Nhân loại đang chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng
đang từng bước diễn tiến. Thầm lặng nhưng vô cùng mãnh liệt. Đó là cuộc tranh đấu
không ngừng nghỉ của nữ giới cho Nam/Nữ bình đẳng đang diễn ra trong hậu trường
quyền lực hoặc trong làng mạc hay bộ lạc xa xôi. Trên khắp thế giới, người phụ
nữ không bỏ lỡ cơ hội góp tiếng nói để thay đổi địa vị của mình. Thất bại còn
nhiều mà thành công cũng không nhỏ. Không chỉ ở những nước có truyền thống văn
hóa nam trọng nữ khinh như Ấn Độ, Niger, các nước hồi giáo,... người phụ nữ
đang mạnh dạn xuất hiện thành những phong trào tranh đấu cho những quyền lợi của
họ, mà cả ở nước văn minh tây phương, phụ nữ như bà Christine Lagarde, Michelle
Bachelet, phong trào Femen, bà Hillary Clinton, bà Margot Kassmann (nhà thần học,
cựu Giám mục Hannover, Đức), bà Melinda Gates,... cũng bày tỏ quan điểm của
mình về thân phận phụ nữ khi cớ cơ hội tốt.
Người ta hy vọng trong gần đây, sự kỳ thị nam/nữ sẽ
không còn là bức tường ngăn chận sự tiến thân của người phụ nữ trong xã hội và
đặc biệt là trên chính trường nữa.
Tuy nhiên cho tới nay, số phụ nữ tham chánh hãy còn
thiểu số quá lớn. Phụ nữ làm Tổng thống hay Thủ tướng các nước lớn lại càng ít
hơn. Trong tình hình chưa mấy thuận lợi như vậy, liệu Hoa Kỳ sẽ có nữ Tổng thống
đầu tiên trong lịch sử lập quốc vào năm tới chăng?
Giới báo chí pháp theo dõi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
giữa 2 ứng cử viên hiện nay, ông Trump và bà Hillary Clinton, có nhận xét bà
Hillary Clinton khó thành công. Do thành tích cá nhân của bà khó thuyết phục cử
tri Hoa Kỳ sẽ dồn phiếu cho bà.
Người
phụ nữ làm quan cho chồng
Cho tới nay, năm 2016, Hoa Kỳ mới lóe lên bóng dáng
một nữ Tổng thống trong tương lai. Xưa nay, Hoa Kỳ vẫn được tiếng với thế giới
là nơi phụ nữ được bình đẳng từ gia đình, trong xí nghiệp tới chính trường. Người
ta thường ca ngợi thang giá trị ở Hoa Kỳ: thứ nhứt là đàn bà, thứ nhì là con
nít, thứ ba là chó và thứ tư là đàn ông. Nên phụ nữ các nước vẫn mong được sống
ở Mỹ. Nhưng cho đến năm nay, không khá gì hơn xứ Tây, đàn bà làm việc trong các
hãng xưởng vẫn bị trả lương thấp hơn so với đàn ông cùng làm một công việc như
nhau.
Người phụ nữ Hoa Kỳ có quyền bầu cử năm 1920, trước
Âu châu khá lâu, nhưng khi bà Hillary Clinton được chọn làm ứng cử viên Tổng thống
cho Đảng Dân chủ, thì Hoa Kỳ mới có 104 nữ Đại biểu Quốc hội và 262 nữ Thị trưởng,
không có nữ Thống đốc Tiểu bang. Năm 1991, Texas có nữ Thống đốc đầu tiên là bà
Ann Richards thuộc Đảng Cộng Hòa.
Liệu Hoa Kỳ sẽ có nữ Tổng thống đầu tiên hay không?
Như Tổng thống người da đen đầu tiên!
Bà Hillary Clinton là một người đàn bà có nhiều cá
tính đặc biệt hơn nhiều phụ nữ khác. Tháng 2/1999, trong lúc số phận Tổng thống
Clinton đang chờ quyết định của Thượng viện truất phế hay không do vụ Monica
Lewinsky, cả Tòa Bạch ốc đều dán mắt lên màn ảnh TV và hồi họp chờ đợi thì bà
Hillary Clinton ở trên lầu lo nghĩ chuyện khác. Bà chờ gặp ông Harold Ickes, cựu
Cố vấn của ông Clinton, để bàn về tương lai của bà. Bà muốn ra khỏi cái bóng của
ông chồng. Bà nhắm cái ghế Thượng Nghị sĩ Nửu ước (New York). Nhưng ông Harold
Ickes đưa ra nhận xét của ông là bà không nên ra tranh cử vì New York là nơi
hoàn toàn xa lạ với bà. Cả về đời sống xã hội và chính trị. Bốn ngày sau, bà
thông báo nộp hồ sơ ứng cử. Tháng 11/2000, bà thắng cử làm Thượng nghị sĩ phụ nữ
đầu tiên của Tiểu bang.
Bà Hillary Clinton thường bảo, như câu phương châm để
thành công “Trong đời sống chính trị, khi bạn bị người ta đánh gục
(knock out), phải lập tức đứng lên và tranh đấu tiếp”. Khi vận động bầu cử,
có những điều bà nói đi nói lại nhiều lần, nhưng bà vẫn lập lại nữa vì, theo
bà, có như vậy những lời đó mới tạo thành giấc mơ ở cử tri. Một câu phương châm
khác của bà “Người đàn bà làm chính trị phải có lớp da dày như da
tê-giác”, mới mong thành công.
Bà Kristin, một nữ cử tri quan tâm theo dõi bà
Hillary Clinton, nhận xét: "Nhiều lần bị hạ gục, bị sỉ nhục, nhưng
bà vẫn kiên trì. Quả thật bà là người đàn bà nhẫn nại phi thường".
Ở tuổi 68, lẽ ra bà có thể sống hạnh phúc ở nhà với
2 cháu ngoại. Nhưng bà tranh cử và nghĩ sẽ thắng đối thủ Cộng Hòa.
Cá tính đó biểu hiện một con người đầy tham vọng quyền
lực hay tinh thần trách nhiệm, như bà vẫn thường bảo “phục vụ xứ sở”?
Thuở nhỏ, khi bị bạn đánh về méc với mẹ, bà được mẹ
dạy “Đừng để bị chúng bạn đánh nữa”. Thế là từ đó bà đánh lại ai ăn
hiếp bà.
Ở Đại học Wellesley, Hillary Clinton làm Chủ tịch
Câu lạc bộ Cộng hòa nhưng sau đó, bà ngã qua Dân chủ và xách động chống chiến
tranh Việt Nam, tranh đấu cho Dân quyền.
Cùng với Clinton, hai người tỏ ra say mê chính trị
và quyền lực. Một hôm, bà tuyên bố với một “sếp” trong tổ chức luật sư nơi bà
làm việc là “Clinton sẽ làm tổng thống nước Mỹ ”. Bà liền bị chế diễu.
Tức giận, bà hét lên “Mấy người có biết mấy người nói gì không?”.
Người ta nghĩ nếu không có Hillary chưa chắc Clinton
làm tổng thống được. Bà là người phụ nữ rất có kỷ luật, rất quả quyết, thông
minh hơn chồng nên đã nhiều lần giúp chống thoát nạn và thành công.
Quả thật Hillary là một phụ nữ phi thường mà nhiều
người khác không thể được. Monica, Paula, Gennifer,… bồ của Clinton, bà đều cho
qua hết. Bà chấp nhận bao nhiêu lời phê phán nặng nề khi bà không lồng lộn ghen
tuông "Bà ấy chấp nhận sự ngoại tình của chồng như cái giá của quyền
lực chính trị".
Theo bà, bà cho qua mọi chuyện nhờ con gái và đức
tin tôn giáo. Bà theo đạo Tin Lành Méthodìste. Bà viết "Tôi đã muốn
vặn cổ nó cho rồi. Nhưng nó không phải chỉ là chồng của tôi, mà còn là ông Tổng
thống của tôi nữa".
Cách ứng sử trong vụ Monica đã làm cho uy tín của bà
gia tăng mạnh. Điều mà chẳng mấy phụ nữ làm được. Thông thường họ xử lý phải
"ăn thua đủ".
Đúng là "Gái ngoan làm quan cho chồng".
Giang
sơn của Hillary
Vào Bạch Ốc, sau hai năm giữ im lặng, Hillary bắt đầu
lấy quyết định phải “có vai trò” chớ. Thế là bà thò tay vào hết mọi chuyện của
Tổng thống phủ. Từ những quyết định chính trị tới những đề cử chức vụ cao cấp.
Thay vì chiếm cánh East Wing của Bạch Ốc như những Đệ
Nhất Phu nhân tiền nhiệm, bà lấy tây hiên làm văn phòng, với một đội ngũ hùng hậu
làm trợ lý. Nên trong Bạch Ốc mới gọi đây là “Giang sơn của Hillary –
Hillaryland”!
Chỉ trong thời gian ngắn, dư luận phê phán bà gay gắt.
Họ công kích trong Bạch Ốc có “Lưỡng Tổng thống phủ”. Báo chí cũng lên tiếng chỉ
trích. Hillary liền tìm cách bịt miệng nhưng chỉ làm gia tăng dư luận xấu nhắm
thẳng vào bà mà thôi.
Ngoài ra, Hillary còn thay thế Văn phòng tổ chức
công du bằng những bạn bè của bà làm cho bà và Clinton thêm một cơ hội bị dư luận
công kích.
Ngày 26 tháng 1/1996, trước Tòa án Liên bang, nhà
báo, dân chúng tụ tập đông đảo chờ xem phiên tòa xử Hillary trong vụ WhiteWater
- vụ đầu tư bất động sản thất bại, có người chết. Ai cũng nghĩ bà sẽ tới với bộ
mặt thểu não, con người rũ rượi vì bị thất bại. Nhưng trái với dự đoán, Hillary
tới với Limousine đen, lộng lẫy, bước xuống xe uy nghi trong chiến áo choàng
(manteau) đen viền màu vàng chói rực, đưa tay vẩy chào mọi người. Như tài tử.
Bà thoát nạn. Tòa án không phạt bà được. Nhưng bà làm sao tránh khỏi nội tâm giằn
xé?
Mỗi khi chuẩn bị thực hiện một dự tính mới, Hillary
thay đổi suy nghĩ, sắc diện, cả bề ngoài cũng như trang phục. Bà sẵn sàng làm
hòa, kết thân với kẻ địch. Như với đảng viên Cộng Hòa, Newt Gingrich, người đã
từng chửi bà là con đỉ, để tìm hợp tác trong những chánh sách địa phương ở Tiều
bang của bà. Mặc cho người ta công kích, mục tiêu của bà là nhằm tái ứng cử.
Năm 2008, Hillary thất cử sơ bộ trong Đảng Dân chủ
do bị nhiều người ghét. Nhưng khi Obama đắc cử Tổng thống, ông đề cử bà làm Bộ
trưởng Ngoại giao. Chức vụ quan trọng này giúp bà khôi phục lại uy tín, tăng
thêm sức nặng cho bản sơ yếu lý lịch (CV). Bà rất chuyên tâm làm việc, đi khắp
hành tinh, cả 112 quốc gia đều có dấu chân của bà.
Hillary
Clinton sẽ Tổng thống đàn bà đầu tiên xứ Mỹ?
Nay nữ ứng cử viên Dân chủ bắt đầu vận động bầu cử.
Bà là người có nhiều kinh nghiệm chính trường hơn ai hết. Được chuẩn bị kỷ nhất
lịch sử bầu cử. Và được trợ lý bởi đội ngũ cán bộ từng kinh nghiệm qua cuộc vận
động của Obama.
Dư luận bắt đầu bất lợi. Người ta làm tổng kết thành
quả hai nhiệm kỳ tổng thống của Clinton. Kết quả không mấy tốt.
Hillary là ứng cử viên phụ nữ sáng giá nhưng cử tri
lại tỏ ra không quan tâm Mỹ nên có một Tổng thống phụ nữ hay không?
Bà bị chống đối. Cho rằng bà là người nói dối và
thay đổi quá dễ dàng. Dư luận không ủng hộ lên tới 67%.
Năm 1937, dân Mỹ có 64% không đồng ý đàn bà làm tổng
thống. Con số này thay đổi, hạ xuống lần lần. Tới năm 1999, dân Mỹ chỉ còn 8%
không chấp nhận nữ tổng thống. Năm ông Obama đắc cử, nếu bà được Đảng Dân chủ đề
cử thì sẽ có 88% dân Mỹ bầu cho bà.
Vậy kỳ này bà Hillary Clinton sẽ đắc cử Tổng thống
đàn bà đầu tiên của Hoa Kỳ? Vì dân Mỹ ngày nay không còn kỵ bị đàn bà ngồi trên
đầu trên cổ như trước đây nữa!
No comments:
Post a Comment