Đăng ngày 16-06-2016
.
Biểu tình phản đối tập đoàn Đài Loan Formosa tại Hà Nội ngày
01/05/2016.HOANG DINH NAM / AFP
Các dân biểu Đài Loan hôm nay 16/06/2016 thúc giục chính
phủ điều tra tập đoàn Formosa về vai trò trong vụ cá chết hàng loạt xảy ra tại
Việt Nam, vì các nhà hoạt động tin rằng ô nhiễm công nghiệp từ nhà máy thép trị
giá nhiều tỉ đô la của tập đoàn có thể là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường
này.
Cuộc họp báo tại Quốc hội Đài
Loan do văn phòng của ba dân biểu Ngô Côn Dụ (Wu Yu Kun), Tô Trị Phân (Su Chih
Fen) và Vưu Mỹ Nữ (Yo Mei Nu) bảo trợ, phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ.
Trong số đó có Liên minh theo dõi và thực thi công ước nhân quyền, Hiệp hội luật
sư môi trường, Văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu Việt Nam ở Đài Loan.
Hãng tin Pháp AFP cho biết, các
dân biểu Đài Loan nói rằng nếu Formosa là thủ phạm của hàng tấn cá chết dọc
theo bờ biển miền Trung Việt Nam hai tháng trước đây, thì có thể gây tổn hại
cho chính sách của tân tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen), muốn xúc tiến đầu
tư vào Đông Nam Á, trong nỗ lực giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Dân biểu Tô Trị Phân của đảng
Dân Tiến cầm quyền nói : « Sẽ là xáo trộn bất tận » cho chính sách Hướng
Nam, nếu tân chính phủ không thận trọng giải quyết trước những quan ngại lớn
lao của công chúng Việt Nam trước thảm họa.
Nạn cá chết hàng loạt đã gây
thiệt hại nặng nề cho ngư dân địa phương, khiến dân chúng giận dữ xuống đường –
sự kiện hiếm khi xảy ra tại Việt Nam. Chính quyền đã trấn áp các cuộc biểu
tình, câu lưu nhiều nhà hoạt động.
Báo chí nhà nước ban đầu tố cáo
nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh, nhưng sau đó lại quay lui. Chính quyền Việt
Nam tiến hành các xét nghiệm nhưng chưa loan báo kết luận chính thức về nguyên
nhân cá chết, khiến nhiều nhà đấu tranh quả quyết trong vụ này có việc bao che.
AFP nhắc nhở, Formosa từng bị
nhiều tai tiếng trong các xì-căng-đan môi trường trên toàn cầu, từ Texas cho đến
thành phố Shihanoukville của Cam Bốt. Tập đoàn này cũng bị cáo buộc đã gây ô
nhiễm ngay tại Đài Loan, trong đó có phức hợp hóa dầu ở quận Vân Lâm (Yunlin) ở
miền Nam, nơi trước đây dân biểu Tô Trị Phân làm quận trưởng.
Ông Trương Dụ Doãn (Chang Yu
Yin), chủ tịch Hiệp hội luật gia môi trường tuyên bố, chính phủ Đài Loan cần
can thiệp và đảm bảo rằng công ty đạt được « các tiêu chuẩn quốc tế về về
môi trường, nhân quyền và lao động ».
Hãng tin Pháp cũng dẫn lời linh
mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng ở Đài Bắc, đòi hỏi nếu xác định được thủ phạm là
Formosa, thì chính quyền bà Thái Anh Văn cần buộc tập đoàn này phải tẩy sạch
môi trường và bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân. Linh mục nói : « Việt Nam
cần đầu tư ngoại quốc, nhưng phải là đôi bên cùng có lợi. Nếu môi trường và
nhân dân chúng tôi bị tổn hại, thì sẽ đặt ra những thử thách và những vấn đề lớn
lao ».
Đài Loan và Việt Nam không có
quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng thường xuyên buôn bán với nhau. Khoảng
250.000 người Việt đang sống tại Đài Loan, do công ăn việc làm hay do kết hôn.
Ông Vương Kiếm Bình (David
Wang) của cơ quan đầu tư Đài Loan nói rằng Đài Bắc đã đề nghị hỗ trợ cuộc điều
tra của chính phủ Việt Nam về hiện tượng cá chết hàng loạt, nhưng bị từ chối.
Ông cho biết Hà Nội sẽ công bố kết quả điều tra do các chuyên gia quốc tế tiến
hành vào cuối tháng Sáu.
AFP nhắc lại, mọi nghi ngờ đều
hướng về Formosa trong tháng Tư, khi một trong các cán bộ quản lý của tập đoàn
tại Việt Nam nói với báo chí nhà nước là Việt Nam « phải chọn lựa, hoặc tôm
cá, hoặc nhà máy thép ». Cán bộ này sau đó bị sa thải và đã xin lỗi về phát
biểu trên.
Hãng tin Pháp trích lời Lê
Quang Dũng, một ngư dân 29 tuổi nói : « Tôi không đánh bắt được một con cá
nào từ tháng Ba, nên phải sang Đài Loan tìm việc. Tôi hy vọng dự án nhà máy của
Formosa sẽ bị hủy bỏ, nhờ đó chúng tôi sẽ có được đại dương sạch như trước ».
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng : Sẽ có tác động đến chính
phủ Đài Loan
RFI Việt ngữ đã phỏng vấn linh
mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, giám đốc điều hành Văn phòng trợ giúp công nhân và
cô dâu Việt Nam ở Đài Loan về vấn đề này.
Thụy My
No comments:
Post a Comment