Saturday, May 21, 2016

OBAMA ĐẾN HÀ NỘI TRONG TÌNH THẾ PHỨC TẠP TẠI VIỆT NAM (Hà Tường Cát/Người Việt)





Thursday, May 19, 2016 4:33:18 PM

HOA KỲ - Truyền thông Hoa Kỳ nói rằng chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng Thống Obama không chỉ như một sự kiện lịch sử, mà nên nhìn tới những ý nghĩa và giá trị tương lai.

Tổng Thống Obama đến Việt Nam giữa thời điểm Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang có chung mối quan tâm về ý đồ của Trung Quốc trong vùng Biển Đông.

Bằng chuyến thăm viếng này, Tổng Thống Obama muốn đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa hai nước về kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong khuôn khổ chiến lược chuyển trục về Châu Á.

Trên căn bản, hai mục tiêu ấy phù hợp với nguyện vọng của Việt Nam, nhưng không phải dễ dàng để có thể chấp nhận và thi hành được. Trên cả hai mặt đối nội và đối ngoại, có nhiều vấn đề phức tạp mà nhà cầm quyền Việt Nam cần cân nhắc.

Hãng tin AP dẫn lời Marvin Ott, cựu giảng viên National War College và là người dẫn đầu phái đoàn giao lưu quân sự thứ nhất đến Việt Nam đầu thập niên 1990: “Việt Nam phải giải phương trình chiến lược rất hóc búa. Một vế là có thể xích gần lại Mỹ đến mức nào để Trung Quốc chấp nhận được, không lo ngại vì thấy bị hăm dọa và suy giảm ảnh hưởng trong khu vực mà họ muốn nắm quyền khống chế. Vế thứ hai là làm sao thỏa mãn đòi hỏi của Mỹ về dân chủ nhân quyền mà quyền lực của chế độ không bị thương tổn."

Dấu hiệu đáng chú ý nhất để đánh giá tiến triển trong mức độ hợp tác giữa hai nước, là về cấm vận vũ khí, mà người ta chờ đợi Tổng Thống Obama sẽ đưa ra một quyết định mới. Lệnh cấm vận vũ khí áp đặt từ sau 1975, đến năm 2014 được giảm nhẹ và chỉ còn giới hạn về những loại vũ khí sát thương. Việt Nam đã có thể mua của Mỹ những tàu tuần tiễu nhỏ gắn đại liên và một số những khí tài khác như thiết bị an ninh và phương tiện truyền tin. Tin tức từ các cơ quan truyền thông trong nước nói rằng Việt Nam muốn mua máy bay tuần thám biển như loại P-3 Orion nhưng Mỹ chưa đồng ý.

Thật ra việc được phép mua vũ khí của Mỹ mang giá trị nguyên tắc và ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Chưa biết Việt Nam muốn tìm những vũ khí gì mới vì từ trước đến nay vẫn có thể mua của Nga, dễ hơn và rẻ hơn. Theo Viện Nghiên cứu Hòa Bình ở Stockholm, Thụy Điển, thì trong 5 năm qua, Việt Nam đứng hàng thứ 8 trên thế giới về nhập cảng vũ khí, hầu hết từ Nga.

Nhưng đối với các công ty kỹ nghệ quốc phòng Mỹ, Việt Nam có thể là khách hàng nhiều hứa hẹn vì nhu cầu tăng cường và cải tiến vũ khí để gia tăng phòng thủ chống Trung Quốc. Cho đến nay Việt Nam vẫn xuất siêu mậu dịch đối với Mỹ – năm 2015 trị giá  xuất cảng $38 tỷ, nhập cảng $7 tỷ. Cán cân mậu dịch sẽ quân bình hơn nếu Hoa Kỳ xuất cảng vũ khí và thêm những sản phẩm khác đến thị trường Việt Nam.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và nhiều nhà lập pháp như Thượng Nghị Sĩ John McCain ủng hộ việc giải tỏa cấm vận vũ khí, nhưng trong Quốc Hội vẫn có một số người cho là điều này phải tùy thuộc vào tình trạng cải thiện tự do và nhân quyền ở Việt Nam. Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói là Tổng Thống Obama có thể bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí nhưng cho đến bây giờ ông chưa cho biết quyết định cuối cùng. Tổng Thống Obama một mặt phải cân nhắc những quan điểm tại Quốc Hội, mặt khác quan trọng hơn là thẩm định phản ứng của Trung Quốc và khả năng chấp nhận rủi ro của Việt Nam.

Tờ Wall Street Journal trong bài viết mang tựa đề “Nước Việt Nam phi dân chủ chờ đợi Obama” cho rằng đây là cơ hội ngàn năm một thuở để Hoa Kỳ thúc đẩy cải cách dân quyền và nhân quyền tại Việt Nam. Theo bài báo, quan hệ chặt chẽ hơn mà chính quyền Việt Nam mong muốn, sẽ tùy thuộc vào cải cách ấy. Hoa Kỳ cần cho thấy rằng thiện chí của mình đối với một cựu thù không chỉ là để đòi hỏi một chính quyền Việt Nam sẵn sàng chống bành trướng Trung Quốc mà còn là để cho người dân Việt tiếp tục đấu tranh cho tự do và dân quyền.

Chính quyền Việt Nam đã cam kết sẽ cho phép các công đoàn độc lập được tổ chức và hoạt động tự do như một trong những điều kiện để mở đường gia nhập thỏa hiệp mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương - TPP. Trong giai đoạn TPP chưa được Quốc Hội Mỹ cũng như Nhật phê chuẩn, Việt Nam sẽ là mẫu mực đầu tiên chứng tỏ giá trị của hiệp định mậu dịch được coi như một trong những chiến lược quan trọng nhất của chính quyền Obama ở Châu Á.

Nếu trong lãnh vực kinh tế, Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển có nhiều tiềm năng nhất ở Châu Á, thì về mặt quân sự Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong số các nước ASEAN. Riêng với các nước ven bờ Biển Đông, Indonesia có những xung đột lợi ích trên biển nhưng không tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Philippines là đồng minh duy nhất của Mỹ nhưng quân lực quá yếu, Malaysia và Brunei không muốn va chạm với Trung Quốc.

Vì thế, cùng với sự chú ý đến vấn đề cấm vận vũ khí như đã nói trên, một quyết định khác về phía Việt Nam cũng được các quan sát viên chờ đợi, đó là vịnh Cam Ranh. Hải quân Hoa Kỳ muốn cho các chiến hạm được sử dụng dễ dàng và thường xuyên hơn cảng Cam Ranh. Chưa rõ Việt Nam có thể thỏa hiệp ra sao trong vấn đề tế nhị này trong dự doán chắc chắn sẽ gây phản ứng từ phía Trung Quốc.

Cựu Nghị Sĩ Chuck Hagel trong cuộc phỏng vấn của tờ The New York Times nói rằng đối với ông, trong mỗi quyết định khi làm bộ trưởng quốc phòng hay khi đưa một ý kiến với tổng thống Obama, đều có ảnh hưởng từ kinh nghiệm là một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam. Cùng với Thượng Nghị Sĩ John McCain và nhiều người khác, ông Hagel cho rằng cần hướng tới tương lai chứ không quay lại quá khứ.

John McCain, TNS-Cộng Hòa Arizona, từng nói rằng những nỗ lực giúp vào việc Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1994 “là môt trong những thành tựu đáng tự hào nhất” của đời ông.” Ông đã trở lại thăm Việt Nam nhiều lần và “ở Hà Nội người ta quen mặt tôi hơn là ở Phoenix, Arizona.”

Nhưng theo Hagel, “hãy còn nhiều bóng ma quanh đây.” Ông cho rằng không thể nào chấm dứt những tình cảm tâm lý đau buồn nơi một số cựu chiến binh và gia đình họ. Ông nói: “Lá cờ đen P.O.W./M.I.A. vẫn còn treo ở trụ sở Quốc Hội Liên Bang và các tiểu bang, và vẫn có người hy vọng hãy còn người Mỹ mất tích sống sót ở Việt Nam.”

Tuần trước, trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, một số lãnh tụ các tổ chức cựu chiến binh còn nói chuyện này. Frank Francois II, chủ tịch Service Disable Veteran Enterprises kể lại là một câu hỏi đã được nêu lên với Tổng Thống Obama: “Chúng tôi muốn Tổng Thống hỏi các nhà lãnh đao Việt Nam rằng còn người Mỹ nào bị giam giữ hay sống ở nơi nào đó không?” (HC)

-------------------------------------------






No comments:

Post a Comment