23.06.2016
Lâu nay, nói đến chuyện hoà giải, chúng ta chỉ hay
giới hạn trong quan hệ giữa người Việt với nhau, chủ yếu là giữa người Việt ở
miền Nam và người Việt ở miền Bắc, sau đó, giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng
người Việt ở hải ngoại. Trên thực tế, nội hàm khái niệm hoà giải rất rộng,
không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở tầm quốc tế, ở đó, sự hoà giải giữa người
Việt và người Mỹ là then chốt.
Trước hết, cần nhắc lại một số điểm:
Một, mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với độc lập và chủ quyền của Việt Nam
hiện nay đến từ những tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc.
Hai, đối diện với sự đe doạ ấy, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất để tự vệ là
tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó, quan trọng nhất là Mỹ.
Ba, trong quan hệ với Mỹ, điều trở ngại lớn nhất chính là quá khứ, là cuộc
chiến tranh kéo dài giữa hai nước trước đây. Bởi vậy, có thể nói, công việc cần
làm đầu tiên của hai nước là nỗ lực hoà giải.
Sự hoà giải ấy cực kỳ quan trọng bởi vì di sản của
cuộc chiến tranh Việt Nam rất nặng nề.
Về phía Mỹ, đó là cuộc chiến tranh ở nước ngoài dài
thứ hai của họ (sau cuộc chiến tranh tại Afghanistan hiện nay); đó cũng là một
cuộc chiến tranh chia rẽ nước Mỹ một cách sâu sắc nhất. Ngoài 58.000 lính Mỹ bị
hy sinh, những chấn thương tâm lý ở những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt
Nam vẫn còn kéo dài rất lâu. Nhiều người vượt qua các chấn thương ấy để hoà giải
với Việt Nam, nhưng cũng không ít người vẫn tiếp tục nhìn Việt Nam bằng cặp mắt
đầy hận thù và nghi kỵ: chính những người đó là lực lượng chống đối mạnh mẽ nhất
đối với mọi nỗ lực hoà giải của chính quyền Mỹ.
Về phía Việt Nam, cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, từ
1954 đến 1975, cũng là một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất với trên ba triệu
người, kể cả thường dân ở hai miền Nam và Bắc, bị thiệt mạng. Số lượng bom và
các loại chất nổ thả xuống Việt Nam trong hai mươi năm ấy còn nhiều hơn tổng số
bom mìn được sử dụng trên khắp thế giới trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Cho đến tận ngày nay, hơn 40 năm sau chiến tranh, những bom mìn ấy vẫn còn là một
nguy cơ. Đó là chưa kể các loại hoá chất độc hại, trong đó, đáng kể nhất là chất
độc màu da cam, đến nay vẫn ảnh hưởng đến nhiều người.
Di sản nặng nề đến vậy nhưng hầu như bất cứ người
sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược nào cũng đều thấy rõ một điều: mọi người, từ
cả hai phía, đều cần vượt qua quá khứ để cùng hợp tác với nhau nhằm đối phó với
những thử thách nghiêm trọng trong hiện tại, trong đó, thử thách lớn nhất là những
âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Với Mỹ, cũng giống như thời chiến tranh lạnh,
Việt Nam lại nằm ở tuyến đầu trong chiến lược chống lại sự bành trướng ấy. Với
Việt Nam, âm mưu bành trướng ấy trực tiếp đe doạ đến chủ quyền của Việt Nam
trên biển và đảo, thậm chí, có thể cả trên đất liền.
Ý thức được điều đó, lâu nay Mỹ cố gắng bày tỏ nỗ lực
hoà giải với Việt Nam. Cả ba tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton đến Georges W. Bush
và Barack Obama, khi đến Việt Nam, đều nhấn mạnh đến nhu cầu hoà giải để một mặt,
gác bỏ những hận thù trong quá khứ; mặt khác, hướng tới tương lai với những sự
hợp tác để cả hai bên cùng có lợi. Nói cách khác, Mỹ là những người chìa tay ra
trước. Khi chìa tay ra như vậy, họ chấp nhận cả sự nhượng bộ.
Có hai sự nhượng bộ lớn:
Một là công khai nhìn nhận tính hợp pháp và chính đáng trong vị thế lãnh đạo
tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam, và hai là nhiều lúc nhắm mắt làm
ngơ trước những hành động vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn của chính quyền
Việt Nam.
Biểu hiện chính của sự nhượng bộ thứ nhất không những
chỉ qua các lời tuyên bố tôn trọng thể chế chính trị của nhau mà còn qua việc
chính thức tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào giữa năm
2015. Biểu hiện của sự nhượng bộ thứ hai là Mỹ quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận
vũ khí sát thương đối với Việt Nam ngay cả khi vấn đề nhân quyền chưa được cải
thiện dù, trên nguyên tắc, nó vốn được xem là một trong những yêu sách đầu tiên
của Mỹ.
Còn
phía Việt Nam thì sao? Nhớ, năm 2000, sau khi Tổng thống
Bill Clinton phát biểu với nội dung kêu gọi mọi người cố quên quá khứ thù nghịch
giữa hai nước để cùng nhau hướng về tương lai, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phản đối
ngay: Theo ông, người Việt Nam không thể và cũng không nên quên cuộc chiến
tranh bảo vệ tổ quốc đầy chính nghĩa của mình. Bill Clinton ngơ ngác. Giới bình
luận chính trị quốc tế, sau đó, cho bài đáp từ của Lê Khả Phiêu là một sự vụng
về, phá hỏng không khí hoà giải mà Bill Clinton muốn mang lại. Trong cuốn Bên
Thắng Cuộc, Huy Đức kể lại lời của Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng, lúc chuẩn
bị đón tiếp Tổng thống Bill Clinton năm ấy, đại khái: Bộ Chính trị ra chỉ thị
là, khi gặp Bill Clinton, ông không được cười! Trong cuộc đón tiếp Tổng thống
Barrack Obama vừa rồi, không biết Bộ Chính trị có ra chỉ thị gì không nhưng mặt
mày của giới lãnh đạo Việt Nam trông rất thiếu thân thiện. Có vẻ như Việt Nam
còn khá miễn cưỡng trong tiến trình hoà giải với Mỹ.
Sự khác biệt trong vấn đề hoà giải thể hiện rõ nhất
qua thái độ của nhiều người Việt Nam đối với việc ông Bob Kerrey được bổ nhiệm
làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của đại học quốc tế Fulbright Việt Nam. Về phía
Mỹ, người ta xem vai trò của Kerrey, một cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt
Nam, như một bằng chứng của hoà giải. Phía Việt Nam, ít nhất là đối với một số
thành phần nào đó, ngược lại, người ta từ chối cử chỉ hoà giải ấy với lý do bàn
tay của Kerrey đã từng dính máu trong cuộc chiến tại Việt Nam. Điều đáng nói là
cái gọi là thành phần từ chối ấy dường như không phải nhỏ. Một cách công khai,
chỉ có một mình bà Tôn Nữ Thị Ninh lên tiếng. Tuy nhiên, việc bài phỏng vấn ông
Đinh La Thăng, trong đó, ông ủng hộ việc Bob Kerrey, bị gỡ ra khỏi các báo, cho
thấy thế lực từ chối hoà giải tại Việt Nam rất lớn, ít nhất cũng lớn hơn ông
Đinh La Thăng, một uỷ viên Bộ Chính trị và là Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ
Chí Minh.
Tại sao chính quyền Việt Nam có vẻ miễn cưỡng trong
tiến trình hoà giải với Mỹ như vậy?
Thực tình, tôi không hiểu.
---------------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản
ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment