Thursday, March 3, 2016

NHỮNG CÁNH ĐỒNG HẤP HỐI VÌ HẠN, MẶN (Nhóm Phóng Viên RFA)





Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2016-03-01

.
Những con kênh nhiễm mặn ngày càng trở nên quen thuộc. AFP photo

Người dân Tây Nam Bộ đang đối mặt với nguy cơ không còn ruộng đồng để canh tác. Ở một số tỉnh như Bến Tre, Kiên Giang, Long An, người nông dân nơi đây vốn tự tin mình đang sống giữa vựa lúa và người ta có thể thiếu bất kỳ thứ gì nhưng không thể thiếu lúa, thiếu gạo. Tuy nhiên, tình trạng hạn, mặn và những cánh đồng có nguy cơ mất khả năng cưu mang cây lúa, dẫn đến hệ quả mất mùa và đói kém với người nông dân đang là chuyện đau đầu ở các tỉnh này. Nguyên nhân của vấn đề này ở đâu? Đây vẫn là một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.

Những dòng sông mặn

Một cán bộ sở nông nghiệp phát triển nông thôn không muốn nêu tên ở tỉnh Long An cho biết: “Các tỉnh khách như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang cũng bị rồi. Ruộng mà nước mặn vô thì không được, cây ăn trái cũng hỏng. Người ta đang cố gắng xây những cây nước máy để xài, đi ghe thuyền thì mua theo nước ngọt để mang theo, hiện tại người dân phải mua nước ngọt để xài. Người ta có những cái đập để ngăn nước mặn, khi thấy nước mặn vô thì người ta ngăn lại để giữ chút nước ngọt còn lại để xài. Sinh hoạt khó khăn hơn khi thiếu nước ngọt.”

Vị này cho rằng nguyên nhân chính của hạn, mặn không phải là thời tiết thay đổi. Bởi tình trạng nắng hạn vẫn chưa hề xảy ra ở Tây Nam Bộ và không thể nói rằng vì hạn hán mà các cánh đồng ở Kiên Giang, Long An, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng và nhiều tỉnh khác đang chết dần chết mòn vì thiếu nước, vì mặn.

Vị này cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng hạn, mặn ở các tỉnh Tây Nam Bộ vẫn là các con đập chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, tức là sông Cửu Long. Bởi lực đẩy của nước vẫn là vấn đề then chốt để thủy triều ngoài biển khỏi xâm nhập vào đồng bằng. Dòng chảy ổn định của sông Cửu Long mấy ngàn năm nay, thậm chí hàng triệu năm nay đã mang phù sa mỗi mùa mưa lũ để bồi đắp hình thành đồng bằng sông Cửu Long.

Và khi nói về đồng bằng sông Cửu Long, người ta sẽ nói đến những con sông tràn ngập phù sa, những cánh đồng cò bay thẳng cánh và lúa trĩu hạt hay những khu vườn xanh ngút mắt, trái ngọt, chim chóc và con người hiền lành. Nói về miệt Tây Nam Bộ, đôi khi giống như nói vể một truyền thuyết giữa đời thường với con người hiền hòa, cây trái chín ngọt và chim bay rợp trời, cá lượn đầy sông, lúa thóc đầy bồ. Một sự bình an nào đó thoáng qua khi nói đến ba chữ Tây Nam Bộ.

Nhưng hiện tại, đây chỉ là một chuyện cổ tích hay một quá khứ xa xôi nào đó, người dân Tây Nam Bộ đang chết dần chết mòn vì những con đập thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông. Hiện nay đã có hàng chục ngàn héc ta diện tích trên tổng diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, mặn. Trong đó, những tỉnh có cao độ kém so với mực nước biển là chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Bởi các nhánh sông khô cạn, thiếu lực đẩy của nước nên mỗi dịp giữa tháng và đầu tháng, mực thủy triều dâng cao và tha hồ tràn vào các nhánh sông, từ đây, nước các nhánh sông sẽ tràn vào đồng ruộng. Bởi hầu hết ruộng đồng Tây Nam Bộ đều dùng thủy lợi tự nhiên từ các con sông chứ không dùng máy bơm như các cánh đồng miền Trung hay miền Bắc nên khi nước sông tràn vào, nếu không kịp đóng cửa ngăn nước thì coi như tai họa đã đến.

Và các cửa thoát nước hay xả nước dẫn vào các cánh đồng đều được xây dựng theo phương pháp thủ công, gia truyền từ hàng trăm năm nay, cấu trúc khá đơn giản. Điều này dẫn đến khi có nước mặn tràn vào, tác động của con người chỉ là sự gắng gượng, không có hiệu quả. Và nước mặn đi đến đâu thì đồng lúa bị ngập mặn đến đó.

Tại trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây, từ tháng Ba đến đầu tháng Năm, nguồn nước ngọt có khả năng xuất hiện một vài ngày vào lúc chân triều thời kỳ kém, thời gian còn lại nước mặn hoàn toàn.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo độ mặn cửa Định An dọc sông Hậu từ tháng Hai tới tháng Năm năm 2016 sẽ mất khả năng lấy nước ngọt như khu vực lân cận cống Cần Chông tại trạm Tân Hóa. Đặc biệt, dọc sông Cái Lớn, tại trạm Gò Quao, từ cuối tháng Hai trở đi mặn cao, gần như không xuất hiện nước ngọt.

Lúa không lên nổi vì thiếu nước. RFA photo

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hai loại hình sản xuất là nuôi tôm ven biển và vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

Vị này cho rằng nêu lý do hiện tượng El Nino chi phối làm ảnh hưởng các cánh đồng Tây Nam Bộ là cách nói không thật. Bởi lưu lượng nước trên các nhánh sông Cửu Long chỉ còn lại chưa bằng một phần ba so với trước khi các đập thủy điện phía thượng nguồn đi vào hoạt động.

Ví dụ như sông Vàm Cỏ Tây chảy qua tỉnh Long An, trước đây ba năm, mực nước vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch sẽ dẫn từ ba đến bốn mét và mực nước vào mùa mưa lũ thì dâng lên sáu hoặc bảy mét, có khi mười mét so với mực nước biển. Nhưng hiện tại, mực nước chỉ dao động từ một đến hai mét so với mực nước biển. Trong tình trạng này, khi thủy triều lên, nước biển dễ dàng tràn vào các con sông. Và hậu quả của nó là các cánh đồng sẽ thừa muối nhưng lại thiếu nước ngọt để sản xuất.

Hiện tại trên con sông này, chiều dài xâm nhập mặn đã lên hơn 100 km, nhiều gia đình đang lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt để sinh hoạt.

Những khu vườn cũng hấp hối vì mặn

Một nông dân tên Thiện, hiện sống tại huyện Ba Tri tỉnh Bến tre, chia sẻ: “Tuy mới nhiễm mặn nhưng mà hậu quả quá nghiêm trọng. Bởi như hoa màu nó bị nhiễm mặn nó đâu phát triển được, năng suất sụt giảm, khắc phục phải rất lâu…”

Theo ông Thiện, chuyện hạn, mặn không chỉ dừng lại ở các cánh đồng trồng lúa Tây Nam Bộ mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các vườn cây ăn trái. Bởi hầu hết nguồn nước tưới cây ăn trái ở Tây Nam Bộ đều dựa vào các con sông. Người ta dùng máy bơm công suất  lớn để đẩy nước từ các con sông vào tưới vườn.

Và nước được phun trực tiếp lên các đọt cây, trái cây. Một khi nước bị nhiễm mặn sẽ dẫn đến hậu quả chỉ cần tưới hai lần, trái, hoa và lá sẽ bị rụi và thối rữa sau một ngày nắng. Và đương nhiên người nông dân không phải ai cũng có thiết bị để đo nồng độ mặn của nước nên chuyện cả một vườn cây bị rụng trái, khô đọt, rụng hoa sau vài ngày tưới là chuyện bình thường.

Ông Thiện cho biết thêm là các vườn cây miệt Tây Nam Bộ có trĩu ngọt hay không là nhờ vào lượng nước mang phù sa tưới cây mỗi ngày. Người làm vườn nào ở Tây Nam Bộ cũng có thói quen bơm nước tưới cây mỗi ngày. Việc tưới diễn ra từ tám giờ sáng đến mười giờ sáng. Những ngày nắng hạn, việc tưới cây sẽ được thực hiện hai lần trong một ngày.

Và với đà thiếu nước khi mặn xâm nhập như đang thấy, các vườn cây ăn trái và hoa màu ở miệt Tây Nam Bộ đang thực sự đối mặt với nguy cơ chết trắng khi mùa nắng tới. Bởi mùa nắng, lượng nước ở các con sông còn xuống thấp hơn và không riêng gì hai hecta ớt của ông Thiện bị chết hay nhiều chục hecta vườn ổi, sầu riêng, xoài, mận, nhãn của nhiều nông dân khác ở đây đang chết mà sẽ rất nhiều vườn cây nữa cũng sẽ chết.

Và rồi đây, khi những cánh đồng Tây Nam Bộ khô khốc vì thiếu nước ngọt, những miệt vườn trơ trọi, những dòng sông không còn tôm cá và bầu trời cũng không còn bóng chim bởi nạn săn bắn, thói quen ăn nhậu thịt chim thì Tây Nam Bộ sẽ ra sao?

Câu hỏi của ông Thiện có lẽ cũng là câu hỏi chung cho người Việt Nam chứ không còn là câu hỏi của người nông dân Tây Nam Bộ nữa!






No comments:

Post a Comment