.

Chỉ khi sự kết thúc thời kỳ bùng nổ giá dầu trở nên rõ ràng thì nhu cầu thay đổi mới được công nhận rộng rãi. Tại Ả Rập Saudi, nhiệm vụ hoàn thành “giấc mơ khác biệt” của thế hệ này vì một tương lai hậu dầu khí là của Mohammed bin Salman – người đứng thứ hai trong danh sách kế vị. Còn tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã chỉ định cựu Phó Thủ tướng Alexei Kudrin để soạn thảo một chương trình kinh tế mới theo hướng tự do cho nước này.

Khi soạn thảo các cải cách, chính phủ hai nước cần khôn ngoan ghi nhớ rằng ngành năng lượng chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về cách mà công nghệ đang khiến những nguồn cung khan hiếm – dù là vốn, lao động hay một loại hàng hóa nào đó – ngày càng trở nên không còn quan trọng. Kinh tế học của thế kỉ 20 được định nghĩa bằng quỹ đạo phát triển phi mã của tri thức và công nghệ.

Con đường phát triển của những nước như Trung Quốc đang dần khép lại vì lao động giá rẻ đã không còn là một lợi thế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Sự tăng trưởng mới để bắt kịp kinh tế toàn cầu sẽ phải dựa trên sự sao chép từ khuôn khổ thể chế của Mỹ và đầu tư vào giáo dục cũng như các trung tâm công nghệ theo kiểu Thung lũng Silicon.

Nếu nền kinh tế của một nước muốn nở rộ, nền kinh tế này cần phải sản sinh tri thức và tạo ra môi trường thuận lợi nhất để chuyển tri thức ấy thành tăng trưởng. Xét về chính sách thì điều đó có nghĩa là cần nhấn mạnh vào giáo dục và thực hiện các cải cách thể chế. Những ưu tiên hàng đầu phải bao gồm việc thiết lập nền pháp quyền, cụ thể là việc tạo ra một hệ thống pháp luật mạnh và độc lập để có thể bảo vệ các quyền về tài sản.

Đáng buồn thay, nhìn thấy con đường phía trước không đồng nghĩa với việc lựa chọn được con đường đúng. Trong những năm từ lúc kết thúc quá trình công nghiệp hóa vào những năm 1960 tại Nga và sự ra đời của Perestroika hai thập niên sau đó, quốc gia này đã trải qua một giai đoạn trì trệ kéo dài. Sự chần chừ rộng khắp khi tiến hành cải cách để chuẩn bị cho một thế giới hậu dầu mỏ có thể sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn tương tự trong những năm sắp tới.

---------------
Vitaly Kazakov là người điều hành chương trình Thạc sĩ Kinh tế học Năng lượng tại Trường New Economic School.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Russia and the Post-Oil Economy





No comments:

Post a Comment