Tuesday, May 3, 2016

NHỮNG VẤN NẠN & THÁCH THỨC ĐỐI VỚI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Lan Phương, BBC tiếng Việt)





04/05/2016
*
*

Lan Phương, BBC tiếng Việt
Tường thuật từ Loei, Thái Lan
29 tháng 4 2016
.

Ngôi làng Ban Klang trở thành tâm điểm khi chống một dự án đảo dòng nước từ sông Mekong vào qua làng họ

Ban (làng) Klang nằm kín đáo trên một địa thế hiểm trở giữa các ngọn đồi ở tỉnh Loei, Thái Lan. Dân làng chậm rãi ra về sau một ngày làm việc nóng bức trên những đỉnh đồi xanh mướt cao su và khoai mì.

Mở sông, đảo dòng

Trái với cảnh bình yên đó, người khách lạ ghé thăm có thể ngạc nhiên trước những tấm băng-rôn căng rộng giữa cổng làng: “Chúng tôi không muốn cửa nước”, “Chúng tôi cần sông Loei”, “Không được nhấn chìm làng”. Thật vậy, Ban Klang không thể ngờ đến một lúc, họ đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh chấp nguồn nước, thậm chí tiềm ẩn trở thành “điểm nóng” của những mùa hạn hán tương lai trên dòng sông Mekong.

Buổi sáng tôi đến, Ban Klang họp để nói về những đường hầm dẫn nước tương lai có thể được xây trên sông Loei và một cửa nước tên Si Song Rak.

Bà Prawin, 52 tuổi, nói: “Tôi sinh ra ở làng này. Năm nay hạn hán, nhưng về mùa hạn, chúng tôi không trồng gì nhiều, mà chỉ xuống sông Loei bắt cá, bắt ốc. Mỗi ngày cũng kiếm được 300-400 baht. Nếu người ta đào sông Loei lên để xây đường hầm, chúng tôi sẽ không còn cá để bắt. Vậy phải sống ra sao vào mùa nắng?”

Làng Klang của bà nằm cạnh sông Loei. Con sông chỉ là một đoạn nước mỏng manh, hẹp và trong veo, uốn khúc đi qua làng. Nhưng con sông có thể sẽ không còn là nó nữa nếu dự án đầy tham vọng Kong – Loei – Chi – Mun được thành hình, nhằm giữ nước lại cho Thái Lan trong những mùa khô hạn.

Dự án Kong – Loei – Chi – Mun được mô tả sẽ nạo vét đáy sông Loei sâu thêm 5m. Theo dự án này, cửa sông Loei, quãng đổ từ dòng chính sông Mekong vào, sẽ được cơi nới rộng thêm 250m, để nước từ sông Mekong đổ vào.

Theo dự án, con sông nông và hẹp này sẽ được nạo vét sâu thêm 5m để làm hầm dẫn nước

Sau đó, Chính phủ Thái Lan dự định xây dựng 24 đường hầm ở đáy sông Loei, để nước theo “trọng lực” chảy vào Loei, dẫn tới các sông Chi, sông Mun, trữ ở đấy, đề phòng cho những mùa hạn hán nghiêm trọng sau này có thể xảy ra ở nhiều tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan như năm nay.

Bà Sorarat Kaewsa – trưởng làng Ban Khang – nói: “Làng chúng tôi chưa bao giờ thiếu nước. Chúng tôi trồng cao su, khoai mì, nhiều gia đình đều có đào hồ chứa nước. Làng không dùng nước từ sông Loei. Mùa hè, dân làng đánh bắt cá tôm từ sông Loei, nếu họ đào dòng sông lên, sẽ không còn tôm cá, mùa hè người làng không thể kiếm sống nữa”.

Trên tấm bản đồ vẽ tay theo kiểu nông dân, bà Sorarat và dân làng Ban Khang nói về những lo sợ của họ: cửa nước Si Song Rak và những đường ngầm được đào sâu xuống sông Loei, để đưa nước từ dòng chính sông Mekong vào.

Con sông của ngôi làng hơn 400 tuổi sắp chịu một cơn “đại phẫu” trong cơn khát tàn bạo của cả khu vực.

‘Cuộc chiến của nước’?

Trong một cuộc gặp với báo giới tại Chiang Khan, khi bị chất vấn về tính khả thi của dự án, bà Chawee Wongprasittiporn – Giám đốc dự án của Cục Thuỷ lợi Hoàng gia Thái Lan – nói: “Không phải 24 đường hầm sẽ được xây ngay lập tức, chúng tôi vẫn còn mâu thuẫn với dân làng cần phải thảo luận. Chúng tôi sẽ có thể xây trước 1 - 2 đường hầm, sau đó dẫn nước và theo dõi. Nếu có sự cố gì, chúng tôi sẽ điều chỉnh dự án để phù hợp hơn”.

Trả lời BBC Tiếng Việt về lượng nước mà Thái Lan sẽ lấy từ dòng chính sông Mekong vào trong giai đoạn đầu của dự án, bà Chawee nói “có thể khoảng 2.036 triệu m3 nước/năm”.
“Chúng tôi sẽ cố gắng không lấy nước từ sông Mekong vào tháng Ba, tháng Tư, những thời điểm mùa khô nhất của sông Mekong để không ảnh hưởng nhiều đến hạ nguồn” – Bà Chawee nói.

Buổi chiều cùng ngày, ông Chanarong Wongla – đại diện cộng đồng ngư dân tại Chiang Khan, chở tôi đi thuyền đến miệng sông Loei hướng vào dòng Mekong.

Đến một quãng sông hẹp với cây cối và phù sa màu mỡ, ông Chanarong chỉ dẫn: “Đây chính là miệng sông Loei, nơi Chính phủ dự định sẽ nạo vét và mở rộng miệng sông. Động vật thuỷ sinh, bùn trong sông Loei chính là nơi giúp cá ghé vào đẻ trứng. Hãy tưởng tượng nếu nó bị nạo vét và mở rộng, dòng nước chảy mạnh, sẽ không còn nơi cho cá trú ẩn nữa”.

Ông Chanarong cũng là người có kinh nghiệm hướng dẫn ngư dân cùng với các nhà khoa học làm khảo sát về nguồn cá, nguồn nước tại tỉnh Loei.

Mô hình của cửa nước Si Song Rak để điều khiển nước từ sông Mekong vào nếu Thái Lan quyết định lấy nước

Ông nói với BBC Tiếng Việt: “Nếu dự án xảy ra, vấn đề là nó sẽ lấy nước từ dòng chính sông Mekong. Những nhà khoa học làm việc với chúng tôi nói với các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam, họ lo ngại sẽ xảy ra một thứ gần như cuộc chiến giành nước, bởi vì Thái Lan sẽ lấy một lượng nước khỏi dòng sông”.
“Tôi không rõ nếu Thái Lan lấy nước, liệu có còn đủ nước cho các nước hạ nguồn hay không, liệu có còn đủ nước để tránh bị xâm nhập mặn ở đồng bằng ở Việt Nam hay không. Có thể dự án này sẽ ảnh hưởng đến đất ở đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam”.

Số phận hạ nguồn?

Trước câu hỏi, liệu Thái Lan có nghĩ đến Campuchia hay Việt Nam trong dự án lấy nước này không, bà Chawee Wongprasittiporn nói: “Về nghiên cứu về việc lấy nước từ sông Mekong từ thượng nguồn. Chúng tôi cố gắng lấy thông tin từ MRC, cố gắng xem tác động từ sông Loei, xem tác động giữa phần Lào và Thái Lan”.
“Chúng tôi sẽ cố gắng mô phỏng xem dòng chảy thay đổi ra sao khi đến Campuchia và Việt Nam, so sánh những thay đổi ở phía Campuchia và Việt Nam trước khi chúng tôi dẫn nước và sau khi dẫn nước, sau đó sẽ gửi cho MRC để ra quyết định”.
“Nhưng cho tới giờ, chúng tôi chưa có thông tin từ phía Lào nên chưa thể mô phỏng tác động xuống Campuchia và Việt Nam được.” – Bà Chawee nói.
"Chúng tôi cố gắng xem xét, càng nhiều càng tốt, trong khả năng của mình”.

Theo trình bày của Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan, dự án này sẽ lấy khoảng 4 tỷ m3nước/năm từ dòng Mekong.

Lấy nước có ảnh hưởng tới Đồng bằng Sông Cửu Long?

Tại Việt Nam, nhiều tháng qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu rất nhiều thiệt hại vì xâm nhập mặn và hạn hán

Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu Thành phố Cần Thơ nói: “Lượng nước lấy như thế vào mùa mưa thì có thể chấp nhận được. Nhưng vào mùa khô, đặc biệt như mùa khô năm 2010 thì lại chiếm khoảng 10% lưu lượng bình quân ngày tại Tân Châu trong tháng 5/2010, thì là một lượng nước rất lớn gây nguy cơ xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long các tháng mùa khô”.

Trung Quốc và Lào làm thủy điện, Thái Lan lấy nước, số phận những cư dân cuối nguồn như Việt Nam sẽ ra sao?

L.P.

-------------------------

Lan Phương
Từ Loei, Thái Lan
2 tháng 5 2016
.
Trước đây, về mùa khô, khu vực này luôn đông khách du lịch với những chòi tạm lãng mạn cất trên mực nước hiền hòa. Giờ thì mọi căn lều đều có thể bị phá hủy chỉ vì nước đổ về chớp mắt

Kaeng Khut Khu là một khu du lịch nằm bên bờ sông Mekong. Với người Thái Lan ở tỉnh Loei, mùa khô nhất hàng năm, dân làm cá vẫn bộn tiền mùa du lịch. Nhưng giờ đây, du lịch cũng "đói" khi con sông quẫy mình theo... thủy điện.

Con nước cướp miếng ăn
Ông đánh cá tên Prayun San-ae nói: “Bình thường nước lên xuống theo mùa, biết được nước cạn, nước về, chúng tôi đánh bắt cá. GIờ không đoán được lúc nào nước về nữa.”

Mỗi ngày, để nổ máy thuyền bơi ra Mekong đánh cá, ông Prayun đã tiêu hết 100 baht tiền dầu máy. Cá sông Mekong bắt được, ông bán được chừng 200 baht/kg (khoảng 140.000đ/kg). Trưa hôm ấy, ba con cá của ông đánh được người trên bờ mua lại, mỗi con to đến hơn 3kg. Nhưng Prayun không vui.

Những con cá Mekong to lớn ngày càng ít đi, người dân dọc Mekong ngày càng đói

Ông nói: “Cá nhỏ lắm rồi. Vài năm trước, cá dưới 6kg là cá nhỏ. Nhưng giờ tụi tôi chỉ đánh được những con chừng 3kg. Cô nhìn thấy cỏ xanh trên kia không? Chỉ bốn ngày trước, nước cao ngập luôn trên đó.” – Ông nói và chỉ lên cao sát bờ sông, có lẽ phải hơn vị trí chúng tôi đứng gần 2m. Trong buổi chiều gặp ông, nước sông Mekong xuống thấp tận đáy, đám trẻ con lội bộ ra tận giữa dòng chơi. Chỉ mới vài năm gần đây, con sông quen thuộc với ngôi làng hàng trăm tuổi của họ mới trở nên khó hiểu đến vậy.

Như thông lệ, đến mùa Tết té nước Songkran, nước trên đoạn sông này sẽ thấp, nhưng ngập lấp xấp cẳng chân. Người ta dựng những trại nhỏ trên mặt nước như lán sàn, cho du khách đến chơi ra giữa sông ăn uống, nghỉ ngơi.

Nhưng vài năm gần đây, những lều trại du lịch thình lình bị quét sạch sau một đêm, khi con nước bất thần từ thượng nguồn đổ về, ngay giữa mùa khô cạn nước. Hàng chục lán trại trong những tờ rơi quảng cáo du lịch chỉ còn lại vài trại tạm bợ ít ỏi cuối cùng.

Sự bất thường của nước sông đồng nghĩa với cả một mùa khô đói kèm của dân vùng này.
Không thể kiếm tiền từ du lịch, không thể bắt cá, ông Vachira, một người đánh cá, nói: “Bây giờ, ban ngày tôi đi làm công nhân xây dựng. Ban đêm mới đi đánh cá. Hàng xóm của tôi phải đi hát rong trong khu du lịch, đi bán hàng để kiếm thêm tiền vì không còn cá.”

Những ngư dân như ông Prayun hay Vachira đã nghe về một cửa nước và những đường hầm tương lai sẽ xuất hiện ngay bên nguồn sinh sống của họ. Khi tôi hỏi, ông nghĩ liệu cửa nước sẽ gây ra điều gì, ông nói: “Tôi không biết rõ, nhưng có lẽ cá sẽ ít đi hoặc mất đi hẳn. Vì sông Loei là chỗ cá đẻ trứng, nước lặng, cá lớn và đi vào sông Mekong.” – Prayun không tin mình sẽ được hưởng gì khi sông Mekong mất đi dòng nước lớn.

‘Cái chết từ từ’ của Đồng bằng sông Cửu Long

Ngồi trên thuyền đi cùng, nhà nghiên cứu Yuttana Vongsopa tại Chiang Khan nói: “Tôi cùng ngư dân ở đây thực hiện các nghiên cứu về nguồn cá và nước. Trên sông Mekong ở đây, chúng tôi đã thống kê có đến sáu loài cá biến mất hoàn toàn kể từ khi các đập thủy điện nhiều lên. Con cá to nhất cuối cùng mà ngư dân ở đây đánh được là 130kg, đã từ năm 1989.” – Yuttana Vongsopa cũng là người theo sát những biến động của dòng nước sông trong những năm bất thường gầy đây.

Ở nhiều quãng sông Mekong, cá chỉ còn bé như vậy

Nói với BBC Tiếng Việt từ Cần Thơ, Tiến sĩ Dương Văn Ni - một chuyên gia về nguồn nước tại Đại học Cần Thơ cho biết những dự án thủy điện và cả đảo dòng sông Mekong ở thượng nguồn là “cái chết từ từ của Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Ông Ni giải thích chế độ thủy văn của sông Mekong bị thay đổi như “xây thủy điện chặn ngang dòng sông, đào thêm kênh mương, hồ trữ, dẫn nước từ Mekong qua các lưu vực sông khác” đều sẽ gây ra “ảnh hưởng trầm trọng” vì sông Mekong không chỉ đưa phù sa hay nước, mà còn đưa 160 - 170 triệu tấn cát về miền Tây Việt Nam, để “giữ cho mặt đất dưới này không sụt xuống”.
“Nếu thiếu cát, sỏi, sạn thì dầu chúng ta có rất nhiều sét, thịt, bùn thì nó không giữ lại được, không định hình được đất đai và đẩy hết ra biển.”

Một phần của việc bị xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long được cho là vì vùng đất này dần sụt lún

“Mọi người, nhà báo, truyền hình ai cũng nói tới thiếu nước. Nhưng thiếu nước ngọt, ta có thể lấy chỗ này bù chỗ khác, thiếu nước tưới, ta có thể chở từ nơi khác bù vào chỗ thiếu này. Nhưng nếu Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát, thiếu phù sa, mặt đất sụt hàng ngày, không lấy đâu ra phù sa bù lại được. Đồng bằng sẽ chìm xuống, ngập mặn.”

Ông Ni cũng giải thích: “Ngay cả Thái Lan rất chú trọng đào các hồ lớn, dẫn nước sông Mekong vào nhưng tất cả nếu có ai làm một nghiên cứu cặn kẽ để đánh giá sẽ thấy nó không giải quyết được bao nhiêu vấn đề họ cần, mà nước vẫn mất đi, thậm chí từ bằng tới cao hơn vì cả một vùng khô hạn thì không thể trữ được nước chỗ nào mà không bốc hơi được. ”

Khi ông Ni nói với tôi những điều này, cuộc hạn hán và ngập mặn ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam đã tới đỉnh điểm phá hủy của nó, khi những cánh đồng đã cháy trắng vì mặn và nước không còn trên đồng.

§  Số phận của những ngư dân Thái hay tương lai của nông dân sông Cửu Long giờ đây phụ thuộc vào những định đoạt đầy bấp bênh của chính lãnh đạo các quốc gia dọc dòng sông này, một nhà nghiên cứu từ ASEAN nói gì về tương lai của các quốc gia trên dòng Mekong?

§  Bài tiếp theo: Cơ hội nào cho quốc gia hạ nguồn?

-----------------------------------

Lan Phương
Từ Loei, Thái Lan
3 tháng 5 2016

Năm 2015, cơ chế Lancang- Mekong ra đời, gồm các thành viên là Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar, những quốc gia trên sông Mekong.

Với nhà nghiên cứu độc lập Apichia Sunchidah, cựu Giám đốc điều hành của Tổ chức Asean, sự kiện này có thể được xem là “tích cực”. Ông dành cho BBC Tiếng Việt một phỏng vấn về số phận của dòng sông Mekong.

§  Khi hạn hán xảy ra ở các quốc gia trên sông Mekong, đã xảy ra nhiều vấn đề căng thẳng, ông có nghĩ những căng thẳng này có phát triển thành xung đột giành nước trong tương lai?
Tôi nghĩ sẽ có thể có căng thẳng, những phàn nàn từ quốc gia này, quốc gia khác, nhưng tôi không hy vọng nó trở thành tranh chấp và xung đột toàn phần trong khu vực.
Nguồn nước có khả năng trở thành nhân tố gây căng thẳng. Ngay bây giờ vẫn có nhiều thất vọng, tranh cãi,thậm chí các nước đổ lỗi cho nhau, nhưng thường các nước không có bằng chứng khoa học khi cáo buộc.
Ví dụ như, các quốc gia hạ nguồn vẫn tranh cãi Trung Quốc xả nước cứu hạn, nhưng đó có thực sự là nước từ đập Trung Quốc xuống hay không hay nước còn đến từ các dòng nhánh của sông Mekong nữa, rồi Lào cũng nói họ xả nước, vậy nước bao nhiêu là đủ để cứu hạn Đồng bằng Sông Cửu Long?

§  Vậy hiện trạng của bức tranh quản lý nguồn nước chung ở sông Mekong giờ ra sao?
Về quản lý nguồn nước, hầu hết các quốc gia vẫn chỉ phỏng đoán, suy luận. Đã đến lúc các nước cả ở thượng nguồn và hạ nguồn phải cởi mở để có xác nhận thông tin khoa học. Hiện giờ tôi nghĩ cả hai bên đều chưa hoàn thiện được điều này.
Chúng ta cần biết nước được xả xuống thực chất đến từ đâu? Nguồn nước xả xuống bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu là cần thiết. Với những dữ liệu đó nhà khoa học có thể thiết lập mô hình, đánh giá dữ liệu và đưa ra điều tiết hiệu quả cho cả khu vực
Các quốc gia hạ nguồn có vẻ cởi mở hơn một chút, vì họ có Ủy ban Sông Mekong (MRC), họ có thể chia sẻ thông tin với nhau. Từ Tam Giác Vàng trở xuống, có rất nhiều trạm nước để đo và đánh giá nguồn nước, nên ta có thể hình ảnh hoàn chỉnh hơn ở khu vực này trở xuống.
Giờ đây, chúng ta cần thêm thông tin đầy đủ từ Trung Quốc nữa để có thể đánh giá và quản lý nguồn nước xuyên biên giới.Có đủ thông tin, nước sẽ không còn là vấn đề gay cấn như bây giờ.

Nhà nghiên cứu độc lập Apichai Sunchindah chuyên nghiên cứu về nguồn nước và các vấn đề của Asean

§  BBC: Trước đây, đã có MRC giờ lại có cơ chế Lancang – Mekong, liệu có hứa hẹn gì tốt hơn cho tương lai của sông Mekong, hay các quốc gia vẫn sẽ làm gì họ muốn trên dòng sông mà không cần quan tâm nước khác?
MRC bị giới hạn trong quyền hạn bắt buộc với bốn quốc gia hạ nguồn. Mặc dù MRC có Trung Quốc và Myanmar tham gia với tư cách đối thoại thì họ vẫn chỉ là các nhà quan sát. Họ không phải thành viên đầy đủ và vì thế mức độ hợp tác, chia sẻ thông tin cũng không đầy đủ, không giống như một thành viên chính thức. Trước đây, Trung Quốc nói họ sẽ công bố cái gì mà họ muốn,chỉ là họ tự nguyện, chứ không cần tuân theo ai cả.
Nếu là thành viên chính thức, ít nhiều quốc gia thành viên cũng phải hoàn thành nghĩa vụ, phải thực hiện một số yêu cầu, công bố một số thông tin. Giờ đây, với cơ chế Lancang –Mekong, Trung Quốc không còn ở trong trạng thái đó nữa. Tất cả sáu quốc gia giờ đều là thành viên, cùng ngồi chung một bàn.
Với cơ chế mới này, các chuyên gia hi vọng quốc gia thành viên sẽ được chia sẻ thông tin cởi mở hơn, giá trị hơn, ví dụ như mức độ nước, lượng nước, điều mà trước đây Trung Quốc chỉ công bố rất ít.

§  BBC: Quay trở lại với Thái Lan, dường như Thái Lan đang muốn triển khai các dự án dẫn nước từ sông Mekong vào để trữ cho các mùa hạn hán, liệu điều này có ảnh hưởng đến các quốc gia hạ nguồn?
Chúng tôi đã nghe về mô hình này trong một thời gian rất dài, về dự án Kong - Chi - Mun dẫn nước. Tuy nhiên, tất cả những thứ đó mới chỉ nằm trên dự án, chứ chưa thành hiện thực.
Những gì tôi thấy bây giờ chỉ là việc bơm nước tạm thời để giải quyết nhanh tình trạng thiếu nước hiện tại, như bơm nước vào các đồng bị khô hạn, bơm để có nước uống cho một số nơi. Nó là các hoạt động tình huống chứ chưa đến mức những dự án lớn và lâu dài như Kong - Chi - Mun.

Dự án Kong - Chi - Mun Thái Lan dự định làm để dẫn nước từ dòng chính sông Mekong vào trữ trong các sông nhỏ nội địa

§  BBC: Là quốc gia cuối nguồn, Việt Nam có tiếng nói nào để thương thảo trong bức tranh chung của sông Mekong không?
Trên lý thuyết, Việt Nam hoàn toàn có thể thương thảo, nêu quan ngại về vấn đề này. Tất nhiên còn tùy thuộc vào việc Việt Nam có lý do ra sao, chứng cớ khoa học gì để có nêu quan ngại của mình với các quốc gia khác.
Với sự kiện Việt Nam kêu gọi Trung Quốc xả nước. Trung Quốc đồng ý xả. Việt Nam cũng đã nói họ ghi nhận hành động của Trung Quốc. Nhìn ở khía cạnh tích cực thì ít nhất lời đề nghị này có tác dụng. Trung Quốc xả nước vì Việt Nam nêu vấn đề. Vậy là ít ra hành động đó có tác dụng.
Tất nhiên là sau đó lẽ ra Việt Nam cần phải biết rõ hơn là xả nước với tốc độ bao nhiêu, trong thời gian bao lâu hay chỉ tạm thời. Nếu chỉ xả tạm thời mà không đủ nước thì không có tác dụng. Như hạn hán tại Việt Nam, có lẽ phải tăng thời gian xả nước thì mới có tác dụng với Đồng bằng sông Cửu long trong mùa hạn hán.

§  BBC: Trong khi Việt Nam nói Trung Quốc xả nước, nông dân Thái và các Tổ chức phi chính phủ Thái lại phản đối, vì nước làm ngập khu vực sinh sống của họ, điều này có giống một xung đột không?
Vâng, hoàn toàn có thể là xung đột. Tôi nghĩ thứ các quốc gia cần ở đây là một cơ chế tốt để quản lý dòng chảy này, bao gồm cả tính toán phải đánh đổi ra sao.
Việt Nam muốn càng nhiều nước càng tốt để thoát khỏi hạn mặn. Người Thái lại không hài lòng với việc xả nước quá mức vì gây ngập lụt. Mỗi bên phải cẩn thận đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn xung đột và làm sao để có được những giải pháp mà cả hai bên đồng thuận được.
Về khía cạnh kỹ thuật thuần túy, tính toán dòng nước hoàn toàn không phải vấn đề.Chúng ta hoàn toàn có thể tính toán các mẫu vận hành kỹ thuật, giả lập tình huống để tính toán dòng nước. Chúng tôi đã từng làm các mô hình đó trên các con sông tự nhiên rồi. Các con sông lớn chảy qua nhiều quốc gia như vẫn có thể quản lý dòng chảy như vậy mà.
Nói về mặt kỹ thuật, điều này hoàn toàn có thể làm được. Vậy ở đây, chúng ta cần biết từng quốc gia cần gì? Ai sẽ bị tác động? Chỉ cần các quốc gia có dữ liệu và sẵn sàng làm việc cùng nhau, đây hoàn toàn không phải vấn đề khó khăn.

Với người phụ nữ ngư dân duy nhất ở Chiang Khan này, việc đánh bắt cá của bà khó khăn hơn nhiều vì dòng chảy luôn thay đổi

§  BBC: Nhưng các quốc gia không sẵn sàng chia sẻ thông tin thì sao?
Vâng, vậy tôi mới nói về khía cạnh kỹ thuật thuần túy. Nếu bạn chỉ có hai trạm đo đạc, so với bạn có 100 trạm đo đạc, kết quả tất nhiên sẽ khác nhau. Vấn đề ở đây là, liệu ta có đủ thông tin không?
Tôi đoán, giờ có lẽ ta đã có đủ tất cả các trạm đo nước dọc toàn bộ sông Mekong. Điều quan trọng cuối cùng là liệu Trung Quốc có sẵn sàng chia sẻ thông tin liên quan với các thành viên hạ nguồn không?

§  BBC: Tại sao giờ đây Trung Quốc lại muốn thiết lập cơ chế Lancang – Mekong ? Trong khi đó suốt thời gian trước đây họ vẫn phớt lờ các quốc gia hạ nguồn?
Trước giờ Trung Quốc vẫn bị những cái nhìn tiêu cực từ các nước hạ nguồn. Đã đến lúc Trung Quốc muốn được nhìn nhận tích cực hơn trong khu vực.Họ muốn hạ nhiệt một số khu vực, như muốn vùng Mekong có hợp tác tốt hơn, cân bằng lại và để có thể tập trung hơn vào vấn đề Biển Đông, cũng là một khu vực có xung đột căng thẳng.
Ngoài ra, Trung Quốc muốn hợp tác tốt hơn, buôn bán tốt hơn, di chuyển tốt hơn. Đừng quên cơ chế Lancang - Mekong không chỉ có hợp tác về nguồn nước, mà còn có thương mại, hợp tác kinh tế. Tôi nghĩ tất cả có liên quan với nhau trong bức tranh phát triển lớn.





No comments:

Post a Comment