Monday, March 28, 2016

TÌNH HÌNH THỦY HỌC CỦA SÔNG MEKONG (Nguyễn Minh Quang, PE)






Dựa theo dữ kiện đăng tải trên website ffw.mrcmekong.org của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), tình hình thủy học (mực nước và lưu lượng) ghi nhận được tại các trạm thủy học của MRC như sau:

1. Sau khi Trung Hoa loan báo xả nước sông Mekong từ đập Cảnh Hồng từ ngày 15/3, mực nước tại trạm Chiang Saen, Thái Lan bắt đầu tăng nhanh từ 1,91 m trong ngày 7/3 đến 3,26 m trong ngày 14/3 và duy trì ở mức đó cho đến ngày 28/3. Lưu lượng tại trạm nầy tăng từ 950 m3/sec trong ngày 7/3 lên 1.980 m3/sec trong ngày 14/3 và duy trì ở mức đó cho đến ngày 28/3. Như vậy, số lượng nước do Trung Hoa xả thêm, khoảng 1.000 m3/sec, đã đến Chiang Saen.

2. Nước xả thêm từ đập Cảnh Hồng xuống đến trạm Luang Prabang vào ngày 15/3, trạm Chiang Khan vào ngày 18/3, trạm Vientiane vào ngày 21/3, và trạm Nong Khai vào ngày 22/3. Lưu lượng tại các trạm nầy duy trì ở mức 2.400 m3/sec ở Chiang Khan, 2.500 m3/sec ở trạm Luang Prabang, 2.400 m3/sec ở trạm Vientiane, và 2.300 m3/sec ở trạm Nong Khai. Mực nước tại Nong Khai tăng từ 1,53 m trong ngày 18/3 lên 2.95 m trong ngày 28/3.

Trạm thủy học ở hạ lưu vực sông Mekong [MRC]

3. Tính đến ngày 28/3, tức 6 ngày sau khi đến trạm Nong Khai, nước xả thêm từ đập Cảnh Hồng chưa được ghi nhận tại trạm Paksane cách trạm Nong Khai khoảng 140 km về phía hạ lưu. Khoảng cách nầy tương tự như từ Chiang Khan đến Vientiane nhưng nước chỉ mất 3 ngày, chứng tỏ số nước xả thêm từ đập Cảnh Hồng có thể đã biến mất sau khi đến Nong Khai, Thái Lan vì lưu lượng tại trạm nầy vẫn ở mức 1.000 m3/sec.

4. Sau khi Lào loan báo xả nước thủy điện, khoảng 1.000 m3/sec, để giúp Việt Nam từ ngày 23/3, dường như từ đập thủy điện Theun-Hinboun, lưu lượng ở các trạm ở hạ lưu Nam Hinboun đầu tăng lên khoảng 1.000 m3/sec và đạt 3.000 m3/sec tại trạm Nakhon Phanom vào ngày 25/3; 3.000 m3/sec tại trạm Thakhek vào ngày 26/3; 3.700 m3/sec tại trạm Mukdahan vào ngày 27/3; và 5.100 m3/sec vào ngày 28/3. Như vậy, nước mất 3 ngày để đi từ Nakhon Phanom đến Mukdahan, cách nhau 100 km.

5. Với một khoảng cách khoảng 850 km - từ Mukdahan đến Tân Châu - nước xả thêm từ đập Theun-Hinboun của Lào có thể phải mất thêm ít nhất 25 ngày mới đến Tân Châu, với điều kiện nó vẫn còn trong sông Mekong. Tuy nhiên, dữ kiện thủy học của MRC cho thấy đoạn sông từ Mukdahan đến Khong Chiam cũng bị mất một lượng nước rất lớn, tương tự như đoạn sông giữa Nong Khai và Paksane.

Bảng phân tích nầy sẽ được cập nhật hàng tuần, sau khi MRC cập nhật dữ kiện thủy học sông Mekong và đăng tải lên website nêu trên.

28.03.2016



------------------------------


Nhà nước ta đã công bố hạn mặn năm nay ở ĐBSCL là thiên tai và kêu gọi quốc tế giúp đỡ (giúp đỡ gì đây trời!). Là người dân đồng bằng, tôi biết hiện tượng mặn xâm nhập trong mùa kiệt không phải là mới, mà từ nhiều năm trước nó đã rất nghiêm trọng. Lục lại báo cũ thì quả nhiên có một bài trên báo Tuổi Trẻ, từ tận năm 2004, tình hình cũng tương tự năm nay, chỉ có mức độ thì ít nghiêm trọng hơn!http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-...

Tôi cũng tìm được các bài báo viết về hạn mặn vào tháng ba những năm 2010, 2014, 2015, đó là những năm mà hạn mặn tương đối gay gắt.

Vậy câu hỏi đặt ra là “ai” đã làm gì để giải quyết rốt ráo vấn đề hạn mặn đã thấy trước từ 12 năm nay, và đã trở thành thường xuyên? Vấn đề lớn này ảnh hưởng nặng nề đến 18 triệu dân đồng bằng và với an ninh lương thực cả nước.

Hôm nay xem thời sự trên tivi thấy các vị lãnh đạo chỉ đạo rằng thì là không để nhân dân vùng hạn mặn bị đói, khát. Cái chuyện đói khát này rất dễ giải quyết, các vị nên lo chuyện lâu dài, chuyện chiến lược kìa. Xem ra một chiến lược đúng đắn và khả thi cho ĐBSCL không có trong suy nghĩ của các vị rồi.

Ta thử xem vấn đề hạn mặn này có vị trí nào trong lòng dân ý Đảng nhé.

- Dân đồng bằng vùng nhiễm mặn: vét tiền mua nước uống. Đau lòng nhìn lúa chết vì nhiễm mặn. BÁn đổ bán tháo heo, bò... vì không có nước cho tụi nó uống. Lo lắng năm tới sẽ nghèo mạt, nợ nần chồng chất. Phân vân không biết có nên nuôi heo bò và trồng lúa nữa hay không vì không nuôi trồng thì đó mà nuôi trồng thì cũng lỗ lã, đói hơn.

- Dân đồng bằng vùng không nhiễm mặn: vô tư như không có gì xảy ra. mừng vì lúa lên giá, heo bò lên giá (sau đợt hạ giá vì bán đổ bán tháo).

- Dân vùng khác, dân thành thị: càng vô tư hơn, lo cuộc sống của bản thân là mệt rồi.

- Các nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan: lên tiếng lẻ tẻ, cũng là những tiếng nói đơn độc, không được ghi nhận và đánh giá nghiêm túc.

- “Hệ thống chính trị” tức những người có quyền và có trách nhiệm: đi thị sát và nói những lời có cánh để chờ qua mùa hạn, mưa tới thì đâu lại vào đấy. Hạn hay mặn không ảnh hưởng trực tiếp đến ngai đến ghế, đến cuộc sống sung sướng của họ. Hết nhiệm kỳ thì họ hạ cánh an toàn lui về “ráng làm người tử tế” thiệt sung sướng, vậy thì việc quái gì phải lo đến hạn với chả mặn cho nó nhức đầu.

Hơn mười năm nay không ai lo thì 10, 20 năm nữa cũng đâu ai cần lo! ( Đảng đã cho ta một mùa xuân còn mùa hạn mặn thì ... ta tự “no”)

Cho nên, tương lai của ĐBSCL sẽ như tiền đồ của chi Dậu vậy!



No comments:

Post a Comment