Saturday, June 25, 2016

VƯƠNG QUỐC LIÊN HIỆP ANH RÚT KHỎI LIÊN ÂU (Hà Tường Cát / Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Friday, June 24, 2016 8:10:26 PM 

Hôm Thứ Năm, 23 Tháng Sáu, nước Anh đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rút ra khỏi hay tiếp tục ở lại trong Liên Âu.

Kết quả: 51.9% (17.4 triệu cử tri) đồng ý ly khai và 48.1% (16.1 triệu cử tri) muốn ở lại trong liên minh.

Cuộc trưng cầu dân ý này được Quốc Hội Anh chấp thuận bằng đạo luật European Union Referendum Act 2015. Kết quả sẽ phải được Quốc Hội phê chuẩn thì mới có hiệu lực thi hành.

Nước Anh và quá trình tham gia Liên Âu

Qua hai cuộc thế chiến, ông Jean Monnet (1888-1979), nhà chính trị kinh tế và ngoại giao Pháp đã tích cực vận động cho sự hợp tác giữa các cường quốc dân chủ. Ông được xem như là cha đẻ của Liên Âu, sau này, hình thành với mục tiêu tạo dựng và duy trì một nền hòa bình trường cửu cho phần lục địa này.

Nhưng về mặt địa lý, nước Anh là một quần đảo cách biệt với lục địa. Các nhà lãnh đạo Anh đã phải qua nhiều khó khăn để xác định bản chất của quốc gia mình, nên gắn bó với Mỹ và khu vực ảnh hưởng Anh hay là với cộng đồng Âu Châu. Vấn nạn này không bao giờ có lời giải đáp dứt khoát và nước Anh từng thời gian hội nhập và xa rời cam kết với Liên Âu.

Anh không phải là nước ký kết Hiệp Ðịnh Rome năm 1957 thành lập EEC (Cộng Ðồng Kinh Tế Âu Châu), tiền thân của EU (Liên Âu). EEC gồm sáu nước Bỉ, Pháp, Tây Ðức, Ý, Hòa Lan, và Luxembourg. Hai lần Anh xin gia nhập, 1963 và 1967, đều bị Pháp phủ quyết. Tổng Thống Charles de Gaule lúc đó viện lẽ “trên bình diện kinh tế, nước Anh có một số điểm không phù hợp từ thực tiễn lao động cho đến nông nghiệp.”

Sau de Gaule, năm 1973, Anh mới thành công trong việc xin gia nhập EEC, quen gọi là Thị Trường Chung Âu Châu. Chính phủ của Thủ Tướng Edward Health thuộc đảng Bảo Thủ chủ trương đường lối này, nhưng đảng Lao Ðộng đối lập của ông Harold Wilson trong kỳ tổng tuyển cử năm 1974 vận động chống lại và yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả trưng cầu dân ý năm 1975 là đa số các địa phương đồng ý nước Anh ở lại trong EEC, ngoại trừ hai quần đảo Shetland và Outer Hebrides.

Giữa hai cuộc trưng cầu dân ý 1975 và 2016, vấn đề Anh rút khỏi Liên Âu nhiều lần được các đảng đối lập đề ra.

Trong cuộc bầu cử năm 1983 đảng Lao Ðộng một lần nữa vận động tranh cử với chủ trương rút khỏi EU nhưng đảng Bảo Thủ của bà Margaret Thatcher thắng cử.

Bằng hiệp ước Maastricht, năm 1993, EEC trở thành EU (Liên Âu) và từ liên minh kinh tế mang thêm tính cách một liên minh chính trị.

Năm 1994, Sir James Goldmith thành lập đảng Referendum Party với chủ trương sẽ mang vấn đề nước Anh là thành viên EU ra trong cuộc tranh cử năm 1997. Ðảng Ðộc Lập Vương Quốc Liên Hiệp Anh (UKIP) thành lập đầu thập niên 1990, lần đầu tiên không phải là một trong hai chính đảng chiếm được một tỷ lệ phiếu lớn trong kỳ tổng tuyển cử năm 2014.

Năm 2012, Thủ Tướng David Cameron bác bỏ đề nghị trưng cầu dân ý về tính cách thành viên EU của Anh, nhưng lại gợi ý rằng có thể sẽ có trưng cầu dân ý để đo lường sự ủng hộ của quần chúng. Ông cho rằng, “cần sự ủng hộ toàn tâm của nhân dân về việc Anh làm thành viên EU nhưng phải kiên nhẫn hơn trước khi thực hiện chuyện ấy.”

Năm 2013, ông Cameron loan báo đảng Bảo Thủ có thể cho tổ chức trưng cầu dân ý trước cuối năm 2017 nếu thắng cử năm 2015. Năm 2015 đảng Bảo Thủ thắng cử và theo hứa hẹn, đạo luật European Union Referendum Act được quốc hội thông qua. Ngày 22 Tháng Hai, 2016, Thủ Tướng Cameron đọc diễn văn trước quốc hội công bố ngày trưng cầu dân ý là 23 Tháng Sáu.

Bao giờ Anh chính thức rút khỏi Liên Âu?

Trưng cầu dân ý không có giá trị cưỡng chế thi hành về mặt pháp lý, nhưng các quan sát viên nhận định rằng chính quyền Anh khó có thể bỏ qua ý muốn của cử tri.

Tiến trình rút khỏi Liên Âu chỉ khởi sự khi chính phủ Anh viện dẫn Ðiều 50 của hiệp ước thành lập EU. Ngay khi thất bại trong trưng cầu dân ý về việc vận động bỏ phiếu cho Anh ở lại EU, Thủ Tướng Cameron tuyên bố từ chức và để cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử vào Tháng Mười quyết định. Khi Ðiều 50 đã được áp dụng, nước Anh sẽ không thể đổi ý và ở lại trong EU nếu không được sự đồng thuận của toàn thể 27 nước thành viên khác.

Ðiều 50 mới chỉ được đưa vào nội quy EU từ Hội Nghị Lisbon năm 2007. Trước đó không có quy định về vấn đề rút khỏi EU. Theo Ðiều 50: “Tất cả các thành viên có thể quyết định rút ra khỏi Liên Âu nếu thấy phù hợp với đòi hỏi trong Hiến Pháp của nước mình.”

Một khi Anh thông báo cho Hội Ðồng Âu Châu (hội đồng các nguyên thủ quốc gia) về ý định rút ra, sẽ phải có một thời gian thương lượng để giải quyết những ràng buộc hiện hữu và tương lai quan hệ giữa Anh và EU. Ðể thỏa hiệp có giá trị, cần có 72% các nước thành viên với 65% dân số, và Quốc Hội Âu Châu chấp thuận. Nếu không có thỏa thuận thì sau hai năm đòi hỏi này không còn áp dụng nữa. Nhưng Anh cũng có thể không cần đi qua thủ tục nội bộ của EU nếu đơn phương rút căn cứ trên đạo luật Cộng Ðồng Âu Châu năm 1972.

Cuộc trưng cầu dân ý 2016 không trực tiếp buộc chính phủ phải hành động cụ thể như thế nào, tương tự như cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland năm 2014. Cũng không có ấn định thời điểm hay giới hạn trong thời gian bao lâu phải viện dẫn Ðiều 50. Thủ Tướng Cameron đã nói trong lúc vận động rằng sẽ viện dẫn Ðiều 50 ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý là ra khỏi EU. Nhưng bây giờ ông cho biết sẽ để cho người kế nhiệm quyết định. Cựu thị trưởng London, ông Boris Johnson, người tán thành Anh ra khỏi EU có thể là nhân vật ấy.

Hậu quả

Sự thất bại sít sao của phía ủng hộ ở lại trong Liên Âu là một kết quả bất ngờ vào giờ chót, ngược với dự đoán của các thăm dò dư luận. Ðây là lần đầu tiên một thành viên rời khỏi EU.

Ủng hộ và chống “Brexit” ngang ngửa nhau chứng tỏ sự phân hóa trầm trọng trong quốc gia này. Nỗi lo lắng về làn sóng di dân là động lực chính thúc đẩy những người muốn rút khỏi EU. Toàn cầu hóa và sự bất bình vì nước Anh chịu tác động bởi Bỉ (Brussels là nơi đặt trụ sở trung ương của EU) là những yếu tố khác.

Tác động đầu tiên khi biết Anh ra khỏi EU là thị trường kinh tế tài chính thế giới đều rung động và đi xuống. Sáng Thứ Sáu, ở thị trường New York, chỉ số Dow xuống 610 điểm, tương đương 3.39%. Cổ phiếu tại các thị trường Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo đều rớt.

Ðồng bảng Anh hạ 12% tới mức thấp nhất kể từ 1985 (1 bảng chỉ còn ăn $1.35); các nhà đầu tư vội vã chuyển qua đồng đô la Mỹ và đồng yen của Nhật. Tương lai ngành dịch vụ tài chính của Anh trở nên bấp bênh trong mối quan hệ với EU. Một số ngân hàng đặt trụ sở ở Anh có lẽ sẽ phải chuyển một phần tới Frankfurt, Paris hay Dublin nếu muốn có khách hàng EU. Các ngân hàng đầu tư cho biết sẽ phải chuyển hàng ngàn công việc ra khỏi Anh, trong khi Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu nói là có thể buộc phải chuyển sự trao đổi đồng euro ra khỏi London, thị trường ngoại hối lớn nhất thế giới.

Cựu Thủ Tướng Tony Blair nói với ký giả Wolf Blizer của CNN rằng trong hai năm nữa dân Anh sẽ thấy rằng ra khỏi EU không giúp giải quyết được khó khăn kinh tế, sự lo sợ toàn cầu hóa và di dân hay làm cho nước Anh độc lập hơn theo một nghĩa thích đáng. Ông nói thêm rằng Anh cung cấp phân nửa sản phẩm và dịch vụ cho Âu Châu và bây giờ thương thuyết để trở lại thị trường ấy sẽ có rất nhiều khó khăn hơn người ta tưởng.

Bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức, cho rằng “Brexit” là một điều đáng tiếc và nước Anh sẽ phải đón nhận nhiều khó khăn trong tương lai.

Tổng Thống Barack Obama hôm Thứ Sáu điện đàm với Thủ Tướng Cameron, và nói rằng sẽ không có thay đổi trong mối quan hệ Anh-Mỹ. Còn Phó Tổng Thống Biden thì nhìn nhận là Tòa Bạch Ốc thất vọng về kết quả trưng cầu dân ý ở Anh.

Ứng cử viên Donald Trump trong cuộc họp báo sáng Thứ Sáu ở Scotland, nơi ông đang thăm viếng hai ngày, tán dương kết quả trưng cầu dân ý. Ông cho rằng dân Anh muốn đem nước họ trở về và dân Mỹ cũng thế.

Một số đảng phái đối lập ở các nước thành viên EU cũng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý. Scotland dự định sẽ trưng cầu dân ý về độc lập, tách ra khỏi Vương Quốc Liên Hiệp Anh. Tình thế bấp bênh sẽ xảy ra tại nhiều nơi ở Âu Châu và hậu quả việc Anh rời khỏi EU sẽ còn có nhiều tác động trong một thời gian dài cho toàn thế giới.






No comments:

Post a Comment