Monday, April 4, 2016

HỎI & ĐÁP về HỘI NGHỊ CỬ TRI - NÉT QUÁI ĐẢN TRONG CƠ CHẾ BẦU CỬ QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM (Đoan Trang)





Đoan Trang    
Tuesday, April 5, 2016

Vâng, không phải “nét mới” mà là “nét quái đản”.

Dưới đây là một số câu hỏi và đáp xoay quanh hội nghị cử tri do Page Vận Động Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội 2016 tập hợp và biên soạn.

1. Hội nghị cử tri là gì?

Đấu tố ứng viên ĐBQH độc lập Đỗ Nguyễn Mai Khôi,  tối 31/3/2016 ở phường Cam Lộc, Khánh Hòa.

Hội nghị cử tri là hội nghị gặp mặt giữa người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với các cử tri ở nơi cư trú hoặc công tác của người ứng cử, để lấy ý kiến của cử tri về người ứng cử.

Căn cứ vào đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị có cơ sở để giới thiệu người ứng cử, để rồi Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Bầu cử sẽ đưa họ vào vòng hiệp thương thứ ba, tiến tới bố trí họ vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH. Đó là với các ứng viên được đề cử.

Còn với các ứng viên tự do, thì căn cứ vào kết quả bỏ phiếu ở hội nghị cử tri, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Bầu cử, v.v. có cơ sở để... loại họ, không để họ vào tiếp vòng trong và nhất định là không thể được có tên trong danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH.

2. Ai là người tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú?

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban Nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị.

3. Ai là người quyết định thành phần tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú?

Thành phần dự hội nghị do Trưởng ban Công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố quyết định và mời cử tri đến dự.

4. Cử tri có quyền làm gì tại hội nghị cử tri?

Khoản 3, Điều 45 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND 2015 quy định: “Tại hội nghị cử tri, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của ĐBQH, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử ĐBQH bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị”.

5. Tiêu chuẩn của ĐBQH là gì?

- Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của ĐBQH.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Trong các tiêu chuẩn trên, không có tiêu chuẩn nào như là “tham gia đầy đủ các cuộc họp tổ dân phố”, “gia đình không được buôn bán tạp hóa kiếm lời”, hay “facebook không được sặc mùi dân chủ-khai trí”... cả.

6. Chương trình của một cuộc hội nghị cử tri gồm những nội dung gì?

Theo Điều 4, Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ra ngày 18/1/2016, “quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri”, thì một cuộc hội nghị cử tri bao gồm các nội dung sau:

1- Người chủ trì hội nghị tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu dự hội nghị. Người chủ trì có trách nhiệm sau đây:

a) Giới thiệu về mục đích, yêu cầu của hội nghị;
b) Giới thiệu thư ký hội nghị để hội nghị quyết định;
c) Báo cáo về số cử tri được mời, số cử tri có mặt;
d) Giới thiệu danh sách người ứng cử;
e) Đọc tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội và những trường hợp không được ứng cử ĐBQH quy định tại Điều 37 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

2- Thư ký hội nghị đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử.

3- Cử tri phát biểu ý kiến đối với từng người ứng cử.

4- Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phát biểu ý kiến.

5- Hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Hội nghị cử tổ kiểm phiếu từ 3 đến 5 người. Trường hợp hội nghị biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì tổ kiểm phiếu đếm, tính kết quả biểu quyết đối với từng người.

6- Tổ trưởng tổ kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết.

7- Hội nghị thông qua biên bản hội nghị cử tri.

Hội nghị cử tri nơi cư trú đấu tố luật sư Võ An Đôn (ngày 1/4/2016, tỉnh Phú Yên)

7. Cử tri căn cứ vào đâu mà đấu tố ứng viên?

Theo quy định của chính luật pháp nước CHXHCN Việt Nam, thì trong hội nghị cử tri, không hề có phần “chất vấn” của cử tri đối với ứng viên, và càng không có chuyện cử tri chỉ trích, thậm chí sỉ nhục, đấu tố ứng viên như trong các cuộc hội nghị được tổ chức vừa qua ở nhiều nơi.

Và nhất là, ứng viên phải được quyền phản hồi lại các ý kiến của cử tri, tất nhiên kể cả ý kiến phê bình, chỉ trích (nếu có).

Bởi vì Điều 4, Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã nêu rõ nội dung của hội nghị cử tri:

- Cử tri phát biểu ý kiến đối với từng người ứng cử.

- Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phát biểu ý kiến.

Chúng tôi không hiểu tại các hội nghị cử tri hay là đấu tố vừa qua, cử tri căn cứ vào đâu để mạt sát ứng viên, đặc biệt sử dụng những lý do vụn vặt và không hề liên quan tới tiêu chuẩn của một ĐBQH (như Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định).

Chúng tôi cũng không hiểu vì sao khi các cử tri đi quá đà, ban tổ chức hội nghị hoàn toàn không can thiệp, thậm chí còn yêu cầu ứng viên phải im lặng, không cho ứng viên có cơ hội giải thích và phản hồi những nhận xét ác ý nhằm vào mình.

Với việc đấu tố ứng viên độc lập, cử tri vi phạm Nghị quyết 1134 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong những trường hợp nghiêm trọng, còn có dấu hiệu của tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác (Điều 122 Bộ luật Hình sự, Điều 37 và 611 Bộ luật Dân sự).


Posted by Đoan Trang at 1:15 AM 





No comments:

Post a Comment