Saturday, April 23, 2016

INDONESIA - TRUNG QUỐC CĂNG THẲNG QUANH VỤ MỘT CHIẾC TÀU CÁ (Thụy My - RFI)





Thứ Bảy, ngày 23 tháng 4 năm 2016

LND : Bài viết của nhà ngoại giao Indonesia, Ernesto Simanungkalit đăng trên tờ Kompas xuất bản ở Jakarta ngày 31/03/2016, được tuần báo Pháp Courrier International tuần này trích dịch, chứng tỏ sự ngạo mạn của Bắc Kinh đã khiến cho Indonesia, một quốc gia không tranh chấp Biển Đông, cũng đã không kìm được phẫn nộ.

Chính quyền Indonesia họp báo về vụ chiếc tàu đánh cá trái phép được Hải quân Trung Quốc đánh tháo.

(Kompas-Courrier International 21-27/04/2016) Việc Indonesia chận bắt một chiếc tàu đánh cá Trung Quốc đã làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nước, trong khi hòa hảo với nhau thì có lợi hơn. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự tham lam của Trung Quốc không có điểm dừng.

Hôm thứ Bảy 19/3, Indonesia đã bắt giữ chiếc tàu Trung Quốc Kway Fey 10078, vì đánh cá bất hợp pháp tại vùng biển của Indonesia, ngoài khơi quần đảo Natuna ở tây bắc Kalimantan (Bornéo). Việc bắt các tàu đánh cá lậu diễn ra thường xuyên từ khi Indonesia áp dụng chặt chẽ chính sách chống đánh cá trái phép, không khai báo và không chấp hành quy định.

Nhưng lần này, chiếc tàu đánh cá lậu của Trung Quốc lại được hai chiến hạm của Hải quân nước này hộ tống, dùng vũ lực và đe dọa để ngăn cản tàu chấp pháp Indonesia, không cho chận bắt chiếc tàu cá theo như quy định của pháp luật. Trong khi đó đây là một vụ đánh cá lậu bị bắt quả tang, mà bằng chứng là sự hiện diện của chiếc Kway Fey 10078 tại vùng biển Indonesia, đã bị Hải quân Trung Quốc nhanh chóng khỏa lấp ở hải phận quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc biện minh hành động của tuần duyên nước này, khẳng định rằng chiếc Kway Fey 10078 chỉ« hoạt động bình thường », tại « các vùng đánh cá truyền thống của Trung Quốc ». Do vậy Bắc Kinh phải bảo vệ cho các tàu cá trước các vụ tấn công và quấy nhiễu của Indonesia. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc còn đòi chính phủ Jakarta phải trả tự do ngay lập tức cho các thủy thủ chiếc Kway Fey 10078 hiện đang bị giam giữ, và bảo đảm an ninh cho họ.


Cái cớ không thể chấp nhận được

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1293 - năm mà Trung Hoa tiến đánh vương quốc Singosari (vương quốc rộng lớn theo đạo Phật ở Đông Java đã từ chối triều cống Thiên triều) - chính quyền Trung Quốc một lần nữa dám tấn công Indonesia, với một cái cớ vô nghĩa và không thể nào chấp nhận được.

Trong khi đó Trung Quốc, thành viên đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, lại nổi tiếng với các vụ vi phạm luật hàng hải quốc tế. Từ năm 2009, Bắc Kinh đã đưa ra những yêu sách dựa trên tấm bản đồ do chính mình vẽ ra được gọi là « đường 9 đoạn » (gồm các đường ranh không được luật quốc tế công nhận tại Biển Đông), với lý lẽ khu vực này thuộc về Trung Quốc trong lịch sử.

Các luận cứ mà Bắc Kinh đưa ra để « đánh cá trên ngư trường truyền thống » là sai lạc và nguy hiểm. Sai, vì UNCLOS không sử dụng cụm từ « ngư trường truyền thống », mà là« quyền đánh cá truyền thống » của một nước nào đó, trên ngư trường của một đảo quốc láng giềng.

Trên cơ sở đó, Indonesia cũng đã dành quyền đánh cá truyền thống cho các ngư dân Malaysia (ở vùng Sarawak, Bornéo), theo một hiệp định song phương. Nhưng trên thực tế, Malaysia không còn sử dụng đến nữa, từ khi kinh tế Sarawak phát triển lên nhờ kỹ nghệ dầu cọ và gỗ rừng nhiệt đới.

Các luận điệu của Bắc Kinh còn mang tính nguy hiểm. Trung Quốc tự cho rằng có quyền làm bất kỳ những gì mình muốn, ở những nơi mà họ tuyên bố là có mối liên hệ lịch sử và truyền thống. Nếu các luận điệu này được cho qua, Bắc Kinh có thể yêu sách tất cả các cảng của Indonesia, nơi mà Trịnh Hòa (Zheng He) - đề đốc người Hồi giáo nổi tiếng thế kỷ 14 đã từng du hành đến tận Phi châu – đã đi qua ; lý sự rằng các hải cảng đó thuộc về Trung Quốc vì có mối liên quan lịch sử.

Chiếc tàu Kway Fey 10078 bị bắt quả tang đánh cá lậu tại vùng biển Indonesia

Quốc gia có trách nhiệm

Việc Hải quân Trung Quốc bênh vực hành động đánh cá trái phép tại vùng biển của các quốc gia khác là vi phạm luật quốc tế. Tất cả các nước đều phải chịu trách nhiệm về hành động đánh cá bất hợp pháp của các tàu cá mang cờ nước mình. Một điều quan trọng cần nhắc lại, là hôm 16/3 Achentina vừa đánh đắm một chiếc tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Achentina. Bắc Kinh ngay sau đó đã tỏ ra tức giận.

Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta đã gởi đến Indonesia một thông điệp rất thiếu tính xây dựng, đòi hỏi phải xử lý vấn đề này « một cách khéo léo », « có cân nhắc đến tình hình quan hệ song phương Trung Quốc-Indonesia ».Trung Quốc cần phải hiểu rằng việc đấu tranh chống nạn đánh cá trái phép là một phần của kế hoạch « ngã tư hàng hải thế giới » do tổng thống Indonesia, Joko Widodo ngay sau khi lên nắm quyền vào mùa thu năm 2014. Kế hoạch này đúng ra cần có sự hiệp đồng với dự án con đường tơ lụa trên biển của chủ tịch Tập Cận Bình.

Đoạn phía nam của « con đường tơ lụa trên biển » chạy ngang qua vùng lãnh biển thuộc chủ quyền Indonesia. Do đó, Bắc Kinh sẽ có lợi nếu duy trì quan hệ tốt với Indonesia. Hơn nữa, Jakarta kiểm soát các eo biển huyết mạch của hàng hải thế giới, trong đó an ninh và thịnh vượng của Trung Quốc lệ thuộc đáng kể vào đó.

Câu hỏi lớn đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại sẵn sàng hy sinh uy tín của mình, cũng như mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa tổng thống Joko Widodo và chủ tịch Tập Cận Bình, cho một yêu sách hoàn toàn vô căn cứ ? Đây có phải là dấu hiệu của một cuộc tấn công mới vào vương quốc Singorasi, trong đó địa điểm lần này là vùng biển Natuna ? Sự phản đối mạnh mẽ của Indonesia liệu có đủ ? Hay đây chính là lúc để kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển ? Với tư cách một quốc gia ký kết Công ước UNCLOS 1982, liệu Indonesia có can đảm làm việc này hay không ?

Publié par Thuymy Rfi à 17:23 




No comments:

Post a Comment