Monday, April 4, 2016

ANH BA SÀM, NGHỊ SĨ ĐỨC M. PATZELT & BÁO "NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ" (TK Trân - Bauxite VN)





TK Tran    
5/4/2016

Xung quanh vụ xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân Hà Nội kết án anh Nguyễn Hữu Vinh 5 năm và chị Nguyễn Minh Thúy 3 năm tù giam, như chúng tôi đã nói, hiện vẫn còn để lại rất nhiều dư âm không mấy nhẹ nhàng cả trong nước và trên thế giới. Dưới đây là 3 bài do bạn đọc gửi tới phản ứng việc từ chối không cho Nghị sĩ Cộng hòa liên bang Đức Patzelt vào tham dự phiên tòa cũng như đối thoại với một bài viết trên báo Nhân dân điện tử bênh vực việc làm ấy của Tòa án Hà Nội bằng sự chỉ trích ngược: phê phán ông Patzelt. Xin đăng lên để các nhà cầm quyền trong nước rộng đường tham khảo, ngẫm người và xét mình. BVN chỉ truyền đạt khách quan mà không có ý kiến gì trước phong cách ngôn từ và quan điểm của từng người viết.
Bauxite Việt Nam

----------------

Ngày 23 tháng 3 vừa qua “Tòa án nhân dân” Hà Nội xử án tù anh Ba Sàm và cộng sự viên vì tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”. Việc nhà nước Việt Nam sử dụng luật pháp co dãn tùy tiện để liên tục đàn áp các tiếng nói phản biện không có gì mới. Cái mới trong vụ này là việc ngăn chặn không cho phép một người nước ngoài, một Nghị sĩ Quốc hội Đức, ông M. Patzelt(1)(2), được vào dự thính phiên xử, và cái mới đáng lưu ý hơn nữa là báo “Nhân dân điện tử”, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng, ngày 31.3.16 lại phổ biến một bài báo với tựa đề: “Ông M. Pát Xê đến Việt Nam để làm gì?”(3) của tác giả Hồ Ngọc Thắng(4) công kích một Nghị sĩ Đức, một đất nước bạn vẫn đang là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Chúng ta hãy điểm lại những cáo buộc của bài báo:

“Ông M. Patzelt xem thường pháp luật Việt Nam”?
Nhìn lại cuộc hành trình của ông Patzelt đến Việt Nam thì thấy là ông ta đã chuẩn bị khá chu đáo chuyến đi. Ông đã xin phép Quốc hội để được đi với tư cách Nghị sĩ, đã làm đơn xin được tham dự phiên tòa, và sau cùng, dù chưa nhận được trả lời đơn xin, ông vẫn tự mua vé máy bay đến Việt Nam. Ở Hà Nội ông chỉ đứng ở vỉa hè trước tòa án, khi vụ án này được xử.

Vậy có gì có thể gọi là xem thường pháp luật Việt Nam ở đây? Đặt chân đến Việt Nam chắc chắn là ông phải đi hợp pháp, hợp lệ. Ông không phạm luật khi tới Hà Nội, đứng ngoài tòa án trò chuyện với người phản đối không thể xem là hành vi xem thường pháp luật Việt Nam, biểu lộ cảm tình với người bị đối xử bất công không thể gọi là xem thường luật pháp. Ông cũng không có hành vi hung bạo nào va chạm với pháp luật Việt Nam, để có thể cho rằng ông “xem thường” pháp luật Việt Nam.

Nếu bàn đến chuyện “xem thường” thì khi các quan chức từ chối đơn xin của một Nghị sĩ nước Đức đối tác, chính nhà nước Việt Nam đã xử sự “xem thường” không những cá nhân ông Patzelt mà cả nền lập pháp của nước bạn. Hơn thế nữa điều này cũng biểu lộ thái độ khiếm nhã trong quan hệ ngoại giao.

“Ông Patzelt can thiệp thô bạo vào việc nội bộ nước khác”?
Trước khi phân tích câu phát biểu này, chúng ta hãy để câu này “tan chảy trên lưỡi”, như một thành ngữ Đức nói khi muốn chỉ tới một điều ý nhị cần có thời gian cho ngấm vào trí não. Thực ra câu nói này không có gì mới. Nó được các Chính phủ phản tiến bộ ở nhiều quốc gia lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi khi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì một vi phạm thô bạo nào đó. Tác giả bài báo cũng chỉ nhai lại một luận điệu cũ rích của nhà nước Việt Nam mỗi khi bị chỉ trích về vi phạm nhân quyền.

Hãy nhìn nhận một thực tế là trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay mọi quốc gia đều có những liên hệ hỗ tương với nhau. Không một quốc gia nào có thể khép kín, ngăn chặn được cái nhìn hay ảnh hưởng từ bên ngoài. Có lúc người ta nói: khi nước Mỹ bị cảm cúm thì nước Anh sổ mũi, khi nền kinh tế Trung Quốc xuống dốc thì ảnh hưởng cũng thấy ngay ở bên kia địa cầu. Rõ nhất là hiện nay ở Syria: hậu quả việc can thiệp của các cường quốc vào nội tình Syria rõ ràng là đang xảy ra và thảm cảnh dân di tản đã tới trung tâm châu Âu.

Ai trong quá khứ đã can thiệp thô bạo vào việc nội bộ nước khác? Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước Việt Nam đã đưa hàng trăm ngàn quân sang Kampuchia để thực hiện“nghĩa vụ quốc tế”, giải phóng dân Kampuchia khỏi ách Khmer Đỏ. Nhưng nếu muốn người ta cũng có thể nói rằng Việt Nam can thiệp thô bạo vào nội bộ nước khác. Hiện nay Biển Đông đang bị Trung Quốc dần dần thôn tính. Các nước liên hệ, kể cả Việt Nam không có mong muốn nào hơn là được các cường quốc phương Tây như Mỹ, Nhật, Úc và cả Ấn Độ vào cuộc, dính líu “can thiệp vào nội bộ” biển Đông giúp ngăn chặn nạn Trung Quốc bành trướng. Chính nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi sang Đức hồi đầu năm nay, đã yêu cầu Đức ủng hộ quan điểm Việt Nam, khác nào mời gọi nước Đức “can thiệp vào nội tình Biển Đông”, nơi nước Đức chẳng có bất kỳ nghĩa vụ hay quyền lợi gì.

Ông Patzelt đơn thương độc mã tới Việt Nam với mong muốn lẽ phải, công lý cho người yếu thế, “vũ khí” chỉ là vài bài chia sẻ trên mạng xã hội và tình cảm với những người bị dàn áp. Vậy mà ông đã bị buộc tội “can thiệp thô bạo vào nội bộ Việt Nam”? Cáo buộc như vậy vô hình trung đã đề cao thành quả chuyến đi của ông Patzelt.

“Ông Patzelt đến Việt Nam hổ trợ cuộc phản đối, không phải là để quan sát!”
Đây là trung tâm của cáo buộc ông Patzelt, rồi tác giả quyết đoán rằng ông Patzelt dùng “sức nặng” gây sức ép lên tòa án, rồi cho đó là một hành vi coi thường, “can thiệp thô bạo” vào nội bộ nước khác.

Sự thật ra sao?

Khi được phỏng vấn về lý do đến Việt Nam ông Patzelt trả lời: “Ich denke mal,dass meine Anwesenheit vielleicht ein kleines bisschen hilft, ein Freispruch oder Strafmilderung…”(5)tác giả [bài báo] dịch sang tiếng Việt: “Tôi nghĩ rằng với sự có mặt của tôi sẽ giúp cho được tuyên trắng án hoặc án sẽ được giảm nhẹ

Đúng ra câu này phải được dịch đầy đủ như sau: "Tôi nghĩ rằng sự có mặt của tôi có chăng sẽ giúp một chút xíu nào đó, tha bổng hoặc giảm án...Tác giả bỏ qua, không dịch nguyên một đoạn chỉ ra rằng người phát biểu biết rõ khả năng khiêm nhượng của chính mình.

Nghiêm trọng hơn nữa, tác giả bỏ qua không dịch tiếp câu trả lời thứ 2 của ông Patzelt như sau: “Ich denke, wir können von außen nur die Solidarität zeigen -Anteilnahme-. Wir können versuchen, (sie) moralisch zu stärken. Aber die Veränderungen müssen von innen kommen... ”(Tôi nghĩ là từ bên ngoài chúng tôi chỉ có thể bày tỏ tình đoàn kết, lòng thông cảm. Chúng tôi có thể cố gắng ủng hộ tinh thần. Nhưng mọi thay đổi phải đến từ bên trong...)(5).

Rõ ràng đây là ngôn từ của một người biết rõ hạn chế của mình, chỉ giữ vai trò người ngoài có thiện cảm với người trong cuộc. Câu nói của ông biểu lộ một hy vọng nhỏ bé là công lao bỏ ra có thể đem lại một kết quả nào đó, như tất cả mọi người khác mong chờ kết quả của công việc mình làm. Thế nhưng tác giả bài báo đã cắt xén câu thứ nhất, bỏ câu thứ 2 để cố tình gán ghép cho ông một bộ mặt “hoang tưởngngạo mạntự cho mình có sức nặng đủ để gây sức ép”, trích dẫn nhạo báng(6) là ông “có quyền cao hơn luật pháp, cao hơn tất cả các quan tòa ở Việt Nam... ”, xem Việt Nam là thuộc địa của Đức”(?)

Tác giả chỉ diễn đạt lại một nửa câu nói của ông Patzelt để dẫn người đọc đi lạc hướng. Đây không phải là cách thông tin chân thật. Một nửa cái bánh vẫn là một nửa cái bánh, song một nửa sự thật thì không còn là sự thật nữa.

So sánh vụ án “Altermedia” ở Đức, tháng Giêng và vụ án “Anh Ba Sàm” ở Việt Nam tháng Ba năm nay
Trong một đoạn rất dài của bài báo, tác giả đã tường thuật rất kỹ vụ án Altermedia ở nước Đức. Đó là một cổng thông tin Internet chuyên tải lên mạng những bài vở của người khác có nội dung kích động người dân”(3). Chính phủ Đức gần đây đã tiến hành bắt giam để điều tra 2 công dân Đức, điều hành viên của cổng thông tin này. Trước đó, vào năm 2011, 2 điều hành viên khác (A. Möller và R. Rupprecht) đã bị phạt nhiều tháng tù. Một cách gián tiếp tác giả bài báo trong “Nhân dân diện tử” đã so sánh vụ Altermedia với vụ bắt giam Anh Ba Sàm và biện minh cho động thái của nhà nước Việt Nam bắt giam Anh Ba Sàm và cộng sự khi đặt câu hỏi: “Tại sao họ (Altermedia) phải ngồi tù nhiều năm, mặc dù họ không dùng vũ lực, hoặc không gây thương tích cho người khác? Tại sao ở CHLB Đức, họ lại không được hưởng quyền tự do ngôn luận và báo chí một cách vô giới hạn? (3), và: cơ sở pháp lý tòa án CHLB Đức vận dụng trong vụ án này hầu như trùng khớp với nội dung điều 258 Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

Nhìn một cách phiếm diện thì quả là có điểm giống nhau là hai vụ xử án điều hành viên cổng thông tin Internet. Vấn đề đơn giản như vậy sao? Giữa hai vụ án có những điểm khác biệt quan trọng gì không?

Xin thưa là có:
Đó là tính chính danh của vấn đề.
Đó là sự khác biệt giữa một tổ chức cổ vũ tội ác (Altermedia) và một tổ chức lên án tội ác (Anh Ba Sàm).

Đó là sự khác biệt giữa nhà nước tự do dân chủ Đức, nơi mà người cầm quyền do dân bầu ra, tòa án phán quyết độc lập, và nhà nước Việt Nam chuyên quyền, nơi mà người dân không được tham gia lựa chọn người lãnh đạo, tòa án thì phán quyết theo lệnh của Đảng.

Tổ chức Altermedia là một cổng Internet Tân quốc xã (Neonazismus) có tầm vóc quốc tế, hoạt động ở Thụy sĩ, Áo và Đức, máy chủ đặt tại Nga, phần chính của cổng này ở Mỹ do một người đã từng là cốt cán của Ku-Klux-Klan (một tổ chức ở Mỹ chuyên săn đuổi, khủng bố người da đen) làm quản trị viên. Trang mạng Altermedia hoạt dộng ở Đức từ năm 2003 cho tới khi bị đóng cửa vào tháng Giêng năm nay. Trang mạng này phổ biến các bài vở và là diễn đàn cổ vũ bênh vực ý tưởng Đức-quốc-xã, hô hào từ việc dùng võ lực săn đuổi người tỵ nạn ở nước Đức cho tới việc mạ lỵ người dân Hồi giáo, kỳ thị người da màu, người nước ngoài nhằm khủng bố người nhập cư. Chủ nghĩa Quốc-xã (Nationalsozialismus) đã gây ra bao nhiêu đau thương trên nước Đức và Âu Châu ở nửa đầu của thế kỷ 20 với hàng chuc triệu người chết trong thế chiến thứ II, 6 triệu người Do Thái bị chết ngạt trong các trại tập trung và những chính sách điên rồ tương tự như buộc triệt sản (Zwangsterilisation) người tàn tật. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn có người ủng hộ, họ tập hợp lại dưới biến thể mới là Tân quốc xã đã gây nhiều tội ác với trọng tâm khủng bố người nhập cư. Hầu như mỗi ngày trên nước Đức đều có vụ dân nhập cư bị uy hiếp, nhà cửa họ bị đốt phá... Tổ chức Tân quốc xã NSU đã giết ít nhất là 5 người nhập cư chỉ vì “tội” duy nhất của họ là người nước ngoài. Cho tới hôm nay vụ án xử này vẫn còn tiếp diễn.

Việc cấm phổ biến các tư tưởng phát-xít để ngăn ngừa tội ác là điều tất yếu phải làm để xã hôi yên ổn, để tất cả mọi người không phân biệt màu da, tôn giáo có thể chung sống yên bình với nhau trên nước Đức cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Điều đương nhiên dễ hiểu này đã trả lời câu hỏi của tác giả bài viết trên “Nhân dân điện tử” (Tại sao ở CHLB Đức họ (Altermedia) lại không được hưởng quyền tự do ngôn luận và báo chí một cách vô giới hạn?)(3).

Trang mạng “Anh Ba Sàm” không hô hào bạo lực, không cổ vũ tội ác, không nhằm đánh phá các thành phần yếu kém trong xã hội như Altermedia. Trang mạng đưa thông tin về thực trạng đất nước, đăng tải bài vở đòi hỏi tự do dân chủ cho dân chúng. Tiêu chí của trang Anh Ba Sàm hoàn toàn trái ngược với Altermedia. Việc cấm đoán Altermedia là để bảo vệ dân nhập cư, một bộ phận dân cư sống tại Đức. Việc cấm đoán trang mạng Anh Ba Sàm chỉ có mục đích bảo vệ giới cầm quyền Việt Nam.

Mọi so sánh về trừng phạt Altermedia và trừng phạt Anh Ba Sàm đều khập khiễng, lố bịch. Người ta không thể so sánh 2 hình thái với nhau mà không lưu tâm tới nội dung, chủ đích. Thí dụ rất đơn giản như so sánh 2 người cầm súng bắn vào người khác, thì với cùng một hành động giết người như thế, người chiến sĩ cầm súng bảo vệ đất nước được suy tôn là anh hùng, song một kẻ giết người để cướp của sẽ bị truy nã.

Lời kết
Trong lời kết bài báo, tác giả chế giễu những người đấu tranh nhân quyền ở trong nước là những “gương mặt cũ rích, cãi vã, cạnh khóe lẫn nhau”.

Câu hỏi dành cho tác giả là đám người “phần tử xấu” ít ỏi, như vậy thì có đáng gì để chế độ phải run sợ, đàn áp thẳng tay để phải mang tiếng xấu trong trường quốc tế?

Hay là chế độ biết rằng, đó là chóp nhọn nhỏ bé của một tảng băng ngầm dưới đại dương. Nếu không cẩn thận, con tàu đảng CS mà các lãnh đạo đang lèo lái có thể đụng phải và chìm lỉm?

Chú thích nguồn:

T.K.T.
Tác giả gửi BVN

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:06
-----------------------------------
Thục Quyên
05/04/2016
Ngày 23 tháng 3 vừa qua “Tòa án Nhân dân” Hà Nội sau 2 năm nhốt người trái luật mà vẫn lúng túng không tìm được bằng chứng buộc tội, lại đem cái tội danh vớ vẩn “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” ra để kết án tù Anh Ba Sàm và cộng sự viên của ông, cô Nguyễn thị Minh Thúy.
Việc nhà nước Việt Nam đem cái luật đặc biệt đặt ra để siết cổ những  tiếng nói phản biện không có gì là lạ. Cái đặc biệt kỳ này là họ bị đẩy vào chân tường vì dù cố gắng ngăn chặn nhưng luật quốc tế đã không cho phép họ cấm hẳn một Nghị sĩ Đức, ông Martin Patzelt, đến Việt Nam.
Ông Patzelt đã nhũn nhặn xin phép qua Việt Nam từ nhiều tháng trước và nhà nước Việt Nam đinh ninh cứ trơ ra không trả lời là qua chuyện. Nhưng một Nghị sĩ Đức thì rất rành luật và ông Patzelt theo đúng chương trình "Bảo vệ Người bảo vệ Nhân quyền của Quốc hội Đức" , với sự cho phép của Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức, đã bay qua Việt nam với tư cách là một thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức, để bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với những bị cáo, đặc biệt là Anh Ba Sàm. Trước thế giới, ông Patzelt và Quốc hội Đức đã chính thức nói lên bằng hành động:
Anh Ba Sàm là một nhà bảo vệ Nhân quyền!
Nghị sĩ Patzelt đã đến tận toà đưa hộ chiếu ngọai giao xin vào.
Trong cơn quẫn bách, nhà nước Việt Nam đành muối mặt nói dối là phòng xử hết chỗ để ngăn chặn người khách vào, vì không thể quên là người này đến từ một nước bạn đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Nhưng tiến thoái lưỡng nan, những tưởng đóng cửa xử kín thì có thể bưng bít sự việc, không ngờ lại phải nhận thêm cú sốc chưa từng có là Nghị sĩ Patzelt đã nhẫn nại đứng nhiều tiếng đồng hồ trước cửa toà án, kéo theo sự có mặt của Tham tán chính trị và Nhân quyền Felix Schwarz của Toà Đại sứ Đức, cũng như ký giả những hãng thông tấn quốc tế. Một dịp quá ư thuận lợi để thế giới được xem bao nhiêu video, nghe phỏng vấn chi tiết, liên quan đến vụ án. Thí dụ như được chứng kiến đại biểu Liên minh Âu Châu cho Nghị sĩ Patzelt biết trong phòng xử còn nhiều chỗ trống! Bằng chứng hiển nhiên nhà cầm quyền Việt Nam dám nói láo ngay tại toà án!
Trở về Đức, ông Patzelt viết trong bản thông tin chính thức:
Tôi thật rất muốn được tham dự phiên toà để thấy mức độ tính chất pháp lý của nó. Tôi không thể hiểu tại sao phải xét xử đằng sau những cánh cửa đóng kín. Nếu nghĩ rằng mọi việc đều theo đúng quy trình pháp luật, thì đâu cần phải làm một cách giấu giếm như vậy?
"Ich wäre gerne bei diesem Prozess dabei gewesen, um zu sehen, inwieweit rechtsstaatlich vorgegangen wird. Es ist mir unverständlich, dass das Verfahren hinter verschlossenen Türen stattgefunden hat. Wenn man der Auffassung ist, dass alles seine rechtsstaatliche Ordnung hat, hätte man das Verfahren nicht geheim durchführen müssen".
Nhà nước Việt Nam chưa cho biết lý do tại sao. Có nghĩa là câu hỏi này chính ông Patzelt hay mọi đồng nghiệp của ông khi tham dự những buổi thương thuyết để hợp tác phát triển kinh tế Đức-Việt, lại phải đặt ra, vì đó là nhiệm vụ của họ. Trên trang nhà của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, trong bài nhận định về mối quan hệ song phương giữa Đức và Việt Nam có ghi rõ:
"Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật".
Nghị sĩ Martin Patzelt sinh ra và lớn lên tại Cộng hoà dân chủ Đức, và lẽ dĩ nhiên rất tường tận về những gì xảy ra trong xã hội Xã hội chủ nghĩa. Những trao đổi của ông với những người tranh đấu dân chủ Việt Nam khi đứng sát vai với nhau trước cổng tòa xử Ba Sàm, mang âm hưởng thân mật, ấm tình người pha lẫn chút  thương xót cho sự hy sinh của họ.
Nhưng đó là sự hy sinh phải có.
Ông nói "Từ ngoài chúng tôi chỉ có thể giúp, chính quí vị phải tự làm. Ngày xưa chúng tôi cũng phải tự làm. Tây Đức cũng không thể làm hộ".
Tuy vậy, với bản tính thành thật, ông Patzelt cũng đã tìm được một điều để khen ngợi: nhà nước Việt Nam đã không đàn áp những người ủng hộ Anh Ba Sàm đứng tụ tập trước cửa toà án, điều mà theo ông khó có thể xảy ra lúc trước tại Đông Đức.
Lời khen duy nhất này cũng tan biến chỉ vài ngày sau, khi Nghị sĩ Patzelt nhận được tờ báo cáo và hình ảnh những người bị sách nhiễu, ngăn cản từ nhà không thể đến tham dự, dù là chỉ đứng trước toà án, và ngay cả những người đã tiếp chuyện với ông, ngay sau đó đã bị "bắt cóc" cưỡng bách đem đi.
T.Q.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:05



No comments:

Post a Comment