Thứ Hai, ngày 04 tháng 7 năm 2016
TP
- Khảo sát đáy biển nhiều nơi thuộc bốn tỉnh Bắc Trung bộ sau sự cố môi trường
nghiêm trọng, các nhà khoa học phát hiện hơn nửa rặng san hô ở những nơi đó đã
bị chết, các loài tôm cá điển hình của vùng này cũng không còn. Họ đánh giá, phải
mất khoảng 50 năm, hệ sinh thái biển ở đây mới có thể phục hồi hoàn toàn.
San
hô bị chết dưới đáy biển Bắc Trung bộ. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ
Việt Nam.
Từ
ngày 4 đến 15/5, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt
Nam (được giao nhiệm vụ tìm nguyên nhân cá chết) khảo sát quần thể sinh vật
cũng như rặng san hô ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
San hô chết, tôm cá vắng
bóng
Tại
Hà Tĩnh, các nhà khoa học khảo sát tại Mũi Ròn Mạ và Hòn Sơn Dương, nơi cách họng
xả thải của Công ty Formosa 7,5 km. Ở Mũi Ròn Mạ, hình ảnh chụp được cho thấy,
nhiều tập đoàn san hô mới chết trong khoảng một tháng, san hô thưa thớt không tạo
thành rạn.
Ở
Hòn Sơn Dương, san hô chết khoảng 35-40%, tỷ lệ san hô còn sống dưới 10%. Cả
hai điểm này vắng mặt các loại cá kinh tế có kích thước lớn hoặc nhóm cá thuộc
họ cá san hô điển hình, chỉ có một vài con xuất hiện với mật độ rất thấp, kích
thước cơ thể nhỏ và không có giá trị kinh tế. Đặc biệt ở Hòn Sơn Dương, không bắt
gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ cá Bống trắng - loài cá sống ở môi trường sạch.
Ở
Quảng Bình, các nhà khoa học khảo sát ở cảng Hòn La, đảo Hòn Nồm (đảo Yến) ngày
7/5. Ở Hòn Nồm, san hô phân bố thưa thớt, kích thước các tập đoàn nhỏ. Có hiện
tượng san hô chết rải rác. Vắng bóng các loài cá điển hình cho vùng rạn sạn hô.
Hòn La cũng ghi nhận hiện tượng san hô chết.
Trong
khi đó, tại Cửa Tùng, Quảng Trị, các nhà khoa học phát hiện loài hàu chết còn lại
xác, phần thịt đã bị phân hủy, miệng bị mở. Ngoài ra, khá nhiều vỏ hàu nằm rải
rác trên nền đáy. Không phát hiện thấy ấu trùng tôm hùm con ở các hốc đá, mặc
dù theo ngư dân, đây là thời điểm khai thác tôm hùm con tốt nhất trong năm. Nền
đáy khu vực này còn bị bao phủ bởi lớp bùn mỏng màu vàng cho tới nâu
vàng, nước biển vẩn đục nhiều.
Tại
Thừa Thiên Huế, nơi cuối cùng của dòng chảy độc tố, các nhà khoa học khảo sát ở
hai địa điểm, đều ghi nhận san hô chết và rất ít gặp các loài cá kinh tế và điển
hình cho sinh cảnh rạn. Đáng chú ý, trước đây, một nghiên cứu của Viện Hàn lâm
Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, điểm rạn Bãi Chuối, Bắc Hải Vân của Huế
từng có mật độ cá con và ấu trùng cá rất cao, là bãi đẻ chủ đạo của khu vực. Đặc
biệt là họ cá Khế Carangidae (dân địa phương gọi là cá Vẩu) nhưng giờ, kết quả
quan trắc không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ này nữa.
Theo
TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó
Chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết, 50% diện tích san hô khu vực
biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quàng Trị, Thừa Thiên Huế đã bị phá hủy
(trên tổng số 800 ha).
Theo
TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia về thủy sản, vùng rạn đá, san hô là nơi có chức
năng tái tạo hệ sinh thái biển. Các loài cá, cua, ốc… khi sinh sản tìm về đây
vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn. Nếu rặng san hô bị chết, tôm, cá,
cua, ốc không còn nơi sinh sản đồng nghĩa với việc các loài hải sản sẽ không
còn sinh sống ở đây, hệ sinh thái bị mất đi.
Mất
nửa thế kỷ mới hồi phục hoàn toàn
Theo
TS Vũ Đức Lợi, khoảng 50 năm, các rặng san hô mới có thể phục hồi, vì đây là
loài phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ lớn lên 1-2 cm. Các nhà khoa học tính
toán, trong điều kiện phát triển bình thường, phải mất khoảng 50 năm, các rặng
san hô, bãi san hô mới có thể phát triển được bằng thời điểm trước khi sự cố
môi trường nghiêm trọng xảy ra.
Theo
TS Lợi, giải pháp làm sạch môi trường đáy biển miền Trung đã được các nhà khoa
học nghiên cứu thời gian qua. Trong trường hợp xyanua, phenol ở vùng đáy không
phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển. Với
phương pháp này, sẽ phải huy động các tàu hút xuống biển.
Với
dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó
phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. TS Lợi cho biết, phương
pháp này từng được sử dụng trong quá trình làm sạch vịnh Minamata ở Nhật Bản,
nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata.
(Nguồn: Tiền Phong)
--------------------------
No comments:
Post a Comment