Sunday, June 19, 2016

CÔNG CUỘC VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM - BÀI 2 : THỰC TRẠNG VIỆT NAM (Nguyễn Vũ Bình)





Sat, 06/18/2016 - 18:12 — nguyenvubinh

 Nhận định về thực trạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một việc rất khó. Đối với những người bàng quan, không hiểu về cộng sản và dòng chảy của cộng sản Việt Nam thì thực tế hiện nay chỉ là những khó khăn tạm thời, hoặc đó là sự “hết đà” trong đổi mới...nếu như có một sự đổi mới, cải cách  nào đó, thì tình hình sẽ thay đổi và mọi cái sẽ lại tốt đẹp. Nhưng nếu nhìn nhận Việt Nam là một chế độ cộng sản, sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu, có sự điều chỉnh để tồn tại và duy trì chế độ cộng sản toàn trị thì chúng ta sẽ có một kết luận khác về thực trạng Việt Nam hiện nay. Có thể nói rằng, chế độ cộng sản độc tài toàn trị ở Việt Nam đã đi hết chu kỳ tồn tại của nó. Tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay đều chỉ ra rằng, chế độ này đã chết, nhưng chưa được công bố và mang đi chôn. Nó cần một biến cố để khẳng định và công nhận sự kết thúc của chế độ. Biến cố đó sẽ đến trong những ngày tháng sắp tới.

     Nhưng trước hết, cần phải nói rõ, chế độ cộng sản hiện nay đã chết là theo nghĩa bóng, chết về động lực. Chỉ khi xảy ra biến cố làm sụp đổ chế độ, lúc đó mới là chết theo nghĩa đen. Và tôi mạnh dạn dùng từ chết bởi vì thời điểm xảy ra biến cố đã rất gần, cận kề trong tương lai.

     Vấn đề cơ bản và quan trọng nhất, là vấn đề kinh tế. Sau khi cơ chế kế hoạch hóa phá sản, nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới kinh tế. Nếu chỉ nhìn vào văn kiện đại hội đảng VI của đảng cộng sản Việt Nam, có thể nói, đó là bước ngoặt đáng hoan nghênh mà đảng cộng sản muốn thực hiện. Tuy nhiên, số nguời hiểu được và ủng hộ không đủ để chính sách đổi mới trở thành trào lưu thực chất. Nó nhanh chóng chuyển thành thủ thuật, thủ đoạn để duy trì chế độ độc đảng, độc tài toàn trị và cơ hội trục lợi lớn của bộ máy cầm quyền. Nền kinh tế Việt Nam, về tuyên truyền là theo kinh tế thị trường nhưng đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường. Vi phạm nghiêm trọng và dễ thấy nhất là vi phạm về quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, quan trọng nhất là sỡ hữu tư nhân về đất đai. Từ vi phạm sở hữu tư nhân về đất đai, đã làm biến dạng toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và cả nền kinh tế. Sau này vi phạm sở hữu tư nhân về đất đai còn gây ra hệ lụy khủng khiếp về mặt xã hội (cướp đất – dân oan). Quy luật cung cầu, thị trường quyết định giá cả hàng hóa cũng bị vi phạm khi giá những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu do nhà nước quy định...cấu trúc của nền kinh tế, với 60-70% nguồn lực ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhà nước, mà hiệu quả đóng góp chỉ được 30-40% giá trị tổng sản lượng. Doanh nghiệp tư nhân bị o ép, hắt hủi đầu tư chỉ 30-40% nhưng làm ra 60-70% GDP. Tóm lại, với tất cả những vi phạm nghiêm trọng về nguyên lý kinh tế thị trường, về cơ chế cấu trúc, về chính sách nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang trong trạng thái tan hoang, nợ gấp đôi GDP, giá trị làm ra không đủ cho tiêu dùng của quốc gia trong thời điểm hiện tại. Điều nguy ngập nhất, và cơ sở để nói, nền kinh tế Việt Nam đã chết, chính là động cơ lợi nhuận. Hiện nay, có thể khẳng định, hầu như không một ngành nghề nào, không một doanh nghiệp nào làm ăn có lãi trong cơ chế và môi trường này. Người ta tính toán rằng, nếu một doanh nghiệp nào làm ra, hoặc kinh doanh một sản phẩm, thì chỉ khi có lãi gấp 4-5 lần giá trị sản phẩm (tức là làm ra, hoặc mua 1 bán 4-5) mới hi vọng có lãi, tồn tại được trong môi trường ở Việt Nam. Chính vì phải chi phí cho các yếu tố phi lý, cho luật, lệ và tham nhũng nên doanh nghiệp hiện nay không thể có được lợi nhuận. Động cơ lợi nhuận đã bị triệt tiêu, và nền kinh tế chết ở điểm này. Người dân đã không bỏ vốn ra để sản xuất kinh doanh nữa.

     Về chính trị - xã hội, nhà cầm quyền Việt nam vẫn giữ nguyên độc quyền lãnh đạo, vẫn ngăn cản mọi quyền công dân cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội. Đồng thời, do lệ thuộc Trung Quốc trên nhiều khía cạnh, dẫn tới sự nhu nhược của nhà cầm quyền Việt Nam trước các hành động thôn tính, xâm lấn hải đảo, vùng biển, vùng trời. Thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trước việc Trung Quốc xâm lấn các đảo ở Hoàng Sa, Trường sa, ngăn cản, tấn công ngư dân ngay trong ngư trường Việt Nam, và gần đây nhất là kiểm soát vùng trời, máy bay Việt nam rơi không rõ nguyên nhân...đã làm người dân hết sức phẫn nộ. Không những vậy, việc vô trách nhiệm trước thảm họa môi trường biển miền Trung, thảm họa cá chết và công khai đàn áp người dân xuống đường tuần hành vì môi trường càng làm cho người dân sục sôi căm hờn. Bản thân những người trong guồng máy cũng ngày càng hiểu ra những bất cập của nhà cầm quyền Việt Nam. Hàng ngày họ được tiếp xúc, được thông tin qua hệ thống Internet, mạng xã hội về tất cả sự thật đi ngược lại những điều họ được dạy, phải nghe. Những thực tế trần trụi hàng ngày hàng giờ tác động khiến cho sự cật vấn lương tâm của họ càng thêm gay gắt. Cộng với thông tin về số nợ công, tình trạng tham nhũng...đã làm họ mất phương hướng và nảy sinh tâm trạng rã đám và buông xuôi. Đến một lúc nào đó, khi họ cảm nhận được, sự níu giữ, duy trì một chế độ tồi dở là tội ác và vô vọng thì khi đó họ không còn động lực để duy trì, bảo vệ chế độ nữa. Quá trình này đang xảy ra và ngày càng áp đảo trong chính hệ thống thống trị hiện nay.

     Như vậy, về cơ bản, sự cạn kiệt nguồn lực sẽ quyết định sự tồn vong của chế độ cộng sản Việt Nam. Tất cả các khía cạnh, lĩnh vực và phương diện của thực tế cuộc sống đều báo hiệu sự vượt ngưỡng chịu đựng của người dân. Tuy vậy, vẫn cần một cú huých, một biến cố làm vỡ tung sức chịu đựng của người dân, làm rã đám và buông xuôi ngay cả những kẻ đã và đang trấn áp người dân khi đã nhận ra sự vô vọng của việc níu giữ, bảo vệ chế độ. Việt Nam đang chờ một biến cố như vậy trong tương lai rất gần./.

Hà Nội, ngày 18/6/2016
N.V.B

--------------------

Wed, 06/08/2016 - 16:49 — nguyenvubinh

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam là quá trình vận động của nhân dân nhằm chuyển hóa đất nước từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản sang chế độ dân chủ tự do, ở đó người dân được tự do, hạnh phúc, đất nước có dân chủ. Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam có hai giai đoạn, giai đoạn đấu tranh dân chủ, nhằm xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị cộng sản và giai đoạn xây dựng thể chế dân chủ cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang ở cuối giai đoạn thứ nhất, chế độ độc tài toàn trị cộng sản sắp tiêu vong.

     Công cuộc (giai đoạn) đấu tranh dân chủ nhằm xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam có thể xảy ra theo hai xu hướng. Xu hướng nhân dân đứng dậy lật đổ chế độ độc tài và xu hướng tự sụp đổ của chế độ. Muốn lật đổ được chế độ độc tài toàn trị thì cần có một hay nhiều tổ chức chính trị, đảng phái được tổ chức chặt chẽ, được nhân dân tham gia và ủng hộ đông đảo. Ví dụ, đảng cộng sản Việt Nam thành lập từ năm 1930, sau 15 năm gây dựng, có khoảng 5000 đảng viên, được dân chúng ủng hộ. Nhưng cũng phải chờ đến khi Nhật đảo chính Pháp, xuất hiện khoảng trống quyền lực, mới sử dụng thủ đoạn để lừa người dân, cướp chính quyền. Hiện nay Việt Nam chưa có đảng phái nào chính thức hoạt động (ngoài đảng cộng sản), các tổ chức xã hội dân sự với số lượng người tham gia ít ỏi, tổ chức lỏng lẻo và hầu như chưa có quần chúng ủng hộ. Đồng thời, nhà cầm quyền Việt Nam lại có lực lượng trấn áp đồ sộ, với khoảng 10 triệu công an và bộ đội, ngoài ra còn khoảng 15 triệu người thuộc bộ máy đảng, nhà nước và các tổ chức ngoại vi của đảng...chính vì vậy, xu hướng lật đổ chế độ không thể xảy ra. Những người nói tới việc lật đổ chế độ, cũng như những tội danh lật đổ, hay âm mưu lật đổ chế độ mà nhà cầm quyền vu khống, gán ghép cho một số người chỉ là trò cười cho thiên hạ. Một trong những lý do quan trọng mà rất nhiều người bi quan về phong trào dân chủ Việt Nam, về khả năng thay đổi chế độ trong tương lai gần, là họ không nhìn thấy một lực lượng nào khả dĩ có thể vận động nhân dân lật đổ chế độ. Đối với những người này, việc chế độ sụp đổ hầu như mặc định phải có một tổ chức, một lực lượng đủ mạnh để vận động dân chúng lật đổ chế độ. Họ không biết rằng, tuyệt đại đa số các chế độ cộng sản đều là tự sụp đổ.

     Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng chính là nguyên nhân về kinh tế, là sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ. Các chế độ cộng sản được xây dựng bằng một cơ chế khép kín để triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân, thiết lập sự thống trị cho đảng cộng sản. Với các chính sách nhằm gieo rắc sự sợ hãi, tạo lập sự lệ thuộc của người dân vào nhà nước và kiểm soát tư tưởng của người dân (xin mời tham khảo bài viết “Phác họa lại chân dung một chế độ” http://www.rfavietnam.com/node/2753), các chế độ cộng sản đã thành công trong việc thống trị và triệt tiêu tinh thần phản kháng của người dân. Tuy nhiên, để xây dựng được một cơ chế như vậy, các chế độ cộng sản đã không thể tạo ra được một nền kinh tế đúng nghĩa sản xuất ra của cải vật chất. Trong khi guồng máy của chế độ cộng sản hoạt động lại đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ để duy trì nó. Chính vì vậy, các chế độ cộng sản phần lớn đều tự sụp đổ dưới sức nặng của chính nó. Xem xét trường hợp của Việt Nam, nền kinh tế hiện nay phá sản toàn diện và triệt để trên tất cả các phương diện. Giá trị sản phẩm của cả nền kinh tế không đủ để nuôi được bộ máy và người dân trong thời điểm hiện tại, làm không đủ ăn, nhưng lại phải gánh một khoản nợ gấp đôi GDP mà hoàn toàn không có khả năng thanh toán. Mới đây nhất, chúng ta vừa được nghe, báo cáo của Thủ tướng về việc trả nợ 12 tỷ $ và vay thêm 20 tỷ $ chi tiêu và trả nợ trong năm tài chính 2016. Như vậy, sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam là tất yếu do cạn kiệt nguồn lực, vấn đề còn lại là thời điểm và cách thức sự sụp đổ xảy ra.

     Phong trào dân chủ Việt Nam, chủ thể vận động nhân dân giai đoạn đấu tranh dân chủ đã có lịch sử phát triển bền bỉ và kiên cường trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Từ những người đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí (nhóm Nhân Văn Giai Phẩm), tới những người, những nhóm lập hội, lập đảng thập kỷ 60 thế kỷ trước...tới những cán bộ cao và trung cấp muốn đi theo con đường xét lại của Liên Xô...đó là giai đoạn sơ khởi đầy cay đắng và nhọc nhằn. Giai đoạn sau năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa đã bị Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm thành công, một thời kỳ đấu tranh bạo động nhằm phục dựng lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tuy không thành công nhưng để lại tinh thần và khí phách cho các thế hệ dấn thân tiếp theo. Các giai đoạn tiếp theo của phong trào dân chủ đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cho người dân Việt Nam trong những năm gần đây (mời tham khảo bài viết “Phong trào dân chủ Việt Nam qua các thời kỳ” http://www.rfavietnam.com/node/2868).

     Bắt đầu từ cuối năm 2007, với vai trò dẫn dắt, phong trào dân chủ Việt Nam đã động viên người dân tham gia vào việc xuống đường, biểu tình chống Trung Quốc, khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân. Phong trào yêu nước sau một thời gian hoạt động, trực diện đối đầu với sự đàn áp, trấn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đã dần dần hòa nhập cùng phong trào dân chủ. Cũng từ năm 2007 tới nay, đã xuất hiện nhiều hoạt động của người dân, hướng về người dân, các hoạt động xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự ra đời hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Như vậy, phong trào dân chủ Việt Nam từ chỗ đơn lẻ, rời rạc và âm thầm qua quá trình bền bỉ, kiên cường đã hoàn thành nhiệm vụ nhóm lửa để nhân dân thức tỉnh và đứng lên đấu tranh cho quyền tự do, quyền con người của mình. Ngày nay, cùng với mạng xã hội, hệ thống Internet, người dân ngày càng hiểu rõ bản chất của chế độ cộng sản, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người đấu tranh dân chủ, cất lên tiếng nói và yêu cầu chính đáng về quyền con người của mình. Quá trình này đang ngày càng phát triển và không thể đảo ngược./.

Hà Nội, ngày 08/6/2016
N.V.B

--------------------------------------------

Sun, 05/29/2016 - 14:29 — nguyenvubinh

Sun, 05/22/2016 - 17:25 — nguyenvubinh

Fri, 05/13/2016 - 08:44 — nguyenvubinh

Wed, 05/11/2016 - 12:13 — nguyenvubinh

Wed, 04/27/2016 - 02:48 — nguyenvubinh

Fri, 04/22/2016 - 13:51 — nguyenvubinh






No comments:

Post a Comment