Tuesday, March 1, 2016

THÂN PHẬN NHƯỢC TIỂU TRONG GỌNG KÌM MỸ - HOA : TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM, ĐÀI LOAN & PHI LUẬT TÂN (Nguyễn Xuân Nghĩa)





28/02/201615:24:00

(Tại buổi Hội thảo ngày 21 Tháng Hai 2016 - Tổ đình Minh Đăng Quang Kỷ niệm Tết Đống Đa 1789)

Cảm tạ và giới thiệu năm phần của bài thuyết trình.

Trước hết, xin minh định hiện tượng gọi là “Gọng Kìm Mỹ-Hoa”, sau đó mới xét tới trường hợp của một số quốc gia nhược tiểu. Vì thời lượng có hạn nên chưa thể nói đến hoàn cảnh của Miến Điện hoặc vị trí đặc biệt của Lào và Miên.

Một: Gọng Kìm Mỹ-Hoa

Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai cường quốc trên hai bờ Đông-Tây của Thái Bình Dương, vốn có quan hệ lâu đời, từ những năm 1840 về sau mà nhiều người có thể đã quên. Bước vào thế kỷ 20, Hoa Kỳ tiến dần lên trình độ siêu cường và tự xác định là cường quốc Châu Á, trong khi Trung Quốc thêm lụn bại, bị xâm lược và trôi vào nội chiến.

Trong Thế chiến II, khi nội chiến Quốc-Cộng tiếp diễn, Hoa Kỳ tham chiến chống Nhật tại Á Châu và thực tế can thiệp vào Nội chiến Quốc-Cộng của Trung Hoa với nhiều quyết định tai hại cho phe Quốc Dân Đảng, mà khi ấy, dân Việt chúng ta cũng ít quan tâm chú ý.

Thí dụ là vào Tháng Sáu 1946, khi Quốc Dân Đảng truy lùng phe Cộng và thắng thế tại Mãn Châu lại bị lệnh ngưng bắn của phía Mỹ, từ Tướng George Marshall là Đặc sứ của Tổng thống Harry Truman, và sau đó còn bị Mỹ phong tỏa quân viện, từ Tháng Chín 1946 tới Tháng Bảy 1947. Kết quả là QDĐ rơi vào cái bẫy sinh tử tại Mãn Châu và bị phe Cộng tàn sát.

Biến cố 1947 đánh dấu bước lật trong Nội chiến Quốc-Cộng và báo hiệu chiến thắng của phe Cộng dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. Sau khi Trùng Khánh thất thủ cuối năm 1949, lãnh tụ QDĐ là Tưởng Giới Thạch lưu vong qua Đài Loan. Có lẽ, ông là người đầu tiên nếm mùi “nhược tiểu” trong gọng kìm Mỹ-Hoa. Chiến tranh Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên từ 1950 đến 1953 chẳng là niềm an ủi, rằng ông có lý!

Rồi chiến thắng của phe Cộng sản tại Hoa lục năm 1949 và Chiến tranh Cao Ly 50-53 mới tạo điều kiện cho phe Cộng sản thắng tại Việt Nam năm 1954, và mở ra cuộc chiến Nam-Bắc của dân ta, một biểu hiện khác của đấu tranh Quốc-Cộng lồng trong trận đối đầu Đông-Tây thời Chiến tranh lạnh.

Lần này, Hoa Kỳ vào Việt Nam mà không hiểu gì về bản chất cuộc chiến và phạm nhiều sai lầm cho tới khi nản chí bỏ cuộc. Đấy là khi gọng kìm Mỹ-Hoa lại mở ra rồi siết lại với việc Hoa Kỳ kết ước với Bắc Kinh vào năm 1972, hy sinh cả Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 lẫn Trung Hoa Dân Quốc năm 1979, khi Đài Loan bị đuổi ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nhường chỗ cho Trung Cộng….

Ngày nay, 36 năm sau, khi Trung Cộng tìm lại vị trí cường quốc kinh tế và quân sự đến độ thách đố vị trí siêu cường của Hoa Kỳ, “gọng kìm Mỹ-Hoa” lại có thể gây khó khăn cho các nước nhược tiểu trong khu vực.

Hai: Mỹ-Hoa Đối Thoại và Đối Đầu

Trong lịch sử mấy ngàn năm, Trung Quốc chỉ là cường quốc lục địa, có ảnh hưởng tại miền Đông của cả đại lục Âu-Á và có thể tự túc nhờ tài nguyên trong lục địa, cùng lắm là qua Con Đường Tơ Lụa vào Trung Á. Trong lịch sử mấy trăm năm, Hoa Kỷ sớm thành cường quốc hải dương do vị trí trung tâm giữa hai đại dương lớn nhất địa cầu, với ý chí nổi bật từ đầu thế kỷ 20 là kiểm soát được mọi vùng biển trên thế giới.

Ngày nay, Trung Cộng là cường quốc lệ thuộc vào thế giới bên ngoài về kinh tế, từ năng lượng đến thủy sản - nhất là thủy sản cho một nước đói ăn, khát dầu và thiếu nước - và sống nhờ các thị trường đầu tư hay xuất nhập cảng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử xứ này.

Mà Bắc Kinh cũng muốn kiểm soát được vùng biển từ cận quyên qua viễn duyên, mục tiêu an ninh là để bảo vệ kinh tế và mục tiêu kinh tế là phát triển khả năng quân sự cho nhu cầu bảo vệ an ninh. Với Trung Cộng, an ninh và kinh tế là hai mặt của một đồng tiền, thị trường và chính trường chỉ là một. Điều này, ít ai nhìn ra nếu không hiểu rõ lịch sử Trung Hoa. Chúng ta hiểu rõ nhưng chỉ để giải trí!

Vì đã khống chế khu vực miền Đông của đại lục Âu-Á, lại bị các dị tộc ở vùng biên ngoại tấn công và làm chủ Trung Nguyên trong 650 năm của hơn ngàn năm vừa qua, lãnh đạo Bắc Kinh không tin vào tinh thần hợp tác của các nước trong Thế kỷ 21 của toàn cầu hóa. Họ suy nghĩ từ Thế kỷ 19, muốn dùng phương tiện kinh tế mới có để xây dựng vùng trái độn quân sự ở ngoài biển, như đã thực hiện tại Tân Cương và Tây Tạng trong lục địa từ những năm 1950. Họ gọi đó là hạch tâm nghĩa lợi, quyền lợi cốt lõi có chính nghĩa. Nôm na là thôn tính lãnh hải và lãnh thổ của lân bang trong một vòng ngày càng mở rộng theo khả năng kinh tế.

Trong hiện tại và đến vài chục năm tới, Trung Cộng chưa thể tấn công hay khống chế siêu cường hải dương là Hoa Kỳ. Nhưng từ nay đến ngày vượt Mỹ để đoạt vị trí siêu cường số một - họ mơ là vào năm 2049, nội dung của “Trung Quốc Mộng” - lãnh đạo Bắc Kinh muốn giới hạn và cản trở khả năng can thiệp hay gián chỉ của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Không thể bị Trung Cộng trực tiếp tấn công vào lãnh thổ - trong một kịch bản đại chiến rất khó xảy ra - Hoa Kỳ chỉ đòi Bắc Kinh tôn trọng không phải chủ quyền của các nước láng giềng tại Đông Á, mà quyền giao thông tự do trên vùng biển.

Một lý do khác của chủ trương “tối thiểu” ấy là Hoa Kỳ đã có khả năng kiểm soát các eo biển chiến lược trên dòng hải lưu từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, qua Nam Dương quần đảo tới Úc Châu, và từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương để tiến tới Trung Đông và Âu Châu như Bắc Kinh đã vẽ ra trên đường bành trướng của họ. Chính là khả năng kiểm soát của Hoa Kỳ, về cả ngoại giao lẫn quân sự, mới khiến Bắc Kinh e sợ là sẽ có ngày bị Hoa Kỳ phong tỏa, như Hoa Kỳ đã từng phong tỏa Nhật Bản trước đây.

Sự sợ hãi ấy khiến Trung Cộng lấy nhiều rủi ro trong nỗ lực lấn chiếm, trước sự thản nhiên có vẻ thụ động của Hoa Kỳ.

Vì vậy, các nước nhỏ hay yếu trong khu vực mới bị kẹt vào cảnh ngộ vừa đối đầu vừa đối tác giữa hai cường quốc Mỹ-Hoa. Xứ nào lầm tưởng là nhờ sức đối đầu của Mỹ mà mình bảo vệ được chủ quyền trước áp lực của Tầu thì lại thất vọng nữa. Vốn dĩ đang có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, Hoa Kỳ không muốn làm chuyện ấy cho thiên hạ và mặc nhiên phó thác việc tự vệ cho các cường quốc trong khu vực, như Nhật, Úc hay Ấn Độ.

Còn các nước kia thì tự lo lấy thân. Họ lo như thế nào?

Ba: Trường Hợp Đài Loan

Là hậu thân của Trung Hoa Dân Quốc, ra đời tử năm 1911, và trước tiên có kinh nghiệm xương tủy về sự thiếu am hiểu, bất nhất và lật lọng của Hoa Kỳ từ 70 năm trước, Đài Loan sớm tự chuẩn bị, từ thời Tưởng Giới Thạch rồi con trai là Tưởng Kinh Quốc.

Áp dụng quy luật thị trường cho mục tiêu phát triển, Đài Loan nhắm vào ngoại thương để tìm sức bật hầu thoát khỏi ngoại viện của Mỹ. Thường xuyên bị Bắc Kinh uy hiếp bằng võ lực từ những năm 1950, Đài Loan tập trung phát triển quyền lực của trung ương qua hệ thống độc đảng. Nhưng rồi cũng từ Tưởng Kinh Quốc trở về sau, họ tiệm tiến thử nghiệm giải pháp đa đảng và chủ động thiết lập nền dân chủ từ những năm 1980.

Sau Nhật Bản vài thập niên và cùng Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn), Đài Loan đã phát triển mạnh về kinh tế, vươn lên tầng lớp công nghiệp giàu có và tự xây dựng chế độ dân chủ, với các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Lần đầu tiên mà Quốc Dân Đảng bị mất quyền là vào năm 2000 khi đảng Dân Chủ Tiến Bộ hay Dân Tiến DPP nắm lấy Hành pháp. Tám năm sau, QDĐ trở lại cầm quyền và thi hành chánh sách hiếu hòa và thân Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mã Anh Cửu. Nhưng tám năm cầm quyền của QDĐ lại gây vấn đề về kinh tế xã hội và làm quần chúng thất vọng vì QDĐ quá quỵ lụy Bắc Kinh nên đảng Dân Tiến thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày 16 Tháng Giêng vừa qua.

Kể từ Tháng Năm này, Tổng thống Thái Anh Văn và Quốc hội do đa số Dân Tiến kiểm soát sẽ đưa Đài Loan qua hướng khác.

Không nhất thiết là đòi độc lập và thành “Cộng Hòa Đài Loan” để Bắc Kinh có lý cớ gây hấn, đảng Dân Tiến sẽ xa dần quỹ đạo Trung Cộng và hội nhập vào thế giới bên ngoài, với lập trường thực tiễn hơn về chủ quyền trên các quần đảo ở xa, kể cả đảo Ba Bình mà KMT đã chiếm của Việt Nam vào năm 1956. Đài Loan sẽ không “ôm rơm nặng bụng” mà tạo ra hình ảnh của một quốc gia hiếu hòa, có sức tự vệ nhưng không tranh chấp về chủ quyền với các nước Đông Nam Á.

Về ngoại giao, họ mặc nhiên đẩy Bắc Kinh vào vị trí hung hăng xâm lược.

Cũng do kinh nghiệm xương tủy với Hoa Kỳ từ những năm 1946-1949, Đài Loan vận dụng cộng đồng người Mỹ gốc Hoa thành lực lượng đấu tranh rất mạnh trong chính trường Mỹ. Vì vậy, khi bị Chính quyền Hoa Kỳ bỏ rơi - từ Richard Nixon tới Jimmy Carter – lực lượng đấu tranh này đã vận động Quốc hội Mỹ ban hành đạo luật “Bảo vệ Đài Loan” năm 1979. Đạo luật vẫn hiệu lực và xác định Hoa Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ Đài Loan, ít nhất là bán võ khí phòng thủ cho Đài Loan.

Dù có muốn làm vừa lòng Bắc Kinh, Hành pháp Hoa Kỳ ngày nay vẫn không thể hy sinh Đài Loan. Lập trường ôn hòa và hội nhập của đảng Dân Tiến còn giúp Đài Loan có thể thương thuyết và gia nhập Hiệp ước TPP sau khi Hiệp ước này được áp dụng từ năm tới.

Về căn bản, Đài Loan không muốn gây khó cho Hoa Kỳ về quy tắc “Nhất quốc Lưỡng chế” do Nixon nhập nhằng đề nghị năm 1972, theo tinh thần một quốc gia Trung Hoa có hai chế độ chính trị khác biệt tại Hoa lục và Đài Loan. Nhưng chính là cách hành xử gần đây của Bắc Kinh với Hong Kong – cũng theo khuôn khổ “Nhất quốc Lưỡng chế” do Đặng Tiểu Bình đề nghị khi thu hồi Hong Kong năm 1997 – lại khiến dân Hong Kong và Đài Loan đều không muốn là công dân của Trung Quốc.

Đấy mới là “quyền lực mềm” của một nước nhược tiểu làm Đại Bá Trung Cộng và Đại Điếm Hoa Kỳ lúng túng không ít. Sức mạnh của Đài Loan không chỉ có võ khí mà còn có lòng dân, qua thể chế dân chủ do Đài Loan xây dựng lấy, không do Hoa Kỳ áp đặt. Ngoài ra, khả năng vận động rất hữu hiệu của cộng đồng người Mỹ gốc Hoa, cũng góp phần quyết định.

Mới hình thành từ 40 năm nay, cộng đồng người Mỹ gốc Việt chưa được như vậy.

Bốn: Trường Hợp Phi Luật Tân

Khác với Đài Loan là một đảo quốc có vài đảo nhỏ và khác Việt Nam là bán đảo, Phi Luật Tân là một quốc gia quần đảo có hơn 7.500 đảo nhỏ và ba cụm đảo lớn, là Luzon, Visayas và Mindanao. Về địa dư, Phi Luật Tân ở xa Trung Cộng hơn Đài Loan hay Việt Nam, vì gần Nam Dương quần đảo, biển Phi Luật Tân và Thái Bình Dương. Về lịch sử, Phi Luật Tân lại ở gần Hoa Kỳ hơn….

Rất đại lược thì gần trăm năm sau thời lập quốc, lần đầu tiên Hoa Kỳ không nghe các bậc tổ phụ sáng lập mà can thiệp vào “chuyện thiên hạ” – thiên hạ khi ấy là Âu Châu. Đó là gây chiến với Đế quốc Tây Ban Nha vì số phận của Cuba ở ngoài Vịnh Mễ Tây Cơ, vùng biển chiến lược cho Hoa Kỳ. Sau khi thắng Tây Ban Nha năm 1898, Hoa Kỳ thừa hưởng cả Cuba lẫn Phi Luật Tân - một thuộc địa khác của Tây Ban Nha từ giữa thế kỷ 16.

Đấy là khi lần đầu tiên Mỹ có thuộc địa tại Châu Á, ở vùng cực Đông. Năm 1935, Hoa Kỳ từ bỏ dần chế độ thuộc địa tại Phi và khi Thế chiến II kết thúc thì trả độc lập cho xứ này sau khi Phi Luật Tân bị Nhật cai trị trong một giai đoạn ngắn.

Do lịch sử là một quần thể đa chủng, đa văn hóa và tôn giáo, bị Tây phương cai trị từ đầu, Phi Luật Tân chậm trở thành một quốc gia, với ý thức độc lập minh định theo tinh thần chống ngoại bang (Tây Ban Nha rồi Hoa Kỳ) trên nền móng dân tộc mơ hồ. Do địa dư là một quần đảo phải hợp nhất, Phi Luật Tân cần một lực lượng bộ binh rất lớn, đông gấp ba lực lượng hải quân, và nương vào các cường quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đấy là một mâu thuẫn từ định mệnh.

Trong thế kỷ 20, nhất là thời Chiến tranh lạnh, Phi cho Hoa Kỳ mở ra tổng cộng bảy căn cứ quân sự, lớn nhất là căn cứ hải quân tại Subic Bay và không quân tại Clark Field. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ phần nảo giải tỏa hay trì hoãn được nhiều mâu thuẫn về chủ quyền trên các hải đảo tại phía cực Đông của vùng quần đảo mà ta gọi là Trường Sa và Phi thiết lập bang giao với Trung Cộng kể từ năm 1975, khi xứ này còn là một cường quốc đại lục. Ở bên trong, Phi Luật Tân cũng dân chủ hóa dần dần, chậm hơn mà không êm thấm bằng Đài Loan và Nam Hàn, với việc chế độ độc tài Fernidand Marcos bị lật đổ đúng 30 năm trước, năm 1986 và bà Corazón Aquino lên làm Tổng thống. Đương kim Tổng thống là Benigno Aquino III là con trai của bà.

Khi Chiến tranh lạnh kết thúc thì xứ này mắc kẹt vì nhiều chuyển động trái chiều.

Ý thức độc lập khiến Chính quyền Manila muốn chấm dứt sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ kể từ năm 1992. Nhưng việc Trung Cộng xuất hiện như cường quốc hải dương có tham vọng bành trướng lại dẫn tới nhiều vụ đụng độ trong các năm 1994-1995 khiến Manila phải duyệt lại đối sách với Mỹ. Phi Luật Tân có Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Quân sự với Hoa Kỳ từ năm 2014 và Mỹ đang sử dụng tám căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Phi.

Từ 1986 tới nay, Phi Luật Tân có năm đời Tổng thống, mỗi Tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ năm năm. Trong quan hệ vừa đối đầu vừa hợp tác với Bắc Kinh, Phi có lúc thỏa nhượng mạnh là dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, nổi tiếng tham nhũng và bị Bắc Kinh mua chuộc. Được bầu lên lãnh đạo từ năm 2010 thì Tổng thống Aquino III có lập trường dứt khoát chống Bắc Kinh và củng cố quan hệ với Hoa Kỳ cùng Nhật Bản.

Với dân số khoảng 103 triệu, hơn Việt Nam chút đỉnh và lợi tức đầu người cao gấp rưỡi, thật ra, Phi Luật Tân không là cường quốc quân sự nhưng có lập trường dứt khoát nhất chống đà bành trướng của Trung Cộng. Yếu tố địa dư, là ở xa tầm đạn của Bắc Kinh, không thể giải thích hết vì đã có quá nhiều đụng độ quân sự. Yếu tố Hoa Kỳ cũng chẳng giải thích hết vì có lúc Phi Luật Tân tưởng là khỏi cần Mỹ. Yếu tố chính là xứ này đang củng cố nền dân chủ theo Tổng thống chế và Tổng thống đắc cử phải chiều theo ý dân mà coi việc bảo vệ chủ quyền là một ưu tiên trong chánh sách đối ngoại.

Ngày nay, Manila khắng khít hợp tác với Mỹ-Nhật và kiện Trung Cộng trước Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc về tội xâm phạm chủ quyền và Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS vì người dân muốn như vậy.

Việt Nam chưa được như thế! Bài này xin kết thúc với trường hợp Việt Nam.

Năm: Trường Hợp Việt Nam

Trong ba quốc gia đang gặp áp lực của Trung Cộng mà chúng ta tìm hiểu ở đây, Việt Nam có hoàn cảnh bất lợi nhất.

Về địa dư hình thể, lãnh thổ Việt Nam là nơi duy nhất mà cường quốc Trung Hoa sử dụng để bành trướng ra ngoài nhờ trận địa chiến với cấp độ sư đoàn trở lên. Trong mấy ngàn năm lịch sử, không phải rặng Hy Mã Lạp Sơn, sa mạc Tân Cương, cao nguyên Thanh Tạng, hoặc núi rừng hiểm trở của Miến Điện, của Mãn Châu hay thảo nguyên Nội Mông và Tây Bá Lợi Á, mà là các tỉnh miền Bắc và Vịnh Bắc Bộ là ngả xâm lược truyền thống của Trung Quốc.

Nhưng qua ba bốn lần xâm lược, lần nào cường quốc phương Bắc cũng để lại thủ cấp của các danh tướng trên chiến trường Việt Nam. Lần cuối và chói lọi nhất là Chiến thắng Kỷ Dậu 1789 mà chúng ta kỷ niệm hôm nay. Ngoại lệ là trận tấn công của Trung Cộng cách nay đúng 36 năm, vào Tháng Hai năm 1979: họ bị tổn thất nặng nhưng không mất viên tướng nào. Còn sáu tỉnh miền Bắc của nước ta bị làm cỏ mà lãnh đạo Hà Nội vẫn không cho phép người dân tưởng niệm.

Điều ấy cho thấy hoàn cảnh bất lợi kia: là sự xuất hiện và chiến thắng của đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hong Kong năm 1930 như một chi bộ Trung Quốc của tổ chức Đệ tam Quốc tế do Liên Xô lãnh đạo. Quan hệ chủ tớ của Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc với Cộng sản Việt Nam dẫn tới cuộc tương tàn lồng trong Thế chiến II và suốt thời Chiến tranh lạnh khiến Cộng sản Việt Nam chiếm được một nửa nước vào năm 1954 rồi chiến thắng tại miền Nam từ năm 1975.

Trong giai đoạn 1945-1975, những bất nhất và sai lầm của Hoa Kỳ là yếu tố tai hại cho Việt Nam và đưa Việt Nam vào gọng kìm Mỹ-Hoa. Nhưng sự kiện ấy  không khỏa lấp nhiều nhược điểm của miền Nam, đã có tự do, cố xây dựng dân chủ ngay trong thời chiến, dưới sự can thiệp và chỉ đạo dại dột của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sự chủ quan duy ý chí của Cộng sản Hà Nội mới tai hại hơn vì đã tự Hán hóa tại miền Bắc theo màu sắc Mao Trạch Đông, rồi gieo rắc chiến tranh ở trong Nam khiến Việt Nam kiệt quệ và tụt hậu so với các nước nhược tiểu kia.

Sau khi chiến thắng nhờ sự nản chí và lật lọng của Hoa Kỳ, Cộng sản Việt Nam còn chủ quan hơn nên tiến hành “cải tạo” trong Nam và nương vào Liên Xô mà chết kẹt trong mâu thuẫn Nga-Hoa, rồi bị Đặng Tiểu Bình “cho một bài học về tội bội phản” đầu năm 1979. Khi Liên Xô tan rã, Cộng sản Việt Nam mồ côi quan thầy nên cúi đầu đi vào trật tự Trung Cộng từ mật nghị tại Thành Đô năm 1990.

Qua mấy chục năm đó, kể từ trận Hoàng Sa năm 1974 khi miền Nam hấp hối, đã đành rằng Việt Nam mất dần chủ quyền vào tay Trung Cộng trên các quần đảo từ Hoàng Sa tới Trường Sa và ngay trong lãnh thổ do các dự án mờ ám trao cho tay chân của Bắc Kinh thực hiện. Nhưng Việt Nam thật sự mất chủ quyền ngay tại Hà Nội vì đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận mọi yêu sách của Bắc Kinh.

Mục tiêu của đảng là tồn tại để cùng Trung Cộng khai thác tài nguyên của Việt Nam. Vì vậy, đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều tỷ phú nhất với bãi đáp tại Mỹ!

Dân Đài Loan có thể phản đối chính sách quỵ lụy Bắc Kinh của Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Mã Anh Cửu. Dân Phi có thể truy tố Tổng thống Macapagal-Arroyo và bầu lên một Tổng thống trong sạch và quả cảm hơn với Trung Cộng. Người Việt Nam nào mà phản đối Trung Cộng thì bị đảng Cộng sản Việt Nam cho vào tù vì những tội danh huyền hoặc quái đản.

Trước sức ép ngày càng công khai rõ rệt của Bắc Kinh, nhiều người Việt ở trong và ngoài đảng và trong hay ngoài nước đã mơ việc cải tiến quan hệ với Hoa Kỳ để tìm thế quân bình, hay tìm phương tiện tự vệ. Đấy là chuyện viển vông vì siêu cường Hoa Kỳ lại có lối tính toán khác.

Từ 20 năm nay, Hoa Kỳ có cải thiện quan hệ với chế độ độc tài và tham nhũng tại Hà Nội nhưng không vì lý do an ninh mà vì quyền lợi. Về an ninh thì dù Chính quyền Obama nói tới việc “chuyển trục” về Đông Á từ năm năm trước, Hoa Kỳ chưa có chánh sách cụ thể như nhiều giới chức quốc phòng đã yêu cầu. Hoa Kỳ không sợ Trung Quốc và chẳng có nhu cầu đối đầu mà chỉ muốn đối thoại, chuyện an ninh tại Đông Á thì phó mặc cho các cường quốc khác trong khu vực.

Chính là thái độ nhu nhược của Hoa Kỳ, vào năm cuối của một Tổng thống chỉ muốn cải tạo nước Mỹ mà thoái thác trách nhiệm quốc tế, khiến Bắc Kinh càng ráo riết lấn lướt và tạo ra sự đã rồi với các đảo nhân tạo được quân sự hóa.

Với quốc tế, Bắc Kinh chơi trò “mềm nắn rắn buông”. Vì phản ứng dữ dội và kế hoạch tái võ trang của Nhật Bản, nếu phải buông vùng Đông Bắc Á thì họ nắn vùng Đông Nam Á. Với tập thể Đông Nam Á, Bắc Kinh áp dụng chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc” để tổ chức ASEAN không có tiếng nói chính thức chống Trung Cộng và ít ra đòi Bắc Kinh tuân thủ quy tắc hành xử biết điều do họ đề nghị năm 2002. Trung Cộng có thành công phần nào là nhờ ba chiếc đũa Đông Dương đã bị bẻ là Việt, Miên, Lào, nhưng chủ yếu là nhờ sự thoái nhiệm của Hoa Kỳ.

Vì vậy, gọng kìm Mỹ-Hoa lại gây khó khăn cho các nước nhược tiểu trong vùng.

Trong số này, Việt Nam không là tiểu, nhưng hoàn toàn nhược vì đảng Cộng sản. Nếu có dân chủ như Đài Loan hay Phi Luật Tân thì may ra Việt Nam có thể huy động được sức mạnh của người dân để bảo vệ Tổ quốc, nhưng Việt Nam không có dân chủ nên mất chủ quyền.

***

Nam Hoa Kinh của Trang Tử có truyện “Cắp Hòm”. Một ông phú hộ sợ kẻ trộm vào nhà ăn cắp nên để hết báu vật trong rương và bên ngoài thì đóng đai cho chặt. Khi kẻ trộm vào nhà thì chỉ ôm lấy cái hòm là lấy hết, và thầm cám ơn viên phú hộ đã khóa hòm rất chặt. Nhờ ách độc tài, đảng Cộng sản Việt Nam đã khóa hòm rất chặt - và đang trao trọn gói cho Bắc Kinh.

Trong ba quốc gia được đề cập ở đây, Việt Nam có quốc gia sớm nhất và ý thức dân tộc mạnh nhất. Trong bài Chiếu Xuất Quân vào Mùa Xuân Kỷ Dậu, Quang Trung Nguyễn Huệ đã phán:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ.

Vào Thế kỷ 21, tinh thần “Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ” đòi hỏi không phải là sự bảo vệ thất thường của Hoa Kỳ mà là quyền làm chủ của người dân Việt. Kinh nghiệm Đài Loan, Phi Luật Tân và cả sự suy bại kinh tế ngày càng rõ ràng của Trung Cộng cho thấy niềm hy vọng. Vấn đề Trung Cộng của thế giới thì các nước phải cùng lo. Vấn đề Trung Cộng của Việt Nam thì nằm tại Hà Nội, và người Việt phải lo lấy chuyện đó, chứ đừng nên trông cậy vào nước Mỹ….

Bài tiểu luận này kết thúc ở cái hòm của Trang Tử, một triết gia và nhà ngụ ngôn cự phách có tư tưởng duy tâm chứ không duy vật.

Cái hòm tài sản được Hà Nội giao nộp cho Bắc Kinh chỉ là những sản phẩm vật chất. Còn tinh thần và hồn nước của người dân Việt thì không thể bị trói trọn gói mà nhốt vào hòm. Sức mạnh tinh thần đó khiến cho nhiều người vẫn đứng lên tranh đấu, từ ngàn xưa tới ngàn sau và ngay trong hiện tại ở Việt Nam. Bắc Hà có mục nát thì từ Bình Định, Phú Xuân vẫn có người áo vải đứng dậy, và Nghệ An vẫn có người hưởng ứng, để như thác lũ tiến vào Thăng Long, làm long trời lở đất.

Đấy cũng là lý do vì sao, trên đất Mỹ này, và dưới mái chùa, chúng ta vẫn cùng hội họp để nhắc đến hào khí Đống Đa, và không chấp nhận cúi đầu dưới sự áp đặt của các đại cường….






No comments:

Post a Comment