Tuesday, June 28, 2016

COI DÂN NHƯ KHÔNG, XEM MÔI TRƯỜNG NHƯ RÁC (Người Việt)





Người Việt
Monday, June 27, 2016 3:32:56 PM

Bài liên quan

HÀ NỘI (NV) - Bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam vừa giao cho Tổng Cục Môi Trường tổ chức thanh tra các tác động đến môi trường của dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man.

Ðây là một dự án đầu tư của tập đoàn Lee & Man Paper ở Hồng Kông, trị giá khoảng 628 triệu Mỹ kim, đã được chính quyền tỉnh Hậu Giang cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 hecta đất tại cụm công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Theo giấy phép đầu tư, tập đoàn Lee & Man Paper đã xây dựng hai xưởng, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.

Một trong những họng cống của nhà máy giấy Lee & Man. Nước thải sẽ được xả thẳng vào sông Hậu. (Hình: Tuổi Trẻ)

Lý do dẫn tới quyết định thanh tra các tác động đến môi trường của nhà máy giấy Lee & Man là vì tuần trước, Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam (VASEP) gửi một văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, đề nghị xem lại dự án này. VASEP nhấn mạnh, nếu nhà máy giấy Lee & Man xả nước thải ra sông Hậu, con sông sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ðây có lẽ là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam tỏ ra chú ý tới một đề nghị xét lại dự án đầu tư vì dự án đó có thể gây nguy hại cho môi trường, chứ không vứt vào sọt rác như trước...
Ông Dương Văn Ni, một chuyên gia môi trường, làm việc tại Ðại Học Cần Thơ, kể với báo giới rằng, năm 2006, ông từng được mời phản biện ý tưởng xây dựng nhà máy giấy Lee & Man. Vào thời điểm đó, ông Ni đã khẳng định rằng trên thế giới, chẳng có ai xây dựng nhà máy giấy ở một nơi như đồng bằng sông Cửu Long bởi điều đó sẽ hủy diệt môi sinh, môi trường. Sản xuất giấy cũng như sản xuất hóa chất, thép,... luôn thải ra một lượng nước lớn chứa nhiều chất cực độc.

Do rất khó kiểm soát chất lượng nước thải cũng như loại bỏ hoàn toàn những rủi ro trong quá trình xử lý nước thải, ô nhiễm có thể trở thành thảm họa không chỉ với sông Hậu mà còn lan vào hệ thống kênh rạch nối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, hủy diệt toàn bộ khu vực Tây Nam sông Hậu.

Cũng theo lời ông Ni, sau khi cảnh báo như thế, ông không được mời góp ý nữa. Ý tưởng xây dựng nhà máy giấy Lee & Man cạnh bờ sông Hậu, đoạn chảy qua huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được chấp thuận. Dự án đầu tư được phê duyệt, Giấy phép đầu tư được cấp cách nay khoảng tám năm. Lẽ ra nhà máy giấy Lee & Man đã hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng vì nhiều lý do, tháng tới, nhà máy này mới hoàn tất.

Theo qui định của luật pháp Việt Nam, các dự án đầu tư phải tổ chức khảo sát và có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long, kể với báo giới, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man chỉ lấy ý kiến của 20 người dân về tác động của dự án đối với đất, nhà và hoa màu.

Do không thông báo những nguy cơ có thể tác động đến nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, không khí,... 20 người dân được hỏi ý kiến đều đồng ý kèm yêu cầu phải bồi thường thỏa đáng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đã được gửi cho... chính quyền và Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc xã Phú Hữu A để... tham khảo. Nhân danh cộng đồng, hai tổ chức này hoan hỉ đồng ý.

Vì vào thời điểm vừa kể (2008), nhà máy giấy Lee & Man chưa hoạt động nên tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đã đưa các viên chức Việt Nam từ huyện đến trung ương đi “tham quan” các nhà máy của tập đoàn này tại Thâm Quyến và Quảng Châu, Trung Quốc. Ông Võ Văn Thắng, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, lúc đó là phó chủ tịch huyện Châu Thành - một trong những viên chức được tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông mời đi “tham quan,” tiết lộ với báo giới: Mẫu nước làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt của hàng loạt cơ quan hữu trách tại Việt Nam đối với dự án đầu tư nhà máy giấy Lee & Man hồi 2008 được lấy ở... Quảng Châu!

Dường như thảm họa cá chết trắng đoạn bờ biển dài 250 cây số chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 - thảm họa mà đa số dân chúng Việt Nam tin là hậu quả từ hoạt động thử nghiệm của nhà máy thép do tập đoàn Formosa của Ðài Loan, xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng - mới là yếu tố chính đẩy chính quyền Việt Nam tới chỗ phải thay đổi cách hành xử.

Theo dự kiến, cuộc thanh tra dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 với sự tham gia của các cơ quan hữu trách ở Hậu Giang như: Sở Tài Nguyên-Môi Trường, Cảnh Sát Môi Trường,...

Dẫu còn phải chờ kết luận cuối cùng nhưng ít nhất những dữ kiện liên quan đến dự án xây dựng nhà máy giấy Lee & Man cũng cho thấy, giống như chính quyền Việt Nam và chính quyền các địa phương khác, chính quyền tỉnh Hậu Giang chỉ quan tâm đến một chuyện: Thu hút đầu tư ngoại quốc để có thành tích tăng trưởng còn tác động của dự án đầu tư đến môi trường ra sao, dân sẽ sống thế nào là chuyện họ không bận tâm.

Bối cảnh như hiện nay khiến chính quyền Việt Nam không thể thản nhiên hy sinh môi trường để lấy thành tích như trước nhưng làm ngược lại thì rõ ràng là không dễ dàng. Tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông chẳng thiếu loại giấy tờ nào và theo dự kiến, nhà máy giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ hoạt động vào tháng tới. Ngăn cản có thể bị kiện và bị buộc phải bồi thường! Chính quyền tiếp tục gật hay lắc thì đối tượng lãnh đủ cũng chỉ là dân. (G.Ð)

-------------------

Người Việt
Monday, June 27, 2016 3:28:39 PM

HÀ NỘI (NV) Những con số mà Trung Tâm Thiên Nhiên Con Người công bố mới đây về mặt trái của thu hút FDI và hậu quả ô nhiễm môi trường Việt Nam phải gánh chịu khó mà đong đếm.

Báo Diễn Ðàn Doanh Nghiệp dẫn phúc trình của Trung Tâm Thiên Nhiên Con Người (PanNature), tại hội thảo thương mại tự do “Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam” do trung tâm này tổ chức tại Hà Nội ngày 26 tháng 6, cho biết, hiện nay 67% doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (Foreign Direct Investment) hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị thấp.

Khai thác đất trái phép tại xóm Hạnh, xã Ðông Nam, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. (Hình: báo Ðời Sống và Pháp Luật)

Theo bà Trần Thanh Thủy, Phòng Nghiên Cứu Chính Sách, PanNature, một nghiên cứu mới đây cho thấy, 80% khu công nghiệp ở Việt Nam vi phạm quy định về môi trường; 23% DN FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Về chi phí đầu tư cho môi trường, 68% DN FDI cho rằng, đầu tư ở Việt Nam sẽ tiết kiệm được từ 10-15%, thậm chí 12% cho rằng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí so với đầu tư ở nước mẹ.

Ông Bùi Cách Tuyến, cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên cho rằng, rất nhiều dự án FDI đều giống nhau ở một điểm quan trọng là hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường... tất cả đều với chi phí quá thấp.

“Xu hướng xuất cảng ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập cảng ô nhiễm cao,” ông Tuyến cảnh báo.

Trong khi đó, ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế dẫn chứng: “Thậm chí, để thu hút đầu tư nước ngoài vào, các tỉnh cạnh tranh đua nhau miễn tiền thuê đất, chi phí tài nguyên rừng, biển...,” ông Lê Ðăng Doanh, chuyên gia kinh tế dẫn chứng.

“Các nhà đầu tư nước ngoài xuất cảng ô nhiễm vào Việt Nam, đưa sang Việt Nam công nghiệp luyện kim, xi măng, dệt nhuộm lạc hậu. Trong khi, Ðài Loan không có nhà máy xi măng hoặc núi vẫn còn y nguyên, thì núi tại Việt Nam không những bị cạo trọc, lâu lâu còn biến mất do khai thác đá, sản xuất xi măng,” ông Doanh cho biết thêm.

Tương tự, ông Ðỗ Thanh Bái, Viện Hóa Học Việt Nam cũng nhận xét, trong làn sóng đầu tư mạnh của các doanh nghiệp FDI như hiện nay, Việt Nam chưa nhìn nhận hết khả năng ô nhiễm, vẫn tiếp nhận chất thải trong công nghiệp, trong khi năng lực tiếp nhận của môi trường đã chạm mức cao nhất. (Tr.N)






No comments:

Post a Comment