Kính
Hòa, phóng viên RFA
2016-05-23
2016-05-23
.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia
đình tại trại giam trước đây. Courtesy photo
Trần
Huỳnh Duy Thức
Ngày của Mẹ lòng con trĩu nặng
Những ước mơ phận sự chưa tròn
Đêm lệ rơi những cơn khát mặn
Những phận đời khô khốc tình thương
Đường đã mở con quyết bước không chờn
Cho ngày mai Việt Nam mình xán lạn
Dâng lên Mẹ nứt căng tràn cuộc sống
Tâm linh Người tiếp sức nối vòng tay.
Đó là bài thơ của người tù chính trị Trần Huỳnh Duy
Thức gửi cho mẹ ông từ lao ngục.
Bài thơ ấy cũng giống như một bài thơ tuyệt mạng khi
ông công bố rằng ông sẽ tuyệt thực cho đến chết để đòi những người cộng sản phải
thực hiện một chế độ dân chủ. Một đòi hỏi, một thách thức mà những người lạc
quan nhất trong thời điểm hiện nay cũng khó có thể tin là có thể xảy ra.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt cách đây gần bảy năm,
và chịu một bản án nặng nhất, 16 năm, mà những người cộng sản dành cho những
người tù chính trị trong thời gian mấy chục năm qua.
Ông và các đồng chí bị bắt vì cổ súy cho một cuộc đấu
tranh bất bạo động, và cho đến bây giờ ông không hề nhận một tội nào mà những
người cộng sản gán cho ông.
Blogger Minh Không viết rằng “Anh không nhận bất kỳ
một tội danh nào, không đàm phán thỏa thuận bất kỳ một điều gì. Chỉ giữ lấy duy
nhất niềm tin của mình, đổi lấy bản án 16 năm ngục tù nhẹ như sợi nắng.”
Một người bạn tù của ông là nhà báo Trương Duy Nhất,
khi biết ông bị chuyển ra trại giam Nghệ An, và tuyên bố tuyệt thực, đã nhắn gửi
ông Thức câu nói nổi tiếng của chính mình trước vành móng ngựa là “Có loại tù
làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang!” Ông Nhất viết
rằng câu nói đó giành cho Trần Huỳnh Duy Thức.
Một tác giả viết trên Dân Làm Báo đặt câu hỏi tại
sao Trần Huỳnh Duy Thức?
“Vì sao Trần Huỳnh Duy Thức, câu này là câu hỏi cũng
được. Hỏi vì sao những góp ý, phản biện chân thành, quý giá của anh lại gánh những
bất công như vậy? Vì sao nhà cầm quyền sợ anh đến mức dùng bản án khắc nghiệt
cho anh như vầy. Vì sao và vì sao? Hỏi nhưng tôi đã có sẵn câu trả lời: chính
vì khí phách của anh, vì kiến thức của anh, vì con đường mà anh đã chọn - Nên
cho tôi đổi lại Vì sao Trần Huỳnh Duy Thức là câu khẳng định chứ không còn là
câu hỏi nữa: vâng sự dấn thân vì nước nhà của anh sáng như một vì sao: vì sao
mang tên Trần Huỳnh Duy Thức.”
Tác giả Vo Vi Vu viết rằng sự hy sinh và dấn thân của
Trần Huỳnh Duy Thức sẽ không uổng phí, còn những kẻ bức hại ông hiện nay sẽ bị
lương tâm chất vấn mãi mãi:
“Rồi đến ngày thế lực bóng tối sẽ bị diệt vong. Những
người đang tâm đẩy anh vào lao tù, dùng cường quyền và luận điệu dối trá để
bách hại anh, tòa án lương tâm sẽ mãi chất vấn họ và con cháu họ. Còn những ai
yêu nước, thương dân, cầu tiến, yêu mến sự thật, đối với họ anh mãi là tấm
gương soi chiếu ngàn đời. Anh cứ an tâm thực hiện những lý tưởng mà con tim,
lương tâm anh hối thúc. Em tin anh sẽ chiến thắng. Anh có về với đất thì trái
tim, tinh thần anh sống mãi trường tồn.
Chẳng có sự tồn tại nào vĩnh cửu ở cái chợ đời nhiều
trái ngang này. Đến một ngày những nấm mồ của những người đang đàn áp, cưỡng bức,
chống lại anh rồi cũng mọc lên bên cạnh nấm mồ anh. Dầu nấm mộ họ có to, có hào
nhoáng, hoành tráng cỡ nào thì cũng chẳng vĩ đại bằng nấm mồ nhỏ bé nơi không
bao giờ chôn được tấm lòng và lý tưởng sáng đẹp của anh.
Anh hãy yên tâm, nếu hơi thở anh cạn kiệt, thì sẽ có
hàng ngàn lá phổi khác, hấp thụ từ hơi thở của anh để tiếp tục thở thay anh. Nếu
nhịp tim anh ngừng đập, sẽ có hàng triệu con tim khác: những con tim biết yêu
thương, mến sự thật sẽ nhịp đập thay cho trái tim anh. Nửa thế kỷ có vẻ dài nếu
tính năm tháng nhưng thật ngắn ngủi với một cuộc đời.”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia
đình tại trại giam trước đây. Courtesy photo.
Tuy nhiên những đồng chí của ông không khỏi băn
khoăn với một quyết định can đảm nhưng đầy nghiệt ngã. Luật sư Lê Công Định,
người đồng chí, người bạn tù, của ông Thức nói rằng:
“Tôi biết rằng khi anh quyết định như vậy là anh đã
suy nghĩ rất kỹ. Thực tình mà nói tôi ủng hộ tư tưởng của anh nhưng trước một
quyết định ngặt nghèo như vậy thì tôi cảm thấy lo vì người như anh Thức không
thể thiếu cho phong trào đấu tranh cho tương lai của Việt Nam, và sự có mặt của
anh cổ võ cho chúng ta rất nhiều.”
Người
đàn ông cô đơn
Cuộc đấu tranh cho tương lai của Việt Nam bước sang
một giai đoạn mới qua những cuộc biểu tình lớn nhất từ hơn 41 năm qua dưới chế
độ cộng sản. Họ đấu tranh cho một Việt Nam có môi trường trong sạch, một chính
quyền minh bạch, họ bắt đầu bỏ qua những biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản là
những lá cờ đỏ, vốn xuất hiện trong những cuộc đấu tranh đầu tiên của những
nông dân mất đất.
Blogger Nikonian mượn lời cố thi sĩ Trần Dần để mô tả
khung cảnh của cuộc đấu tranh hôm nay:
“Tôi đi. Và tôi thấy trong đám đông đó chỉ thấy màu
xanh của biển cả. Tôi không “thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, không thấy T shirt cờ
đỏ sao vàng mà chỉ thấy áo in hình cá, hình biển.”
Ba cuộc biểu tình liên tục bị đàn áp, trong đó cuộc
biểu tình ngày 15 tháng Năm bị cả một bộ máy an ninh khổng lồ trấn áp ngay từ
lúc chưa khởi sự, những người biểu tình bị bắt ngay khi ra khỏi nhà, những con
phố Sài Gòn vắng ngắt.
Giữa những con phố vắng một người đàn ông tọa kháng
biểu tình.
Hình ảnh người đàn ông đó, qua ống kính của Bùi Dzũ
dường như trở thành một khoảnh khắc lặng lẽ, đầy bi kịch của nước Việt Nam
đương đại.
Bùi Dzũ viết rằng:
“Dường như, người đàn ông ấy quá cô đơn.
Cô đơn giữa những ma trận bủa vây thế thời, thời thế.
Cô đơn giữa quê hương nắng cháy như muốn thiêu đốt tất cả những ước mong lẫn
nguyện cầu. Tôi tự hỏi sao anh ta phải ra ngồi đó, lòng anh ta đem theo những
gì cho thì tương lai của chính mình, và những thế hệ tiếp nối nữa?
Người đàn ông cô đơn. Một dân tộc cô đơn vì mãi chẳng
thể tìm thấy một tiếng nói chung, thì làm sao chung sức, chung lòng…”
Đinh Sĩ Phúc tiếp lời:
“Người đàn ông cô đơn này vô tình đã làm được một
phép thử tuyệt đối: Nhà cầm quyền “sợ biểu tình” và đã đàn áp biểu tình dù chỉ
với một người, không có yếu tố bị xúi dục, không bạo động, không đe dọa an
ninh, trật tự!
Còn nhà cầm quyền tại sao lại sợ, sợ đến nỗi một người
cô đơn, ở một chốn đã gần như không có người qua lại để bày tỏ mối quan ngại về
môi trường của mình mà họ cũng phải đàn áp trong tích tắc! Mối lo sợ đó của nhà
cầm quyền ắt hẳn là phải to lớn lắm, mà có khi cũng là đen tối lắm? Phép thử người
đàn ông cô đơn đã xác định nỗi lo sợ đó của nhà cầm quyền một cách tuyệt đối!”
Người đàn ông cô đơn đó là nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh,
người từng có lúc đứng cùng chiến tuyến với những người cộng sản, ngày hôm nay
lại chính những người cộng sản giải ông ra khỏi phố vắng.
Và
những người khác
Cách ông Huỳnh Ngọc Chênh một thế hệ, cô Nguyễn
Trang Nhung cũng bị bắt khi cuộc biểu tình bị đàn áp, chứng kiến một người
biểu tình vô danh bị tra tấn:
“Những ghi chép về các anh hùng dân tộc bất khuất
tôi đã đọc nhiều, nhưng chứng kiến người thật việc thật trước mắt tôi muốn quỳ
xuống cảm phục anh. Lại mong anh đừng cố chống đối họ, khi áo anh rách bươm,
máu nhuốm loang lổ, dấu ấn chiếc đồng hồ in trên cổ tay anh, máu đã khô tự bao
giờ… Vậy mà trong mắt anh, tôi thấy một niềm tin bất diệt bừng sáng, anh tin đến
một ngày dân tộc này hoàn toàn vĩnh viễn không còn cảnh như hôm nay!”
Hàng ngàn người biểu tình như vậy, có tên và không
có tên, được báo chí Việt Nam của đảng cộng sản mô tả là phản động và bị các thế
lực thù địch xúi giục. Blogger Mạnh Kim nói đó là một cách thức để những người
cộng sản gieo rắc sợ hãi và khiếp nhục tinh thần. Còn nhà văn Nguyễn Đình Ấm
thì cho rằng đó là một sự xúc phạm nặng nề hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người
dân xót xa trước cảnh đất nước bị phá phách đầu độc, trước cảnh giống nòi có
nguy cơ thoái hóa và diệt vong.
Nhưng gieo rắc sợ hãi, sự xúc phạm nặng nề đó, theo
Nguyễn Huy Vũ, không thể làm chùn bước sự phản kháng đòi hỏi tương lai tốt hơn,
đòi hỏi môt chính quyền trong sạch hơn.
“Một biểu hiện rõ nhất đó là sự xuất hiện ngày càng
nhiều những tiếng nói của các bạn trẻ, đủ mọi thành phần. Họ cất lên tiếng nói
vì họ thấy quê hương và tương lai này là của họ. Và khi họ, những người trẻ chiếm
một nửa dân số, từ từ bước ra và bước qua nỗi sợ để nói lên khát vọng tự do, những
người đang tước đoạt tự do chính là những người sẽ phải sợ. Tất cả dường như chỉ
là bắt đầu. Vì một khi mọi người dân đều hiểu rằng đất nước lụn bại vì chúng ta
có những lãnh đạo tồi và việc cần làm trước hết là đòi hỏi quyền bầu cử tự do
phải được thực thi để chọn lựa lại những người lãnh đạo, và người dân tiếp tục
phản kháng cho đến chừng nào quyền bầu cử tự do được thực hiện, thì đó sẽ là những
ngày mà nhà cầm quyền bắt đầu hoảng sợ.”
Trận
cuối cùng
Blogger Lang Anh viết rằng:
“Rất khó để trả lời là đến bao giờ thể chế chính trị
độc tài này mới chịu nhận ra, thiện chí lắng nghe, hoà giải và hoà bình với những
công dân tiến bộ của đất nước là chìa khoá cho mọi vấn đề của đất nước. Và trên
hết, nó giúp Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới nơi các tư tưởng văn minh lên
ngôi, đất nước được soi sáng bởi ánh sáng tri thức và sự hoà giải ôn hoà trở
thành lối hành xử chuẩn mực giữa người với người trong một quốc gia.
Cũng vì vậy mà tôi buộc phải nhấn mạnh lại quan điểm
của mình: “Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài. Đừng nản lòng. Vì trước sau gì
văn minh cũng thắng.”
Tính bi tráng, đôi khi lên đến độ trớ trêu, của những
người dấn thân hôm nay, có lẽ lên đến đỉnh điểm, khi người tù chính trị Trần Huỳnh
Duy Thức mượn lời bài Quốc tế Ca của chính những người cộng sản, nhắn lại gia
đình qua hai hàng nước mắt rằng đấu tranh này là trận cuối cùng.
------------------
Tin,
bài liên quan
No comments:
Post a Comment