Tuesday, April 19, 2016

ĐÓI, NÓNG & ĐỘNG ĐẤT VỚI NGƯỜI K' DONG (Nhóm Phóng Viên RFA)





Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-04-18
.
Phụ nữ K Dong bên bếp lửa. RFA photo

Tỉnh Quảng Nam hiện tại vẫn chưa phải là tỉnh bị hạn hán nhưng các huyện miền núi của Quảng nam đang phải đối mặt với nắng nóng và thiếu thốn. Huyện Trà My với cộng đồng người K Dong ở nam Trà My, gần thủy điện Sông Tranh 2 đang phải đối mặt với nắng nóng, thiếu lương thực và động đất. Có thể nói rằng suốt năm năm nay, kể từ khi phải di dời về khu ở mới để nhường diện tích cho lòng hồ thủy điện, người K Dong luôn gặp khó khăn. Và nỗi khó khăn vẫn dai dẳng đến hôm nay. Nắng hạn kéo đến lại một lần nữa làm cho bà con K Dong như sống trên chảo lửa.

Mùa đói đang tới…

Chị Ngải, một người K.Dong, hiện sống tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, chia sẻ: “Bây giờ là thủy điện họ lấy hết đất ruộng rồi nên không có gạo ăn. Chủ yếu là đi làm thuê, đói lên đói xuống. Mỗi ngày nếu được kêu đi làm thì lột vỏ keo cho người ta kiếm cũng được một trăm mấy chục ngàn đồng để mua gạo. Tết đến thì mấy hộ nghèo được nhà nước cho hai, ba trăm ngàn chi đó để mà mua gạo. Nói chung là hết đất rồi, ở đây khó khăn lắm!”.

Theo chị Ngải, đời sống kinh tế của bà con dân tộc K Dong suốt năm năm nay có chiều hướng đi xuống bởi hai lý do: Rừng nhà của người K Dong không còn nữa, đã lọt xuống lòng hồ và; Đời sống mới với động đất liên miên, thiếu lương thực đã khiến nhiều thanh niên bỏ làng đi làm thuê và rơi vào tội lỗi vì cùng đường.

Chị Ngải cho biết thêm là gần mười năm trở lại đây, kể từ khi được nhà nước ổn định chỗ ở trong khu tập trung tái định cư, nghĩa là sau khi bàn giao mảnh vườn và ngôi nhà quen thuộc cho thủy điện làm lòng hồ, đời sống bà con K Dong có chiều hướng đi xuống bởi không có ruộng để làm, không có rừng để trồng mà khoản tiền đền bù có nhà nghe lên đến tiền tỉ nhưng thực nhận lại rất thấp bởi người ta đã tính vào khoản tiền xây dựng nhà mới trong khu tái định cư.

Nhà mới trong khu tái định cư tuy tính giá vài trăm triệu đồng, một số tiền cao ngất trong gần mười năm trước nhưng chưa ở đã thấy rạn nứt và khi ở chưa đầy một mùa trăng thì xảy ra động đất, tường nứt toác nhiều vệt dài. Nhiều gia đình nghĩ đến chuyện lên rừng chặt cây làm láng để trú mưa trú nắng và tránh rủi ro khi động đất xảy ra.

Hiện tại đã có khoảng mười gia đình chọn bỏ hoang căn nhà mấy trăm triệu đồng để làm láng bằng lá rừng để ở. Chị Ngải muốn nhấn mạnh là những căn nhà mấy trăm triệu đồng không phải của nhà nước xây dựng cho dân ở, hoàn toàn không phải vậy mà đây là tiền đền bù của người dân, số tiền đền bù mỗi mét vuông từ rừng trồng của người dân chỉ tương đương với một bát phở hoặc vài ổ bánh mì. Và sau khi cộng tới trừ lui, nhiều mảnh rừng vài hecta của một gia đình cộng với ruộng đồng, nhà cửa, đất đai, giá đền bù chưa tới một tỉ đồng. Trong khi đó, chỉ cần khai thác rừng để bán người ta cũng thu được trên mức tiền đó.
Và sau khi trừ đi trừ lại, số tiền vài trăm triệu của người dân vẫn không được yên. Thay vì chỉ đất đền bù cho dân và bàn giao tiền để người dân tự xây nhà theo ý muốn, sở thích. Người ta lại giữ tiền của dân để xây dựng và đương nhiên là những mẫu nhà cấp bốn được tính với giá vài trăm triệu đồng của dân để rồi khi vào ở, người K Dong chỉ biết chép miệng vì nó quá lạ, quá khó sinh hoạt và quá nhanh xuống cấp.

Số tiền ít ỏi còn lại sau khi trừ vào tiền nhà, bên  thủy điện cũng đền bù nhỏ giọt, mỗi đợt vài chục triệu đồng, chẳng thấm vào đâu. Số tiền này cũng vô tình làm cho các thanh niên nhanh chóng hư hỏng sau khi sắm xe gắn máy tốc độ cao, để tóc xanh đỏ và chạy xuống phố ăn chơi, đua đòi. Thời gian ăn chơi đua đòi cũng ngắn ngủi, hết tiền, họ lại tứ tán đi làm thuê hoặc trộm cắp. Đời sống người K Dong trở nên đảo lộn, chẳng còn là người K Dong hiền hòa một thuở.

Lại một mùa đói

Sông Tranh khô cạn. RFA photo

Ông Trần Diếc, một cư dân K Dong trong khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 chia sẻ thêm:“Cũng có động đất mấy trận rồi. Hôm Tết đến nay có hai, ba trận lớn rung động hết trơn. Người ta cứ lên đài nói là ba phẩy bảy độ gì đó thôi chứ có chia sẻ gì đâu. Mùa màng năm nay mất hết trơn. Dân trên Trà Đốc khổ thì cũng khổ rồi. Nước cạn kiệt rồi, đồng ruộng cháy hết rồi. Nước người ta tích cho thủy điện đó chứ họ đâu có lo cho dân, ruộng dân bị khô hết. Nhà nước thì cũng chẳng lo gì đâu. Nói chung là dân khổ lắm. Mùa tới đây sẽ thiếu lúa để ăn…”.

Ông Diếc cho biết thêm là thời gian gần đây, hầu hết thanh niên K Dong theo những đoàn làm vàng ở Phước Sơn, Bồng Miêu, Đông Tiễn để khai thác vàng lậu. Khi mỏ Đông Tiễn bị cấm khai thác và mỏ Bồng Miêu thít chặt quản lýt, không thể khai thác trộm được nữa thì họ kéo nhau lên Phước Sơn để làm thuê cho những chủ khai thác vàng lậu.

Cũng theo ông Diếc, số thanh niên bị nhiễm khí độc trong các hầm mỏ, gặp tai nạn hầm mỏ thuộc tộc người K Dong ngày càng cao. Điều này gây hoang mang và lo lắng cho những người như ông. Bởi hiện tại, số người trong độ tuổi lao động của đồng bào K Dong rất thấp, trong khi đó người già, phụ nữ và trẻ em lại chiếm số đông. Nghiệt là số đông nhất vẫn là người già và phụ nữ. Điều này dẫn đến hệ quả người K Dong luôn đối mặt với nghèo đói bởi điều kiện thời tiết, núi rừng ngày càng khắc nghiệt, thiếu sức lao động và thiếu đất canh tác.

Hiện tại các phụ nữ K Dong tìm xuống các thành phố, thị trấn để làm thuê, trong đó chủ yếu là ở đợ, làm ô sin cho nhà giàu. Nhưng việc này cũng là một trở ngại lớn đối với chị em phụ nữ K Dong bởi khác biệt về ngôn ngữ, điệu sống và lối hành xử. Ông Diếc nói rằng hầu hết các chị em phụ nữ K Dong khi đi làm thuê đều được chủ nhà đối xử rất tốt nhờ vào tính thật thà nhưng lại không làm việc được lâu bởi ngoài việc dọn cỏ, làm đồng ra, dường như họ không biết làm gì khác. Bởi họ không biết đi chợ với số tiền lớn, một bữa đi chợ của chủ nhà bằng cả tháng ăn của người K Dong. Việc nấu nướng cũng không hợp khẩu vị. Chính vì vậy, cơ hội làm thuê của phụ nữ K Dong là không có.

Lại một mùa nắng hạn kéo đến, nương rẫy khô khốc, việc trồng rừng cũng không có cơ hội bởi chủ yếu là đi trồng rừng thuê cho những ông chủ mới. Chạy gạo từng bữa, chạy động đất lai rai, thanh niên một phần hư hỏng, một phần tứ tán kiếm cơm. Nhà cửa cũng nứt nẻ, không ổn định. Có thể nói rằng người K Dong đang ở trọ ngay trên quê hương bản quán của mình.

Như lời của anh Phú, một thanh niên K Dong ở Nam Trà My: “Nói chung thì cũng rứa thôi chứ rẫy rừng đâu còn mà làm. Làm chi được đâu. Dân ở đây cũng rứa, có đứa đi làm xa, có đứa ở nhà đi làm keo đồ rứa đó thôi chứ có việc chi để làm đâu có!”..

Mùa nắng hạn đang đến, chúng tôi chỉ biết cầu mong cho đồng bào K Dong được mạnh khỏe, tránh những dịch bệnh không đáng có và nhà nước hoặc những nhà hảo tâm suy nghĩ về đồng bào K Dong nhiều hơn để họ khỏi bơ vơ, lạc lõng như đang thấy!





No comments:

Post a Comment