Sunday, July 3, 2016

NHỮNG CÂU HỎI XUNG QUANH MỐI QUAN HỆ VIỆT - TRUNG HIỆN NAY (Nguyễn Trọng Bình)





Nguyễn Trọng Bình
2-7-2016

1. “Nhất trí” và “đánh giá cao” cướp biển - kẻ thù của ngư dân?

Ngày 23/7/2016, báo Tuổi Trẻ - tờ báo có số lượng phát hành cao nhất cả nước hiện nay - cho đăng những bài viết thuật lại việc tàu Trung Quốc uy hiếp và đâm vỡ tàu kiểm ngư của Việt Nam. Tuổi Trẻ đã không ngần ngại lên án và gọi đích danh Trung Quốc chính là bọn “cướp biển” . [1]

Ngày 27/6/2016, cũng chính Tuổi trẻ đã đưa tin về sự kiện Dương Khiết Trì một lần nữa được Tập Cận Bình phái sang đàm phán với các lãnh đạo Việt Nam trong vấn đề “hợp tác song phương”. Tuy có hơi dài dòng một chút nhưng xin mọi người cùng đọc lại bản tin này:

“Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trên cơ sở kết quả Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện ba văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền Việt - Trung, hai bên nhất trí tăng cường công tác quản lý, giữ gìn trật tự trị an, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh tại khu vực biên giới hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế ở khu vực biên giới phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh yêu cầu cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy các cơ chế đàm phán đạt tiến triển thực chất, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác trên biển đã thỏa thuận, trao đổi thiết lập cơ chế hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển; kiên trì thông qua trao đổi và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.
Hai bên cũng trao đổi những vấn đề quan trọng như việc không hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Kết thúc phiên họp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã chứng kiến lễ ký biên bản phiên họp lần thứ 9 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Cục Cảnh sát biển Trung Quốc, trao đổi công thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Chính phủ Trung Quốc cung cấp bổ sung khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 129,5 triệu nhân dân tệ (19,5 triệu USD) cho dự án Cung Hữu nghị Việt – Trung”. [2]

Có thể thấy, tuy cách nhau có ba ngày nhưng hai bản tin liên quan đến Trung Quốc trên cùng một tờ báo lại thể hiện hai thái độ, hai cách ứng xử hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu chỉ đọc bản tin sau hẳn là chẳng ai dám cho rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại nhiều bất đồng. Vẫn là ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam - Phạm Bình Minh chủ trì việc đón tiếp và làm việc với Dương Khiết Trì. Tuy nhiên, khác với lần gặp nhau cách đây hai năm (lần họ Dương sang vì sự kiện đến giàn khoan Hải Dương xâm nhập thềm lục địa Việt Nam) lần này, cả hai gặp nhau trong tay bắt mặt mừng. Bức ảnh ông Minh tươi cười bắt tay với họ Dương lần này (khác xa với bức ảnh chụp chung thời họ Dương sang hai năm trước) đã nói lên tất cả.

Thật ra thì Tuổi Trẻ cũng rất khôn nên đã gài vào mấy chữ “theo Bộ ngoại giao” khi đưa bản tin về chuyến thăm của Dương Khiết Trì. Thế nhưng, chính sự cẩn trọng quá mức của Tuổi Trẻ đã vô tình làm tăng thêm sự hoài nghi của dân chúng.

Người dân có quyền đặt câu hỏi, phải chăng cho dù Trung Quốc có hành xử tàn bạo, man rợ với đồng bào ngư dân ta ngoài biển Đông đi nữa thì với riêng “Đảng ta” họ vẫn mãi là anh em, bạn thân, chí cốt? Nếu không phải như vậy thì tại sao trong khi làm việc với ông Dương Khiết Trì không thấy ông Phạm Bình Minh có lời nào lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm lấn chủ quyền và cướp bóc, bắn giết ngư dân Việt Nam? Có hay không tinh thần và thái độ này mà sao không thấy cơ quan truyền thông nào nào đưa tin, tường thuật dù chỉ một dòng? Ngược lại tất cả đều cho thấy một sự vui vẻ, hữu hảo xem như không có chuyện gì xảy ra. Có lẽ nào (xin lỗi bạn đọc) chỉ vì cái “đại cục”…cứt gì đó (không ai biết được) mà trái tim của những kẻ làm chính trị trên đất nước này đã hóa đá hết rồi chăng? Nên chẳng còn ai biết đau đớn và ray rứt trước những tai ương mà ngư dân miền Trung phải gánh chịu mỗi khi giương buồm ra khơi đánh bắt? Lịch sử nhân loại có chính quyền quốc gia nào trong khi chủ quyền biên cương của mình bị xấm phạm; thần dân mình bị cướp bóc, bắn giết nhưng trên bàn ngoại giao vẫn “nhất trí” và “đánh giá cao” với chính kẻ đã gây ra những điều tồi tệ ấy không? Và tại sao đã ký thỏa thuận và cam kết với nhau rồi vậy mà chỉ trong hai năm nhưng đã có 4.000 tàu cá của đồng bào ngư dân VN gặp nạn ngoài biển khơi; là nguyên nhân làm cho 2.300 người thiệt mạng và mất tích?

2. Sập bẫy hay đã ngầm chấp nhận đàm phán song phương về những tranh chấp ở biển Đông?

Lâu nay, hệ thống chính quyền Nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn nói sẽ công khai, minh bạch mọi chuyện để tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân. Thế nhưng, người viết bài này dám chắc rằng, đại bộ phận dân chúng nước Việt hôm nay chẳng ai biết lãnh đạo nước nhà đã thỏa thuận, ký kết những gì với Trung Quốc, nhất là có điều khoản nào bất lợi cho nhân dân và đất nước hay không? Nên nhớ rằng, lần này Dương Khiết Trì qua cũng là để tiếp tục bàn về chương trình hợp tác song phương giữa “hai Đảng”, “hai Nhà nước” (đây là phiên họp lần thứ 9 của “Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc”) trong đó có vấn đề“Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”.Từ cơ sở này, bằng chứng này cho thấy, phải chăng từ lâu các lãnh đạo nước nhà đã đồng ý và chấp nhận giải quyết những tranh chấp trên biển Đông hiện nay với Trung Quốc bằng con đường đàm phán song phương? Những phát biểu trước đây về chuyện đa phương hóa, quốc tế hóa biển Đông chỉ là động tác giả nhằm đánh lạc hướng nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế? Vì thế mà lãnh đạo VN chẳng bao giờ dám kiện Trung Quốc như cách người Philippines đã làm? Tuy vậy, phải chăng chuyện này đã bị Hun Sen - thủ tướng của Campuchia “bắt bài” (gần đây là Lào) nên ông ta mới nhiều lần lên tiếng công khai ủng hộ Trung Quốc cũng là nhằm “đá xoáy” chính quyền VN đang giả vờ “làm mình làm mẩy”?

Một vấn đề nữa, trong thời điểm cả thế giới đang nín thở chờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế liên quan đến vụ kiện của người Philippines mà vẫn tổ chức qua lại hữu hảo, thâm tình với họ là sao? Ngoại giao kiểu này nếu không phải đang đi trên sợi dây do họ và Hoa Kỳ mỗi nước nắm một đầu thì là gì? Một lý do nào đó để dời cuộc gặp gỡ lại đợi đến sau khi có phán quyết từ tòa trọng tài quốc tế khó lắm sao? Chưa hết, đang trong thời điểm nhạy cảm mà còn đưa tay nhận 19,5 triệu USD của họ để xây “cung hữu nghị” là nghĩa lý gì? Bản thân mình còn như vậy thì còn miệng mồm nào nữa mà lên tiếng trách móc hai ông bạn láng giềng Lào và Campuchia?

Ở một phương diện quan trọng khác, chẳng lẽ không ai trong Bộ ngoại giao nói riêng, bộ máy chính quyền Nhà nước chung biết chuyện tập đoàn chính trị của Tập Cận Bình từ lâu đã tẩy chay Tòa án trọng tài quốc tế trong vụ người Philippines kiện họ? Hay như gần đây họ còn lớn tiếng đe dọa sẽ rút khỏi Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS), 1982 nếu tòa quốc tế phán quyết có lợi choPhilippines? Nếu đã biết họ coi UNCLOS chẳng là cái cóc khô gì vậy sao vẫn còn ngây thơ tin tưởng đàm phán, ký kết, trao đổi với họ? Thêm một lần nữa sập bẫy rồi chăng?

3. “Thế lực thù địch” thực sự của nhân dân Việt Nam là ai?

Nhiều người trong bộ máy công quyền Nhà nước thường tự cho mình cái quyền khép tội bất kỳ người dân nào khi họ nói lên những sự thật tệ hại của đất nước đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Ví như người dân chỉ yêu cầu lãnh đạo chính quyền cần tỏ thái độ cứng rắn, mạnh mẽ, quyết liệt trước sự hung hăng của người Trung Quốc (như người Philippines đã làm) thì họ lại cố tình đánh tráo vấn đề cho rằng như thế là kích động chiến tranh, gây chia rẽ nội bộ. Ngay cả ông Tổng Bí thư, trong một lần tiếp xúc cử tri ở Hà Nội mấy năm trước cũng lập luận theo kiểu này: "Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển. Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”

Cho rằng chỉ có mới mình là đúng và sáng suốt nên những người này thường không ngần ngại buộc tội, kết án những ai có suy nghĩ và quan điểm khác với họ (bằng những lời lẽ nặng nề như “phản động”, “thế lực thù địch”) nhưng không bao giờ họ dám đường hoàng công khai cho dân chúng biết những điều khoản và thỏa thuận đã ký kết với người Trung Quốc để nhân dân an tâm và tin tưởng rằng họ“không đánh đổi chủ quyền để đổi lấy hữu nghị viển vông”. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho nhân dân nghi ngờ, bất mãn nên rất nhiều lần đã tẩy chay những sự kiện chính trị, xã hội có dính đến yếu tố Trung Quốc. Lẽ ra, hơn ai hết, lãnh đạo chính quyền Nhà nước là người hiểu rõ vấn đề này nhưng không hiểu sao vẫn cứ lớn tiếng, lấp liếm, nói ngược lại là “đại bộ phận nhân dân đồng tình ủng hộ”? Hoặc không thì khi người dân xuống đường tuần hành phản đối trong ôn hòa lại cho rằng bị cácthế lực thù địch (nhất là Việt Tân) xúi giục, lôi kéo, mua chuộc. Đây là cách ứng xử không những cho thấy sự thiếu bản lĩnh vì không dám đối diện sự thật mà còn bộc lộ sự non nớt ngụy biện trong lập luận.

Giả sử cứ cho là có bàn tay của Việt Tân thò vào đi nhưng Việt Tân là ai mà giỏi quá vậy, có thể sai khiến hàng nghìn, hàng triệu người dân Việt Nam chỉ bằng vài lời kêu gọi qua các trang mạng xã hội trong khi chính quyền Nhà nước nắm trong tay một hệ thống gồm mấy trăm cơ quan truyền thông (báo in, báo tiếng, báo hình…)? Tại sao người dân chẳng chịu nghe, chẳng chịu tin chính quyền lại nghe theo Việt Tân? Cũng xin nói thêm là hầu hết các trang mạng xã hội có quan điểm, ý kiến trái chiều với chính quyền Nhà nước hiện nay đều bị chính quyền ngăn chặn. Những người dân bình thường, tay lấm chân bùn không cách nào vượt “tường lửa” để vô đó mà đọc được.

Cho nên, nếu nói người dân bị xúi giục, lôi kéo chẳng khác nào đã gián tiếp thừa nhận sự thất bại trước Việt Tân trong chính sách tuyên truyền, công khai sự thật cho dân chúng. Còn nói nhiều người bị Việt Tân mua chuộc thì không những xúc phạm nặng nề đến tình cảm, trình độ nhận thức và hiểu biết của nhân dân mà còn tự mình tố cáo mình ở phương diện chăm lo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Bởi lẽ, người ta sẽ nói mấy mươi năm qua anh lãnh đạo đất nước đất nước kiểu gì, quan tâm lo lắng cho người dân kiểu gì mà để họ đói khổ đến nỗi bị kẻ thù của anh mua chuộc? Ngoài ra, ở chiều ngược lại nếu như anh cho rằng nhân dân bị Việt Tân mua chuộc thì nhân dân sẽ nói anh cũng bị Trung Quốc mua chuộc thì sao? Mới đây nhất là 19,5 triệu USD để xây cung hữu nghị Việt – Trung; còn trước đó là vô số những dự án mà người trúng thầu hầu hết chỉ là Trung Quốc? Người dân nghèo đói không có cơm ăn nên bị mua chuộc dù sao cũng dễ tha thứ hơn những kẻ ăn trên ngồi trước nhưng vẫn mờ mắt vì tiền mà bán đứng quê hương chứ!

 Đặt vấn đề mang tính phản biện như trên để thấy rằng nhân dân hiện nay không mê muội đến độ không phân biệt ai là bạn ai là thù. Qua đây, có thể nói, nếu như lãnh đạo của Đảng, Nhà nước hiện nay cho rằng Việt Tân là thế lực thù địch của mình thì có thể khẳng định thế lực thù địch nguy hiểm nhất của Nhân dân Việt Nam hiện nay không phải ai khác mà chính là “người bạn vàng” của Đảng - tập đoàn chính trị của Tập Cận Bình. Những kẻ nào chỉ vì mối quan hệ nhất thời với Trung Quốc và không màng gì đến sự tồn vong của dân tộc, đất nước cũng chính là đồng phạm đã “nối giáo cho giặc”. Chắc chắn rồi đây lịch sử dân tộc, các thế hệ cháu con sẽ ghi lại vết nhơ này giống như đã cha ông trước đây đã từng ghi và gọi tên những kẻ “rước voi giầy mả tổ” như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…

4. Nước Việt, dân Việt không thể mãi như thế này!?

Nếu lãnh đạo chính quyền thực sự vì dân, vì nước thì chắc chắn phải hiểu không một người dân Việt nào muốn xảy ra chiến tranh với người Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, từ trong tâm thức, nhân dân Việt Nam giờ đây đã nhận ra những điều không bình thường trong mối quan hệ với Trung Quốc dù rằng mối quan hệ này luôn được một số người cố tình bao bọc bằng những lời lẽ trau chuốt và đẹp đẽ nhất.

Việc xuống đường tuần hành của người dân thời gian chính là để bày tỏ thái độ không đồng tình đồng thời mong muốn chính quyền phải cầu thị lắng nghe tiếng nói của mình. Điều này trước hết là một phản ứng tự nhiên của mỗi công dân khi thấy chủ quyền quốc gia dân tộc bị xâm lấn. Nếu như người Trung Quốc thực sự chân thành làm bạn; không hung hăng cướp đảo, bắn giết ngư dân miền Trung thì dù có một trăm tổ chức Việt Tân đi nữa cũng không xúi giục được nhân dân. Sau nữa, việc xuống đường tuần hành là hoàn toàn phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiến pháp.

Lãnh đạo chính quyền nếu thật sự sáng suốt thì nhất định phải thừa nhận và tôn trọng sự thật này. Đã đến lúc người dân Việt không thể mãi quẩn quanh trong mối quan hệ tù mù, nhập nhằng đen trắng, bạn thù lẫn lộn...với người Trung Quốc. Nói cách khác, không thể chỉ vì sự mù quáng, mê muôi, tham lam của một nhóm người để rồi cả dân tộc này phải gánh lấy hậu quả. Giống như mới đây thôi là chuyện 10 quân nhân đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biển. Cần phải nhận thức đúng, vinh danh đúng sự hy sinh và công lao của những người lính hôm nay chứ không phải chỉ rút kinh nghiệm là xong hay tệ hơn là nhỏ lệ xót thương theo kiểu“máu ở chiến trường hoa ở đây”.

Những sơ suất, trục trặc kỹ thuật hay do thiên tai trong vấn đề thao luyện của người lính vốn là chuyện không ai muốn. Và dĩ nhiên những chuyện này không phải chỉ xảy ra ở xứ mình. Tuy nhiên, nếu mọi chuyện đúng như vậy thì cũng cần một sự công khai, minh bạch kịp thời, trước hết là để vong linh của những chiến sĩ không may ấy được thanh thản; sau nữa là để nhân dân tin tưởng, an tâm về một “nền quốc phòng toàn dân” thực chất và đúng nghĩa. Tức là nền quốc phòng ấy được xây dựng với mục đích duy nhất là bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của dân tộc Việt Nam chứ không phải để bảo vệ riêng một nhóm quyền lực nào đó đang thao túng đất nước. Trong ý nghĩa này, sự hy sinh của 10 quân nhân chắc chắn sẽ vượt lên trên mọi thứ chủ nghĩa ích kỷ; những suy diễn vô căn cứ cùng những ngôn từ xảo biện nhân danh Tổ quốc và sự bình yên của nhân dân nhưng thực chất là để che đậy cho những toan tính vị kỷ, những tư thù cá nhân hay những mưu đồ hắc ám...

***

Tóm lại, nói cho cùng, mọi chế độ, mọi triều đại chỉ là nhất thời, giang sơn gấm vóc của Tổ tiên mới là vĩnh cửu. Đã đến lúc đất nước này không thể bị“ma dẫn lối, quỷ đưa đường/ lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” mãi được.

CT, 02/7/2016
NTB






No comments:

Post a Comment