25.05.2016
Người dân ở TpHCM
chờ đón Tổng thống Obama, ngày 24/5/2016.
Nhân chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tại
Việt Nam, chúng ta thử nghĩ về mối quan hệ (chính trị) giữa hai nước từng là kẻ
thù của nhau trong suốt thời chiến tranh Việt Nam.
Nhắc đến chữ “kẻ thù”, xin lưu ý là, với các chính
khách Mỹ, như họ thường nói, chỉ có những lợi ích quốc gia vĩnh viễn nhưng
không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn. Bạn hay thù có thể thay đổi từng lúc, tuỳ
theo quyền lợi quốc gia của họ. Mà quyền lợi quốc gia của Mỹ, trong giai đoạn
hiện nay cũng như trong vài thập niên tới, chủ yếu nằm ở vùng châu Á – Thái
Bình Dương nơi họ bị thách thức lớn nhất từ một cường quốc mới nổi: Trung Quốc.
Có thể nói toàn bộ chiến lược quay về với châu Á và Thái Bình Dương của Mỹ đều
xuất phát từ những đe doạ đến từ Trung Quốc.
Về phương diện chính trị và quân sự, những đe doạ từ
Trung Quốc chủ yếu diễn ra trên mặt biển. Chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu
xảy ra, chắc chắn sẽ xảy ra trên biển. Có hai vùng biển chính có thể biến thành
chiến trường: Hoa Đông và Biển Đông. Khả năng bùng nổ xung đột lớn ở biển Hoa
Đông tương đối ít vì ở đó Trung Quốc phải đối đầu với một kẻ thù rất giàu và
cũng rất mạnh, hơn nữa, có quan hệ liên minh chiến lược chặt chẽ với Mỹ: Nhật Bản.
Chỉ có ở Biển Đông là Trung Quốc có nhiều ưu thế nhất. Tất cả các đối thủ của
Trung Quốc ở vùng biển ấy đều nhỏ và yếu hơn Trung Quốc hẳn. Bởi vậy, để bành
trướng lãnh hải và lãnh thổ, chắc chắn Trung Quốc sẽ chọn hướng Biển Đông của
Việt Nam. Mà họ đã bắt đầu tiến trình bành trướng ấy thật. Từ hơn một năm nay,
họ đã bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo và biến chúng thành các căn cứ quân
sự. Các nhà bình luận chính trị dự đoán không lâu nữa, Trung Quốc sẽ tuyên bố
vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.
Đối diện với nguy cơ bành trướng ấy của Trung Quốc,
Mỹ tuyên bố chính sách chuyển trục về châu Á – Thái Bình Dương. Ở vùng này, Mỹ
đã có bốn đồng minh lâu đời và đáng tin cậy nhất: Úc, Nhật, Hàn Quốc và
Philippines. Từ mấy năm nay, Mỹ ra sức tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia
khác trong khu vực. Liên quan đến Biển Đông, ngoài Philippines, các nước được
nhắm tới đầu tiên là Malaysia, Singapore và Việt Nam. Trong số đó, Việt Nam chiếm
vị trí quan trọng hàng đầu vì Việt Nam có đảo và vùng biển bị tranh chấp nhiều
nhất. Có thể nói chiến lược đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông của Mỹ sẽ phụ
thuộc khá nhiều vào thái độ của Việt Nam: Nếu Việt Nam đồng tình với việc xâm lấn
của Trung Quốc, Mỹ sẽ mất đi một chỗ dựa quan trọng. Quan trọng nhưng không phải
bất khả thay thế: Mỹ vẫn còn nhiều đồng minh khác trong khu vực.
Về phía Việt Nam cũng vậy. Trừ phi Việt Nam cam tâm
bán đứng Biển Đông cho Trung Quốc, cách duy nhất để Việt Nam có thể bảo vệ chủ
quyền của mình trên Biển Đông là phải liên kết với Mỹ. Trước hết, cần loại trừ
ngay khả năng Việt Nam có thể một mình bảo vệ được chủ quyền của mình. Tương
quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay khác hẳn những năm 1978-79.
Để tự vệ, Việt Nam cần có đồng minh. Từ mấy năm nay, Việt Nam cố sức xây dựng đối
tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng những quốc gia thực sự
có thể giúp Việt Nam trong thế trận đương đầu với Trung Quốc rất hiếm. Ngay cả
Nga, nước Việt Nam hy vọng nhất, mới đây cũng tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong
chính sách phi quốc tế hoá các tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ cũng không phải là
nước đáng tin cậy: Một mặt, Ấn Độ có truyền thống phi liên kết lâu đời; mặt
khác, về quân sự, Ấn Độ cũng không phải là đối thủ của Trung Quốc. Đó là chưa kể,
về quyền lợi, không có lý do gì để Ấn Độ chọn đứng hẳn về phía Việt Nam. Một số
quốc gia khác, như Úc hay Nhật chỉ có thể trở thành hữu dụng khi Mỹ cũng nhập
cuộc. Thành ra Việt Nam chỉ có một đồng minh duy nhất có động cơ và đủ khả năng
để giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông: Mỹ. Không còn nước nào khác.
Tuyệt đối không.
Bởi vậy, có thể nói tuy cả hai có cùng quyền lợi
trên Biển Đông nhưng rõ ràng là Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam.
Đó là trên nguyên tắc.
Trên thực tế, cho đến nay, nước bày tỏ nhiều thiện
chí nhất là Mỹ chứ không phải Việt Nam. Để củng cố mối quan hệ song phương, Mỹ
có hai nhượng bộ chính: Một, thừa nhận thể chế chính trị phi dân chủ của Việt
Nam (qua việc tiếp đón Nguyễn Phú Trọng ở Nhà Trắng, và những cam kết không xâm
phạm vào thể chế của nhau) và hai, làm ngơ trước những sự vi phạm nhân quyền
nghiêm trọng tại Việt Nam khi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương
cho Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền. Thả người
này ra, họ lại bắt người khác. Trong nhà tù của họ, do đó, lúc nào cũng đầy những
tù nhân lương tâm, không có tội nào khác ngoài việc đòi hỏi dân chủ hay chống lại
Trung Quốc.
Ở phương diện này, có thể nói Việt Nam đã “thắng” Mỹ.
Có điều, đó chỉ là những cái “thắng” tạm thời. Về
lâu về dài, để xây dựng cái Nguyễn Tấn Dũng gọi là “niềm tin chiến lược”, hai
bên cần chia sẻ với nhau những bảng giá trị chung, trong đó, nổi bật nhất là những
vấn đề liên quan đến nhân quyền. Không có sự chia sẻ ấy, mọi sự hợp tác đều vẫn
bị giới hạn. Chính sự giới hạn đó sẽ làm Việt Nam bị thiệt khi thực sự đối đầu
với Trung Quốc trên Biển Đông.
--------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment