Wednesday, April 27, 2016

30 THÁNG TƯ, 41 NĂM SAU, TƯỞNG NIỆM BIG MINH (Giao Chỉ)





11:57:pm 22/04/16

Một Vòng Hoa Cho Niên Trưởng

Đại tướng Dương Văn Minh

Nếu anh không nói! Ai nói?

Bây giờ không nói! Bao giờ?

Chuyện ông Dương Văn Minh

Tại sao ông lại ra nhận trách nhiệm vào 2 ngày sau cùng. Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tướng Minh cũng theo đoàn tầu hải quân VNCH tách bến Sài Gòn ra đi đêm 29 tháng 4-1975. Nhưng ông quyết định ở lại chỉ để lãnh đòn thù trước mặt và sự sỉ nhục của bạn sau lưng. Theo lịch sử Pháp trong đệ nhị thế chiến thống chế Petain cam chịu nhục để làm bại tướng cứu Paris khỏi cơn binh lửa để 4 năm sau thủ đô chào đón De Gaule trở về trong vinh quang. Bây giờ gần 40 năm qua người cứu Sài Gòn không còn nữa mà sao chưa thấy ai đóng vai De Gaule trở lại thủ đô.

Lời nói đầu: Từ suốt 41 năm qua, cứ đến 30 tháng 4 là mọi người đều nhắc đến câu chuyện tướng Dương Văn Minh đầu hàng với biết bao nhiêu là oán trách.

Riêng chúng tôi vẫn giữ trong lòng những suy nghĩ khác. Bây giờ sống trong thế giới tự do xin cho chúng tôi được giải bày quan điểm khác biệt với quý vị. Từ năm 2000, nhiều hồ sơ về chiến tranh Việt Nam đã được giải mật. Các tin tức đã cho thấy dù quyết tâm chiến đấu ngay từ đầu năm 1975 và không có các quyết định chiến lược sai lầm thì số phận miền Nam cũng phải được giải quyết trong thời hạn một năm.

Tiếp theo với chiến lược sai lầm trong 55 ngày cuối cùng làm mất vùng 1 và vùng 2 với hai quân đoàn và tất cả lực lượng Tổng Trừ Bị, miền Nam chắc chắn không thể nào gượng lại được nữa.

Vào ngày 28 tháng 4-1975, khi Cộng quân đã đến ngưỡng cửa Sài Gòn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không còn bất cứ một nguồn tiếp liệu dự trữ nào tại thủ đô. Hai tổng kho vĩ đại là Đà Nẵng và Long Bình có khả năng cho 90 ngày tiếp liệu đã nằm trong vùng địch. Kho bom đại vĩ đại nhất Đông Nam Á ở Thành Tuy Hạ lửa bốc cháy lưng trời. Nếu tiếp tục chiến đấu, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa sẽ chỉ còn trên tay các vũ khí nhẹ làm thành các ổ kháng cự nhỏ và sẽ bị tiêu diệt trong thời gian ngắn. Nếu nỗ lực lập được phòng tuyến vòng đai xa lộ cho thủ đô thì Sài Gòn sẽ chịu trận mưa pháo như An Lộc.

Trong mùa hè năm 72, thị trấn An Lộc chịu pháo 10 ngàn trái một ngày. Trong khi đó năm 75, Bắc quân đưa 19 sư đoàn với 1,000 chiến xa và đại pháo hướng về Sài Gòn. Tất cả các đơn vị trừ bị của Hà Nội đều tung vào Nam. Trận địa pháo vào Sài Gòn sẽ ác liệt hơn nhiều vì đông dân và không có công sự phòng thủ. Đau thương hơn cả là địch sẽ xử dụng tối đa chiến xa và đại pháo của chính chúng ta.

Vào những ngày cuối tháng tư 75 cấp chỉ huy cộng sản ăn bom B52 suốt cuộc trường chinh sẽ rất hả hê vui mừng được bắn phá thủ đô miền Nam trả thù, để tiến vào như đạo quân chiến thắng thực sự thay vì đem quân vào một thành phố bỏ ngỏ.

Miền Tây của tướng Nguyễn Khoa Nam tuy chưa nao núng nhưng thực sự chỉ là vấn đề thời gian. Hình thức chiến tranh mà miền Nam tùy thuộc suốt 20 năm không phải dễ dàng biến thành đạo quân cách mạng đánh du kích chống cộng sản xâm lược.

Đó là hoàn cảnh của ngày 28 tháng 4-1975 khi ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống. Dù muốn hay không, số phận nghiệt ngã của lịch sử đã dành cho ông vai trò chấm dứt cả hai nền Cộng Hòa Việt Nam. Đệ nhất và đệ nhị. Năm 1963 ông được đưa lên làm đảo chính chấm dứt nền đệ nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm. 10 năm sau đến lượt đệ nhị Cộng Hòa cáo chung khi ông Minh được đưa ra cúi đầu trước lịch sử.

Nhờ ông Minh người Mỹ có thể ra đi trong trật tự và kéo theo 130,000 dân di tản đợt đầu.
Và từ đó lịch sử mở tiếp các trang mới đầy đau thương cho đến gần 40 năm sau. Trải qua 20 năm dài với thuyền nhân trên bể khổ để rồi gần 1 triệu dân được định cư. Trải qua những năm dài với tù đày lao cải, trên 400 ngàn HO và gia đình đã định cư. Các đợt thuyền nhân và HO kéo theo đoàn tụ ODP, con lai để rồi chúng ta có 1 triệu 700 ngàn trên miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc. Ta vui mừng trở thành công dân của chính quốc gia đã phản bội chúng ta trong chiến tranh Việt Nam.

Nếu chúng ta bằng lòng với cuộc sống hiện nay, chúng ta không thể nguyền rủa ông Dương Văn Minh. Nếu chúng ta bất mãn với cuộc sống hiện nay, chúng ta cũng phải trút oán hờn vào nơi khác. Niên trưởng Dương Văn Minh với công việc làm tổng thống miền Nam trong hai ngày cuối cùng chỉ là ông tướng trên bàn cờ thảm bại đóng vai tốt đen, làm con chốt thí. Dứt khoát là ông đã cứu Sài Gòn với hàng chục ngàn cái chết hoàn toàn vô ích trong những ngày cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Trong niềm cảm thông sâu xa với vai trò bẽ bàng đau khổ của niên trưởng Dương Văn Minh tôi xin viết bài này gửi ông một vòng hoa tưởng niệm. Bài viết khi ông chết năm 2001, phổ biến năm 2005 và được bổ túc lại vào dịp 38 năm của ngày 30 tháng 4 oan trái.

Trong số các niên trưởng quân đội, tôi nghĩ rằng tướng Dương Văn Minh là người đã gặp nhiều oan trái nhất. Có thể do lỗi của chính ông. Tuy nhiên, thực ra nguyên nhân đã đến từ nhiều phía. Trong một niềm riêng, tôi viết bài này cho đại tướng, một cấp bậc mà ông không chấp nhận, ông cũng không bao giờ đeo lon đại tướng từ lúc được thăng cấp cho đến khi ông qua đời. Đây không phải là một vòng hoa rực rỡ cho người anh hùng mà là một vòng hoa tang lạnh lẽo cho vị niên trưởng đã ra đi lần cuối tháng 8-2001.

Bao năm qua, ông Dương Văn Minh là người bị phê bình và oán trách khá nhiều, nhưng ông lại là người ít lên tiếng để biện minh. Trong chỗ riêng tư và qua người con rể là đại tá Nguyễn Hồng Đài, ông đã nói như sau: “Viết để bào chữa cho mình thì tôi không làm, viết để kể xấu người khác thì tôi càng không muốn.”? Ông đã nhận chức tổng thống VNCH trong hai ngày cuối cùng, cô đơn giữa một nội các khập khiễng và hoàn toàn không nắm vững tình thế. Các giới chức hải quân VNCH trước khi lên đường có ngỏ ý sẵn sàng chở tướng Minh đi vào đêm 29 tháng 4-1975.

Tướng Minh quyết định ở lại và dự trù chỉ gửi vợ con ra đi. Nhưng bà Dương Văn Minh cũng nhất định ở lại với chồng và chỉ có gia đình con gái và con rể đi vào giờ chót. Ông Minh cho biết là cộng sản đã phối trí pháo chung quanh để khai hỏa đồng loạt dằn mặt Sài Gòn. Ông ở lại và chấp nhận tất cả mọi hậu quả.

Ông cũng cho biết, qua lời đại tá Nguyễn Hồng Đài là người Mỹ đã yêu cầu chính phủ của ông ra thông cáo mời họ ra đi. Việc này vị thủ tướng của ông tổng thống Dương Văn Minh là luật sư Vũ Văn Mẫu đã chính thức lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn.

Tuy nhiên, phải thành thật mà ghi lại rằng, đây vẫn còn là bí ẩn của lịch sử. Mỹ yêu cầu Việt Nam mời họ đi hay là quyết định đơn phương của nội các Dương Văn Minh. Nhưng rõ ràng là, dù có mời đi hay giữ lại thì người Mỹ cũng ra đi.

Sau khi đầu hàng, ông ở nhà chờ cộng sản kêu đi học tập. Một năm sau, có người xưng là thủ trưởng đem đến một thùng sách nói là để giúp ông học tập tại nhà. Tướng Minh nói: “Tôi không có lòng dạ nào mà học tập, cũng chẳng thấy có gì cần học tập, xin anh cứ đem về.” Thùng sách nằm tại phòng khách. Bốn tháng sau, thủ trưởng đến khảo sát kết quả nhưng thấy ông bị bệnh nên đã đem sách về. Khi bị đau nặng chính phủ Hà Nội đề nghị ông đi Nga, hoặc là đi Đông Đức để chữa bệnh nhưng ông từ chối. Gia đình ông yêu cầu cho đi Pháp nhưng cứ chờ đợi mãi. Sau cùng được biết trước một ngày. Sáng hôm sau có xe chở ra phi trường Tân Sơn Nhất, đến cửa phi cơ mới thấy vé máy bay và thông hành. Viên phi công người Pháp đã được lệnh chờ và dành chỗ cho 2 người khách đặc biệt, lúc đó mới biết đó là ông bà cựu tổng thống Dương Văn Minh. Sau hết, từ lâu đã muốn đưa lên một ý kiến riêng tư về hoàn cảnh đại tướng Dương Văn Minh, tuy nhiên tôi không muốn mở ra một cuộc tranh luận mới. Vì vậy nên ý kiến của chúng tôi nếu không được chấp nhận, xin quý độc giả vui lòng lượng thứ.

Những ý kiến đó như sau:

OAN TRÁI MỘT ĐỜI
Mỗi người trong chúng ta đều có riêng một ngày ba mươi tháng tư. Và niên trưởng của tôi, đại tướng Dương Văn Minh tức Minh Dương hay Big Minh cũng có riêng của ông một ngày ba mươi tháng tư vô cùng tệ hại.

Hình ảnh tổng thống Dương Văn Minh cao lớn, cúi đầu, hai tay buông thõng phía trước như người bị trói, bước đi giữa hai cán binh cộng sản đăng trên báo chí toàn thế giới đã làm cho chúng ta vô cùng đau đớn.

Trước đó 12 năm, báo chí thế giới phổ biến hình ảnh hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát trên thiết vận xa M113. Hình ảnh này cũng mang nặng trách nhiệm trên vai tướng Minh, là người lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11-1963. Thậm chí dư luận buộc tội ông chính là người ra lệnh giết tổng thống và bào đệ. Sáu năm sau ngày 30 tháng 4-1975, chiến binh Việt Nam Cộng Hòa huynh đệ đang ở trong các trại tù lao cải bị lùa ra sân ngồi chờ coi phim thời sự.

Anh em đã lại thêm một lần căm gan tím ruột khi cộng sản chiếu hình tướng Minh, vị tổng thống cuối cùng của miền Nam đi bỏ phiếu bầu với tư cách là công dân của chế độ mới.

Trong suốt một phần tư thế kỷ lưu vong, đại tướng Dương Văn Minh thường là đề tài của biết bao nhiêu oán hận, chê trách. Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa, ông bị nghi là thân Pháp âm mưu phản nghịch. Đến biến cố năm 1963 ông bị tố cáo là tay sai của Mỹ và giết chết tổng thống. Dù là người lãnh đạo đảo chính thành công, ông đã bị đàn em lưu đày đi Thái Lan dưới thời đệ nhị Cộng Hòa của tổng thống Thiệu.

Sau đó ông trở về nước tham gia cuộc tranh cử tổng thống với các liên danh ông Thiệu, ông Kỳ. Rút cuộc thiếu tướng Kỳ và đại tướng Minh cùng rút lui để trung tướng Thiệu độc diễn và đắc cử.

Cho đến tháng 4-1975 ông bị buộc tội thân Cộng và lên cầm quyền chỉ nhằm mục đích đầu hàng.

Hình ảnh của một tổng thống miền Nam đầu hàng và cộng tác với chính quyền cộng sản đã ghi sâu đậm niềm cay đắng trong tâm khảm của hàng ngàn anh em tù “cải tạo” đem ra hải ngoại, tưởng chừng sẽ không bao giờ xóa bỏ được. Cho đến ngày…

Cho đến ngày 6 tháng 8 năm 2001 khi ông Dương Văn Minh 86 tuổi, bị té xuống đất tại thành phố Pasadena, quận Los Angeles phía Nam tiểu bang California.

Và như vậy, người thanh niên của tỉnh Long An sinh năm 1916, học chương trình Pháp, đi lính cho Pháp, trưởng thành trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ở lại với xã hội chủ nghĩa, đi chữa bệnh và cư ngụ tại Pháp, nhưng sau cùng đã trải qua những năm chót cho đến khi qua đời tại Hoa Kỳ. Trong nhà của cô con gái và các cháu ngoại.

VÀI HÀNG TIỂU SỬ
Theo tài liệu của Chử Bá Anh, dù vóc dáng võ biền nhưng ông Dương Văn Minh là người có học lực khá cao.
Sinh năm 1916 tại Mỹ Tho, theo học Chasseloup Laubat tại Sài Gòn, ông Minh đỗ tú tài II chương trình Pháp ban toán vào năm 1938 cùng một lớp với tướng Trần Văn Đôn. Thế chiến lần thứ hai bùng nổ, người Pháp tổ chức 3 chương trình đào tạo cán bộ cho quân đội. Trung tâm huấn luyện TONG?ở miền Bắc đã đào tạo ra thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ. Trung tâm Mang Cá ở miền Trung đã đào tạo ra đại tá Hà Văn Lâu sau này theo Cộng Sản. Trung tâm ở miền Nam đặt tại Thủ Dầu Một. Nơi đây ông Minh đã ra trường với cấp bậc Aspirant tức là chuẩn úy vào năm 1940.

Khi Nhật đảo chánh Pháp, ông Minh đang phục vụ tại Cap’s Jacques và bị Nhật cầm tù năm 1945. Khi Pháp trở lại, ông bị Tây bắt cùng với ông Nguyễn Ngọc Thơ. Hai cái răng cửa của ông bị Tây đánh gẫy và nhiều năm sau này ông vẫn không trồng răng giả để giữ kỷ niệm về trận đòn của công an Pháp. Vì vậy trong quân đội còn gọi ông là Minh Sún. Khi lên cấp tướng, các sĩ quan gọi là Minh Dương hoặc Minh lớn để phân biệt với tướng Minh Trần. Báo chí Hoa Kỳ gọi ông là Big Minh.

Tháng 9 năm 1955 ông được cử làm đại tá tư lệnh chiến dịch Hoàng Diệu đánh Bình Xuyên tại Rừng Sát. Lúc đó trung tá Nguyễn Khánh làm tư lệnh phó và thiếu tá Nguyễn Hữu Hạnh làm tham mưu trưởng.

Sau khi hoàn tất việc dẹp Bình Xuyên, ông Minh được tổng thống Diệm tín nhiệm trong chức vụ tư lệnh chiến Nguyễn Huệ rồi tiếp đến Thoại Ngọc Hầu để bình định miền Tây đánh quân Hòa Hảo của tướng Ba Cụt.

Trở về Saigon dù mang lon tướng nhưng ông Dương Văn Minh dần dần bị thất sủng trong chức vụ ngồi chơi xơi nước?tại bộ tư lệnh hành quân. Năm 1963 với cấp bậc trung tướng thâm niên nhất sau đại tướng Lê Văn Tỵ, tướng Minh được coi như một thứ anh Hai của các tướng lãnh ngấm ngầm chống gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuy ông là người lãnh đạo cuộc đảo chính 1 tháng 11-1963 nhưng thực sự chủ động do các tướng lãnh đàn em thực hiện. Từ việc âm mưu móc nối, đến việc liên lạc với Hoa Kỳ, điều động các đơn vị đều do các tướng Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính v.v… đảm trách.
Với cung cách lãnh đạo như vậy, các tướng lãnh đảo chánh đã phải trải qua một thời gian đầy sóng gió, sau khi nền đệ nhất Cộng Hòa bị xóa sổ. Trong sự rối ren về chính trị đó, dưới sự điều động của tướng Nguyễn Khánh, quốc trưởng Phan Khắc Sửu đã thăng cấp đại tướng cho ông Dương Văn Minh và cả ông Nguyễn Khánh. Dù vẫn được gọi là đại tướng nhưng ông Minh từ chối đeo lon và bị đàn em đẩy đi Thái Lan làm đại diện chính phủ. Một chức vụ rất vớ vẩn đặt ra vì nhu cầu chính trị.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi ổn định nền đệ nhị Cộng Hòa đã cho phép tướng Minh về nước. Trở về với thú vui cây cảnh tại dinh Hoa Lan, tướng Minh lại được phía Hoa Kỳ móc nối để yêu cầu ra ứng cử tranh đua chức tổng thống với ông Thiệu, ngõ hầu tạo cho cuộc bầu cử có mầu sắc dân chủ.

Sau đó vì nhận thấy sẽ chỉ là lá bài lót đường nên ông Minh đã rút lui. Bất hạnh cho ông, thay vì lót đường trong kỳ tranh cử tổng thống thì định mệnh đã dành cho ông làm công việc lót đường tủi nhục hơn vào tháng Tư năm 1975.

MỘT VÒNG HOA CHO NIÊN TRƯỞNG
Khi ông trưởng thành thì tôi mới ra đời. Ông vốn là dân Long An sinh ra ở Mỹ Tho. Nơi sinh của tôi là Nam Định dù chính quán Hải Dương. Mỹ Tho, Long An và Hải Dương, Nam Định đều cách xa ở hai đầu đất nước.

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của ông tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ duyệt qua hàng sĩ quan tại bộ tư lệnh ở Long Xuyên 50 năm về trước. Tướng Dương Văn Minh vóc dáng cao lớn, mặt mũi đen đủi, răng cửa trống toác, tay cầm can vung vẩy nói với anh trung úy Bắc Kỳ con nít mặt còn mụn trứng cá, với nửa mối tình đầu.
“Toi người Bắc có muốn theo qua đánh ra Hà Nội không?”
Tôi đáp lại giọng yếu xìu: Có.
“Nói nhỏ xíu mà đánh đấm gì.”?
“Thưa Thiếu tướng có, đánh thẳng ra Hà Nội?” Anh trung úy đáp lớn hơn, giọng pha một chút tự ái.
“Bon, Engage”? ông tướng hài lòng nói bằng tiếng Pháp rằng tốt lắm, hãy sẵn sàng nhập cuộc.

Sau đó, tôi với ông không có nhiều liên hệ trực tiếp. Hết các chiến dịch miền Tây, ông tư lệnh về Sài Gòn, còn anh trung úy Bắc kỳ đổi về quân khu 1 sống với các địa danh lạ lùng từ Sông Bé đến Bình Giả. Hết Bời Lời, Củ Chi lại đến Hồ Bò, Đồng Xoài. Cho đến những năm sau cùng tại bộ tổng tham mưu, tôi biết về ông qua anh bạn Nam Kỳ là đại tá Nguyễn Hồng Đài con rể của tướng Minh mà anh em gọi đùa là phò mã.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn ghi nhớ cái thỏa ước bất thành văn với niên trưởng Dương Văn Minh về một trận đánh ra Hà Nội.

Nào ngờ tháng 4 năm 1975 ông chẳng đánh ra Hà Nội mà lại ngồi ở Dinh Độc Lập chào đón người Hà Nội đánh vào Saigon. Phần tôi, anh trung úy Bắc Kỳ con nít năm xưa cũng chẳng bao giờ có dịp theo ông đánh ra Hà Nội. Khi nghe tiếng ông ra lệnh buông súng trên Radio thì tôi chỉ còn đường dẫn anh em xuống tàu quân vận của giang đoàn cận duyên tại Khánh Hội đi theo hải quân mà chạy thẳng ra biển.

Đại tướng Dương Văn Minh xuất thân võ bị nhưng thực ra cuộc đời của ông dính liền đến chính trị. Từ trong tâm khảm, ông là người thích vui thú điền viên nhưng với một chút tham vọng còn lại cũng đủ bị lôi kéo vào thời sự. Với hình ảnh của một anh Hai Nam Kỳ, qua nói cho các em nghe, ông đã có được một số thân cận trong chính giới và nhà binh trải qua nhiều năm và nhiều hoàn cảnh. Tuy là người hoạt động chính trị nhưng ông luôn luôn bị thời sự chính trị qua mặt và bị lừa vì những ảo tưởng của chính ông cũng như từ nhiều phe phái đem đến.

Với thành tích dẹp các giáo phái từ Bình Xuyên đến Hòa Hảo đúng ra ông phải là công thần số một của nền đệ nhất Cộng Hòa. Vì nhờ đó mà chế độ đã vượt qua giai đoạn phôi thai khó khăn nhất. Nhưng tướng Dương Văn Minh đã trở thành một tướng lãnh Nam Kỳ bị ngồi chơi xơi nước, ngay sau ông Ngô Đình Diệm ổn định được miền Nam.

Qua cuộc binh biến của nhẩy dù với Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, giới quân nhân rút kinh nghiệm về khả năng của anh em ông Diệm lật lại thế cờ, nên đã phải ra tay quyết liệt.
Khi phe đảo chính tấn công vào dinh Gia Long không thấy anh em ông Diệm, tất cả đều đã sững sờ thất sắc.

Do đó cái chết của anh em ông Diệm là chuyện không thể tránh được trong hoàn cảnh đảo chính hỗn quân hỗn quan. Nhất là sau đợt đấu tranh căm thù sôi sục vì những hành động sai lầm của ông và bà Ngô Đình Nhu.

Trong vai trò lãnh đạo, mỉa mai thay, người quyết định ít nhất nhưng lại là người lãnh trọn vẹn trách nhiệm về cái chết của một tổng thống. Ông Dương Văn Minh không thể chối bỏ được trách nhiệm đó.

Đến năm 1975, một lần nữa tướng Dương Văn Minh lại bị thời cuộc chính trị và tất cả các phe phái lừa dối.

Người Mỹ liên lạc mời ông chuẩn bị cầm quyền để thương thuyết trong giai đoạn chuyển tiếp. Người Pháp, qua tòa đại sứ dứt khoát cho biết đã liên lạc với mọi phía và rằng chỉ có Big Minh mới là nhân vật giải quyết được tình hình. Nhóm phật giáo Ấn Quang tự nhận có móc nối với phía bên kia hứa hẹn sẽ sẵn sàng nói chuyện.

Thậm chí cả chính quyền Hà Nội khi lên tiếng đòi tổng thống Thiệu từ chức, rồi tiếp theo cũng không chịu nói chuyện với ông Trần Văn Hương vì nại cớ cụ Hương cũng là người của ông Thiệu.

Bằng cách không phản đối tướng Dương Văn Minh, Hà Nội có ý gián tiếp gửi một thông điệp coi như đây là người có thể nói chuyện được.

Và chính tướng Minh cùng giới chức thân cận của dinh Hoa Lan cũng đều hy vọng là sẽ lập nội các mới để thỏa hiệp ngưng bắn tại chỗ, ngõ hầu bàn chuyện hòa giải dân tộc.

Ngay cả quốc hội VNCH vào những ngày cuối cùng cũng đều có ảo tưởng giao quyền từ cụ Hương qua ông Minh sẽ ngưng được cuộc tiến quân của Cộng Sản để nói chuyện hòa đàm.

Vào buổi chiều mưa gió tại dinh Độc Lập, khi trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng tư lệnh quân đội đã bay qua Đài Bắc, đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng bay qua Thái Lan, phía quân đội chỉ còn trung tướng Đồng Văn Khuyên đại diện. Cuộc bàn giao chức tổng thống giữa cụ Trần Văn Hương và ông Dương Văn Minh đã diễn ra trong bầu không khí nghiêm trọng và ảm đạm.

Cả 2 người đều dùng những tiếng rất tình cảm trong các bài diễn văn lịch sử. Mở đầu cụ Trần Văn Hương: Thưa đại tướng, bây giờ xin đại tướng có cơ hội thì ra nhận trách nhiệm mà cứu đất nước.? Cụ Hương không bao giờ nghĩ rằng sẽ giao cho đại tướng công việc đầu hàng.

Để đáp từ, ông Dương Văn Minh gọi cụ Hương là thầy: Thưa thầy, tôi sẽ hứa chu toàn trách nhiệm. Sẽ nói chuyện phải quấy với người anh em phía bên kia. Đại tướng không bao giờ nghĩ rằng nhận trách nhiệm từ thầy Hương để rồi sẽ đầu hàng. Trước khi ông Big Minh đọc bài diễn văn nhậm chức, một sĩ quan đã gỡ tấm huy hiệu cũ của tổng thống Thiệu trên bục thuyết trình để thay bằng huy hiệu Mai Vàng rực rỡ. Đó không phải là sự chuẩn bị để đầu hàng.

Vì vậy niên trưởng Dương Văn Minh đã bị lừa. Ông Thiệu lừa cả cụ Hương, cả quốc hội, cả QLVNCH và cả miền Nam để ra đi cho êm thắm. Khi từ chức, Tổng thống Thiệu nói là ông từ nhiệm chứ không đào nhiệm. Một cách vô cùng khéo léo, và do tình thế góp phần ông đã trở thành một nhân vật cản trở cho hòa bình và khi ông ra đi lại là một sự hy sinh. Nhưng thực sự, ông ra đi quá trễ đã để lại một quốc gia và một quân đội tan tác không thể hàn gắn được. Hoa Kỳ cũng lừa ông Kỳ và ông Minh để cuộc rút lui của họ được yên ổn và trật tự. Người Mỹ một mặt hứa hẹn lăng nhăng để tướng Kỳ án binh bất động. Một mặt vào giờ chót, Hoa Kỳ yêu cầu ông Minh ra thông cáo buộc người Mỹ phải ra đi.

Cũng như năm xưa, dưới thời thủ tướng Phan Huy Quát và quốc trưởng Phan Khắc Sửu, khi thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ xuống ở miền Trung ngày 8 tháng 3-1965, qua hôm sau chính phủ Việt Nam mới biết để vội vàng thảo thông cáo mời quân đội Mỹ tham chiến.
Người Pháp và phật giáo Ấn Quang đều bị Cộng Sản lừa bịp ậm ừ sẵn sàng hòa đàm để rồi chuyển lại các tin tức bánh vẽ cho tướng Minh và thân hữu..

Kịp đến khi toàn quân tan nát, không còn gì để điều đình, thậm chí không còn gì để bàn giao nữa thì đã quá muộn màng.

Năm 1963 với quyền rơm vạ đá, niên trưởng Dương Văn Minh đã chịu tội cho tất cả các tướng lãnh và quân đội làm đảo chánh, nếu cho rằng cuộc đảo chánh giết anh em ông Diệm là một tội lỗi.

Năm 1975, một lần nữa, niên trưởng Dương Văn Minh đã giơ đầu chịu báng theo cung cách mà quân đội gọi là ông ra lãnh đạn?.

Tất cả các tướng lãnh đã một thời Huynh Đệ Chi Binh chia ngọt sẻ bùi đều không ai có mặt, để lại một ông đại tướng hoàn toàn không nằm vững tình thế từ quân sự đến chính trị gánh toàn bộ ngàn cân tủi nhục của vai trò thua trận đầu hàng.

Nếu toàn quân và toàn dân có những lý do mà trách cứ ông Dương Văn Minh, tôi sẽ không có gì để tranh luận. Nhưng riêng phần tôi, tôi không tin là ông Minh lên cầm quyền nhằm mục đích đầu hàng phản bội miền Nam. Trong đệ nhị thế chiến, tướng Petain ra đầu hàng Đức quốc xã nói là để cứu Paris là kinh đô ánh sáng với ngàn vạn sinh linh khỏi bị tàn phá, dù sao ông cũng còn được làm thống chế bù nhìn dưới sự cai trị của Đức.

Trong khi đó niên trưởng Dương Văn Minh cay đắng trong bản án đầu hàng oan nghiệt cho đến ngày phải ra đi lần cuối.

Quả thực từ trong tâm khảm, ông đã biết cuộc chiến kéo dài chỉ thêm đau thương chết chóc. Chịu đựng nhục nhã thêm một lần, ông chỉ muốn thành phố Saigon thân yêu của ông khỏi bị tàn phá. Saigon không bao giờ của ông Ngô Đình Diệm. Saigon không phải của ông Nguyễn Văn Thiệu. Và Saigon cũng không phải là của Hồ Chí Minh.

Qua chỉ muốn sống chết ở Saigòn, nhưng không được! Đó là thành phố của ông Dương Văn Minh.

Trải qua bao nhiêu dâu bể, trước khi ra đi lần cuối, tướng Minh Dương đã trở về nhà con gái sống giữa cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California. Khép kín, không phân trần, không tranh luận, không kết án và không biện hộ.

30 năm trước, chuyến bay muộn màng đã đưa ông ra khỏi Việt Nam. 20 năm sau, chuyến bay nào sẽ đưa ông về nơi vĩnh cửu. Vị tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, tại chức chưa được ba ngày.

Thưa niên trưởng Dương Văn Minh.

Khi đi khỏi Saigòn, anh em chúng tôi ai cũng muốn làm một De Gaule để vượt biển Manche mà trở lại Paris với khúc khải hoàn ca. Rút cục chúng tôi chỉ là các tướng De Gaule giả. Ông chính là thống chế Petain thật đã chịu nhục để cứu lấy Sài Gòn.

Nghe tin niên trưởng ra đi lần cuối, tôi nhờ bạn Nguyễn Hồng Đài gửi một vòng hoa của anh trung úy Bắc Kỳ năm xưa trong bộ tham mưu chiến dịch Nguyễn Huệ. Dù Trung Nam Bắc, ở đâu thì cũng cần phải có sự công bình và chung thủy.

© Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt
 





No comments:

Post a Comment