Friday, April 29, 2016

HOÀI NIỆM MỘT ĐẾ QUỐC ĐÃ MẤT (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, April 27, 2016 5:24:14 PM 

Lúc này cuộc tranh luận về việc Anh nên ở lại hay rút ra khỏi Châu Âu đã càng ngày càng gay cấn với đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson còn tố cáo Tổng Thống Mỹ Obama là “kỳ thị chủng tộc” vì ông này đã dám khuyến cáo Anh nên ở lại Châu Âu. Nhưng cốt lõi của cuộc tranh cãi này hầu như không liên quan gì đến Châu Âu hoặc Liên Hiệp Châu Âu.

Những hăng say mà vụ tranh cãi về “Brexit” này tạo ra không phải là kinh tế. Tuy rằng các dự phóng của các chuyên gia kinh tế cũng như các doanh gia có thay đổi, nhưng tất cả đều công nhận rằng việc Anh rút ra khỏi Châu Âu sẽ tạo ra một hậu quả kinh tế bất lợi. Mặc dầu vậy hầu hết những người chủ trương Brexit đều không hề để ý đến kết quả đó và ngược lại còn lạc quan cho rằng rút ra sẽ thổi một sinh khí mới cho nước Anh, như tờ Daily Mail viết “Let Britannia rules the wave again!” (Hãy để cho Anh Quốc cai trị đại dương một lần nữa).

Một số nhà chính trị như Boris Johnson nói đến giành lại chủ quyền. Nhưng trên thực tế, Anh Quốc, cũng như tất cả các nước khác đã đều phải làm những dung nhượng mà dù có ở hay không ở trong Liên Hiệp Châu Âu vẫn sẽ còn tồn tại. Từ trên 70 năm nay, các chính phủ Anh đều đã chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài chẳng hạn trên đất Anh (căn cứ của không và hải quân Mỹ). Các nhà chính trị Anh không mấy khi nhắc đến chuyện này, nhưng nó là một nhượng bộ lớn về chủ quyền. Trước thế chiến thứ hai, cho phép một nước ngoài lập căn cứ quân sự trên đất Anh là một truyện không thể tưởng tượng được. Nói một cách khác, chủ quyền đã bị bán đi từ lâu rồi.

Ngay cả trong vấn đề di dân, một vấn đề sôi nổi hiện nay, Brexit cũng không phải là giải pháp. Không ai biết rằng Brexit sẽ làm giảm khối lượng di dân vào Anh đến mức nào, đặc biệt là nếu Anh còn muốn được buôn bán tự do với Châu Âu. Một thỏa hiệp tự do mậu dịch cho phép Anh tiếp tục tham gia thị trường chung sẽ đòi hỏi nhiều điều kiện mà chắc chắn tự do đi lại và di trú, một trong bốn điều khoản tự do căn bản của Châu Âu là hầu như không thể thiếu được. Nhưng điều then chốt tại đây là tại những vùng mà người ta ủng hộ Brexit nhiều nhất thường không phải là những vùng có nhiều di dân nhất.

Điều tiêu biểu nhất về đa số những người ủng hộ Brexit như các nhà phân tích chính trị đã chỉ ra là họ cũng tương tự như những ủng hộ viên của ông Donald Trump tại Mỹ: Một số lớn là đàn ông da trắng trên 50 tuổi với một học lực thấp, không có bằng đại học. Và điều đó cho thấy gốc rễ thực sự của chiến dịch Brexit.

Về căn bản chiến dịch Brexit là một phong trào giận dữ của quần chúng nhưng nó cũng chứng tỏ một cảm giác bất lực của họ. Sự giận dữ một phần được kích động bởi cú sốc toàn cầu hóa kinh tế mà Liên Hiệp Châu Âu là một biểu tượng. Giống như những người ủng hộ ông Trump kết tội những người di dân Mexico về những khó khăn kinh tế của họ, những người ủng hộ Brexit tại Anh quy trách nhiệm cho Brussels. Và giống như những người ủng hộ ông Trump muốn “Make America great again,” nhưng người ủng hộ Brexit hoài niệm một quá khứ huy hoàng đã mất, đặc biệt là những người tại vùng mà còn được gọi là England.

Kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Anh Quốc đã giải thể đế quốc của mình. Đồng thời rất nhiều nền tảng tạo ra dân tộc tính của nước Anh tỷ như tín ngưỡng Tin Lành và một sự bảo trọng các quyền tự do căn bản đã từ từ mất hiệu lực. Một phần chính vì vậy, quan hệ giữa những thành phần tạo ra Vương Quốc Thống Nhất (United Kingdom) đặc biệt là giữa Scotland và phần còn lại đã bị nới lỏng. Trong lần trưng cầu dân ý năm 1975 về Châu Âu, những người ly khai Scotland bỏ phiếu chống. Nay thì họ lại chủ trương ở lại vì nay họ coi Luân Đôn như là kẻ địch chứ không phải Brussels.

Đối với nhiều người trong đảng Bảo Thủ Anh - vốn đại đa số đến từ England - họ muốn thay thế Liên Hiệp Châu Âu bằng một khối Anglo-Saxon, một khối liên minh nào đó giữa Anh, Mỹ, Úc, New Zealand và Canada. Ý tưởng một khối này bắt đầu ít nhất từ cuối thế kỷ thứ 19 với Cecil Rhodes chủ trương một liên bang nói tiếng Anh chi phối thế giới, nhưng nay thì nó chỉ là ảo tưởng. Hầu hết những lãnh tụ chính trị Mỹ, Canada, Úc, và New Zealand đều khuyến cáo Anh nên ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài ra những nước này càng ngày càng bị kéo vào hội nhập với các khu vực địa dư của họ. Úc càng ngày càng hướng về Châu Á trong lúc Mỹ càng ngày La Tinh hóa. Nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến những không tưởng của những người ủng hộ Brexit. Điều quan trọng với họ là triển vọng một nước Anh giải phóng khỏi sự ràng buộc của châu Âu và tự do hoạt động “Let Britannia rules the waves again!”

Điều đó khuyến dụ rằng rất có thể những người ủng hộ Brexit sẽ thắng trong cuộc bỏ phiếu lần này. Họ có cái hăng say của những người “true believer.” Thế nhưng thèm khát muốn trở lại một qua khứ huy hoàng hơn bằng cách rút ra khỏi châu Âu trên nhiều phương diện lại là hành động chống lại ước muốn đó của họ. Nhưng nhiều người khác thì không. Và đó là một điều đáng xấu hổ.

Một trong những khuynh hướng gần đây tại Châu Âu là sự phố biến của tiếng Anh tại lục địa này. Con trai tôi sống tại Berlin ba năm mà không cần biết bao nhiêu tiếng Đức trong khi tại một số nơi ở California hoặc Florida, không biết Spanish là một thất lợi lớn. Thành ra nhiều người Anh, đặc biệt là những nhà khoa học đã tận dụng được những quan hệ đó với Châu Âu lục địa.

Và đó là một điều đáng buồn. Trong ước mơ một tương lai huy hoàng hơn cho nước Anh và coi cái ước mơ này không thể thực hiện được bên trong Liên Hiệp Châu Âu, những người chủ trương Brexit đang tính bỏ mất nhưng cơ hội mà Châu Âu mở ra cho họ.

-------------------

XEM THÊM :

Đăng ngày 26-04-2016

Nguy cơ « Brexit », tức là nước Anh rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu, đang đe dọa tiến trình đàm phán hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương TTIP. Trong khi chỉ còn hai tháng nữa là đến cuộc trưng cầu dân ý tại Anh Quốc, áp lực ngày càng đè nặng lên vai của các nhà thương thuyết, vừa mở loạt đám phán lần thứ 13 tại New York hôm qua, 25/04/2016.

Hiệp định TTIP, được thương lượng từ năm 2013, là nhằm xóa bỏ mọi hàng rào về thuế quan và về quy định còn cản trở trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương. Theo thẩm định của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị ( CEPR) của Pháp, hiệp định này sẽ mang lại thu nhập 120 tỷ euro cho Liên Hiệp Châu Âu và 95 tỷ đô la cho Hoa Kỳ.

Nhưng khả năng Anh Quốc, một trong những nền kinh tế chủ chốt của châu Âu, rút ra khỏi khối này, khiến cho đàm phán về hiệp định TTIP có nguy cơ thất bại.

Tuyên bố với hãng tin AFP, ông Gary Hufbauer, một cựu quan chức bộ Tài chính Mỹ, nay là chuyên viên của Viện Peterson của Washington, dự báo rằng nếu Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đàm phán về hiệp định TTIP sẽ « sụp đổ tan tành », vì theo ông, không có cách nào tiến tới được nữa, do có quá nhiều yếu tố vô định.

Về phần ông Edward Alden, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ( Council on Foreign Relations ), thì không bi quan đến như thế, nhưng ông cảnh báo rằng, nếu phe chủ trương « Brexit » thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì đàm phán thương mại Âu-Mỹ sẽ bị đặt xuống hàng thứ yếu. Theo ông Alden, lúc đó sẽ có những vấn đề khẩn cấp hơn cần giải quyết, ai cũng sẽ chú tâm đến mối quan hệ mới giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.

Thật ra thì trước mắt, nguy cơ « Brexit » cũng có một tác động tích cực, đó là thúc đẩy tiến trình đàm phán hiệp định TTIP, có vẻ như đang dậm chân tại chỗ. Trả lời AFP, ông Daniel Hamilton, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề châu Âu, hiện là chuyên gia của Đại học John Hopkins, cho rằng cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều cần chứng tỏ là đàm phán đang tiến nhanh và qua đó tác động lên dư luận Anh Quốc. Theo dự đoán của ông Hamilton, trước cuộc trưng cầu dân ý, hai bên sẽ ra một thông cáo chung nhấn mạnh đến những tiến bộ của đàm phán, cho dù bình thường thì không ai ra thông cáo như vậy vào lúc đang còn thương lượng.

Mục đích là để thuyết phục dân Anh nên ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu để được hưởng những mối lợi của hiệp định TTIP và mọi con đường khác đều sẽ dẫn đến ngõ cụt. Bản thân tổng thống Barack Obama khi viếng thăm nước Anh cuối tuần trước cũng đã cảnh báo là trong trường hợp « Brexit », nước Anh sẽ đứng cuối hàng trong thương lượng tự do mậu dịch với Mỹ, vì lúc đó Washington sẽ dành ưu tiên cho Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng cũng phải thấy rằng, nguy cơ « Brexit » không phải là yếu tố duy nhất đe dọa đến thành công của đàm phán về hiệp định TTIP. Cho tới nay, Hoa Kỳ và châu Âu còn bất đồng trên nhiều hồ sơ. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng không chấp nhận ký hiệp định với bất cứ giá nào, như lời của ông Matthias Fekl, Quốc vụ khanh đặc trách Ngoại thương của chính phủ Pháp, trả lời đài phát thanh RTL hôm nay. Ông Matthias Fekl rất bi quan nói rằng khả năng ký được hiệp định TTIP « đang rời xa ».

Chưa kể là các tổ chức xã hội dân sự ở một số nước như Đức phản đối hiệp định TTIP, mà họ cho là sẽ gây nhiều tác hại cho nông nghiệp và môi trường. Hôm thứ bảy tuần trước, hàng chục ngàn người đã biểu tình chống hiệp định này tại Hanover, một ngày trước khi tổng thống Obama đến thăm nước Đức.



No comments:

Post a Comment