Trung Điền
Cập nhật: 24/06/2016
Theo dự tính, ngày 7 tháng 7 tới đây, Tòa trọng tài
Liên Hiệp Quốc (PCA) sẽ đưa ra phán quyết về việc Phi Luật Tân kiện Trung Quốc
về 15 hồ sơ liên quan đến chủ trương và các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển
Đông.
Mặc dù Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc chỉ xét xử dựa
trên 7 hồ sơ mà tòa có thẩm quyền, nhưng phán quyết về chủ trương đường chín
khúc bao trùm 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc có vi phạm Luật Biển 1982
của Liên Hiệp Quốc hay không, sẽ là mấu chốt chính của vụ kiện.
Nhiều xác xuất cho thấy là Phi Luật Tân sẽ thắng kiện,
tức là Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc sẽ bác bỏ chủ trương nói trên của Bắc Kinh.
Tuy phán quyết không có tính cưỡng chế thi hành, nhưng nếu Bắc Kinh vẫn ngoan cố,
tiếp tục dựa vào chủ trương đường chín khúc để bành trướng trên Biển Đông thì
tình hình sẽ có nhiều chuyển biến nghiêm trọng hơn hiện nay.
Những
gì Bắc Kinh đã và đang làm
Sau thủ đoạn làm ngơ, rồi bác bỏ thẩm quyền của Tòa
trọng tài Liên Hiệp Quốc để không tham dự vào vụ kiện, từ năm 2014 cho đến nay,
Bắc Kinh đã tiến hành hai chính sách:
Thứ nhất là cho bồi đắp các bãi đá chìm đã chiếm của
Việt Nam trong quần đảo Trường Sa vào năm 1988, thành những căn cứ quân sự với
quy mô lớn. Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc gấp rút xây dựng những
căn cứ quân sự tại Trường Sa nhằm đặt các quốc gia ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản vào
thế đã rồi, và phải công nhận quyền lực của Trung Quốc trên vùng biển đang có
tranh chấp.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tham vọng “bành trướng ra biển”
của lãnh đạo Trung Quốc đưa ra từ năm 1950, việc bồi đắp các đảo nhân tạo là để
hiện thực hóa chủ trương đường chín đoạn mà Bắc Kinh muốn tiến hành mà thôi.
Tranh chấp trong Biển
Đông
Thứ hai là lũng đoạn nội bộ khối ASEAN để Hoa Kỳ, Nhật
Bản không thể lôi kéo một số nước nhằm thành lập vòng đai cô lập Trung Quốc vói
tay ra Biển Đông. Những gì đã xảy ra ở Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN với Trung Quốc
tại Thành Phố Côn Minh hôm 14 tháng 6 vừa qua, cho thấy là Bắc Kinh tiếp tục
khuynh loát (như tại Phnom Penh năm 2012) nhằm ngăn chận ASEAN ra tuyên bố công
kích Trung Quốc có những hành động bá quyền trên Biển Đông.
Sự khuynh loát của Trung Quốc không chỉ ngăn chận sự
đoàn kết của ASEAN, mà còn cố tình không thông qua Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông
để tiếp tục chủ trương đàm phán song phương về những tranh chấp nếu có.
Song song với hai chính sách nói trên, Trung Quốc đã
bỏ ra nhiều tiền bạc và công sức để thực hiện những tài liệu giả nhằm chứng
minh chủ quyền trên Biển Đông đã có từ lâu đời và chiêu dụ một số quốc gia bằng
quyền lợi kinh tế để đứng về phía Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố là có 60 quốc gia ủng hộ lập trường
của mình trên biển Đông; nhưng trong thực tế chỉ có khoảng 8 quốc gia theo Bắc
Kinh là Afghanistan, Gambia, Kenya, Nigeria, Sudan, Togo, Vanuatu, Lesotho mà
thôi.
Những
gì Bắc Kinh sẽ làm sau phán quyết PCA?
Dù biết là thua kiện, nhưng Bắc Kinh sẽ không ngồi
yên mà đang chuẩn bị một số ý đồ sau đây.
Ý đồ đầu tiên là dịu giọng với Phi Luật Tân để không
làm lớn chuyện thắng kiện. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã mở kênh đối thoại với
tân Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte nhằm dùng viện trợ kinh tế để dụ
ông Rodrigo Duterte không tiếp tục đẩy vụ kiện. Trong ý đồ này, Bắc Kinh cũng sẽ
tạm ngưng việc xây dựng trong một thời gian hạ tầng quân sự tại bãi đá
Scarborough Shoal chiếm của Phi Luật Tân năm 2012.
Bãi đá Scarborough Shoal. Ảnh: Internet
Ý đồ thứ hai là để dằn mặt Hoa Kỳ và khối ASEAN, Bắc
Kinh sẽ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Cơ quan CSIS của Hoa Kỳ cho rằng việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông
chỉ là vấn đề thời gian vì Bắc Kinh không có lý do gì không làm khi bị thua kiện
và đã xây dựng xong các căn cứ quân sự ở Hoàng sa và Trường sa.
Ý đồ thứ ba là tuyên bố rút ra khỏi Luật Biển UNCLOC
1982 để dễ bề thao túng trên Biển Đông mà không chịu những phán quyết của PCA.
Ý đồ thứ tư là trấn áp lãnh đạo CSVN để không cho
“thoát Trung”. Ý đồ này sẽ được Bắc Kinh thực hiện một cách tinh vi, buộc lãnh
đạo Hà Nội không dám vượt qua “đèn đỏ” để xoay trục về phía Hoa Kỳ như chờ đợi
của Hoa Thịnh Đốn sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama.
Việc máy bay cứu hộ CASA-212 nhận tín hiệu bay ra
vùng biển gần Bạch Long Hải (Hải Phòng) để tìm kiếm phi công của chiếc SU-30MK2
bị nạn, khiến cho 9 người bị tử thương, trong khi chiếc SU-30MK2 lại rơi ở vùng
biển gần đảo Hòn Mê (Hà Tĩnh), cách vùng biển cứu hộ hơn 200 cây số cho thấy có
điều gì đó bất thường trong vụ 2 máy bay cùng bị rớt. Càng bất thường hơn nữa
khi lãnh đạo CSVN từ chối lời đề nghị cứu giúp của Hoa Kỳ trong khi Thứ trưởng
Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh lại chính thức yêu cầu Trung Quốc cứu giúp.
Xung
đột biển Đông khó tránh
Trong khi Trung Quốc có những hành động coi thường
dư luận và hung hăng trên Biển Đông, khối ASEAN hoàn toàn bất lực trước những
đòn khuynh loát của phương Bắc. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh như Nhật, Úc
Châu, Ấn Độ chỉ phản ứng mang tính ngăn chận, nếu không nói là tránh né đối đầu.
Mới đây trong Thượng Đỉnh G7 tại Nhật, các nhà lãnh
đạo G7 đã ra tuyên bố về an ninh Biển Đông và Biển Hoa Đông, xác định tự do do
hàng hải và giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình; đồng thời mời Thủ Tướng
CSVN tham dự để nâng vai trò Việt Nam trong bài toán Biển Đông. Nhưng các hành
động này cũng chỉ mang tính hình thức chứ không có một hành động nào thật sự răn
đe nếu Bắc Kinh tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông.
Ngay cả việc Hoa Kỳ đang tăng cường lực lượng hải
quân và không quân cho khu vực này như điều một phần Hạm đội 3 tới Biển Đông và
một phi đội 4 máy bay tác chiến điện tử E/A 18G Growler tới căn cứ Clark
(Philippines) cũng cho thấy các phản ứng của Hoa Kỳ chỉ mang tính phòng thủ.
Rõ ràng là Bắc Kinh tìm cách mọi cách để bành trướng
và chuẩn bị chiến tranh đối đầu qua việc xây dựng các căn cứ quân sự. Trong khi
đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ thì tìm cách kiềm chế sự trổi dậy bằng các áp lực
ngoại giao và “phòng hờ” với một vài chiến hạm tuần tra trên Biển Đông.
Kết quả cho thấy là những chỉ trích của Hoa Kỳ, Nhật
Bản không làm cho Trung Quốc chùn bước vì thấy rõ là Phương Tây ngại xung đột dẫn
đến chiến tranh.
Tình hình này nếu tiếp tục kéo dài sẽ vô cùng bất lợi
cho khu vực Biển Đông, nhất là sau phán quyết PCA. Vì Trung Quốc sẽ thực hiện
những ý đồ như đã phân tích nói trên để không chỉ coi thường phán quyết của PCA
mà còn nhằm vô hiệu hóa tất cả những chỉ trích hay cô lập ngoại giao nếu có của
cộng đồng quốc tế.
Trong bối cảnh đó, xung đột Biển Đông khó tránh vì
đó là quy luật “cùng tất biến” khi mà Trung Quốc càng ngày càng hung hăng bành
trướng và coi thường các chỉ trích của quốc tế.
Hiện khó có thể dự kiến về những hình thái xung đột
quân sự xảy ra trên Biển Đông; nhưng khi căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc với
Hoa Kỳ và các nước liên hệ lên cao điểm, việc bùng phát các hành động quân sự
là điều khó tránh.
Việt
Nam sẽ ra sao nếu xảy ra xung đột?
Sự kiện hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cùng với 140
máy bay và 12.000 thủy thủ bắt đầu cuộc tập trận ở ngoài khơi Philippines vào
ngày 18 tháng 6 vừa qua, tuy mục tiêu là để các đơn vị tác chiến phối hợp hành
quân trong một vùng biển có tranh chấp, nhưng rõ ràng đây là hành động chuẩn bị
đối phó nếu xảy ra xung đột vì chưa bao giờ Hoa Kỳ huy động cùng một lúc 2 hàng
không mẫu hạm tiến vào Biển Đông như hiện nay.
Hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald
Reagan tham gia cuộc tập trận trên Biển Philippines ngày 18-6 vừa qua. Ảnh: US
Navy.
Nếu xung đột xảy ra, cục diện sẽ dẫn đến hai tình huống.
Thứ nhất là thế giới chia làm 2 phe: Phe Trung Quốc
có Nga hậu thuẫn đối đầu với Phe Hoa Kỳ có Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Châu và G7 hậu
thuẫn.
Thứ hai là khối ASEAN bị tê liệt với ba khuynh hướng
gồm những quốc gia ủng hộ Hoa Kỳ, ủng hộ Trung Quốc và đứng giữa không theo bất
cứ ai.
Nhưng điểm đáng nói là Trung Quốc sẽ khai thác sự
xung đột này để chiếm thêm những đảo, bãi đá chìm trong quần đảo Trường sa, mà
các vùng biển đảo của Việt Nam sẽ là “đối tượng” xâm chiếm đầu tiên của Bắc
Kinh.
Nói cách khác, khi xảy ra xung đột, Việt Nam sẽ là
quốc gia bị thiệt hại nặng nhất, tiếp tục mất đảo, mất biển vào tay Trung Quốc,
nếu CSVN tiếp tục duy trì chính sách ba không đầy phi lý hiện nay.
Sự kiện Tổng thống Obama tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm
bán vũ khí sát thương và mong muốn xây dựng niềm tin lẫn nhau với lãnh đạo CSVN
nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua, đã mở ra cơ hội cho Việt Nam đi gần với
Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh. Có như vậy mới có thể ngăn chận được nguy cơ
tiếp tục mất biển, đảo vào tay Trung Quốc.
Đây là thời điểm quan trọng để CSVN mạnh dạn tiến gần
hơn với Hoa Kỳ, không những để bảo vệ biển đảo mà còn là cơ hội thoát khỏi những
nanh vuốt của Bắc Kinh.
*
Tóm lại, những diễn biến ngày một căng thẳng trên Biển
Đông trong 6 tháng qua và với phán quyết của PCA vào ngày 7 tháng 7 tới đây, chắc
chắn sẽ đẩy những tranh chấp không có lối thoát hiện nay bùng nổ thành xung đột
quân sự. Viễn cảnh này đặt cho lãnh đạo CSVN phải duyệt lại chính sách ba
không, không phải để đối đầu với Trung Quốc, mà là tăng cường quan hệ đồng minh
với các quốc gia cùng chia sẻ quan tâm về chính sách bành trướng của Bắc Kinh,
hầu có thể bảo vệ quyền lợi của tổ quốc.
Trung
Điền
Ngày 23 Tháng 6, 2016
Ngày 23 Tháng 6, 2016
No comments:
Post a Comment