Wednesday, April 20, 2016

QUỐC TẾ ĐÀM PHÁN VỀ QUẢN LÝ ĐẠI DƯƠNG (Trọng Thành - RFI)





Phát Thứ tư, ngày 20 tháng tư năm 2016

San hô, "linh hồn của biển cả", đang bị ô nhiễm môi trường và nạn khai thác bừa bãi đe dọa hủy diệt. Trong ảnh, một rạn san hô tại kỳ quan thế giới Biển San Hô, ngoài khơi bang Queensland, Úc. Reuters

Nhờ khoa học, công nghệ con người ngày càng biết nhiều hơn về biển. Tài nguyên khoáng sản và sinh vật nơi biển sâu trở thành đối tượng khai thác hấp dẫn. Đại dương sẽ là chốn mạnh ai nấy được, hay là nơi nhân loại học cách chia sẻ các di sản chung ? Vòng đàm phán quốc tế đầu tiên về bảo vệ và chia sẻ « đa dạng sinh học » nơi biển khơi vừa khởi sự cho thấy cộng đồng nhân loại dường như đang bước đầu hướng đến hợp tác. Đường đi đến đích còn rất xa. Những thách thức nào nhân loại phải đương đầu trong lĩnh vực này là câu hỏi chính mà Tạp chí xã hội của RFI tuần này tìm cách trả lời.

Biển khơi – Không gian gần như vô chủ
Cho đến nay, vùng biển rộng mênh mông, với tổng diện tích ước tính khoảng một nửa diện tích bề mặt Trái đất, thường được gọi chung là « biển khơi » hay « đại dương » được coi là một không gian gần như không chịu sự chi phối của luật pháp quốc tế. Về mặt pháp lý, biển khơi đồng nghĩa với vùng biển nằm bên ngoài vùng tài phán của các quốc gia (1), gọi tắt là ZAJN (Areas beyond national jurisdiction). Nếu như vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được coi là di sản nhân loại (2) và việc giao thông trên mặt biển chịu sự chi phối của các luật về hàng hải, thì vùng nước mênh mông nằm giữa mặt biển và đáy biển lại gần như bị coi là « vô chủ » (no man’s land) (3).


Mãi cho đến rất gần đây nhân loại không biết nhiều về sự sống vô cùng phong phú trong lòng biển sâu. Năm 1977 được coi là một bước ngoặt mang tính cách mạng, khi chiếc tàu ngầm Mỹ Alvin phát hiện được dưới đáy biển sâu 2.500 mét, ngoài khơi quốc gia Trung Mỹ Ecuador, các hệ sinh thái chưa từng được biết đến, tồn tại mà không cần đến ánh sáng mặt trời. Kể từ phát hiện mang tính cách mạng đó, thăm dò lòng biển đã trở thành một lĩnh vực đua tranh giữa một số ít quốc gia phát triển có khả năng.

Tình trạng hải sản tại các vùng nước thuộc khu vực đặc quyền kinh tế quốc gia bị khai thác cạn kiệt trong những năm 80-90 khiến tôm cá ở biển khơi ngày càng trở thành đối tượng đánh bắt chính. Và kể từ năm 2001, việc thăm dò khai thác khoáng sản trong lòng biển sâu đã bắt đầu được tiến hành tại một số khu vực.

Đại dương lâm nguy

Bên cạnh đó, « cái nôi của sự sống trên Trái đất » cũng phải hứng chịu một khối lượng khổng lồ rác thải từ đất liền, đặc biệt là các rác thải nhựa, hình thành nên cái gọi là « lục địa thứ bảy» hay « các quần đảo rác » trên biển. Trong đó « quần đảo » lớn nhất nằm trên Thái Bình Dương có diện tích gấp 7, 8 lần nước Pháp, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng 80.000 km². Các phân tử rác nhựa để lại những hậu quả dây chuyền không thể lường hết đối với các hệ sinh thái trong lòng biển (4).

Một kẻ thù khác đối với biển khơi là tình trạng khí hậu bị hâm nóng khiến đại dương bị axit hóa nhanh chóng, mà một trong những hậu quả rõ ràng là sự suy kiệt của loài san hô. Theo một số dự đoán, chỉ trong hơn mười năm nữa, sẽ có đến một nửa số lượng san hô trong lòng biển biến mất. Trong khi đó, san hô không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp kỳ diệu của biển cả, mà còn là cơ sở cho các hệ sinh thái, là nơi hấp thụ chủ yếu lượng nhiệt độ tăng lên, do khí thải gây hiệu ứng nhà kính (5).


Đại dương đang lâm nguy. Năm 2014, Ủy Ban Đại Dương Thế Giới (Global Ocean Commission/Commission Océan Modial), bao gồm các cựu lãnh đạo chính phủ và doanh nhân, công bố một đề nghị 8 điểm nhằm cứu nguy đại dương. Chủ tịch của ủy ban quốc tế độc lập nói trên cảnh báo : « Nếu ta không loại trừ khả năng các đại dương bị suy thoái, thì trong vòng năm năm nữa cộng đồng quốc tế sẽ phải tính đến việc cấm chỉ toàn bộ hoạt động kinh tế tại các vùng biển xa (tức vùng biển quốc tế), cho đến khi nào sức khỏe của hệ thống sinh thái này được khôi phục » (''Kế hoạch 8 điểm'' cứu nguy biển cả").

Vòng đàm phán đầu tiên về đa dạng sinh học đại dương diễn ra tại New York trong vòng hai tuần, từ ngày 28/03 đến ngày 08/04, chính vì vậy, có thể coi là một bước ngoặt lịch sử. Hơn 30 năm sau Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển/UNCLOS (1982) (được coi là bản « Hiến Pháp về Đại dương »), hơn 20 năm sau cuộc thượng đỉnh lịch sử về Trái đất (1992), 196 quốc gia của cộng đồng nhân loại mới chấp nhận ngồi vào bàn thương thuyết về khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững hệ đa dạng sinh thái trong lòng biển (BBNJ/Biodiversity Beyond National Juridiction).

« Không gian biển được bảo vệ » : Con đường đầy gian truân

Về không khí chung của vòng đàm phán vừa diễn ra, nhà nghiên cứu Glen Wright, chuyên gia thuộc IDDRI (Viện nghiên cứu phát triển bền vững và quan hệ quốc tế Pháp) cho biết : « Các thương lượng đã diễn ra trong không khí xây dựng hơn là mong đợi. Các quốc gia đã tỏ ra cởi mở trong thảo luận, điều mà hàng chục năm làm việc chuẩn bị, trước vòng đàm phán này, đã không cho phép dự đoán. Một số phái đoàn như Hoa Kỳ cũng tỏ ra cởi mở hơn trước, và không lưỡng lự đề cập đến các vấn đề môi trường ở biển khơi ».

Nhà nghiên cứu Glen Wright nhấn mạnh đến những bất đồng chủ yếu hiện nay : « Toàn bộ các phái đoàn thống nhất, về nguyên tắc, thảo ra một thỏa thuận quốc tế để gia tăng việc quản lý biển khơi. Chỉ riêng việc này đã là một tiến bộ. Tuy nhiên, vấn đề quy chế của biển khơi như di sản chung của nhân lại vẫn còn là điểm bất đồng chính giữa các nước đang phát triển thuộc nhóm G77, và các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Canada. Các nước trong nhóm đầu tiên hy vọng là các nguồn tài nguyên về di truyền trong biển cả được hưởng quy chế di sản chung của nhân loại (hiện tại chứng nhận trong lĩnh vực này 70% thuộc về ba nước Mỹ, Nhật, Đức). 
Các nước như Mỹ vẫn rất phản đối điều này, cho dù nhóm nước này nêu ra khả năng thiết lập một cơ chế điều chỉnh nhẹ nhàng. Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu đưa ra ý tưởng lập một cơ chế phân bổ nguồn lợi có được từ các nguồn tài nguyên di truyền. Để đổi lại, châu Âu hy vọng nhận được sự ủng hộ của các nước đang phát triển trong việc lập ra các Không Gian Biển Được Bảo Vệ(AMP/Aires maritimes protégées) ».

Về vấn đề này, luật gia Julien Rochette, người điều phối chương trình đại dương và các vùng ven biển của IDDRI giải thích : « Việc thành lập các không gian biển được bảo vệ là một công cụ hiện nay được công nhận là rất hiệu quả trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển. Nhiều quốc gia đã lập nên những khu như vậy trong vùng đặc quyền kinh tế của nước mình, nhưng hiện thời chưa có có cơ chế để lập ra các không gian bảo tồn biển tại vùng biển khơi, được toàn thể cộng đồng quốc tế công nhận ».

Luật gia Julien Rochette cũng lưu ý đến mâu thuẫn mà ông cho là chủ chốt : « Nhóm G77 hy vọng việc khai thác các nguồn tài nguyên di truyền phải được quản lý, bởi hiện tại nguyên tắc được áp dụng trên thực tế là ‘‘ai đến đầu tiên, được hưởng đầu tiên'’ (…). Lập trường của G77 là biển khơi phải thuộc về tất cả và việc phân phối các nguồn lợi phải được thực hiện công bằng. Theo ý tôi, đây là phần phức tạp nhất trong thương thuyết. Một số quốc gia, trong suốt một thời gian dài – ví dụ các nước có nền công nghiệp đánh cá hàng đầu, như Nhật, Iceland, Na Uy - và Hoa Kỳ, phản đối nguyên tắc quản lý các nguồn tài nguyên di truyền ở biển ».

Ít nhất 10% diện tích biển phải được bảo vệ trước 2020

Đa dạng sinh thái trong lòng biển sâu hứa hẹn nhiều ứng dụng kỳ diệu, từ lĩnh vực y tế, đến thực phẩm, mỹ phẩm hay nghiên cứu khoa học cơ bản (từ loài bọt biển có thể tìm thấy các phân tử được dùng chống ung thư, một số vi khuẩn biển có thể giúp cho việc tẩy rửa nạn ô nhiễm dầu…). Các loài sinh vật phát triển trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt như áp suất cao, nhiệt độ rất cao đến cả 100°C, môi trường không ánh sáng… có thể mang lại những hiểu biết mới mẻ về sự sống.

Thỏa sức khai thác các tài nguyên trong lòng biển vì lợi ích trước mắt bất chấp các tổn hại đối với đa dạng sinh thái hay khẩn trương đưa một phần lớn đại dương vào các không gian được bảo vệ (AMP) để tạo được nền tảng cho một nền kinh tế bền vững nơi biển cả bao la ? (6).

Các vùng nước sâu đang bị khai thác và làm ô nhiễm là một hiểm họa nhãn tiền. Về mặt giấy tờ, cho đến nay chỉ có dưới 1% diện tích biển khơi được bảo vệ (3,4% diện tích bề mặt đại dương nếu bao gồm cả các khu vực biển ven bờ đất liền), trong khi có đến 41% đang bị hoạt động của con người ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo phải tăng tốc đưa các vùng biển dễ tổn thương nhất, có giá trị cao nhất, hoặc có mức độ đa dạng sinh học cao nhất vào danh sách được bảo vệ, với số lượng ít nhất là 10%, từ nay đến năm 2020, nếu không muốn mọi việc trở nên quá trễ.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF), lợi ích kinh tế do việc thành lập các khu bảo tồn biển sẽ hơn rất nhiều so với phí tổn. Lợi nhuận do việc đặt 30% diện tích đại dương vào các không gian được bảo vệ sẽ mang lại khoảng 490 tỷ đô la và tạo thêm 150.000 việc làm từ nay đến 2050, theo phương án dè dặt nhất, và khoảng 920 tỷ đô la và 180.000 việc làm, theo phương án lạc quan nhất. Gấp từ 3 đến 20 lần so với số vốn ban đầu bỏ ra.

***

Hơn ba tháng sau thỏa thuận lịch sử về hạn chế biến đổi khí hậu tại Thượng đỉnh COP 21 (Paris), cộng đồng quốc tế bước vào một cuộc trường chinh mới : tìm kiếm khuôn khổ pháp lý mang tính cưỡng chế cho việc « bảo vệ và sử dụng bền vững hệ đa dạng sinh thái » của đại dương, một khu vực hiện nay gần như trong tình trạng vô chủ. Nhờ sự thức tỉnh của công luận, các thành tựu khoa học, ý thức công dân tăng trưởng tại nhiều quốc gia, trong đó có vai trò hết sức quan trọng của các nhóm tranh đấu vì sinh thái (trong đó phải kể đến Liên minh vì biển khơi/Alliance pour la haute mer/High Seas Alliance), hệ đa dạng sinh thái ở đại dương ngày càng được nhìn nhận như một vấn đề sống còn của nhân loại.

Vòng thương thuyết về việc quản lý đa dạng sinh thái ở biển khơi trong khuôn khổ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển/UNCLOS tại New York vừa diễn ra là vòng đầu tiên của bốn đợt thương thuyết, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017. Năm 2018, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ ra quyết định về việc triệu tập hay không một hội nghị liên chính phủ để chuẩn bị một thỏa ước toàn cầu về đại dương. Những người lạc quan nhất cho rằng một thỏa ước như vậy có thể sẽ ra đời trong năm 2019. Những người dè dặt đưa ra cái mốc 2025. Vòng thương thuyết đầu tiên mang lại một số tín hiệu lạc quan : Một số quốc gia riêng rẽ, khỏe ăn nhất (như Mỹ, Nhật, Canada, Nga) nay cũng chấp nhận nhập cuộc.

----

1 - Tức vùng đặc quyền kinh tế biển có bề ngang thông thường 200 hải lý, tính từ bờ biển.
2 - Thuộc quyền quản lý của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (International Seabed Authority/Autorité internationale des fonds marins)
3 – Không kể một số thỏa thuận mang tính khu vực về nghề cá.





No comments:

Post a Comment