THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 2016
.
Hội BBTT thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan
Văn Lợi ngày 21/7/2016
Ở Huế có hai linh mục nổi tiếng là cha Tađêô
Nguyễn Văn Lý và Phêrô Phan Văn Lợi. Cả hai ông đều là những linh mục đấu tranh
cho tự do tôn giáo, cho dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, xét về thành tích đi tù
thì cha Lý “hoành tráng” hơn, còn cha Lợi chỉ có nhõn… 7 năm.
7 năm
tù mà chưa là “cái đinh” gì so với cha Lý, đủ biết ông “ra tù, vô khám” tới mức
như thế nào. Ông đi tù 4 lần với tổng cộng 21 năm ngoài ra được “khuyến tù” 14
năm quản chế. Đó là tính thời gian ở tù, còn nếu cứ xét theo tòa án tuyên thì còn
nhiều hơn nữa. Có vụ án ông bị khởi tố bởi rất nhiều tội danh cùng lúc:
"phá hoại chính sách đoàn kết”, "tuyên truyền chống phá Nhà nước
CHXHCNVN", "không chấp hành án". “Sự nghiệp” đi tù của ông bắt đầu
từ năm 31 tuổi, khi vừa sang chế độ mới được 2 năm. Nói thế để biết ông rất “có
duyên” đi tù dưới chế độ cộng sản. Nếu “giải phóng” miền Nam sớm hơn thì chắc
ông cũng đi tù sớm hơn nữa.
Linh mục
Nguyễn Văn Lý là một trong những người sáng lập Phong trào 8406, tiền thân của
Đảng Thăng Tiến ra đời 5 tháng sau đó. Cùng với linh mục Nguyễn Văn Lý, nhiều
người trong khối 8406 bị bắt tù như Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công
Nhân, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Anh Kim…
Ông là
nhân vật bị công an bịt miệng trong trong bức ảnh nổi tiếng cắt từ video ở
phiên toà ngày 30/3/2007 tại Huế. Tại phiên tòa này, ông đạp vào vành móng ngựa
hô: “Đả đảo cộng sản Việt Nam”. Bức ảnh nhanh chóng được lan truyền đi khắp thế
giới như một biểu tượng đáng xấu hổ của nền tư pháp Việt Nam.
Ông là
biểu tượng nổi bật về tinh thần bất khuất trong cuộc đấu tranh giành lại tự do,
dân chủ ở Việt Nam. Theo Wikipedia thì “tờ The Wall Street Journal,
trong một bài xã luận, đã nhắc đến Linh mục Nguyễn Văn Lý như một trong những
người xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2007 hơn Al Gore” (Al
Gore là phó tổng thống Mỹ dưới thời Bill Clinton được trao giải Nobel Hòa bình
năm 2007).
Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trong
phiên tòa ngày 30/3/2007
Ở Huế,
Linh mục Phan Văn Lợi là người rất gần gũi với Linh mục Nguyễn Văn Lý. Ông là
người đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền rất kiên định.
Ông vào
Tiểu chủng viện từ năm 1961 khi mới 10 tuổi, vào đại chủng viện năm 1969 và
hoàn tất chương trình năm vào năm 1976. Ngày 21-5-1981, tại Sơn Tây, ông được Đức
Giám mục Nguyễn Văn Thuận (đang bị quản thúc tại giáo xứ Giang Xá, giáo phận
Sơn Tây) truyền chức linh mục trong bí mật. Cũng năm 1981, ông bị kết án 4 tù
vì sáng tác vở kịch ngắn “Dâng con cho mẹ” mang nội dung nói xấu chế độ. Hết 4
năm, ông bị giam tiếp 3 năm nữa thành 7 năm vì nhà cầm quyền phát hiện ra ông
là một linh mục chịu chức không có phép nhà nước, được cho là thụ phong linh mục
chui. Ông nhiều lần bị công an gọi đi thẩm vấn vì in ấn, viết và phổ biến nhiều
tài liệu được cho là phản động. Với nhà cầm quyền, ông được coi là “cứng đầu”,
“vô phương cải tạo”.
Linh mục
Phan Văn Lợi còn làm thơ. Thơ ông bi tráng, uất nghẹn thể hiện cuộc đời gian khổ,
cay nghiệt mà ông nếm trải, đồng thời, ông luôn luôn gửi gắm tâm nguyện của
mình cho Thiên Chúa, luôn theo đuổi cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho quyền
sống của con người.
Để hiểu
thêm về cuộc đời hoạt động đầy gian khổ và bi kịch của cha Lợi, mời bạn đọc xem
bài VÀI
NÉT VỀ CUỘC ĐỜI LINH MỤC PHAN VĂN LỢI
Dù chưa
gặp nhưng tôi và cha Lợi đã biết nhau qua những hoạt động và qua các bài viết.
Tôi và cha Lợi thường xuyên liên lạc với nhau qua Internet. Tôi với ông còn là
thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Ông hay động viên, cổ vũ tôi mỗi
khi tôi viết được bài nào mà ông tâm đắc. Tôi cũng hoạt động trong Hội Bầu bí
tương thân nên ông thường nhờ tôi chuyển hộ quà tới các gia đình tù nhân lương
tâm.
Có điều
này không phải ai cũng biết. Linh mục Phan Văn Lợi là người soạn thảo nhiều bản
lên tiếng hoặc tuyên bố chung của các tổ chức xã hội dân sự mỗi khi có sự kiện
chính trị, xã hội lớn. Những bản tuyên bố do ông soạn, kịp thời, lời lẽ đanh
thép, mạnh mẽ, đi thẳng vào bản chất của sự việc mà không hề né tránh.
*
Bàn bạc,
nêu ý tưởng đã từ lâu, Hội Bầu bí tương thân chúng tôi lần này quyết định đi Huế
thực hiện một số công việc đồng thời thăm cha Lý và cha Lợi. Chúng tôi dự định
đến Nhà Chung thăm cha Lý rồi sau đó thăm cha Lợi tại nhà riêng. Nhưng khi vào
đến sân Nhà Chung, chúng tôi đã thấy cha Lợi đứng trước cửa phòng làm việc của
cha Lý tươi cười vẫy gọi. Ông ôm chặt lấy từng người chúng tôi như thể đón người
thân yêu nhất từ lâu không gặp. Khi gặp ông, thấy ông trẻ hơn rất nhiều so với
xem hình ông trên mạng (năm nay ông 65 tuổi). Ông luôn luôn tươi cười, phong
cách còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn lắm.
Phòng
làm việc của cha Lý bài trí đơn giản, phần lớn là sách về giáo lý, ngoài ra có
những cuốn từ điển khá đồ sộ. Chúng tôi vào phòng, thấy bên trong cha Lý đang
trả lời phỏng vấn của một hãng truyền thông nào đó. Chúng tôi đứng ngoài nghe
rõ mồn một. Giọng ông khúc chiết, mạch lạc, không hề vấp váp hay có những âm tiết
thừa như thể ông đang đọc sách vậy. Ngồi với Cha Lợi chừng 5 phút thì thấy ông
xin phép kết thúc phỏng vấn ra tiếp khách.
Thấy
chúng tôi, ông vui mừng lắm. Nhìn ông, tôi không thấy gì khác so với hình dung
qua ảnh chụp ngày ông ra tù cách đây đúng 2 tháng. Ông đi lại khá vất vả, dáng
lòng khòng, chân run rẩy bước từng bước nặng nhọc nhưng mặt thì tươi với cặp mắt
sáng. Trong chiếc áo cộc tay màu trắng, ông toát lên một phong thái ung dung, tự
tại. Ông bắt tay từng người, rồi chợt reo lên khi chúng tôi giới thiệu Ngô Duy
Quyền là chồng Lê Thị Công Nhân - người bạn chiến đấu trong khối 8406 và Đảng
Thăng Tiến ngay từ những ngày đầu tiên với ông.
Thỉnh
thoảng, có những giáo dân vào gặp cha có việc, đồng thời thông báo đang có sự
theo dõi từ bên ngoài. Chúng tôi biết, vào gặp cha Lý ở Huế là một việc mạo hiểm
vì ngoài sự nguy hiểm đối với nhà cầm quyền, cha còn đang thời gian quản chế.
Ngay tại Hà Nội, chúng tôi đã từng bị sách nhiễu khi đến thăm Phạm Văn Trội
trong thời gian anh bị quản chế. Đã có tới 3 đoàn bị cưỡng bức về công an phường
Chương Dương, thậm chí có người bị đánh trọng thương phải cấp cứu ở bệnh viện
như trường hợp anh Huỳnh Ngọc Tuấn.
Trong
khoảng 2 giờ, câu chuyện xoay quanh những vấn đề về dân chủ, nhân quyền mà Linh
mục Nguyễn Văn Lý quan tâm. Ông trăn trở, làm thế nào để chuyển hóa đất nước
theo hướng dân chủ bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Ông không tán thành
bạo lực vì sẽ gây tổn thất rất lớn trong khi nhà cầm quyền còn đủ mạnh để dập tắt
mọi sự chống đối. Ông cùng chúng tôi đánh giá về phong trào đấu tranh hiện nay.
Ông cũng quan tâm đến các góc nhìn của giới đấu tranh đối với Đảng Việt
Tân.
Nói
chuyện với cha Lý, chúng tôi phát hiện ra rằng, ông còn có tính cách khôi hài,
dí dỏm mà sâu sắc. Mặc dù vào tù ra tội, cuộc đời đầy trầm luân cay đắng nhưng
trong câu chuyện, ông không hề nói tới sự hận thù.
Câu
chuyện chắc hẳn sẽ kéo dài nếu tôi không để ý cha Lý có cuộc hẹn vào lúc 11 giờ.
Chúng tôi tặng quà cho hai ông đồng thời cũng nhận lại những món quà ân nghĩa.
Cuộc chia tay thật là bịn rịn. Tôi chỉ tiếc sao bây giờ mới gặp hai ông mà
không thể sớm hơn, như thời gian cha Lý được tạm hoãn thi hành án về chữa bệnh
chẳng hạn?
Chiều
hôm đó, khi chúng tôi đang trên tàu ra Hà Nội rồi, cha Lý gọi điện hỏi chúng
tôi có bị làm sao không. Thì ra, sau khi chúng tôi thăm ông rồi ra về, có một
người anh em cảm tình đến gặp ông, nhưng bị bắt đi luôn, vì thế ông lo lắng cho
chúng tôi. Chúng tôi nhủ nhau, thế là mình may mắn. Và rủi có bị bắt ở Huế thì
có sao đâu, đây là điều chúng tôi đã tính từ trước khi đến Huế.
Nơi
đây, phong trào dân chủ còn yếu nhưng xuất hiện hai vị linh mục kiên cường, mạnh
mẽ, uy vũ không thể khuất phục, điều đó thật quý. Tất nhiên ở Huế, không chỉ có
hai ông. Với Cha Lý, khi ra tù lần gây nhất, ông đã 70 tuổi. Không biết rồi với
tuổi này, họ còn bắt ông đi tù nữa không nhưng tôi hiểu, nếu điều ấy lại xảy ra,
ông vẫn sẵn sàng.
24/7/2016
Được
đăng bởi Nguyễn Tường Thụy vào lúc 7/26/2016 04:51:00 SA
No comments:
Post a Comment