Monday, June 6, 2016

MẤT MÔI TRƯỜNG BIỂN CHẲNG KHÁC MẤT CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO (Lê Quỳnh thực hiện)





Lê Quỳnh thực hiện
05/06/2016 - 22:27 PM

Trao đổi với Người Đô Thị, PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam nhấn mạnh: tàn phá môi trường và sinh thái biển là tự làm mất quyền làm chủ tài nguyên biển của mình, tội này chẳng kém gì tội làm mất chủ quyền lãnh thổ biển, đảo Tổ quốc.


Thưa ông, việc đảm bảo môi trường và sinh thái biển có vai trò quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế biển?

- Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển là hai mặt của một vấn đề. Đối với sinh vật biển nói chung và các loài thủy sản nói riêng thì mối quan hệ đó lại rất cụ thể - “môi trường nào sinh vật nấy”. Nói thế để thấy rằng: ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá, hoặc lơ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường đều chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”. Điều xấu như vậy để xảy ra không chỉ làm thiệt hại đến lợi ích nền kinh tế trước mắt và lâu dài của Nhà nước và người dân, mà còn tự làm mất “quyền làm chủ tài nguyên vùng biển của mình”, và nếu xét nghiêm túc tội này chẳng kém tội làm mất chủ quyền biển, đảo.
Nước ta đang mong muốn chuyển từ một nền kinh tế biển “nâu” sang kinh tế biển “xanh” với các chiến lược và kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 đầy tham vọng. Theo đó, nguồn vốn tự nhiên biển bao gồm các hệ sinh thái biển - ven biển và đảo - cơ sở để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững phải được bảo toàn, tôn tạo và phát huy giá trị vốn có. Bảo đảm, gìn giữ cho được các giá trị dịch vụ và chức năng tự nhiên của các hệ sinh thái biển - ven biển và đảo chính là giữ các giá trị “để đời” cho con cháu mai sau, phát triển làm sao “có của ăn của để”, không để cảnh “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Đây không còn là lời răn dạy ân tình của cha ông ta đối với thế hệ hôm nay và mai sau, mà ngày nay nó phải trở thành những cam kết chính trị của toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển đất nước. Kinh tế biển phát triển hiệu quả và bền vững không chỉ giúp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà còn hỗ trợ nguồn lực cho chính hoạt động bảo vệ môi trường biển - một lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cao và áp dụng công nghệ hiện đại.


Ông đánh giá thực trạng môi trường biển Việt Nam đang như thế nào trong việc phát triển kinh tế tận dụng nguồn lợi biển hiện nay? Theo ông, những cảnh báo nào cần đáng lưu ý nhất?

- Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng tình trạng phát triển kinh tế biển ở nước ta hiện nay vẫn dựa vào tư duy khai thác hơn là phát triển hiệu quả và bền vững, ỷ vào lợi thế biển “giàu và đẹp” với các ưu tiên khai thác các dạng tài nguyên vật chất, tươi sống hơn là các dạng tài nguyên phi vật thể, các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển, không gian biển... Cách thức khai thác tận thu, tận diệt nguồn lợi tự nhiên biển vẫn khá phổ biến, dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt nguồn lợi biển, không tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên biển, và không tạo ra được các giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên biển.
Cho nên phần lớn các ngành và địa phương vẫn lấy tổng sản lượng thay cho năng suất và hiệu quả kinh tế. Khoảng 40-70% ô nhiễm biển là từ nguồn ven bờ và sự cố tràn dầu vẫn xảy ra, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý. Trên 60% hệ sinh thái rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước ven biển bị thu hẹp diện tích, bị phá hủy để chuyển sang mục đích kinh tế khác, các hệ sinh thái thảm cỏ biển cũng ở tình trạng tương tự. Riêng hệ sinh thái rạn san hô của Việt Nam được Viện Tài nguyên thế giới năm 2012 cảnh báo, nếu khai thác và quản lý như hiện nay, đến năm 2030 hệ này có nguy cơ bị hủy hoại dưới mức an toàn, khi đó biển sẽ còn rất ít tôm cá. Đặc biệt, ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, các rạn san hô trên một số bãi cạn và đá bị Trung Quốc khai thác với khối lượng rất lớn để làm vật liệu tôn tạo đảo nhân tạo đã và sẽ tác động xấu không chỉ đến môi trường và nguồn lợi thủy sản ở vùng biển thuộc các quần đảo nói trên, mà còn tác động lan tỏa ra phần còn lại của Biển Đông...
Hậu quả là môi trường và tài nguyên biển đang bị giảm sút về trữ lượng và hiệu suất khai thác, kể cả các nguồn năng lượng chủ chốt như dầu khí. Đa dạng sinh học biển giảm sút và nguồn vốn tự nhiên biển bị bòn rút đến mức báo động, kéo theo trữ lượng thủy sản trong vùng biển nước ta giảm sút đến 16% so với trước năm 2010. Biển tiếp tục bị đầu độc và các thảm họa môi trường biển như sự cố tràn dầu, thủy triều đỏ, ô nhiễm do độc tố... sẽ tiếp tục xảy ra nếu công tác quản lý các nguồn thải không hiệu quả.


Vấn đề quy hoạch môi trường rất quan trọng trong quy hoạch các dự án, khu kinh tế biển. Ông đánh giá thực trạng này như thế nào?

- Công tác quy hoạch phát triển (khai thác, sử dụng) biển, đảo vừa qua so với trên đất liền còn yếu kém, chưa được chú ý đúng mức, các quy hoạch theo đúng nghĩa của nó chậm được triển khai. Chúng ta đều biết, quản lý biển khác trên đất liền do biển mênh mông và luôn “động”, nên cá tôm di cư trong một môi trường biển mang tính không ranh giới. Điều này đòi hỏi những nguyên tắc và cách tiếp cận quản lý biển theo không gian trên cơ sở phương thức quản lý tổng hợp, liên ngành và dựa vào hệ sinh thái để thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, đảo. Kéo theo phải áp dụng công cụ quy hoạch mới - quy hoạch không gian biển (marine spatial planning, MSP) - trong đó quy hoạch môi trường, phân vùng chức năng sử dụng biển... chỉ là các nhóm chuyên đề làm đầu vào cho MSP.
Ở nước ta, phương thức quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo mới được bắt đầu từ năm 2008 theo yêu cầu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (ban hành năm 2007). Tuy nhiên đến nay, quản lý biển vẫn bị chia cắt chủ yếu theo ngành và chưa phân cấp rõ ràng, đầy đủ cho địa phương. Cho nên, tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ, vừa thừa vừa thiếu nguồn nhân lực, tập trung quá nhiều ở cấp trung ương, cấp địa phương trực tiếp lại quá mỏng và chưa đủ năng lực tổ chức thực thi pháp luật, trong khi hệ thống pháp luật biển còn yếu và thiếu. Vấn đề quản lý môi trường biển chưa “rõ vai”, đặc biệt quản lý nhà nước đối với ô nhiễm biển bởi nguồn từ đất liền. Ô nhiễm biển thường “đa nguồn” và việc xử lý hậu quả rất khó và tốn kém, nên phải ưu tiên “chăm sóc môi trường từ đầu” (ngay khi quyết định dự án đầu tư), và quản lý từ nguồn thải trước khi xả ra môi trường chung quanh. Thảm họa môi trường 4 tỉnh miền Trung xảy ra vừa qua bộc lộ sự lúng túng do thiếu cơ chế phối hợp theo cả cấu trúc dọc (trung ương - địa phương) và ngang (giữa các bộ, ngành), cũng như thiếu tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý biển và môi trường biển ở nước ta. Quy hoạch không gian biển đã đưa vào dự thảo Luật Quy hoạch, hy vọng được Quốc hội thông qua và sẽ tạo sự thay đổi bước ngoặt trong công tác quản lý nhà nước về biển ở nước ta.


Xu hướng khai thác kinh tế biển đi liền với lợi ích môi trường hiện nay trên thế giới như thế nào? Còn ở Việt Nam, thưa ông?

-  Cho dù bất cứ điều gì khác chia rẽ chúng ta thì nhân loại vẫn đang chung sống trên một “ngôi nhà” duy nhất. Những sợi dây ràng buộc, nối kết các cộng đồng người trên khắp hành tinh đang xuyên suốt các vùng miền, các quốc gia và qua nhiều thế hệ. Không quốc gia nào, không miền đất nào dù lớn hay nhỏ có thể thờ ơ trước vận mệnh của những miền đất khác hoặc làm ngơ trước hậu quả những hành động của ngày hôm nay đối với thế hệ tương lai.
Như đã nói, khi thảm họa môi trường biển xảy ra thì các áp dụng kỹ thuật môi trường chỉ là xử lý tình huống, mất thời gian và tốn tiền, nên để quản lý và xử lý hiệu quả thảm họa môi trường biển nói chung, trên thế giới đã nghiêm túc áp dụng các nguyên lý “phòng ngừa” và “người gây ô nhiễm phải trả tiền” dựa trên cách tiếp cận chiến lược. Theo đó, người ta chú trọng “sàng lọc đầu tư” ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển, kiên quyết từ chối các dự án không thân thiện với môi trường và sử dụng công cụ đánh giá tác động môi trường một cách thực chất, làm cơ sở cấp phép và giám sát mức độ tuân thủ các cam kết môi trường của chủ đầu tư sau đó. Họ chú ý xây dựng và bảo đảm chất lượng kế hoạch quốc gia ứng phó với thảm họa môi trường biển, được chính phủ thông qua, bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả, bao gồm: nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên ngành, tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu liên quan, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng xử cho người dân ven biển... Tất cả để nhằm bảo đảm “tính chuyên nghiệp” trong tổ chức ứng phó với thảm họa.
Khi thảm họa xảy ra, căn cứ kế hoạch ứng phó, họ triển khai sớm và đồng bộ các hoạt động từ xác định hiện tượng, nguyên nhân đến truy tìm nguồn gây ra thảm họa theo các kịch bản tính sẵn trong bản kế hoạch ứng phó nói trên. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương liên quan để hỗ trợ người dân tham gia khắc phục hậu quả do thảm họa gây ra, không để lan nhiễm tiếp. Tinh thần chung là chuyển từ đối phó thụ động sang ứng phó chủ động.
Việt Nam cũng chưa có kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa môi trường. Và kinh nghiệm thế giới là bài học rất lớn cho Việt Nam trước khi quá muộn!

-------------------------------------------------------------------------------

 GS. Trần Tam, chuyên gia chế biến và thu hồi kim loại từ khoáng sản và chất thải công nghiệp, ĐẠI HỌC Quốc gia Chonnam (Hàn Quốc):  

Xử lý chất thải công nghiệp rất phức tạp

Việc xây dựng các nhà máy thép, nhiệt điện, công nghiệp nặng là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc đặt các nhà máy này dọc bờ biển cần đặc biệt chú ý đến tác động của chúng đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như du lịch ở các khu vực lân cận.
Do đó, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường trong trường hợp này cần được tiến hành kỹ lưỡng, đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc nghiên cứu xem xét các thảm họa môi trường do các nhà máy gây ra khi đặt gần sông, bờ biển trên thế giới cũng cần được chú ý để tránh những hậu quả tương tự cho Việt Nam.
Về lâu dài, ngay cả khi xử lý đúng chuẩn Việt Nam cho phép, việc thải ra biển phải được nghiên cứu và thuyết minh rõ ràng trong các đánh giá tác động môi trường trước khi xây nhà máy. Các nhà chuyên môn về xử lý chất thải cần làm việc với người chuyên ngành môi trường, địa thủy văn, động học thủy văn, vi sinh học, thủy hải sản... trong lúc đánh giá.
Vì ở Việt Nam, nồng độ chất độc hại cho phép thải ra biển cao hơn nhiều so với nguồn được thải vào, việc mô hình hóa dòng hải lưu để xem các chất gây ô nhiễm phân tán thế nào khi xả thải cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và thuyết minh rõ trong đánh giá tác động môi trường. Nếu không, hậu quả sẽ nghiêm trọng và lâu dài.

*

PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường:

Cần quy hoạch không gian biển

Hiện nay 3/4 dân số thế giới sống tập trung ven biển và Việt Nam cũng vậy. Việc khai thác tài nguyên biển nói chung và các vùng bờ đã và đang gây sức ép lớn đến tài nguyên và môi trường biển. Xu hướng chung các nước hiện nay xem thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương.
Các quốc gia có biển đều coi trọng việc phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả không gian biển trên cơ sở phân định rõ các không gian ưu tiên cho phát triển hay bảo tồn. Thông qua quy hoạch không gian biển sẽ làm sáng tỏ tiềm năng lợi thế, sức chịu tải của từng khu vực cụ thể từ đó đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý đi đôi với thực hiện chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường biển. Về kỹ thuật khai thác được đầu tư lớn nhằm nâng cao hiệu quả từ thăm dò, khai thác, phát hiện các nguồn tài nguyên mới, tài nguyên thay thế.

*

KS. Doãn Mạnh Dũng, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM:

Mọi chất thải ra biển đều bị đẩy lại bờ

Các doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ nên chưa ổn định trong chiến lược phát triển dài hạn. Lợi nhuận tích lũy của các doanh nghiệp chủ yếu từ các đợt kinh doanh ngắn hạn nhằm khai thác tài nguyên nhưng ít quan tâm đến môi trường và duy trì nguồn tài nguyên. Các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản khó hợp tác với nhau để bảo vệ môi trường hay không đủ tài chính và kỹ thuật để thực hiện chu trình nước tuần hoàn kín trong trang trại.
Việc sử dụng nước ngầm không kiểm soát cũng đem lại nguy cơ lún và ngập mặn trên cả vùng đất Nam Bộ. Việc đào bới bờ biển để khai thác tài nguyên hiếm quý cũng cần tính đến nghĩa vụ phục hồi môi trường cho cộng đồng. Nhưng nguy cơ lớn nhất là các chất thải công nghiệp phải xử lý triệt để trước khi đổ ra sông ra biển.
Việt Nam nằm ở bờ Tây của đại dương. Vì trái đất quay từ Tây sang Đông nên các dòng chảy ven biển có xu hướng di chuyển ngược lại. Mặc khác bờ biển Việt Nam gần xích đạo nên xu hướng di chuyển từ Đông sang Tây mạnh hơn các nước gần Bắc cực. Nói cách khác, mọi thứ người Việt Nam đổ ra biển đều có xu hướng đẩy lại bờ biển Việt Nam nhưng lệch về hướng Nam so với vị trí ban đầu. Hiện tượng này rất mạnh mẽ từ vịnh Sơn Dương - Hà Tĩnh đến bờ biển Nam bộ. Với bờ biển các tỉnh Bắc bộ, hiện tượng di chuyển các chất thải từ cửa sông ảnh hưởng cả hai hướng Nam và Bắc.

 Lê Quỳnh thực hiện





No comments:

Post a Comment