27.06.2016
Victoria
Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương,
là một người rất có “duyên” với hiện tình vay nợ - đảo nợ - chậm trả nợ của Việt
Nam.
Người phụ nữ da đen này đã gặp hầu hết các chính
khách cao cấp Việt Nam - từ Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng
- trong những năm qua, từ khi bà còn là giám đốc cơ quan WB tại Việt Nam cho đến
thời điểm hiện nay.
Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng phải “nhường” ghế thủ tướng
cho ông Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội XII của đảng cầm quyền vào tháng Giêng năm
2016, bà Victoria Kwakwa đã gặp vị tân thủ tướng này nhưng không hứa hẹn bất cứ
khoản cho vay mới nào.
Nhưng gần đây là một hiện tượng “lạ”: Hầu như ngay
sau chuyến công du Việt Nam khá ồn ào của Tổng thống Barack Obama, nữ phó chủ tịch
Victoria Kwakwa có một chuyến thăm lặng lẽ hơn nhiều vào ngày 7/6/2016 để gặp một
chính khách có vẻ không liên quan gì đến các khoản vay - đảo nợ: Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cuộc gặp của Victoria Kwakwa với Chủ tịch Quốc hội
Việt Nam lồng trong bối cảnh vị thế chính trị của bà Kim Ngân vẫn chưa hoàn
toàn chắc chắn sẽ là người đứng đầu cơ quan dân cử cao nhất quốc gia. Đại hội
XII vẫn để lại một di chứng kỳ quặc: sau cuộc bầu “chỉ định” các chức danh chủ
tịch nước, chủ tịch quốc hội vào thủ tướng chính phủ vào tháng 3/2016, tất cả sẽ
được bầu lại vào tháng Bảy cùng năm.
‘Lộ
trình cho việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi’
Gặp Quốc hội, WB muốn thực hành phương châm “ngoại
giao nhân dân” như một khẩu ngữ của giới chính trị Việt Nam chăng? Hay còn ẩn ý
nào khác?
“Ngân hàng Thế giới giúp đỡ Việt Nam có một lộ
trình cho việc dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế
thuộc Ngân hàng Thế giới (hay còn gọi là lộ trình "tốt nghiệp IDA"),
để bảo vệ và phát huy các thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được” -
có lẽ đây là thông tin đặc biệt nhất về đề xuất của bà Ngân với WB - được báo đảng
tường thuật sau cuộc gặp trên.
Dù gì thì sự thật cũng có cơ hội để “xóa mù chữ”:
cách nào đó có thể hiểu rằng WB gặp Việt Nam để đòi nợ!
WB cũng là một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt
Nam.
Cũng tương tự với các cuộc gặp giới chính khách Việt
từ cuối năm 2015 cho đến nay, Victoria Kwakwa đã không nêu ra bất kỳ hứa hẹn
nào với Nguyễn Thị Kim Ngân về những nội dung đại loại như “WB sẽ tiếp tục
chương trình cho Việt Nam vay vốn ưu đãi”.
Hãy nhớ lại, vào tháng 12 năm 2015, chính Victoria
Kwakwa là người đã phát ra tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Tuyên bố này đột
ngột bùng lên chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng say sưa thuyết
trình về “Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tầm nhìn đến năm 2030” và Kwakwa
đã phải hỏi thẳng Dũng tại cuộc hội thảo quá sức hỏa mù này: “Việt Nam sẽ lấy
đâu ra nguồn lực để phát triển?”.
Logic tiếp biến của chủ đề “tiền đâu?” là hàng loạt
sự kiện chẳng thể buồn hơn: Chuyến làm việc của bà Christine Lagarde, Tổng giám
đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), tại Việt Nam vào tháng 3/2016 đã rất đồng cảm với
kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân
hàng thế giới trước đó đúng một tháng: cả hai ông bà này đều không hứa hẹn cung
cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả đại diện
WB lẫn IMF đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và
Nguyễn Tấn Dũng tha thiết đón tiếp.
Vẫn chưa phải hết. Sau hai cú sốc mang tên WB và
IMF, giới lãnh đạo Việt Nam còn bị giáng thêm một đòn nữa, cũng vào tháng 3/2016, khi
Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cũng tuyên bố chấm dứt cho vay ưu đãi.
Minsky
trả nợ!
Trong suốt giai đoạn hai chục năm từ 1994 đến 2014, Việt Nam đã
vay mượn đến 80 tỷ USD vốn ODA, nâng nợ công của dân chúng lên đến vài ngàn USD mỗi đầu người. Tình hình
này rất giống xu thế “đầu tư, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ hoàn toàn” của các
thị trường chứng khoán, bất động sản và có thể cả ngân hàng ở đất nước thuần
túy chạy theo chủ nghĩa bầy đàn này.
Sau hai chục năm vay mượn và đầu tư khiến phát sinh
hàng núi nợ công và nợ xấu, cuối cùng thì thời điểm Minsky - các khoản nợ đến kỳ
đáo hạn nhưng còn lâu mới trả được - đang lồ lộ hơn bao giờ hết.
Riêng trong năm 2015, chính phủ Việt Nam phải có
trách nhiệm phải trả nợ nước ngoài đến 20 tỷ USD. Còn trong năm 2016, con số trả
nợ là 12 tỷ USD như kế hoạch vay trả nợ vừa được Thủ tướng Phúc phê duyệt.
Nhưng nhiều người ngờ rằng số tiền phải trả nợ nước ngoài trong năm 2016 còn lớn
hơn 12 tỷ USD.
Vào tháng 5/2016, một chuyên gia kinh tế là Tiến Sĩ
Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản
của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của Việt
Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng
220 tỷ USD.
Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng
tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng 300 tỷ
USD, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam bị phá sản trong ít năm tới
- không khác mấy trường hợp Argentina bị vỡ nợ đến hai lần vào năm 2001 và năm
2014.
Mới đây, thêm một tin tức khiến lòng người bất an cực
độ: ngay cả cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng không nắm rõ số nợ công và tỷ lệ nợ
công của năm 2014 là bao nhiêu. Vô hình trung, toàn bộ các báo cáo về tỷ lệ nợ
công/GDP vẫn “dưới ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” của Chính phủ và Quốc hội đã chẳng
còn chút ý nghĩa nào!
Nợ công nước ngoài đã kinh khủng như vậy, nhưng ngay
cả nợ công trong nước cũng chẳng đỡ bí lối hơn. Hàng chục năm qua và đặc biệt từ
khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm trò thủ tướng, lượng phát hành trái phiếu chính
phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát
hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và
một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên
cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, Chính phủ lại phải liên
tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu
quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh
toán và Chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do
ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần
suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
Giờ đây, một phần đáng kể của nợ công được sử
dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Tình trạng vay để trả nợ gốc
ngày càng tăng, lên đến 80.000 tỉ đồng năm 2014 và 150.000 tỉ đồng năm 2015. Dù
trước đây bị coi là “nhạy cảm” và rất ít khi được đề cập, nhưng bây giờ “đảo nợ”
đã trở thành khẩu lệnh cửa miệng của hầu hết những người nắm tay hòm chìa khóa
và sinh mệnh mong manh của chế độ.
Chi nhiều nhưng thu ngày càng ít đi. Khả năng gia
tăng thu ngân sách/GDP giảm mạnh, cụ thể năm 2011 là 25,9% xuống 22,1%
năm 2015 và dự kiến tiếp tục giảm trong năm 2016…
Vì
sao ‘đòi nợ’ Chủ tịch Ngân?
Có một câu hỏi cần mổ xẻ: vì sao bà Victoria Kwakwa
không “đòi nợ” ở chỗ Thủ tướng Phúc mà lại là nơi Chủ tịch Ngân?
Câu trả lời có lẽ nằm ở động tác được coi là đáng ngạc
nhiên của WB vào cuối năm 2015. Tháng Mười Hai năm ngoái, bà Victoria Kwakwa đã
trao cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một bản khuyến nghị 7 điểm của WB, với khuyến
nghị được xếp trên đầu là “Việt Nam cần sớm ban hành luật Lập hội”. Có thể hiểu,
đó là lần đầu tiên WB quyết định tham gia vào mặt trận nhân quyền của nhân dân
Việt Nam!
Luật Lập hội lại thuộc nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội
Việt Nam. Có thể hiểu là cùng với kế hoạch “cải cách luật” mà Việt Nam đã cam kết
với Mỹ và phương Tây, việc ban hành luật Lập hội của Quốc hội trong thời gian tới
là không thể né tránh.
Cũng có thể hiểu như trường hợp Myanmar giai đoạn
2011 - 2015: những kết quả cải cách nhân quyền và mở rộng dân chủ của quốc gia
này là điều kiện quan trọng để các chủ nợ như Câu lạc bộ Paris, Pháp, Đức… xem
xét cho hoãn trả nợ hoặc thậm chí xóa nợ cho Myanmar.
Cuối năm 2012, khi Tổng thống Obama lần đầu tiên đến
thăm Myanmar, chính thể vừa thoát thai từ ách quân phiệt này đã được Câu lạc bộ
Paris xóa cho món nợ lên đến 6 tỷ USD.
Còn Quốc hội Việt Nam sẽ làm gì đây?
------------------------
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết
trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment