Monday, June 27, 2016

TẠI SAO CHỦ NGHĨA MARX THẤT BẠI ? (Trần Dũng Kế)





Trần Dũng Kế
Posted by adminbasam on 27/06/2016

Khi Liên Xô tan rã, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ về mặt thực tiễn, chủ nghĩa cộng sản hay còn gọi là chủ nghĩa xã hội hiện thực giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản đã thất bại là sự thật. Nhưng cho tới nay hầu hết các lý do giải thích cho sự thất bại đó là nguyên nhân chính trị, từ chuyện sai lầm về đường lối của các đảng cộng sản đến các những sai lầm cá nhân lãnh tụ của các nước cộng sản đó … và một phần không nhỏ là do sự “phá hoại” từ các nước dân chủ tư sản đứng đầu là Mỹ.

Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến các vấn đề chính trị như đã nêu ở trên mà chủ yếu tập trung vào hệ thống lý luận của Marx, nguyên nhân đưa đến những “sai lầm” chính trị làm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản.
Hàng loạt các vấn đề phải được xem xét lại từ bóc lột, lợi nhuận, sở hữu, thu nhập, thương nghiệp, ngân hàng… đến các vấn đề nhà nước và pháp luật, chính trị và vấn đề phát triển. v. v…

Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu từng vấn đề cụ thể để xem Marx đã sai như thế nào.

1- Bóc lột và giá trị thặng dư

Theo Tư bản luận, cấu tạo hàng hóa bao gồm: sức lao động + tài nguyên nhiên liệu + máy móc = M (hàng hóa). Hàng hóa sau khi bán hết trừ tiền khấu hao máy, tiền mua nguyên nhiên liệu và tiền thuê công nhân vẫn còn lại một lượng là m. Marx chứng minh rằng m là do ăn bớt tiền công lao động của công nhân làm thuê từ đó sinh ra giàu nghèo bóc lột giai cấp…đấu tranh giai cấp nhà nước tư sản. v. v..

Sự thật không đơn giản như Marx đã trình bày trong Tư bản luận. Bây giờ quay trở về thời điểm Marx đã phân tích, chúng ta có thể tóm tắt sơ lược bối cảnh như sau: một nhóm người dệt vải thủ công trung bình ngày dệt được 2 m vải, với giá thời điểm đó là $20/m, trừ đi tiền nguyên liệu còn lại $10/m thu nhập là $20/ người/ ngày. Một người trong số họ nghĩ ra máy dệt vải anh ta bỏ ra 30 ngày để chế tạo ra nó cộng với tiền nguyên vật liệu $1000. Năng xuất tăng 10 lần thời gian sử dụng máy là một năm (250 ngày) như vậy giá sản xuất chế tạo ra chiếc máy đó là: $30 + $20 +$1600. Sau một năm sản xuất chế tạo ra chiếc máy đó làm ra 5000 m tính thành tiền là $50. 000 trừ đi khấu hao máy cũ chế tạo máy mới và tiền công lao động còn lại là $41. 800.  Số tiền $41. 800 là giá trị sử dụng của máy đem lại. Người này chuyển qua chế tạo máy để bán. Tất nhiên anh ta không bán với giá $1600 và cũng không thể bán được với giá $41. 800 vì người mua không có lợi. Qua thương lượng họ đồng ý chia đôi giá trị sử dụng của máy. Cuối cùng máy được định giá là $21. 500. Giá này là giá trao đổi, nó lớn hơn giá sản xuất và nhỏ hơn giá trị sử dụng.

Thực tế là mọi giao dịch trên thị trường từ sức lao động, nguyên nhiên liệu, máy móc đều thông qua giá trao đổi như đã nêu trên. Tới đây chúng ta thay các giá trị trao đổi vào công thức của Marx cho chúng ta thấy rằng:

  • Trên phương diện toán học khi các tham số trong phương trình trên biến đổi thì nó phải là hệ phương trình đại số. Số học không đưa ra được đáp số chính xác
  • Phương trình của Marx chỉ đúng trong một trường hợp duy nhất khi toàn bộ cấu thành giá sản xuất bằng giá trị sử dụng của hàng hóa
  • Giá trị của hàng hóa bao gồm cả giá sản xuất, giá trao đổi và giá trị sử dụng là do năng lực lợi ích của hàng hóa đối với thị trường (nhu cầu) quyết định, nó không tính trên thời gian lao động cần thiết (hàng hóa sức lao động) như Marx tính. Lý do dùng đơn vị thời gian tính lương trong các hợp đồng lao động xuất phát từ việc chúng ta không có đơn vị đo lường nên thời gian dùng làm thước đo qui đổi tạm thời. Ngoài ra, trong một xã hội có sự phân công lao động thì nền kinh tế được chia ra nhiều nhóm nối kết với nhau thành một vòng tròn khép kín. Đầu vào của nhóm này là đầu ra của nhóm kia và chúng cân bằng với nhau (không xét trường hợp khủng hoảng). Năng lực lợi ích vật chất của từng nhóm chia cho tổng số lao động trong nhóm ấy thành tiền lương. Quay trở lại với công thức của Marx khi chúng ta thay thế hệ thống giá trị trao đổi vào đó, trong trường hợp giá trị sức lao động được trả hết thì lợi nhuận doanh nghiệp vẫn còn do lợi ích sử dụng của máy móc, khoa học kỹ thuật đem lại.

Ngoài ra sản phẩm hàng hóa mới sản xuất được bán ra thị trường theo giá trao đổi thì lợi nhuận này đều từ người mua (tức từ ngoài vào), Window của Microsoft là một ví dụ.

2- Thương nghiệp

Marx dẫn giải về thương nghiệp qua công thức tiền – hàng – tiền là sai, đúng của nó là tiền – hàng/ km – tiền, và khi đưa giá trị trao đổi vào thương nghiệp thì lợi nhuận của thương nghiệp cũng đến từ hai nguồn, thứ nhất là khai thác công cụ phương tiện lao động… và thứ hai, từ người tiêu dùng bởi lợi ích từ các trung tâm thương mại mà khách hàng được hưởng lợi từ sự giảm chi phí khi mua sắm hàng hoá.

Marx nói, thương nghiệp không tạo ra bất kỳ một nguyên tử lợi ích nào, theo như câu nói trên chúng ta có thể hiểu như sau. Thương nghiệp không tạo ra bất kỳ một thứ vật chất nào có giá trị (lợi ích) nên chỉ có lao động sản xuất mới tạo ra chúng. Như nông dân làm ra lúa gạo, công nhân khai thác làm ra than, dầu…

Căn cứ vào định nghĩa của Marx về lao động như sau: lao động là một quá trình diễn ra giữa con người và tự nhiên, bằng hoạt động của chính mình con người làm trung gian điều tiết và kiểm tra sự trao đổi chất giữa họ với tự nhiên. Có nghĩa là người nông dân không làm ra lúa gạo, lúa gạo là do cây lúa tạo ra. Người công nhân khai thác không làm ra than, dầu, chúng có sẩn trong tự nhiên… con người chỉ tác động vào chúng bằng công cụ và phương tiện lao động di chuyển và kiểm soát chúng từ chỗ này ra chỗ khác. Lao động thương nghiệp cũng vậy có khác chăng là bởi đơn vị đo lường một bên là cái, kg, tấn, chiếc… và một bên là km mà km là một loại vi vật chất. Cái sai của Marx bắt đầu từ chỗ này, ngoài ra Marx nói thương nghiệp không tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Của cải là một tính từ trong lĩnh vực pháp lý nhằm xác định, sở hữu không phải là đối tượng của triết học nghiên cứu về lao động, còn “vật chất xã hội” thì như đã nêu ở trên do hệ thống đo lường của đối tượng lao động tạo ra đánh lừa nhận thức như là cái, kg, tấn.. với km

3- Sở hữu:

Trong phần này chúng tôi không đề cập hay phản bác lại ý kiến của Marx về vấn đề sở hữu, bởi vì ngoài một câu định nghĩa về sở hữu ra chúng tôi không tìm thấy một bài viết, hay phân tích nào của Marx mang tính học thuật đủ sức thuyết phục. Vì vậy ở đây chúng tôi tóm tắt tổng kết lại các nghiên cứu trước đây rải rác cách nói về sở hữu.

Cũng như mọi yếu tố xã hội khác sở hữu cũng hình thành từ không tới có, từ thấp đến cao phù hợp với trình độ và mức độ phát triển của xã hội đó.

Khởi nguồn nó được xây dựng về kế thừa trên nền tảng của vật chất không gian sinh tồn của từng cá thể khi xã hội phát triển cao xuất hiện sự hợp tác, phân công lao động và trao đổi sản phẩm lao động. Sở hữu ra đời để đáp ứng cho những nhu cầu xã hội đó. Xét về bản thể của sở hữu nó được cấu tạo, xây dựng nên bởi các thành phần như sau:

– Do năng lực lao động
– Lợi ích của lao động
– Các yếu tố tâm sinh lý của con người trong đó có tâm sinh lý tự nhiên con người và tâm sinh lý xã hội con người. (trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến hai yếu tố ban đầu). Khi năng lực và lợi ích mất đi sở hữu mất theo và ngược lại.

Một trong những chức năng của sở hữu là phục vụ cho nhu cầu trao đổi sản phẩm lao động do năng lực của người chủ sở hữu làm ra đối với xã hội và ngược lại. Trong mối quan hệ trao đổi này thực chất là sự chuyển đổi năng lực và lợi ích cho nhau, nó xuất hiện tạo ra các nhân tố xã hội mới.

+ Năng lực sinh ra trách nhiệm
+ Lợi ích sinh ra quyền hạn.

Những tương tác đó nảy sinh giữa người này với người kia và ngược lại, ví dụ trong lĩnh vực kinh tế, một người khi đem một vật do mình làm ra (năng lực lợi ích) thị trường bán, anh ta nhận lại tiền (quyền hạn) và bảo đảm chất lượng (trách nhiệm). Quá trình đó diễn ra ngược lại với đối tác của anh ta. Về mặt ý thức văn hóa, nó tự giáo dục con người ý thức về trách nhiệm và quyền hạn của bản thân đối với xã hội và con người, nó là nền tảng để hình thành tồn tại và phát triển của đạo đức và trật tự mang tính nhân văn của từng con người đối với xã hội và các mối quan hệ khác về mặt vật chất của trách nhiệm và quyền hạn, nó là cơ sở để ra đời luật pháp. Nhưng quá trình tương tác này, nó vô nghĩa và phản tác dụng đối với vật chất tự nhiên và vật chất sinh học. Thu nhập và sở hữu là hai vấn đề xã hội hoàn toàn khác nhau. Khi sở hữu vượt quá nhu cầu cá nhân, phần dư dôi (tư liệu sản xuất) thuộc tài sản quốc gia cộng đồng do nhà nước quản lý và kiểm soát chức năng, nhưng nó vẫn thuộc quyền sở hữu tư nhân.

4- Nhà nước và cơ chế xã hội

Những người theo chủ nghĩa duy vật đều chấp nhận nguyên lý sự thay đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất (triết học Max) và ngược lại. Tuy nhiên đại đa số đều hiểu không đúng về mối quan hệ này, nó là quan hệ liên đới hay là quan hệ nhân quả. Ngoài ra, tai hại hơn nữa là hiểu một cách máy móc, thụ động và không trọn vẹn. Hiểu một cách đầy đủ là sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại, đây là mối quan hệ liên đới. Song song với nó là sự thay đổi về cơ chế và cấu trúc của vật chất. Đây là điều hiển nhiên và chúng tôi không có ý đi sâu bàn về điều đó ở những hệ quy chiếu khác, mà chỉ sự dụng nó vào vấn đề vật chất xã hội tức vấn đề nhà nước.

Đối với vật chất tự nhiên và vật chất sinh học (xin đọc lịch sử hình thành vũ trụ về thuyết tiến hoá sự chọn lọc tự nhiên của Darwin). Cả hai đối tượng vật chất này do “tự nhiên” sinh ra chất, lượng và cơ chế do “tự nhiên kiểm soát” và điều tiiết, hay cụ thể hơn là do các hằng số vật lý điều tiết và kiểm soát. Nhưng với vật chất xã hội, tức hệ thống môi trường xã hội, là một hệ thống môi trường nhân tạo do con người tạo ra kiểm soát và điều tiết chúng, cả về chất lượng và cơ chế cấu trúc của nó.

Kiểm soát điều tiết về cơ chế cấu trúc với vật chất xã hội đó chính là chính trị, công việc của nhà nước. Hay nói cách khác, nhà nước xuất hiện cùng với sự ra đời của xã hội, khi xã hội còn phát triển còn sự thay đổi về chất lượng thì nhà nước còn tồn tại và phát triển theo. Trong bài viết ngắn này chúng tôi không có ý định trình bày tất cả mọi vấn đề về nhà nước như lịch sử hình thành phát triển, nó thuộc sở hữu của các nhà nước và vấn đề giai cấp, nhà nước và cách mạng .v.v… mà chúng tôi chỉ đề cập đến lịch sử cận đại, liên quan trực tiếp đến chúng ta trong vấn đề cơ chế và cấu trúc xã hội, sự tiến hóa của nó cũng như sự khác biệt giữa chế độ phong kiến quân chủ tập quyền và chế độ dân chủ tự do hay còn gọi là dân chủ tư sản và sự tiến hoá cuả nhà nước trong hai thể ché xã hội đó. Trong chế độ phong kiến (quân chủ lập hiến) mọi tài sản thuộc về nhà vua. Xã hội vận hành theo cơ chế tay ba tức nhà nước làm trung gian trong mọi mối quan hệ xã hội từ chuyện cá nhân, gia đình đến mọi vấn đề xã hội. Ở địa phương thay mặt vua là quan lại trực tiếp giải quyết mọi vấn đề mà vua ban hành (nhân trị). Chế độ dân chủ tư sản, xã hộ tiến hoá lên một cơ chế mới nó là cơ chế đa phương hai chiều trực tiếp giữa các chủ thể xã hội, tổng số lượng các mối quan hệ trong xã hội tăng lên đột biến gấp nhiều lần mở đường cho hàng loạt các vấn đề xã hội phát triển theo: năng lực nhu cầu, văn hóa, kinh tế, chính trị… Trong cấu trúc về cơ chế đa phương hai chiều trực tiếp này, đã có một cuộc cách mạng thay đổi mọi vấn đề, từ nhận thức của con người đến các vấn đề xã hội, đến sự phát triển chưa từng có trong lịch sử. Quá trình tiến hóa của văn minh nhân loại do cơ chế mới này đem lại.

Đối với nhà nước, trong cơ chế mới tự nó phân ra thành tam quyền phân lập, kinh tế là thị trường tự do và hệ thống các quyền con người (hiến chương liên hiệp quốc về quyền con người); đối tượng quản lý của nhà nước dân chủ theo cơ chế mới là hệ thống giá trị phương tiện quản lý là luật pháp (xã hội pháp trị, nhà nước pháp quyền). Đối với vật chất xã hội được chia ra làm 3 khu vực rõ ràng: chất thuộc về văn hoá, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Lượng thuộc khoa học, kinh doanh sản xuất quản lý. Cơ chế và cấu trúc thuộc về nhà nước. So sánh cơ chế và cấu trúc của hai chế độ chính trị sẽ lý giải tại sao xảy ra cuộc cách mạng 1776 (đọc toàn bộ bản tuyên ngôn độc lập Mỹ) và 1789 tại Pháp (tuyên ngôn nhân quyền). Nhà nước xã hội chủ nghĩa là do Lê Nin thiết kế và xây dựng, nó có tất cả các thành phần như một nhà nước dân chủ tư sản nhưng cơ chế của nó là cơ chế của chế độ phong kiến (đã nêu trên), nói ngắn gọn nó là nhà nước phong kiến lộn ngược nó dân chủ cho số ít những người dân có quyền, số đông còn lại vẫn là nô lệ.

Một vài nguyên nhân và căn bệnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực

– Với con người việc giải thích về sự giàu có, giá trị gia tăng hay lợi nhuận doanh nghiệp của Marx không chính xác dẫn đến hậu qủa là tạo ra ý thức hận thù thường trực ở một số đông trong một quần thể cộng đồng xã hội, trong một quốc gia hay khu vực làm mồi lửa cho bạo động chủ nghĩa cực đoan, xã hội luôn trong tình trạng chia rẽ, đối kháng và bất an.

– Kinh tế: năng xuất lao động thấp và tham nhũng. Khi người lao động không được quyết định giá trị lao động của mình (tiền lương) mà do nhà nước quyết định, để tồn tại và duy trì sức lao động của mình, biện pháp duy nhất họ có thể làm là giãm bớt cường độ lao động, toàn bộ nền kinh tế từ từ bị tê liệt và sụp đổ.

– Người sản xuất và người tiêu dùng không quan hệ trực tiếp với nhau từ đó sinh ra nền kinh tế quan liêu.

– Như ở phần đầu đã dẫn chứng, giá trị gia tăng chủ yếu nằm ở sáng chế và chế tạo máy mới. Nhưng tiền lương của trí thức Xã hội chủ nghĩa tính bằng giờ lao động không tính theo lợi ích của sáng tạo, do đó trí thức và khoa học gia không có đủ điều kiện và trách nhiệm để làm việc sáng tạo và tái sáng tạo. Điều đó sinh ra một nền kinh tế luôn luôn trong tình trạng lạc hậu.

– Chính trị: như ở trên đã nêu về mối quan hệ giữa chất lượng và cơ chế của vật chất xã hội thì cơ chế và cấu trúc xã hội đó là chức năng của nhà nước, quản lý điều hành nó là công việc chính trị.

Nhà nước và chính trị trong chế độ xã hội chủ nghĩa mắc phải những căn bệnh như sau:

+ Sử dụng cấu trúc và cơ chế phong kiến không phải cơ chế tiến hoá đa phương hai chiều trực tiếp giữa các chủ thể xã hội nên nó trì trệ chậm chạp và ngày càng phình to ra, chi phí chính trị trên tổng giá thành sản phẩm lao động xã hội tăng.

+ Người sản xuất không được quyết định giá trị. Người quyết định giá trị lại không tham gia vào sản xuất nó biến nhà nước thành một hệ thống chính trị quan liêu.

+ Chất, lượng, cơ chế là ba lĩnh vực riêng biệt được phân công theo chức năng xã hội. Khi hệ thống chính trị can thiệp vào lĩnh vực chất và lượng tự nó biến gíá trị quyền lực chính trị thành thứ có thể quan hệ trao đổi được trong xã hội, tham nhũng xuất hiện và càng ngày càng tăng lên.

+ Khi chất và lượng thay đổi thì cơ chế và cấu trúc thay đổi theo. Bản thân nhà nước trong cơ chế đa phương hai chiều trực tiếp tự nó sinh ra bộ máy nhà nước tam quyền phân lập nhằm giám sát lẫn nhau theo chức năng mà không kìm hãm sự phát triển về sự thay đổi năng động của nó.

Nhà nước do Lê Nin thiết kế và xây dựng do chính ông muốn bảo đảm rằng nhà nước ấy không được phép thay đổi nên đã chồng ba hệ thống quyền lực ấy lên nhau để khống chế lẫn nhau. Chức năng thay đổi của nhà nước bị triệt tiêu ngay từ khi nó chưa ra đời, nó biến nhà nước xã hội chủ nghĩa thành vật cản đường cho sự phát triển và tiến hóa xã hội vì nó duy trì cơ chế của xã hội phong kiến.

Xã hội: sự phát triển của xã hội đó là một qúa trình tiến hóa, trong đó tất cả mọi thành viên, mọi chủ thể đều giữa những vị trí, vai trò nhất định trong một hệ thống môi trường xã hội. Việc phân loại con người theo cách lý giải đơn giản phiến diện sai lạc của Marx như trong “Tư bản luận” làm vòng tròn và sự kết nối xã hội bị phá vỡ, hệ thống môi trường xã hội bị sụp đổ. Từ mối quan hệ trao đổi liên kết ràng buộc, tương hổ lẫn nhau sang chia rẽ, nghi ngờ, thù hận, kình chống nhau ngày càng gia tăng không có điểm dừng.

Văn hoá xã hội trong chế độ xã hội chủ nghĩa: tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân, kinh tế kế hoạch do nhà nước kiểm soát và điều hành, điều đó dẫn đến hệ quả là người sản xuất bị cách ly với người tiêu dùng, mối quan hệ chính trong hệ thống các mối quan hệ xã hội bị loại bỏ. Văn hoá giao tiếplà một bộ phận chính cấu thành văn minh nhân loại bị thủ tiêu thay thế vào đó là một thứ văn hoá giao tiếp bằng bạo lực, dối lừa, câm điếc và Mackeno (mặc kệ nó), chúng là sản phẩm tất yếu của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Văn hóa giáo dục: triết lý và ý thức của những người quản lý, giáo dục trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã vi phạm những nguyên tắc của sự tiến hóa và phát triển sau: bản chất của mọi mối quan hệ là trao đổi và điều hiển nhiên là người ta chỉ trao đổi những giá trị khác biệt không ai trao đổi những thứ giống nhau. Số lượng và cường độ của sự trao đổi tăng tỉ lệ thuận với sự khác biệt, nhưng trong các nước XHCN, từ giáo án, sách, tới chương trình… đều thống nhất từ trên xuống dưới đó là thất bại thứ nhất. Mục đích của giáo dục là để phát triển con người, điều đó có nghĩa rằng những giá trị mà con người nhận được từ nền giáo dục ấy là tập hợp một hệ thống những giá trị nội sinh. Muốn có nó giáo dục phải được đặt trong điều kiện tự do học thuật. Một giáo viên phải đảm nhận nhiều chức năng và tính chất bao gồm nhà khoa học (tri thức, kiến thức), nhà quản lý (chính trị), đaọ diễn (viết giáo án lên chương trình điều hành), nghệ sĩ (truyền đạt tri thức văn hóa và khoa học bằng phương pháp sư phạm), nhà tư tưởng (tự do, công bằng, bình đẳng, bác ái).

Nhìn vào nội dung và phương pháp của hầu hết các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa thì đều tạo ra những con người với những hệ thống giá trí ngoại lai có nghĩa là chỉ biết, thừa hành và copy, giáo dục bị phá sản do không tạo ra được sự phát triển cho con người và xã hội.

Khoa học và nghiên cứu khoa học: như trong ví dụ về chế tạo máy dệt đã nêu ở đầu cho chúng ta thấy những điều như sau: nếu những người dệt vải thủ công chỉ đủ sống không có dư thừa và tích lũy thì sẽ không có người chế tạo ra máy dệt vì anh ta không thể nhịn ăn để chế tạo máy và khi bán máy sẽ không có người mua. Giá trị gia tăng của doanh diệp chủ yếu đều từ giá trị sử dụng của máy móc (khoa học kỹ thuật).

Việc nhìn nhận khách quan một thực tế hiển nhiên là giá giao dịch trên thị trường là giá trao đổi. Nó lớn hơn giá sản xuất và nhỏ hơn giá trị sử dụng mở ra điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nền kinh tế. Từ đó nảy sinh nhu cầu xã hội về khoa học, kỹ thuật mở đường cho giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển, trong ví dụ người chế tạo máy khi lấy giá trao đổi chia cho số ngày công chế tạo thì ra thu nhập bình quân theo giờ lao động. Tại sao phải tính thu nhập (lợi ích) bằng giờ lao động? Bởi lợi ích từ khi xuất hiện đến nay và có thể còn rất lâu nữa chúng không có đơn vị đo lường vì vậy người ta phải quy đổi nó sang một đơn vị khác để thực hiện cho tính toán, quản lý hợp đồng… Việc tính lương cho những người nghiên cứu khoa học theo thời gian lao động cần thiết (Marx) và tước quyền quyết định giá trị trao đổi của sản phẩm khoa học kỹ thuật đã đẩy Chủ nghĩa Xã hội tụt lại đằng sau, mặc cho người ta động viên, khuyến khích, lập hội (về khoa học kỹ thuật)… nó vẫn đứng yên và đi xuống.

Trật tự, luật pháp và đạo đức xã hội (trong phần sở hữu) tóm tắt sự hình thành và biến đổi của sở hữu từ lao động và trao đổi xã hội.

Từ năng lực và lợi ích sinh ra sở hữu trao đổi, sở hữu sinh ra trách nhiệm và quyền hạn về pháp lý (tức bắt buộc) bên cạnh đó là ý thức về trách nhiệm và quyền hạn sinh ra nó tạo ra nhân cách con người và văn hóa xã hội, nó là một trật tự tự nhiên mà không có bất kỳ bộ máy cai trị hay một hệ thống pháp luật nào có thể thay thế được. Đồng thời, trên nền tảng vật chất và ý thức sở hữu, luật pháp mới có tính khả thi và luật pháp sinh ra để phục vụ cho qúa trình tồn tại và phát triển đó.

Về vấn đề đạo đức trong bài này chúng tôi không bàn đến lịch sử và các vấn đề đạo đức rộng khắp mà chỉ đề cập đến một vấn đề cốt lõi của đạo đức trong xã hội hiện đại liên quan đến ý thức trách nhiệm và quyền hạn do sở hữu và trao đổi sở hữu sinh ra. Trong xã hội hiện đại, mỗi con người luôn phải đối diện với ba hệ thống giá trị là giá trị bản thân, hệ thống giá trị gia đình và hệ thống giá trị xã hội. Chúng tồn tại đồng thời tương hỗ phát triển nhưng chứa đựng những mâu thuẫn. Giaỉ quyết những mâu thuẫn này nảy sinh ra vấn đề đạo đức và nhu cầu đạo đức để cả ba hệ thống giá trị đó cùng tồn tại và phát triển.

Khi ba hệ thống giá trị thay đổi thì các vấn đề đạo đức thay đổi theo, và đạo đức chỉ có bài học không có khuôn mẫu. Đạo đức chỉ có giá trị khi con người phải có được quyền tự do lựa chọn, bằng các giải pháp phù hợp.

Khi mất quyền sở hữu thì trật tự tự nhiên xã hội, luật pháp và đạo đức sẽ băng hoại và tan vỡ. Đó là một trong những căn bệnh của chủ nghĩa xã hội mà không có gì có thể cứu vãn được.

Chính trị: Như giới thiệu ở phần sự tiến hóa của cơ chế và cấu trúc xã hội đã nêu ở trên là đa phương hai chiều trực tiếp của các chủ thể xã hội (chúng tôi sẽ quay lại đề tài này vào một dịp khác với câu hỏi tại sao?). Bản thân các chức năng cuả nhà nước cũng bị quy luật phân công và chuyên môn hóa này cuốn theo mà sinh ra cơ chế tam quyền phân lập. Không chỉ nhà nước mà các chức năng xã hội cũng bị phân công và chuyên môn hóa theo đó là chất, lượng và cơ chế xã hội (chính trị). Trở thành ba khu vực chức năng riêng biệt, độc lập nhưng liên hệ chặt chẽ, nhịp nhàng và ăn khớp với nhau theo nguyên tắc đa phương hai chiều trực tiếp cụ thể đó là khoa học, kinh doanh sản xuất và chính trị mà chúng ta thường thấy ở các nước phát triển là độc lập của hệ thống giáo dục nghiên cứu và đào tạo.

Kinh tế thị trường tự do không có sự can thiệp trực tiếp của nhà nước và bộ máy nhà nước tam quyền phân lập. Đây là quy luật của sự tiến hóa không phải là sự lựa chọn chủ quan của bất kỳ cá nhân nào theo nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội thì hệ thống chính trị quản lý và can thiệp trực tiếp vào các lĩnh vực xã hội (khoa học và kinh tế) điều đó dẫn đến hệ qủa là nhân sự trong lĩnh vực khoa học và kinh tế tác động ngược trực tiếp vào bên trong hệ thống chính trị. Trong bộ máy nhà nước bắt đầu xuât hiện bè phái và các nhóm lợi ích vì không có cơ chế kiểm soát và loại bỏ, chúng ngày càng phát triển và lũng loạn hệ thống chính trị quyền lực của nhà nước dần dần bị tư hữu hóa trong một xã hội lành mạnh mọi mối quan hệ xã hội là trao đổi lợi ích. Nhưng với cơ chế quản lý xã hội chủ nghĩa quyền lực nhà nước bị lũng loạn chúng len lỏi vào các mối quan hệ xã hội dần thay thế lợi ích bằng bạo lực. Hệ thống giá trị kinh tế và giá trị xã hội bị mất cân bằng và sụp đổ. Kết qủa cuối cùng là bạo lực được thay thế cho mọi mối quan hệ xã hội, từ trong bộ máy nhà nước đến ngoài đường phố, từ bệnh viện,  trường học đến nơi kinh doanh sản xuất, thậm chí quyền lực siêu nhiên (thờ tự) cũng được đem ra khai thác triệt để. Đây là sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa xã hội, một chế độ phong kiến lộn ngược.

Học thuyết của Mác được xây dựng trên cơ sở những khái niệm thiên lệch và hạn hẹp sao chép hiện tượng bên ngoài không phản ảnh đúng cái bản chất bên trong cái đã sinh ra chúng biến học thuyết của Mác thành cực đoan bế tắc và sụp đổ.

Những vấn đề nêu trên đây chúng không phải là những vấn đề mới mẻ. Ở những nước tiên tiến nó đã phát triển không chỉ là lý thuyết mà đã trở thành công nghệ quản lý xã hội.
Việt Nam muốn tiến lên thì trước tiên phải đổi mới hệ thống khái niệm, nhận thức, tư duy lý luận… Nếu không sẽ tiếp tục bị sa lầy và tụt lại phía sau.

Trong bài tới đây khi bàn về kinh tế thị trường tự do, chúng tôi sẽ quay trở lại vấn đề lợi nhuận và tìm hiểu về cơ chế cấu trúc của kinh tế thị trường xem chúng được hình thành và phát triển như thế nào? Đi vào chi tiết để làm sáng tỏ những vấn đề được tóm lược đã nêu trên.






No comments:

Post a Comment